Sự đóng góp hiệu quả, thực chất của hoạt động kiểm toán đối với công tác quản lý, điều hành của địa phương

29/02/2024
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Cùng với những nỗ lực của Kiểm toán nhà nước (KTNN) trong công tác phối hợp, thực tế cho thấy, sự chủ động “đặt hàng” kiểm toán những chủ đề, nội dung gắn với đặc thù của địa phương đã góp phần nâng cao hiệu quả đóng góp của hoạt động kiểm toán với công tác quản lý, điều hành của mỗi địa phương…

Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn thay mặt KTNN ký Quy chế phối hợp với Thường trực HĐND, UBND tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: N.LỘC

Sự phối hợp hiệu quả, thực chất, có trọng tâm, trọng điểm

Theo Báo cáo kết quả thực hiện Quy chế phối hợp công tác giữa KTNN với Thường trực Hội đồng nhân dân (HĐND), Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Giang và Hải Phòng, sau khi ký kết, các bên đã tích cực, nghiêm túc triển khai thực hiện Quy chế phối hợp trên cơ sở tuân theo pháp luật và quy định của các bên. Công tác phối hợp được tổ chức thực hiện chặt chẽ, có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo mục tiêu đề ra với những nội dung thiết thực, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của mỗi cơ quan…

Việc tổ chức thực hiện kiểm toán phải phát huy tinh thần "chất lượng, chất lượng hơn nữa", tích cực trao đổi với đơn vị trước khi đưa ra kiến nghị để đảm bảo tính khả thi, hiệu quả trong triển khai thực hiện kiến nghị kiểm toán. Đồng thời, phải kịp thời phát hiện những bất cập về cơ chế, chính sách, đặc biệt là chính sách đặc thù của địa phương để đề xuất giải pháp khắc phục, giúp địa phương phát triển.

Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn

Thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã tư vấn giúp các tỉnh hoàn thiện hơn trong công tác quản lý điều hành ngân sách; quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Những thông tin, dữ liệu trao đổi giữa KTNN và Thường trực HĐND, UBND các tỉnh, thành phố đã có tác dụng tích cực, giúp các cấp chính quyền, cơ quan chức năng của tỉnh xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, lập dự toán ngân sách, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, phát huy vai trò giám sát của nhân dân đối với hoạt động của các cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân được giao quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. KTNN đã đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách về tài chính, kế toán nhà nước phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tiễn của từng địa phương, góp phần bịt lỗ hổng trong quản lý ngân sách địa phương.

Khẳng định quan hệ phối hợp được thực hiện một cách toàn diện, thiết thực, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký đánh giá cao những giá trị to lớn mà hoạt động kiểm toán mang lại. Theo đó, thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã giúp cho Quảng Ninh có những thông tin tin cậy, chất lượng tốt để phục vụ cho công tác quản lý của địa phương, góp phần rất quan trọng vào kiểm soát quyền lực cũng như phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hải Phòng Lê Anh Quân cho biết, công tác phối hợp giữa KTNN với Thường trực HĐND, UBND Thành phố được thực hiện trên các mặt công tác theo Quy chế đã đề ra, từ xây dựng kế hoạch kiểm toán; thực hiện kiểm toán; thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán; phối hợp trong hoạt động giám sát, thẩm tra, quyết định dự toán và phê chuẩn quyết toán ngân sách, quản lý và điều hành ngân sách địa phương đến việc bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kiến thức về tài chính, ngân sách cho đại biểu dân cử… “Địa phương luôn phối hợp, tạo điều kiện cung cấp đầy đủ, kịp thời các tài liệu liên quan trong quá trình KTNN làm việc tại Thành phố” - ông Quân nhấn mạnh.

Nhìn lại quá trình phối hợp giữa KTNN với các địa phương, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ đánh giá, kết quả đạt được của hoạt động phối hợp trong thời gian qua đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác của mỗi bên. “KTNN đã tư vấn và giúp các tỉnh, thành phố hoàn thiện hơn trong công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý, sử dụng ngân sách. Ở chiều ngược lại, sự phối hợp tích cực, tạo điều kiện thuận lợi của các địa phương đã góp phần giúp KTNN hoàn thành tốt kế hoạch kiểm toán hằng năm được Quốc hội giao” - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ nhấn mạnh.

Tập trung kiểm toán những vấn đề đặc thù của địa phương

Khẳng định quan hệ phối hợp giữa KTNN và các địa phương ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cho rằng, trong tình hình mới, mối quan hệ phối hợp giữa các bên cần tiếp tục được phát huy và có sự đổi mới hơn nữa. Trên tinh thần thẳng thắn nhận diện, Tổng Kiểm toán nhà nước yêu cầu KTNN khu vực VI cần tiếp tục bám sát Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030, thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm toán theo đúng định hướng, chỉ đạo của lãnh đạo KTNN; tiếp tục phát huy hiệu quả công tác phối hợp với các địa phương; chú trọng đổi mới, đưa các hoạt động phối hợp đi vào chiều sâu. Đặc biệt, KTNN khu vực VI tiếp tục bám sát địa bàn để đề xuất các chủ đề, nội dung kiểm toán, tập trung vào những vấn đề gắn với đặc thù của địa phương.

Nhờ có hoạt động kiểm toán đã giúp thay đổi tư duy, nhận thức trong cán bộ, cũng như tạo ý thức trong mỗi người là bản thân luôn chịu sự kiểm tra, giám sát và ràng buộc bởi các quy định, cơ quan giám sát để từ đó thực hiện theo đúng quy định. Do đó, địa phương đã quán triệt đến các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh cần phải tăng cường kiểm soát rủi ro thông qua hoạt động thanh tra, kiểm toán.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký

Về phía địa phương, Tổng Kiểm toán nhà nước đề nghị Chủ tịch HĐND, UBND các tỉnh, thành phố phối hợp chặt chẽ với KTNN trong xây dựng nhiệm vụ kiểm toán hằng năm cho KTNN khu vực VI đối với việc thực hiện các đề án, chương trình, dự án quan trọng của địa phương và các vấn đề liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công được quan tâm tại địa phương, nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động kiểm toán phục vụ HĐND trong giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương.

Đề cập đến vấn đề này tại buổi làm việc với KTNN khu vực VI, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ cho biết, những yêu cầu đổi mới trong tiếp cận chủ đề, nội dung kiểm toán đặt ra với KTNN khu vực VI ngày càng trở nên quan trọng khi các địa phương thuộc địa bàn kiểm toán đều thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc. Kết quả kiểm toán sẽ có ảnh hưởng đến sự phát triển của địa phương, từ đó tác động đến sự phát triển của đất nước. Do đó, các vấn đề kiểm toán phải sát, từ đó mới kịp thời phát hiện bất cập, giúp địa phương khắc phục, tháo gỡ rào cản để phát triển.

Xác định công tác phối hợp với các địa phương ngày càng đặt ra những yêu cầu, đòi hỏi cao hơn, Kiểm toán trưởng KTNN khu vực VI Vũ Khánh Toàn khẳng định, trên cơ sở tiếp thu ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo KTNN, đề xuất của địa phương, đơn vị sẽ tiếp tục thực hiện tốt Quy chế phối hợp công tác với các địa phương. Đặc biệt, đơn vị sẽ tích cực hơn nữa trong công tác phối hợp trao đổi, lựa chọn vấn đề phục vụ cho xây dựng kế hoạch kiểm toán để đề xuất các chủ đề, nội dung kiểm toán tập trung vào những vấn đề lớn, gắn với đặc thù của địa phương./.

Xem thêm »