Kiểm soát từ sớm, từ xa để phòng ngừa, nâng cao chất lượng kiểm toán

08/09/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Nhấn mạnh chất lượng kiểm toán, kỷ luật công vụ, đạo đức nghề nghiệp là mục tiêu hàng đầu, nhất là trong bối cảnh nhiệm vụ của Kiểm toán nhà nước (KTNN) ngày càng nặng nề, yêu cầu đối với KTNN ngày càng cao, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước, phụ trách KTNN Ngô Văn Tuấn yêu cầu các đơn vị kiểm toán phải tuân thủ đúng các quy trình, chuẩn mực khi thực hiện kiểm toán; đồng thời thực hiện các giải pháp nhằm kịp thời ngăn ngừa rủi ro, gây ảnh hưởng đến uy tín của ngành.

Quang cảnh Hội nghị giao ban tháng 8 của KTNN. Ảnh: N. LỘC

Bám sát thực hiện nhiệm vụ kiểm toán
Tính đến thời điểm hiện tại, công tác kiểm toán của KTNN vẫn đang diễn ra theo đúng tiến độ, kế hoạch đề ra. Bên cạnh việc tham gia vào nhiều nhiệm vụ quan trọng khác, như cho ý kiến đối với Dự thảo Kế hoạch kiểm toán năm 2023 và Kế hoạch trung hạn 2023-2025; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán..., các đơn vị kiểm toán đang tập trung thực hiện nhiệm vụ kiểm toán được giao, như thực hiện kiểm toán đợt 3; đôn đốc các đơn vị thực hiện kiến nghị kiểm toán...
 
Thông tin tại Hội nghị giao ban tháng 8 của KTNN, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Vũ Ngọc Tuấn cho biết, đến hết tháng 8, KTNN đã xét duyệt 187 kế hoạch kiểm toán; triển khai 167 đoàn kiểm toán; kết thúc 137 đoàn kiểm toán, xét duyệt 197 báo cáo kiểm toán, phát hành 157 báo cáo kiểm toán. Các cuộc kiểm toán kết thúc đã đảm bảo tiến độ, chất lượng cũng như cơ bản tuân thủ mẫu biểu hồ sơ kiểm toán. “Trong bối cảnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực diễn ra mạnh mẽ, các đơn vị đã tuân thủ thực hiện nghiêm chỉ đạo của lãnh đạo Ngành, cũng như các quy định trong hoạt động kiểm toán để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao” - ông Tuấn cho biết.
 
Theo Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành IV Hoàng Phú Thọ, đến thời điểm hiện tại, đơn vị đang tập trung thực hiện cuộc kiểm toán còn lại được giao trong năm. Bên cạnh đó, đơn vị cũng chú trọng theo dõi, đôn đốc các đơn vị thực hiện kiến nghị kiểm toán. Với tiến độ như hiện nay, đơn vị có thể sớm hoàn thành kế hoạch kiểm toán trước thời hạn; đồng thời phân bổ nguồn lực hợp lý cho các nhiệm vụ kiểm toán khác.
Còn theo Kiểm toán trưởng KTNN khu vực VI Vũ Khánh Toàn, thực hiện chỉ đạo của Tổng Kiểm toán nhà nước, đơn vị cũng đang tập trung cao độ cho nhiệm vụ kiểm toán. “Với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo KTNN, các đơn vị có thêm nguồn động lực để tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ đề ra, trong bối cảnh tình hình còn nhiều khó khăn, thách thức” - ông Toàn cho biết.
 
Lưu ý thời gian từ nay đến cuối năm không còn dài, trong khi còn nhiều nhiệm vụ phải hoàn thành, lãnh đạo các đơn vị kiểm toán được yêu cầu khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình lãnh đạo KTNN phát hành Báo cáo kiểm toán của các đoàn kiểm toán đợt 2; tích cực đôn đốc các đơn vị được kiểm toán thực hiện nghiêm kết luận, kiến nghị của KTNN. Ngoài những nhiệm vụ theo kế hoạch đã được duyệt, lãnh đạo KTNN cũng lưu ý đối với nhiệm vụ cụ thể của một số đơn vị. Trong đó, Vụ Tổng hợp, KTNN các chuyên ngành IV, V và các đơn vị có liên quan tham mưu, xây dựng kế hoạch triển khai nhiệm vụ “Kiểm toán các gói thầu xây lắp trước khi thực hiện chỉ định thầu” được Thủ tướng Chính phủ giao. KTNN chuyên ngành VI xây dựng báo cáo tổng kết đánh giá kết quả thực hiện cuộc kiểm toán từ xa đối với Tập đoàn Bưu chính viễn thông (pháp lý, công nghệ, việc tác nghiệp thực hiện kiểm toán, yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ...), qua đó định hướng, tham mưu, đề xuất các nội dung cần triển khai tiếp theo.
 
Chủ động phòng ngừa, nâng cao chất lượng kiểm toán
 
Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo KTNN, các đơn vị đang tăng cường công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán, từ đó kịp thời phát hiện, ngăn chặn và chấn chỉnh những hành vi tiêu cực có thể xảy ra trong hoạt động kiểm toán, bên cạnh các giải pháp trực tiếp nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng kiểm toán.
 
Theo Vụ trưởng Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán Lê Đức Luận, KTNN đang thực hiện nhiều hình thức kiểm soát, trong đó đặc biệt chú trọng kiểm soát trực tiếp, kiểm soát đột xuất để nâng cao khả năng phát hiện, phòng ngừa sai phạm. Đến nay, Vụ đã phát hành 3 báo cáo kiểm soát chất lượng kiểm toán trực tiếp; tiếp tục kiểm soát trực tiếp 5 cuộc kiểm toán và 2 cuộc kiểm soát chất lượng kiểm toán đối với kiểm toán trưởng... “Thông qua kiểm soát đã góp phần làm chuyển biến nhận thức, ý thức trách nhiệm của kiểm toán viên trong việc thực hiện kiểm toán” - ông Luận cho biết, đồng thời đánh giá công tác kiểm soát đã trở thành thói quen tốt, khi nhiều đơn vị kiểm toán chủ động đề nghị kiểm soát từ sớm.
 
Kiểm toán trưởng KTNN khu vực II Phan Văn Thường cho biết, bên cạnh việc chú trọng công tác kiểm tra, kiểm soát, đơn vị đã tập trung đổi mới, chú trọng nâng cao chất lượng các cuộc kiểm toán ngay từ các khâu đầu tiên; gắn trách nhiệm đến từng đoàn, tổ kiểm toán, kiểm toán viên về kết quả kiểm toán... để từ đó nâng cao trách nhiệm trong hoạt động kiểm toán. “Việc đánh giá, chấm điểm kiểm toán viên được đơn vị thực hiện dựa trên quy định của KTNN và đảm bảo tính kịp thời, thường xuyên, thông suốt giữa các cấp, từ đơn vị đến đoàn, tổ kiểm toán” - ông Thường nêu.
 
Đề cao trách nhiệm của đơn vị, đoàn kiểm toán và từng kiểm toán viên đối với công tác kiểm toán, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước phụ trách Ngô Văn Tuấn yêu cầu các đơn vị kiểm toán và đơn vị có liên quan tập trung tối đa nguồn lực để đảm bảo tiến độ, gắn với chất lượng của từng cuộc kiểm toán. “Các đoàn kiểm toán chú trọng nâng cao hơn nữa chất lượng lập báo cáo kiểm toán, đảm bảo các kết luận, kiến nghị kiểm toán đúng pháp luật, đầy đủ bằng chứng” - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước phụ trách lưu ý.
 
Nhấn mạnh những yêu cầu, nhiệm vụ của KTNN ngày càng nặng nề, đặc biệt trong công tác kiểm toán, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước phụ trách yêu cầu các đơn vị kiểm toán tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để đạt được mục tiêu nâng cao chất lượng kiểm toán, giữ nghiêm kỷ luật công vụ. Trong đó, cần tăng cường công tác nắm bắt tư tưởng, siết chặt kỷ luật công vụ gắn với đạo đức nghề nghiệp Kiểm toán viên nhà nước. Cùng với đó, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao kỹ năng nghiệp vụ và kiến thức cho kiểm toán viên về các lĩnh vực kiểm toán, đặc biệt là các lĩnh vực kiểm toán trọng tâm, nội dung kiểm toán theo yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ./.

Xem thêm »