Tháo gỡ khó khăn trong kiểm toán việc quản lý quy hoạch, cấp phép xây dựng đô thị

26/08/2021
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Năm 2021, KTNN khu vực I đã triển khai kiểm toán Chuyên đề Việc quản lý quy hoạch, cấp phép xây dựng tại các đô thị giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn Hà Nội, Bắc Ninh. Qua đó, Đoàn kiểm toán đã có nhiều phát hiện, kiến nghị nổi bật. Tuy nhiên, thực tiễn hoạt động kiểm toán vẫn nảy sinh một số khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ.

Nhiều bất cập trong phê duyệt đồ án quy hoạch, cấp phép xây dựng

Cuộc kiểm toán được triển khai trong bối cảnh có nhiều thuận lợi. Đề cương kiểm toán Chuyên đề đã hướng dẫn chi tiết các nội dung và phương pháp kiểm toán. Trong suốt quá trình kiểm toán, Đoàn kiểm toán luôn được lãnh đạo KTNN khu vực I quan tâm, chỉ đạo sát sao. Cùng với đó, những kinh nghiệm trong lĩnh vực kiểm toán quy hoạch, cấp phép xây dựng tại các đô thị đã giúp KTNN khu vực I phát hiện được nhiều bất cập như: ban hành văn bản về quản lý điều hành, lập và phê duyệt đồ án quy hoạch chưa đảm bảo đầy đủ, kịp thời. Một số đồ án quy hoạch có quy mô dân số xác định chưa phù hợp, không đảm bảo lộ trình giảm, giãn dân số đến năm 2050 ở các quận trung tâm theo định hướng quy hoạch phân khu.

Đối với nghĩa vụ tài chính về đất đai, Hà Nội có 3 dự án sai phạm trong việc xác định tiền sử dụng; tỉnh Bắc Ninh cũng có 2 đồ án sau điều chỉnh quy hoạch chưa kịp thời xác định và điều chỉnh giá đất. Việc thực hiện thủ tục lập, thẩm định phê duyệt đồ án quy hoạch cấp giấy phép xây dựng còn chậm, chưa thành lập hội đồng thẩm định quy hoạch theo đúng quy định; nội dung thẩm định đồ án chưa đảm bảo đầy đủ và rõ ràng các kết luận theo quy định của Luật Quy hoạch.

Công tác cấp giấy phép xây dựng vẫn còn tình trạng cấp phép không đúng với quy chuẩn, chưa phù hợp với quy hoạch và thiết kế được duyệt về mật độ xây dựng, số tầng cao, cao độ các tầng, diện tích... Công tác quản lý xây dựng sau cấp giấy phép còn hạn chế, chưa đảm bảo hiệu quả. Số công trình phải xử lý vi phạm qua thanh tra, kiểm tra còn lớn. Qua kiểm tra hiện trường, KTNN còn phát hiện một số công trình chưa tuân thủ hoàn toàn giấy phép xây dựng về mật độ xây dựng, cao độ công trình, kiến trúc mặt ngoài, khoảng lùi, công năng sử dụng, hình dáng kiến trúc mặt ngoài.

Khó khăn, vướng mắc khi triển khai kiểm toán

Mặc dù đã chỉ ra nhiều bất cập và có kiến nghị xác đáng với đơn vị được kiểm toán nhưng trong quá trình kiểm toán, KTNN khu vực I vẫn gặp không ít vướng mắc do sự phức tạp về phạm vi, đối tượng kiểm toán cũng như các cơ chế, quy định hiện hành liên quan đến quy hoạch, cấp phép xây dựng. Cụ thể, Hà Nội và Bắc Ninh là 2 địa phương có số lượng và diện tích đô thị lớn, đa dạng với hiện trạng quy hoạch đa phần liên quan đến dân cư cũ. Do vậy, việc nghiên cứu, đánh giá sự phù hợp của quy hoạch, đặc biệt là đánh giá trong mối quan hệ với tổng thể và sự phù hợp với định hướng phát triển tương lai rất khó khăn, đòi hỏi thời gian, công sức và đặc biệt là trình độ chuyên môn ở tầm chuyên gia.

Về đầu mối kiểm toán, công tác quy hoạch và quản lý cấp phép xây dựng do Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch Kiến trúc, Phòng Tài nguyên Môi trường quản lý. Trong khi đó, công tác giao đất, xác định nghĩa vụ tài chính do Sở Tài nguyên và Môi trường quản lý, công tác giao dự án đầu tư lại thuộc trách nhiệm của Sở Kế hoạch và Đầu tư... Với nhiều đầu mối như vậy, Đoàn kiểm toán gặp khó khăn trong việc thu thập tài liệu và đánh giá xác nhận.

Ngoài ra, mặc dù kế hoạch kiểm toán năm đã được thực hiện đúng quy định nhưng nội dung, đơn vị, thời gian kiểm toán vẫn có sự trùng lặp với nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra khác, ảnh hưởng đến việc lựa chọn mẫu kiểm toán cũng như việc cung cấp tài liệu, giải trình ý kiến của các đơn vị được kiểm toán. Hơn nữa, cuộc kiểm toán tiến hành trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên một số phương pháp kiểm toán như phỏng vấn, đối chiếu, kiểm tra hiện trường khó thực hiện.

Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai kiểm toán, Đoàn kiểm toán cũng nhận thấy một số vấn đề trong Đề cương kiểm toán như: Xác định thời kỳ kiểm toán chưa đảm bảo tính tổng thể; việc không đưa chủ đầu tư các dự án bất động sản đô thị là đối tượng được kiểm toán khiến nhiều nội dung kiểm toán quan trọng khó triển khai; một số nội dung kiểm toán có phạm vi rất rộng nên khó có khả năng đánh giá đầy đủ, chính xác trong điều kiện hạn chế về thời gian và nhân lực.
 
Tập trung vào những nội dung trọng yếu

Để tháo gỡ các vướng mắc trên, trước tiên, đề cương và kế hoạch kiểm toán cần được xây dựng theo hướng tập trung vào những nội dung trọng yếu, bao gồm: công tác lập, thẩm định phê duyệt quy hoạch; công tác giao đất, sử dụng đất; đầu tư và phát triển các khu đô thị, các dự án bất động sản đô thị theo quy hoạch. Đồng thời, phải xác định các dự án khu đô thị, dự án phát triển bất động sản và các chủ đầu tư cụ thể là đối tượng kiểm toán trung tâm, từ đó kiểm toán đánh giá các vấn đề từ duyệt quy hoạch xây dựng đô thị đến chấp hành quy hoạch, quản lý sử dụng đất đai theo quy hoạch.

Đối với lựa chọn mẫu kiểm toán, kinh nghiệm thực hiện các cuộc kiểm toán quy hoạch, cấp phép xây dựng cho thấy, đoàn kiểm toán nên chọn mẫu các dự án, công trình có lợi thế vị trí về đất đai, không nhất thiết phải chọn các dự án có quy mô diện tích lớn. Các dự án có lợi thế về đất đai thường xảy ra sai phạm về điều chỉnh quy hoạch, không chấp hành quy hoạch hoặc giấy phép xây dựng.

Để đảm bảo chất lượng kiểm toán, các đoàn kiểm toán phải bố trí nhân lực kiểm toán đủ về số lượng và phù hợp về trình độ chuyên môn. Trong đó, tập trung về lĩnh vực giao thông, xây dựng, kiến trúc, tài nguyên và môi trường. Thời gian kiểm toán cũng cần tăng thêm và thời kỳ kiểm toán cần mở rộng ít nhất là 5 năm để đảm bảo bao quát hết các nội dung.

Nguyễn Đức Sỹ - Phó Kiểm toán trưởng KTNN Khu vực I
(Báo Kiểm toán số 34/2021)

 
 

Xem thêm »