Đánh giá rủi ro: Chìa khóa để thực hiện hiệu quả cuộc kiểm toán

08/09/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Đánh giá rủi ro được xem là bước cực kỳ quan trọng trong một cuộc kiểm toán. Đây là chìa khóa để xây dựng kế hoạch với các thủ tục kiểm toán phù hợp nhất nhằm giúp cuộc kiểm toán đạt được hiệu quả cao. Đồng thời, việc đánh giá rủi ro cũng là cơ sở để kiểm toán viên (KTV) xem xét thời gian và số lần xoay vòng cuộc kiểm toán tiếp theo.

Việc tuân thủ các tiêu chuẩn đánh giá rủi ro giúp KTV xác định trọng tâm của các thủ tục một cách chính xác khi lập kế hoạch kiểm toán. Ảnh tư liệu

Đánh giá rủi ro giúp xác định đúng trọng tâm kiểm toán
 
Theo Chuẩn mực kiểm toán số 145 - Tìm hiểu đơn vị/môi trường của đơn vị và đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu (SAS 145) do Hội đồng Chuẩn mực kiểm toán (ASB), Viện Kế toán công chứng Hoa Kỳ (AICPA) ban hành, sự hiểu biết tổng thể về hệ thống kiểm soát nội bộ (KSNB) của đơn vị được thể hiện thông qua việc hiểu và đánh giá các khía cạnh nhất định của từng bộ phận sau: Môi trường kiểm soát, Quy trình đánh giá rủi ro của đơn vị, Quy trình giám sát hệ thống KSNB của đơn vị, Hệ thống thông tin và truyền thông, Hoạt động kiểm soát. Sự hiểu biết về các kiểm soát và hệ thống KSNB giúp KTV nhận ra các rủi ro gian lận tiềm ẩn và lỗ hổng trong KSNB có thể dẫn đến rủi ro có sai sót trọng yếu.
 
KTV cần lưu ý rằng, tất cả các cuộc phỏng vấn thông qua hội nghị truyền hình, kiểm tra và xác minh tài liệu từ xa đều có thể cung cấp đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp. Nhưng những phương pháp này cần được xem xét cẩn thận vì có rủi ro tiềm ẩn. Hoặc trong trường hợp KTV kiểm đếm hàng tồn kho qua camera thì cần có thêm một cá nhân khác (có thể là lãnh đạo) giám sát chặt chẽ để đảm bảo ghi nhận số lượng chính xác.
 
Bên cạnh đó, các công cụ trực quan hóa đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện đánh giá rủi ro thông qua việc chuyển đổi một loạt các con số thành một bức tranh sống động, thể hiện rõ những rủi ro cần phân tích sâu và các thủ tục kiểm toán phù hợp. Việc có thể thu thập tất cả dữ liệu cơ bản và phân tích thông qua các quy trình khác nhau là tiền đề quan trọng để KTV có được nhiều thông tin chi tiết về những khu vực cần chú ý trong cuộc kiểm toán và nơi tiềm ẩn nhiều sai sót.
 
Ngoài ra, KTV cũng được khuyến nghị phải hiểu rõ khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính, nhất là nội dung liên quan đến khách hàng và KSNB của khách hàng đó. Việc hiểu rõ hơn về một khách hàng cụ thể và cách thức hoạt động của các hợp đồng sẽ giúp KTV đánh giá về việc liệu doanh thu có được ghi nhận đúng theo các quy tắc kế toán hay không. Từ đó, KTV được cung cấp thêm thông tin về các rủi ro liên quan đến khách hàng và cách họ cung cấp dịch vụ hoặc sản phẩm.
 
Thực tế cho thấy, việc tuân thủ các tiêu chuẩn đánh giá rủi ro giúp KTV xác định trọng tâm của các thủ tục một cách chính xác khi lập kế hoạch kiểm toán. Quan trọng hơn cả, dựa trên rủi ro, KTV sẽ tiết kiệm thời gian và phân công nguồn lực hợp lý cho từng lĩnh vực kiểm toán. Không chỉ vậy, phương pháp kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro cũng tạo điều kiện cho việc giám sát và xem xét hiệu quả của từng cuộc kiểm toán.
 
Lưu ý những lĩnh vực rủi ro cao
 
Theo các chuyên gia của AICPA, việc xác định các rủi ro trọng yếu trong một cuộc kiểm toán đòi hỏi KTV phải có sự đánh giá tổng thể toàn đơn vị, tuy nhiên, sẽ có một số lĩnh vực nhất định cần được xem xét kỹ lưỡng hơn trong quá trình đánh giá. Cụ thể, với định giá tài sản, KTV phải phát huy tối đa khả năng phán đoán và hiểu rõ phương pháp này. Các xét đoán KTV cần lưu ý là: Công cụ tài chính khó định giá, tài sản tồn tại lâu với các chỉ số suy giảm giá trị, các khoản phải thu của bên liên quan và hàng tồn kho lỗi thời.
 
Giao dịch tự động cũng là một điểm cần KTV theo dõi chặt chẽ bởi khi các giao dịch không còn dấu vết trên giấy, KTV sẽ phải tập trung vào môi trường tự động hóa. Đối với các giao dịch tồn tại dưới dạng điện tử, KTV buộc phải am hiểu sâu hơn và áp dụng các biện pháp kiểm soát xử lý thông tin.
 
Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều bất ổn, KTV cần đặc biệt xem xét và đánh giá khả năng hoạt động liên tục của ban lãnh đạo. Nếu phát sinh nghi ngờ về tính hiệu quả và sự tuân thủ pháp luật trong các chỉ đạo, điều hành hoặc hành vi có thể dẫn đến sai phạm của cá nhân trong ban lãnh đạo, KTV cần đánh giá sâu hơn và xác định xem liệu có nên đưa các thông tin này vào báo cáo kiểm toán hay không.
 
Bên cạnh đó, KTV cũng không thể bỏ qua việc kiểm tra hiệu quả hoạt động của các biện pháp kiểm soát để giảm thiểu rủi ro hoặc tiến hành các thử nghiệm mới nhằm đánh giá khả năng ứng phó với các loại rủi ro, nhất là rủi ro đã hiện hữu nhưng khó thay đổi. Ngoài ra, hành động này còn giúp KTV hiểu sâu hơn về các quy trình và kiểm soát được tất cả các thành phần của KSNB, từ đó thiết lập một cách tiếp cận kiểm toán hiệu quả./.

Xem thêm »