Công nghệ thông tin tạo đột phá trong việc nâng cao chất lượng kiểm toán  

28/05/2021
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Thập kỷ qua đã chứng kiến sự phát triển nhanh chóng của việc áp dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động kiểm toán nhằm giảm bớt hoặc loại bỏ các tác vụ thủ công, đem đến cho kiểm toán viên (KTV) sự linh hoạt hơn trong công việc. Việc áp dụng này tạo bước đột phá trong việc nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán.

Cải thiện chất lượng cuộc kiểm toán nhờ công nghệ

Kiểm tra bảng lương là thủ tục kiểm toán thủ công, tẻ nhạt mà các KTV tập sự thường được giao khi mới vào nghề. Tuy nhiên, gần đây, Công ty PwC đã xây dựng thành công mô hình thuật toán sử dụng phần mềm tự động để thực hiện nghiệp vụ này. Cụ thể, thông qua hơn 7.500 tài khoản, các KTV chỉ cần gửi dữ liệu chi phí lương đến Trung tâm phân tích dữ liệu tập trung để nhận kết quả kiểm toán tự động một cách nhanh nhất có thể.

Đại dịch Covid-19 đã đặt ra yêu cầu thúc đẩy mạnh mẽ việc áp dụng các công nghệ mới trong hoạt động kiểm toán. Theo đó, nếu trước đây, thời gian và kiến thức chuyên môn của KTV dành cho các công việc thủ công, lặp đi lặp lại thì nay được chuyển sang các công việc có giá trị gia tăng lớn hơn. Hiệu quả rõ nét là các dữ liệu đầu vào phục vụ cuộc kiểm toán ngày càng nhiều hơn nhưng được thu thập, xử lý tự động bằng công nghệ điện toán đám mây và quy trình kiểm toán thông minh. Điều này giúp giảm việc nhập dữ liệu thủ công, hạn chế sai sót và tăng tính nhất quán trong việc tính toán, lập bảng.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, việc ứng dụng CNTT giúp nâng cao chất lượng kiểm toán được thể hiện ở 4 vấn đề trọng điểm sau:

Tính nhất quán và tiêu chuẩn hóa: Đơn cử, Dự án Giải pháp kiểm toán động trên phạm vi toàn thế giới của Viện CPAs Hoa Kỳ hướng đến sự nhất quán và tiêu chuẩn hóa trong hoạt động kiểm toán nhằm loại bỏ sự lặp lại khi tiến hành đo lường các thủ tục kiểm toán, đồng thời mã hóa các dữ liệu theo tiêu chuẩn nhất quán để các nền tảng công nghệ phát huy tối đa hiệu quả.

Tập trung đánh giá rủi ro ban đầu: Phương pháp đánh giá rủi ro ban đầu qua ứng dụng CNTT là rất quan trọng. Việc cho phép thu thập dữ liệu sớm và đầy đủ hơn sẽ góp phần đáng kể vào việc đánh giá rủi ro một cách hiệu quả, đặc biệt khả năng phân tích dữ liệu được mở rộng, giúp KTV hiểu rõ hơn về đơn vị được kiểm toán.

Chẳng hạn, quy trình đánh giá rủi ro khởi đầu mọi cuộc kiểm toán ở Hoa Kỳ đang được cải tiến mạnh mẽ. Đây là kết quả của việc tiến hành đánh giá chéo chặt chẽ giữa các đơn vị kiểm toán. Kết quả cuộc kiểm tra chéo chỉ ra rằng, các đơn vị được kiểm toán chưa thực hiện tốt việc xác định đánh giá rủi ro ở cấp độ cơ sở dẫn liệu để đảm bảo rằng mọi cuộc kiểm toán đều xác định được các rủi ro cụ thể gắn với các bằng chứng tin cậy. Việc này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng kiểm toán trong cả lĩnh vực kiểm toán công và kiểm toán tư ở quốc gia này. Theo các chuyên gia tham gia cuộc kiểm tra chéo, trong bối cảnh khách hàng ngày càng ứng dụng mạnh mẽ CNTT vào mọi hoạt động, KTV phải xem xét đầy đủ quy trình quản lý, phần mềm, cơ sở dữ liệu cũng như hệ điều hành của khách hàng. Sự xét đoán của KTV về rủi ro trong môi trường CNTT phải là sự giao thoa từ nhiều phía kiểm soát khác nhau dựa trên quy trình kinh doanh và quy trình CNTT nghiêm ngặt. Nói cách khác, việc đánh giá rủi ro phải đặt trong bối cảnh hệ thống CNTT của khách hàng và hệ thống kiểm soát CNTT liên quan.

Vận dụng khả năng phân tích dữ liệu lớn: Hầu hết các tổ chức kiểm toán lớn đều đánh giá cao việc phân tích dữ liệu và tiến hành thành lập Trung tâm phân tích dữ liệu độc lập, chuyên về các công cụ phân tích dữ liệu và thử nghiệm làm dịch vụ cho các đoàn kiểm toán. Đoàn kiểm toán gửi dữ liệu cho Trung tâm phân tích dữ liệu, các Trung tâm này thực hiện hàng trăm phân tích cho các cuộc kiểm toán khác nhau và gửi lại kết quả cho KTV. Việc này giúp KTV ghi nhận chính xác các ước tính kế toán, có thể lấy mẫu rất nhanh, đồng thời có thể làm việc với 100% dữ liệu, qua đó hạn chế tối đa rủi ro và nâng cao chất lượng kiểm toán.

Sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI): Trong tương lai, KTV sẽ không chỉ sử dụng một công nghệ mà cần đủ năng lực để kiểm toán công nghệ của đối tượng được kiểm toán. Bởi vậy, các tổ chức kiểm toán phải thay đổi bằng cách sử dụng AI trong hoạt động của mình. Hầu hết các thuật toán thường không thay đổi, nhưng với AI, câu chuyện khác hẳn. Cùng một khách hàng, công cụ AI tại một ngân hàng có thể đưa ra quyết định cho vay tháng 12 khác với hồi tháng 6.
 
Công nghệ giúp kiểm toán viên nâng cao khả năng phát hiện sai sót

Nhiều chuyên gia tin rằng, blockchain có tiềm năng tác động lớn đến hoạt động kiểm toán với công nghệ sổ cái phân tán bao gồm các tính năng giúp không thể thay đổi hoặc làm sai lệch thông tin giao dịch trước đó, hoặc để ngụy tạo thêm hồ sơ giả vào hệ thống. Tuy nhiên, blockchain chưa được áp dụng rộng rãi trong DN thời điểm hiện tại nên tác động của nó có thể chưa được ghi nhận trong 3 - 5 năm tới.

Tiềm năng nhìn thấy ngay lập tức để cải thiện chất lượng kiểm toán là khả năng KTV có thể tiếp cận thường xuyên hơn với hệ thống tài chính và kế toán. Trước đây, các tổ chức kiểm toán thường chỉ kiểm toán theo kế hoạch định trước. Ngày nay, thu chi ngân sách và thị trường tài chính biến động đáng kể mỗi quý khi việc công khai ngân sách và tài chính ở rất nhiều lĩnh vực đang là yêu cầu bức thiết của các bên liên quan. Công nghệ sẽ cho phép KTV thực hiện kiểm toán định kỳ theo quý, tháng, tuần và ngày một cách khoa học, phù hợp. Điều này cũng đem đến những thách thức mới cho việc kiểm soát chất lượng kiểm toán.

Cùng với đó, ứng dụng công nghệ còn mang lại cho KTV cơ hội lớn để phát hiện gian lận ở tất cả các cấp và gia tăng giá trị cho cuộc kiểm toán. Mục tiêu cuối cùng trong hoạt động chuyên môn của KTV là phát hiện, từng bước thu nhỏ và loại bỏ các hành vi gian lận ra ngoài hoạt động của đơn vị được kiểm toán. Mục tiêu đó có thể còn rất xa, nhưng không bao giờ là quá sớm để bắt đầu chuẩn bị cho đích đến cuối cùng.

(Báo Kiểm toán số 21/2021)
 

Xem thêm »