Sử dụng Phương pháp Q kết hợp với công nghệ và các bên liên quan - cách tiếp cận mới trong kiểm toán lĩnh vực công

20/05/2021
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Sự tham gia của các bên liên quan thường được xem là các hoạt động mà thông qua đó các mối quan tâm, nhu cầu, lợi ích và giá trị của người dân được đưa vào các quyết định, hành động đối với các vấn đề công. Việc kết hợp các hình thức tham gia của các bên liên quan có thể cung cấp thông tin đa chiều cho quá trình ra quyết định của Cơ quan Kiểm toán tối cao (SAI). Bài viết sau giới thiệu Phương pháp Q do Cơ quan Tổng Kiểm soát Cộng hòa Costa Rica (CGR) thực hiện khi kiểm toán vụ chuyển 4 tỷ đô la liên quan đến gói hàng hóa y tế thông qua một nền tảng mua sắm kỹ thuật số.

Một cuộc tranh luận kéo dài trên toàn quốc ở Costa Rica về các hình thức mua sắm công cuối cùng đã tìm ra được giải pháp tối ưu dựa trên khuyến nghị của CGR. Theo đó, Chính phủ yêu cầu các đơn vị công phải tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý quỹ công và mua sắm công thông qua một nền tảng mua sắm điện tử quốc gia. Sau đó, một cuộc tranh luận tiếp theo đã diễn ra về việc sử dụng nền tảng công nghệ nào?
 

Sử dụng nền tảng mua sắm điện tử để thực hiện kiểm toán
 
Để cung cấp thông tin cho cuộc thảo luận, ban lãnh đạo CGR đã thu thập các ý kiến ​​đóng góp từ các công chức Costa Rica - những người chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi các quy định mới của pháp luật, đồng thời triển khai một dự án để mở rộng thu hút cả người dùng hiện tại và người dùng tiềm năng của nền tảng công nghệ được lựa chọn. Để làm được điều này, dự án đã sử dụng “Phương pháp Q” nhằm thu thập và phân tích các quan điểm khác nhau về các quy định mới. Phương pháp này cung cấp thông tin cho các cuộc thảo luận cuối cùng về việc sử dụng nền tảng mua sắm điện tử được chỉ định.

Quy trình thực hiện Phương pháp Q: Quy trình này được thực hiện bao gồm hai bước quan trọng:

Thu thập dữ liệu: Bộ dữ liệu gồm một tập hợp các phát biểu hoặc quan điểm cá nhân về một chủ đề cụ thể. Những tuyên bố này được thu thập thông qua các cuộc phỏng vấn, thảo luận hoặc từ nhiều nguồn khác.

Phát triển Q-Set và Q-Sort: Các chuyên gia lấy ra một tập hợp các quan điểm/ý kiến nhỏ hơn (Q-Set) từ bộ dữ liệu. Người tham gia phỏng vấn sẽ sắp xếp thứ tự bộ Q-set này theo mức độ đồng tình với các quan điểm trong bảng khảo sát. Các Q-Sort sau đó được thu thập, phân tích và tham chiếu lẫn nhau để xác định các yếu tố có khả năng hình thành nên các các nhóm ý kiến.

Quy trình thực hiện Phương pháp Q tại CGR: Ban lãnh đạo CGR đã tìm hiểu các yếu tố cản trở vụ chuyển 4 tỷ đô la công quỹ liên quan đến mua sắm trang thiết bị y tế sang nền tảng mua sắm điện tử Sistema de Compras Públicas (SICOP).

Việc thu thập dữ liệu được thực hiện bằng việc mời 124 trong số 314 công chức tham gia trả lời các câu hỏi mở dưới đây thông qua các nhóm tập trung:
+ Bạn thấy thế nào về SICOP?
+ Điều gì ở hệ thống mang lại nhiều giá trị nhất?
+ Điều gì ở hệ thống gia tăng ít giá trị nhất?
+ Lần gần đây nhất bạn sử dụng hệ thống thì điều gì đã xảy ra và tại sao?
+ Mô tả trải nghiệm tốt nhất và/hoặc tệ nhất của bạn đối với hệ thống?

Kết quả, trong số 345 câu trả lời, các chuyên gia đã xây dựng tập hợp con Q-Set gồm 35 câu lệnh sau đó công chức trên toàn quốc thực hiện xếp hạng danh sách Q-Sort.

Về xếp hạng Q-Sort: Trước tiên, những người tham gia trả lời Q-set bằng cách kéo và thả các câu lệnh vào ba danh mục riêng biệt, gồm:
+ Ít giống ý kiến ​​của tôi nhất
+ Trung tính
+ Có vẻ giống ý kiến ​​của tôi nhất

Tiếp theo, những người tham gia xếp hạng từng câu theo thứ tự ưu tiên (xem Bảng 1) dựa trên mức độ mà câu “ít giống với ý kiến ​​của tôi nhất” (-5) đến 0 (trung tính) đến “giống với ý kiến ​​của tôi nhất” (+5).

Bảng 1: Ví dụ về xếp hạng Q-sort
 
Sau khi tính toán tính hợp lệ của các phản hồi, 101 xếp hạng của người tham gia (48 người dùng và 53 người dùng tiềm năng của SICOP) đã được sử dụng để phân tích.

Phân tích Q và diễn giải nhân tố: Các quan điểm (yếu tố) phổ biến nổi bật đã được trích xuất và phân tích thành hai yếu tố chính, gồm: (I) Người dùng hiểu hệ thống đủ rõ để biết các sai sót của nó; (II) Người dùng tin rằng hệ thống hữu ích nhưng cần có sự quan tâm đặc biệt (xem Bảng 2).

Bảng 2 cũng cho thấy các yếu tố dù tiêu cực hay tích cực cũng được nhóm thành ý kiến “khác biệt” hoặc “đồng thuận” dựa trên điểm số và dữ liệu định tính ban đầu.    
 
  Bảng 2: Kết quả xếp hạng quy trình mua sắm điện tử
 
Thống kê cho thấy “Yếu tố 1” có thể chủ yếu bao gồm các phản hồi từ một nhóm “người dùng am hiểu nền tảng SICOP”, những người hiểu biết sâu về hệ thống một cách phức tạp và có thể xác định các “lỗ hổng” theo cách mà người dùng từ “Yếu tố 2” không làm được. Kết quả cũng cho thấy, hệ thống mua sắm điện tử được nhiều người xem là hữu ích dù chưa có sự thống nhất toàn bộ về quản lý hệ thống. Thông tin thu thập được có thể hữu ích trong việc xây dựng các chiến lược thực hiện và quản lý hiệu quả hơn.

Như vậy, bằng cách sử dụng Phương pháp Q, CGR có thể thu thập được nhiều ý kiến của các bên liên quan, xử lý các quan điểm này theo cách mới nhờ sự hỗ trợ của công nghệ và sử dụng kết quả từ dự án để xem xét lại vụ việc chuyển 4 tỷ đô la mua hàng y tế từ nguồn công quỹ bằng cách sử dụng nền tảng mua sắm điện tử SICOP.

Trên đây là ví dụ minh họa cách thức hoàn toàn mới mà CGR ứng dụng Phương pháp Q kết hợp với nền tảng công nghệ thông minh, qua đó thu được nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau của các bên liên quan về một vấn đề CGR cần phân tích, đánh giá. Nhờ vậy, CGR đã cung cấp được nhiều thông tin hữu ích cho Chính phủ, các cơ quan công quyền và công chúng theo những cách quan tâm khác nhau của họ với mục đích cuối cùng là nguồn công quỹ được sử dụng hiệu quả nhất, đem lại lợi ích lớn nhất cho người dân./.  
 
TS. Nguyễn Quán Hải; Ths. Nguyễn Thị Thúy
Nguồn: Tạp chí INTOSAI

Xem thêm »