Nâng cao giá trị kết luận, kiến nghị kiểm toán trong các kỳ họp Quốc hội  

09/07/2021
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Việc sử dụng có hiệu quả kết luận và kiến nghị trong báo cáo kiểm toán (BCKT) là điều cần thiết nhằm tăng thêm chất lượng hoạt động và đảm bảo thẩm quyền của cơ quan dân cử. Do đó, KTNN cần chú trọng và có biện pháp phối hợp với các cơ quan như Quốc hội, Chính phủ, HĐND các cấp để các kết luận, kiến nghị thực sự phát huy hiệu quả.

Nhiều kiến nghị kiểm toán có giá trị cao

Báo cáo của Tổng Kiểm toán nhà nước về công tác của KTNN nhiệm kỳ 2016-2021 trình bày trước Quốc hội khóa XIV tại Kỳ họp lần thứ 11 đã cho thấy một bức tranh toàn cảnh về hoạt động của KTNN trong 5 năm. Phải nói rằng, những thông tin trong Báo cáo rất phong phú và vô cùng quý giá. Đây không chỉ là công sức của đội ngũ kiểm toán viên mà còn là trí tuệ, trách nhiệm của tập thể lãnh đạo và cán bộ quản lý của KTNN. Báo cáo đã tổng hợp kết quả các cuộc kiểm toán trong 5 năm qua, đồng thời chắt lọc từ thực tế kiểm toán công tác quản lý, sử dụng tài sản công để cung cấp những thông tin, bằng chứng có giá trị pháp lý; từ đó, hình thành những kiến nghị trình ra trước Quốc hội, giúp Quốc hội thực hiện chức năng của cơ quan lập pháp - cơ quan quyền lực tối cao của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Bên cạnh những con số lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng được KTNN kiến nghị xử lý tài chính 5 năm qua, một trong những nội dung rất quan trọng của BCKT là chỉ ra các sai phạm của đơn vị được kiểm toán. Đặc biệt, thông qua hoạt động của mình, KTNN đã phát hiện nhiều sự bất hợp lý trong cơ chế, chính sách của Nhà nước. Cụ thể như giai đoạn 2016-2021, KTNN đã kiến nghị bổ sung, thay thế hủy bỏ 786 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý sai quy định hoặc không phù hợp với quy định chung của Nhà nước và thực tiễn, tăng 118% so với 5 năm trước.

Các kiến nghị này có giá trị rất cao nhằm kịp thời khắc phục “lỗ hổng” về cơ chế, chính sách. Đồng thời, đây là những gợi ý quan trọng và luận cứ có giá trị giúp Quốc hội và các đại biểu Quốc hội thảo luận, quyết định chính sách cũng như thực thi thẩm quyền giám sát tối cao để hoàn thiện luật pháp quản lý nhà nước đối với tài sản công, ngăn chặn thất thoát, siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính, góp phần làm lành mạnh nền tài chính quốc gia.
 
Đổi mới và nâng cao tính hữu ích của báo cáo kiểm toán


Chất lượng hoạt động của Quốc hội về lập pháp - quyền quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao - phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó không thể thiếu kết quả kiểm toán và những kiến nghị có căn cứ pháp lý rõ ràng. Do đó, yêu cầu cấp thiết hiện nay là phải thúc đẩy, hỗ trợ Quốc hội, đại biểu Quốc hội tăng cường sử dụng và sử dụng có hiệu quả kết quả các cuộc kiểm toán cũng như các báo cáo của KTNN. Muốn vậy, KTNN cần nghiên cứu triển khai đồng bộ các giải pháp sau:

Trước tiên, vai trò, trách nhiệm và chức năng của KTNN cần được thống nhất cao hơn nữa ở tất cả các cấp. Theo đó, KTNN là cơ quan kiểm toán tài chính công, tài sản công hoạt động độc lập, khách quan; góp phần quan trọng cho sự phát triển ổn định, bền vững, minh bạch nền tài chính quốc gia, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực đất nước và phòng, chống tham nhũng, lãng phí. KTNN là công cụ trọng yếu, hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, đồng thời nâng cao trách nhiệm giải trình của các tổ chức, cá nhân trong quản lý, sử dụng tài sản công, tài chính công.
Thứ hai, xác định đối tượng phục vụ chủ yếu của KTNN là các cơ quan dân cử, bao gồm Quốc hội, Chính phủ, HĐND các cấp, UBND. Kết quả kiểm toán và kiến nghị của KTNN có căn cứ mang tính pháp lý nhằm giúp đại biểu Quốc hội thảo luận và quyết định chính sách, thực hiện quyền giám sát tối cao, chất vấn, trả lời chất vấn và xác định trách nhiệm giải trình.

Thứ ba, KTNN cần đổi mới và nâng cao tính hữu ích của BCKT khi trình ra Quốc hội. Kiểm toán là hoạt động chuyên môn sâu với phạm vi rộng, nhạy cảm, nhận được sự quan tâm của toàn xã hội. Các thuật ngữ kiểm toán liên quan đến nhiều lĩnh vực có tính đặc thù, đòi hỏi người đọc phải có sự hiểu biết nhất định về các lĩnh vực này. Do vậy, BCKT cần được trình bày theo cấu trúc mạch lạc, có bản tóm tắt kèm theo, giúp các đại biểu Quốc hội dễ dàng tiếp nhận thông tin hơn.

Thứ tư, KTNN có thể đề xuất thành lập một ban hoặc tổ kiểm toán tại cơ quan của Quốc hội làm nhiệm vụ nghiên cứu, khai thác thông tin từ BCKT, từ đó chắt lọc và nêu ra các vấn đề cần quan tâm cũng như cách sử dụng các thông tin này trong từng kỳ họp Quốc hội. Thành viên của ban hoặc tổ kiểm toán là những đại biểu Quốc hội am hiểu về tài chính, kiểm toán và có thể mời thêm các chuyên gia làm việc theo vụ việc hoặc kiêm nhiệm.

Cuối cùng, KTNN cần phối hợp với Quốc hội tổ chức các khóa bồi dưỡng, hội thảo trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm nhằm cung cấp các phương thức khai thác, sử dụng kết quả kiểm toán để thực hiện chức năng của đại biểu dân cử trong từng trường hợp cụ thể./.

PGS.TS Đặng Văn Thanh – Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam
(Báo Kiểm toán số 27/2021)

 
 

Xem thêm »