Kiểm toán hoạt động quản lý môi trường tại các khu kinh tế, khu công nghiệp: Cần chú ý những rủi ro, sai sót trọng yếu  

21/05/2021
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

KTNN sẽ thực hiện cuộc kiểm toán “Hoạt động quản lý môi trường tại các khu kinh tế (KKT) và khu công nghiệp (KCN) giai đoạn 2017-2020” nhằm đánh giá tính hiệu lực và tuân thủ trong hoạt động quản lý, bảo vệ môi trường KKT, KCN để chỉ ra các hạn chế, yếu tố tác động tiêu cực tới môi trường, từ đó kiến nghị các đơn vị được kiểm toán chấn chỉnh; kiến nghị cấp có thẩm quyền hoàn thiện các cơ chế, chính sách còn bất cập; kịp thời phát hiện các sai phạm, xác định rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân để xử lý theo quy định; cung cấp thông tin kịp thời cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ môi trường.

Cần chú ý những rủi ro, sai sót trọng yếu khi kiểm toán hoạt động quản lý môi trường tại các KKT, KCN

Xác định rõ những rủi ro kiểm toán

Đối với cuộc kiểm toán này, Tổng Kiểm toán Nhà nước yêu cầu các đoàn kiểm toán căn cứ trên thông tin khảo sát thu thập về hệ thống kiểm soát nội bộ để đưa ra các đánh giá làm cơ sở xác định rủi ro kiểm toán. Trong đó, cần đánh giá tính đầy đủ, hiệu lực, sự rõ ràng, hợp lý, thuận lợi của hệ thống kiểm soát nội bộ bao gồm hệ thống, mô hình, cơ cấu tổ chức; hệ thống các văn bản pháp lý, quy định, chính sách, hướng dẫn, chương trình, kế hoạch… quản lý, bảo vệ môi trường KKT, KCN. Đoàn kiểm toán có thể xem xét một số vấn đề còn bất cập, vướng mắc trong cơ chế, chính sách hiện hành hoặc đánh giá về tính đầy đủ, kịp thời và phù hợp của các văn bản do UBND cấp tỉnh và các cơ quan trực thuộc ban hành. Ngoài ra, cần nghiên cứu, đánh giá khái quát tình hình, đặc điểm hiện trạng môi trường của tỉnh nói chung và tại địa bàn hoạt động của các KKT, KCN nói riêng…

Tổng Kiểm toán Nhà nước cũng hướng dẫn các đoàn kiểm toán đánh giá tính hợp lý, đầy đủ, hiệu lực và hiệu quả của quy trình kiểm soát, đồng thời cần xem xét những thuận lợi, khó khăn, nguyên nhân trong quá trình thực hiện. Để đánh giá được quy trình kiểm soát nội bộ, đoàn kiểm toán cần thu thập những thông tin và xem xét kỹ lưỡng hệ thống, mô hình, cơ cấu tổ chức, việc phân công, phân cấp chức năng, nhiệm vụ, quy chế hoạt động của các đơn vị được giao quản lý trong công tác bảo vệ môi trường.

Đồng thời, đánh giá tình hình tổ chức thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được giao, trong đó chú trọng đến một số hạn chế của hệ thống kiểm soát nội bộ được chỉ ra như: công tác phối hợp chia sẻ thông tin, dữ liệu; nhân lực tham gia công tác quản lý và bảo vệ môi trường; đánh giá việc thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất của các cơ quan nhà nước; đánh giá việc tuân thủ, chấp hành pháp luật về quản lý và bảo vệ môi trường tại các KKT, KCN.
 
Chú ý những rủi ro có sai sót trọng yếu

Khi thực hiện cuộc kiểm toán này, các đoàn kiểm toán căn cứ vào các Chuẩn mực KTNN về rủi ro có sai sót trọng yếu, các văn bản quy định hiện hành về quản lý, bảo vệ môi trường nói chung và đối với các KKT, KCN, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nói riêng. Tuy nhiên, khi tiến hành khảo sát, thu thập thông tin lập kế hoạch kiểm toán, các đoàn kiểm toán cần căn cứ các hồ sơ, tài liệu, thông tin thu thập được và thực tế hoạt động của các đơn vị để đánh giá các rủi ro có sai sót trọng yếu một cách cụ thể hơn.

Rủi ro tiềm tàng là các KKT, KCN với đặc thù là các khu vực tập trung số lượng lớn các dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với đa dạng ngành nghề, quy mô nguồn thải rất lớn bao gồm nước thải, khí thải và chất thải rắn có thể chứa các thành phần nguy hại có khả năng ảnh hưởng xấu đến môi trường và sức khỏe con người. Đặc biệt là đối với môi trường nước, không khí, đất đai tại khu vực tiếp nhận chất thải công nghiệp. Rủi ro tiềm tàng còn đến từ việc hiện nay, vẫn có tình trạng các KKT, KCN chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Đồng thời, quá trình xử lý chất thải liên quan đến nhiều kỹ thuật phức tạp, đòi hỏi sự chính xác cao như: kết cấu, vận hành hệ thống thu gom, xử lý, phương pháp xử lý nước thải, khí thải… Do đó, chỉ cần một sai sót hoặc sự cố nhỏ có thể dẫn đến khối lượng lớn nước thải, chất thải rắn, khí thải không đảm bảo tiêu chuẩn xả trực tiếp ra môi trường.

Bên cạnh đó, việc phải quản lý, giám sát chất lượng của nhiều nguồn xả thải cũng là một khó khăn cho cơ quan quản lý trong khi số lượng biên chế phụ trách môi trường của địa phương có hạn, khó có thể bao quát hết tình hình thực hiện công tác bảo vệ môi trường của từng cơ sở. Ngoài ra, công tác giám sát chất lượng nguồn xả thải chủ yếu dựa trên báo cáo công tác bảo vệ môi trường định kỳ do cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tự thực hiện. Vì vậy luôn tiềm ẩn rủi ro về tính đúng đắn, trung thực, đồng thời kết quả phân tích phụ thuộc nhiều vào thời điểm quan trắc và lấy mẫu, chất lượng xử lý có thể đạt yêu cầu tại thời điểm lấy mẫu nhưng không đạt yêu cầu ở các thời điểm khác.

Rủi ro tiềm ẩn nữa là công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về môi trường trên thực tế cho thấy ý thức bảo vệ môi trường của một số cơ sở chưa cao, đặc biệt là trong việc hoàn thiện các hồ sơ môi trường, việc thực hiện chương trình quan trắc môi trường định kỳ hoặc việc thu gom, phân loại và ký hợp đồng với đơn vị chức năng xử lý chất thải rắn.

Trong Đề cương kiểm toán vừa được ban hành cũng hướng dẫn cụ thể cho các đoàn kiểm toán cách xác định trọng yếu kiểm toán trên cơ sở phân cấp chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy quản lý thường gặp tại các địa phương; việc đánh giá tầm quan trọng của các hoạt động, nhiệm vụ trong công tác bảo vệ môi trường đối với KKT, KCN cũng như hệ thống kiểm soát nội bộ, rủi ro kiểm toán có thể xác định các vấn đề được xem là trọng yếu. Ngoài ra, trong trường hợp các địa phương có sự khác biệt về phân giao, phân cấp chức năng, nhiệm vụ đối với công tác quản lý, bảo vệ môi trường, các đoàn kiểm toán nghiên cứu, lựa chọn đơn vị được kiểm toán, kiểm tra, đối chiếu đảm bảo phù hợp.
 
(Báo Kiểm toán số 20/2021)

Xem thêm »