Các chương trình kiểm toán SDGs phải được ưu tiên cao nhất

30/09/2021
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

    Những năm qua, Cơ quan Kiểm toán tối cao (SAI) Philippines đã kiểm toán một số chương trình của Chính phủ có liên quan đến các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs). Đặc biệt, với sự hỗ trợ của Cơ quan Sáng kiến phát triển thuộc Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao (IDI), SAI Philippines đã thực hành kiểm toán với những phương pháp mới để góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện những chương trình hướng tới SDGs.

Kiểm toán các chương trình mục tiêu của Chính phủ

4 chương trình mục tiêu mà SAI Philippines đã kiểm toán là chương trình mục tiêu về sức khoẻ, phủ xanh, sữa và hiện đại hóa những cơ quan phòng cháy. Trong đó, các chương trình về sức khỏe, phủ xanh và sữa đều có mối liên hệ với SDG số 1 của Liên Hợp Quốc.

Chương trình về bảo hiểm sức khỏe toàn quốc đã được kiểm toán trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra, do vậy, cần được điều chỉnh cho phù hợp với những tác động của đại dịch. Ngoài ra, SAI Philippines đã kiểm toán việc thực hiện các mục tiêu để tạo ra khung phát triển hệ thống y tế bền vững của quốc gia (SDG số 3) và chú ý đến chương trình xử lý nước thải, chất thải cấp quốc gia.

Liên quan đến việc phổ cập bảo hiểm sức khỏe quốc gia - một trong những mục tiêu của phát triển bền vững, SAI đã kiểm toán tuân thủ theo Luật Bảo hiểm xã hội quốc gia và Bảo hiểm sức khỏe quốc gia năm 2013. Mục tiêu của việc kiểm toán nhằm đánh giá khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế của người dân. SAI đã phối hợp với Công ty Bảo hiểm sức khỏe của Philippines để thực hiện các công việc này. Mục tiêu kiểm toán này phù hợp với SDG số 3 là có thể đảm bảo một cuộc sống khỏe mạnh, an lành cho người dân ở tất cả các độ tuổi, đồng thời cũng đóng góp cho SDG 3.8 nhằm tạo ra bảo hiểm sức khỏe toàn dân, để người dân có quyền tiếp cận một nền sức khỏe chất lượng với thuốc và vắc-xin.

Chính phủ Philippines cũng xây dựng những chỉ số để đo lường việc thực hiện này, trong đó có chỉ số về tỷ lệ dân số được hưởng bảo hiểm sức khỏe và chỉ số chi phí người dân phải trả cho sức khỏe. Sở dĩ SAI phải kiểm toán là vì nhiều người quan ngại rằng các chương trình trả tiền này thường có sai phạm, chưa thực sự nâng cao sức khỏe cho người dân như mong muốn. Đặc biệt, việc kiểm toán giúp đánh giá các mục tiêu, mục đích hay khả năng ngăn chặn tình trạng chi tiêu sai của cơ chế hiện tại.

Để thực hiện kiểm toán, SAI đã thành lập những đoàn công tác đa ngành, trong đó có việc ứng dụng công nghệ thông tin để phân tích dữ liệu. SAI đã sử dụng tối đa nhân lực công nghệ thông tin và đào tạo cho những nhóm ở địa phương. Trong bối cảnh Covid-19, SAI đã áp dụng biện pháp kiểm toán từ xa, đồng thời thực hiện nhiều khảo sát trên mạng về những đối tượng được hưởng bảo hiểm cũng như những đối tượng điều trị cho các bệnh nhân này. Bên cạnh đó, các đoàn kiểm toán đã thu thập được những dữ liệu rất quan trọng từ các bệnh viện.
 
Thực hiện tốt khẩu hiệu “không ai bị bỏ lại phía sau”

Kết quả kiểm toán cho thấy, các chương trình của Chính phủ vẫn có những rủi ro khi không sử dụng hiệu quả tối đa các quỹ và những yếu kém liên quan đến nguồn nhân lực. Theo đó, kiểm toán đã giúp giảm thời gian chi trả bảo hiểm sức khỏe từ 55 ngày xuống còn 19 ngày, đồng thời tăng tỷ lệ người dân Philippines được hưởng bảo hiểm sức khỏe toàn dân từ 91% lên 98%. Tất cả người dân, từ người nghèo nhất cũng đều được hưởng chế độ bảo hiểm sức khỏe và SAI đã thực hiện tốt khẩu hiệu “không ai bị bỏ lại phía sau”. Chưa kể, các chi phí mà người dân phải trả trong việc tiếp cận các dịch vụ sức khỏe từ năm 2016 đến 2018 đã giảm từ 52% xuống 51,7%. Chính phủ vẫn đang tiếp tục những chương trình này theo đúng hướng. Tuy nhiên, cũng có những ảnh hưởng đến việc thực hiện SDG 3.8 bởi những gói bảo hiểm được hưởng và những gói chi phí vẫn còn chưa hợp lý, trong đó có những thông tin chưa chính xác trong hệ thống.

Từ thực tiễn hoạt động kiểm toán trên, SAI Philippines khuyến nghị cần giám sát và định kỳ báo cáo hằng năm. SAI cũng cần phân tích cụ thể các chính sách chi trả cho bệnh nhân và những chi phí mà họ phải trả khi nằm viện.

Đối với ảnh hưởng tới việc thực hiện SDG 3.8, các chương trình mục tiêu cần phải được công nhận bởi các bên liên quan cũng như phải sử dụng phương pháp tiếp cận toàn Chính phủ. SAI Philippines nhận thấy, những cơ quan liên quan thực hiện khuyến nghị kiểm toán có thể nâng cao việc thực hiện SDG một cách hiệu quả hơn, nhất là trong vấn đề thực hiện việc chi trả.

Thực tiễn cho thấy, các cuộc kiểm toán SDGs đòi hỏi quy tụ được đội ngũ chuyên gia đa ngành và lực lượng kiểm toán viên phải có năng lực chuyên môn cao. Do vậy, cần có kế hoạch để nâng cao năng lực của văn phòng kiểm toán, trong đó có những chương trình nâng cao năng lực để hợp tác với IDI hay Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) về việc kiểm toán SDGs của Liên Hợp Quốc. Chúng ta cần nâng cao nhận thức giữa kiểm toán nội bộ và kiểm toán bên ngoài. Đặc biệt, chúng ta phải cam kết rằng, các chương trình kiểm toán về SDGs phải là những chương trình nhận được sự ưu tiên cao nhất.

Hồng Nhung (ghi)
(Báo Kiểm toán số 39/2021)

 
 

Xem thêm »