Những lưu ý khi kiểm toán các khoản thuế phải nộp tại ngân hàng

30/03/2023
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Ngân hàng thương mại (NHTM) có cơ cấu tổ chức bộ máy đa dạng bao gồm: Hội sở chính, các chi nhánh và công ty con tương ứng với các cách hạch toán, kê khai và quyết toán thuế khác nhau. Do đó, Kiểm toán nhà nước (KTNN) cần có hướng dẫn cụ thể thủ tục kiểm toán các khoản thuế phải nộp ngân sách nhà nước khi kiểm toán tại mỗi đơn vị thuộc NHTM với những lưu ý riêng cho từng loại thuế.

Cần hướng dẫn cụ thể về kiểm toán thuế tại đơn vị có đặc thù riêng

Theo nghiên cứu của ThS. Nguyễn Thị Hải Yến và ThS. Nguyễn Minh Trang - Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán, hiện nay, KTNN đã ban hành Hướng dẫn kiểm toán các tổ chức tài chính - ngân hàng áp dụng cho các loại hình đơn vị được kiểm toán như: Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Phát triển, nhóm các ngân hàng thương mại, nhóm các doanh nghiệp bảo hiểm… Tuy nhiên, Hướng dẫn mới đưa ra thủ tục chung nhất trong việc kiểm toán các khoản thuế, chưa có hướng dẫn chi tiết, cụ thể cho kiểm toán thuế phải nộp tại hội sở chính hay các chi nhánh của NHTM.

Trong khi đó, đặc thù của các NHTM là cơ cấu tổ chức bộ máy thường bao gồm: Hội sở chính, các chi nhánh và các công ty con. Trong đó, công ty con là doanh nghiệp hạch toán độc lập nên phương pháp và các thủ tục kiểm toán tại các đơn vị này có thể vận dụng các quy định và hướng dẫn của KTNN trong lĩnh vực kiểm toán doanh nghiệp. Các chi nhánh thường là đơn vị hạch toán phụ thuộc, hoạt động theo phân cấp của hội sở chính, không thực hiện kê khai và quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN). Còn hội sở chính là đơn vị hạch toán tập trung, thực hiện kê khai và quyết toán thuế TNDN của toàn hệ thống. Do đó, KTNN cần có hướng dẫn cụ thể cho kiểm toán thuế phải nộp tại hội sở chính hay các chi nhánh của NHTM.

Bên cạnh đó, các NHTM có mạng lưới hoạt động rộng khắp cả nước; số cơ sở nhà, đất do các NHTM quản lý và sử dụng thường khá lớn. Tuy nhiên, hiện nay, các đoàn kiểm toán NHTM chưa có các đánh giá về tiền sử dụng đất và tiền thuê đất. Đây là một vấn đề cần đặt ra để nâng cao chất lượng kiểm toán của KTNN. Ngoài ra, thời gian kiểm toán các khoản thuế phải nộp ngân sách tại NHTM khá ngắn (khoảng 2-3 ngày) gây khó khăn trong việc kiểm toán toàn diện, tỉ mỉ để tìm ra những sai sót của đơn vị được kiểm toán.

Về ứng dụng công nghệ thông tin, hiện nay, việc kiểm toán khoản mục thuế mới dừng lại ở mức độ yêu cầu NHTM chiết xuất các file excel, từ đó kiểm toán viên (KTV) chọn mẫu kiểm tra hóa đơn, chứng từ đối với các file này. KTNN chưa có phần mềm hỗ trợ tính toán ra các loại thuế giúp việc xác định chênh lệch thuế được nhanh chóng, chính xác. Khi phát hiện sai sót tại mẫu chọn, KTV sẽ phải yêu cầu đơn vị cung cấp chứng từ còn lại để rà soát, kiểm tra gây mất thời gian, thiếu sự chủ động và giảm tính khả thi của các kiến nghị kiểm toán do đơn vị có thể chây ỳ, không cung cấp số liệu.
 
Đảm bảo chính xác, đầy đủ khi kiểm toán các khoản thuế

Theo nhóm nghiên cứu, các khoản thuế phải nộp đối với NHTM bao gồm nhiều loại thuế khác nhau. Do đó, hoạt động kiểm toán cần phải đảm bảo các mục tiêu: Sự phát sinh, tính đầy đủ, sự tính toán, tính chính xác, tính đúng kỳ và tính tuân thủ.

Trong đó, khi kiểm toán thuế TNDN tại hội sở chính, KTV cần tập trung xem xét các hoạt động đang được ưu đãi thuế, việc tổng hợp các khoản thu nhập/chi phí loại trừ khi tính thuế TNDN và việc quyết toán thuế tại thời điểm chuyển đổi mô hình hoạt động (nếu có). Còn tại các chi nhánh, KTV tập trung kiểm toán việc tổng hợp và báo cáo về hội sở chính các khoản thu nhập/chi phí loại trừ khi tính thuế TNDN.

Ngoài các thủ tục kiểm toán chung, đối với mỗi rủi ro kiểm toán đã đánh giá và xác định, KTV cần kiểm toán tính đầy đủ và đúng kỳ của việc kê khai tính thuế TNDN; kiểm toán tính chính xác của việc kê khai tính thuế TNDN. Các khoản chi phí tài trợ, an sinh xã hội tại các NHTM khá lớn, do đó, KTV cần kiểm tra chứng từ, các khoản chi có đúng đối tượng để được tính vào chi phí được trừ theo quy định Thông tư số 96/2015/TT-BTC.

Đối với kiểm toán thuế giá trị gia tăng (GTGT), KTV tập trung kiểm tra đối chiếu: Số thuế giá trị gia tăng đầu ra hằng tháng trên sổ kế toán với các tờ kê khai thuế chi tiết hằng tháng; doanh thu với hóa đơn bán hàng; tính thuế trên hóa đơn theo chế độ hiện hành; biến động giữa các tháng so với chi phí; số thuế GTGT đầu vào hằng tháng trên sổ kế toán với các tờ kê khai thuế chi tiết hằng tháng; Bảng kê chi tiết thuế GTGT đầu vào được khấu trừ với các hóa đơn chứng từ để phát hiện sự sai lệch; các bút toán nộp thuế trên sổ cái tài khoản thuế với chứng từ trả tiền thuế và biên lai nộp thuế của cơ quan thuế… Ngoài ra, đối với mỗi rủi ro kiểm toán đã đánh giá và xác định, KTV cần kiểm toán: Tính đầy đủ, đúng kỳ và tính phát sinh của việc kê khai thuế GTGT, tính phân loại và chính xác trong kê khai thuế.

Với thuế thu nhập cá nhân (TNCN), KTV cần tổng hợp thu nhập từ tiền lương, tiền công, tiền thưởng, các khoản thu nhập khác phải chịu thuế TNCN và các khoản giảm trừ của từng người cho cả năm; xác định số thuế nộp thừa, nộp thiếu của từng người; tham chiếu đến phần kiểm toán chi lương, thưởng, phụ cấp đặc thù để xem xét việc tính thuế đã đầy đủ chưa; kiểm tra việc hạch toán thuế thu nhập cá nhân trên sổ kế toán; đối chiếu, kiểm tra tính thống nhất giữa sổ chi tiết tài khoản thuế với kê khai thuế, quyết toán thuế…

Đối với các loại thuế khác, nhất là thuế sử dụng đất và tiền thuê đất, KTV cần kiểm tra các thửa đất chưa có đủ hồ sơ pháp lý, các thửa đất có sự chênh lệch về diện tích giữa hợp đồng thuê, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và thông báo nộp tiền, thửa đất có kết quả đo đạc lại diện tích nhưng chưa xác định lại tiền thuê đất. Căn cứ vào tình hình quản lý sử dụng đất của đơn vị, các hồ sơ đất đai đơn vị cung cấp, KTV đối chiếu với Luật Thuế, các quy định của Nhà nước về thuế sử dụng đất và tiền thuê đất để xác định số thuế sử dụng đất và tiền thuê đất phải nộp của đơn vị.

Để tạo thuận lợi cho hoạt động kiểm toán, KTNN cần yêu cầu các NHTM cung cấp thông tin rõ ràng, cụ thể, phản ánh đầy đủ quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị. Cùng với đó, việc áp dụng công nghệ thông tin phục vụ thu thập và xử lý dữ liệu kiểm toán sẽ giúp KTV đánh giá trọng yếu, rủi ro kiểm toán, lựa chọn phương pháp, thủ tục kiểm toán phù hợp trong cả ba giai đoạn của cuộc kiểm toán cũng như công tác kiểm tra, soát xét./.

Thùy Lê
Báo Kiểm toán số 13/2023

Xem thêm »