Vai trò của KTNN trong việc nâng cao hiệu quả công tác cổ phần hóa tại DNNN

03/03/2021
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước hướng tới nhiều mục tiêu, nhưng tập trung vào các mục tiêu chính, đó là: Huy động vốn của toàn xã hội bao gồm các cá nhân, các tổ chức kinh tế, các tổ chức xã hội trong và ngoài nước nhằm đầu tư, đổi mới công nghệ, tạo thêm công ăn việc làm trong dân chúng, phát triển doanh nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh, thay đổi cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước và thay đổi phương thức quản lý trong doanh nghiệp; Tạo điều kiện để người lao động trong doanh nghiệp có cổ phần và những người góp vốn được thực sự làm chủ; thay đổi phương thức quản lý, tạo động lực thúc đẩy doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả; tăng tài sản cho Nhà nước; nâng cao thu nhập cho người lao động, góp phần tăng trưởng kinh tế đất nước.

Những năm qua, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cũng đã mang lại những thành tựu tích cực, là một trong các trụ cột của tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế theo chủ trương, định hướng của Đảng, quy định pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên, từ thực tiễn kết quả hoạt động kiểm toán lĩnh vực doanh nghiệp của Kiểm toán nhà nước trong các năm qua cho thấy, cần phân tích một số nội dung nhìn từ kết quả kiểm toán để làm rõ vai trò và tính hiệu quả của hoạt động kiểm toán đối với quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thể hiện ở các khía cạnh cụ thể sau:

1. Cổ phần hóa nhìn từ kết quả kiểm toán lĩnh vực doanh nghiệp thời gian qua

Một là, kết quả kiểm toán công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp
Các năm qua, Kiểm toán nhà nước đã tổ chức kiểm toán Báo cáo tài chính và các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại nhiều Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước và các doanh nghiệp nhà nước; kiểm toán kết quả tư vấn định giá và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa và kiểm toán một số chuyên đề đối với lĩnh vực doanh nghiệp. Qua kiểm toán, Kiểm toán nhà nước đã kiến nghị tăng thu ngân sách nhà nước hàng chục ngàn tỷ đồng; đã kiến nghị điều chỉnh tăng giá trị thực tế phần vốn Nhà nước trên 30 ngàn tỷ đồng (riêng giai đoạn 2013-2016 là 22.356 tỷ đồng); chuyển nhiều hồ sơ có dấu hiệu vi phạm pháp luật sang cơ quan điều tra để điều tra làm rõ, góp phần tích cực vào công tác phòng ngừa tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; phát hiện và kiến nghị xử lý, chấn chỉnh nhiều sai phạm, tồn tại trong công tác quản lý và sử dụng vốn, tài sản nhà nước của doanh nghiệp, qua đó nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, năng lực quản trị và thúc đẩy quá trình tái cơ cấu của các doanh nghiệp nhà nước.

Hai là, kết quả kiểm toán công tác tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước
Cho dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị định, Nghị quyết, Chỉ thị về sắp xếp, tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp; các Bộ đã ban hành Thông tư hướng dẫn việc thực hiện các cơ chế, chính sách; các Tập đoàn, Tổng công ty đã có nhiều nỗ lực trong triển khai thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước. Tuy nhiên, kiểm toán quá trình tổ chức thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước cho thấy vẫn còn những tồn tại, hạn chế, bất cập, cụ thể:

- Đến thời điểm hiện nay, tiến độ công tác cổ phần hóa thực hiện chậm so với kế hoạch đã được phê duyệt. Đánh giá theo cả quá trình cho thấy: Doanh nghiệp chưa cổ phần hóa thường là những doanh nghiệp có khó khăn, vướng mắc, thua lỗ, sản xuất kinh doanh kém hiệu quả, không có lợi thế... nên rất khó cổ phần hóa thành công, nhiều trường hợp không thể cổ phần hóa nếu không có biện pháp tháo gỡ. Nhiều doanh nghiệp không bán được hết cổ phần theo phương án được phê duyệt, một số đơn vị tỷ lệ bán ra ngoài được rất nhỏ (chỉ khoảng 1%-2% vốn điều lệ) nên chưa đạt mục tiêu của cổ phần hóa là đổi mới quản trị và thu hút vốn từ bên ngoài, đặc biệt khó thu hút được cổ đông chiến lược. Nhiều trường hợp thực hiện tái cơ cấu, thoái vốn chưa theo nguyên tắc thị trường mà dưới các hình thức cấn trừ công nợ hoặc chuyển nợ thành vốn góp, bàn giao nguyên trạng... do đó, thực chất không bổ sung, thu hút được dòng tiền bên ngoài để sử dụng cho sản xuất kinh doanh, một số trường hợp doanh nghiệp thua lỗ, thậm chí mất vốn nhưng vẫn được bàn giao nguyên trạng hoặc chuyển nhượng cổ phiếu, giá ghi sổ sách theo mệnh giá, dẫn đến tiềm ẩn rủi ro cho đơn vị nhận cổ phiếu, nhận doanh nghiệp thua lỗ.

- Nhiều doanh nghiệp thoái vốn không triệt để, lĩnh vực nhà nước không cần nắm giữ nhưng tỷ lệ thoái vốn thấp, tỷ lệ vốn Nhà nước nắm giữ vẫn ở mức cao, chưa đa dạng hóa sở hữu. Tiến độ thực hiện kế hoạch thoái vốn còn chậm. Việc quản lý vốn tại các doanh nghiệp có phần vốn nhà nước không chi phối gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là tại các doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, thuộc diện giám sát tài chính hoặc có cổ đông lớn thiếu hợp tác. Một số doanh nghiệp cổ phần có hiệu quả kinh doanh cao nhưng chỉ thực hiện chia cổ tức hàng năm ở mức thấp dẫn đến Quỹ Đầu tư phát triển có số dư lớn trong khi không có nhu cầu mở rộng sản xuất kinh doanh, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước đối với số cổ tức được chia cho phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

- Công tác chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp của các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh về SCIC có thời điểm thực hiện chậm và chưa có hiệu quả; có hiện tượng bán bớt phần vốn nhà nước tại các công ty con, công ty liên kết trước khi bàn giao vốn của công ty mẹ về SCIC… dẫn đến việc thực hiện mục tiêu quản lý, đầu tư, kinh doanh vốn nhà nước tại doanh nghiệp gắn với quá trình tích tụ, tập trung vốn nhà nước vào các ngành, lĩnh vực quan trọng, chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Thông qua hoạt động kiểm toán công tác cổ phần hóa, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước trong cả giai đoạn vừa qua, Kiểm toán nhà nước đã kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xây dựng mô hình thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước tách bạch với chức năng quản lý nhà nước; kiến nghị cơ chế chuyển giao quyền đại diện vốn về SCIC và đánh giá cơ chế thí điểm thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước; kiến nghị các Bộ sửa đổi bổ sung cơ chế, chính sách và giải pháp quản lý; kiến nghị các doanh nghiệp chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, khó khăn trong tổ chức thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn theo kế hoạch được phê duyệt.
Ba là, kiểm toán kết quả tư vấn định giá và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa
  1. hực hiện quy định tại Nghị định 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011, Nghị định 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thành công ty cổ phần và các văn bản đề nghị của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2012, Kiểm toán nhà nước đã tổ chức kiểm toán kết quả tư vấn định giá và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa của các doanh nghiệp cổ phần hóa. Kết quả kiểm toán cho thấy việc xử lý các vấn đề tài chính trước khi cổ phần hóa và định giá doanh nghiệp vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của Nhà nước, đặc biệt là những sai sót trong việc xác định chi phí thương hiệu, lợi thế kinh doanh, các khoản đầu tư tài chính, giá trị quyền sử dụng đất, tài sản cố định, dự án, công trình đã hoàn thành chưa quyết toán... Qua kiểm toán, Kiểm toán nhà nước đã xác định tăng giá trị thực tế vốn nhà nước hàng chục ngàn tỷ đồng (giai đoạn 2013-2016 là 22.356,7 tỷ đồng), giảm giá trị thực tế vốn nhà nước 125,9 tỷ đồng. Cũng thông qua kiểm toán kết quả tư vấn định giá và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa, Kiểm toán nhà nước đã đồng thời kiến nghị tăng thu cho ngân sách nhà nước hàng ngàn tỷ đồng do xác định bổ sung các khoản thuế và nghĩa vụ thu nộp lợi nhuận về ngân sách nhà nước.
Bên cạnh kết quả về xử lý tài chính, Kiểm toán nhà nước cũng đã kiến nghị các Bộ, ngành chỉnh sửa, hoàn thiện, bổ sung một số cơ chế, chính sách còn bất cập liên quan đến tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước cũng như công tác tư vấn định giá và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa.

Bốn là, kết quả kiểm toán công tác cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, góp vốn liên doanh, hợp tác đầu tư bằng giá trị lợi thế quyền thuê đất Nhà nước

Thông qua công tác kiểm toán các năm qua, Kiểm toán nhà nước cũng đã phát hiện những hạn chế, tồn tại sau:

(1) Về giá trị lợi thế quyền thuê đất Nhà nước không được tính vào giá trị doanh nghiệp: Các năm trước, khi tiến hành cổ phần hóa hoặc thoái vốn, phần lớn các đơn vị đang thuê đất Nhà nước ở những nơi có giá trị lợi thế, đặc biệt là đối với những doanh nghiệp nhà nước có quỹ đất lớn do lịch sử để lại, vị trí đắc địa, có lợi thế kinh doanh, phát triển dự án bất động sản… đều không tính giá trị lợi thế quyền thuê đất của Nhà nước vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa hoặc giá khởi điểm khi thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Nguyên nhân là do các văn bản quy phạm pháp luật liên quan (Nghị định số 109/2007/NĐ-CP ngày 26/6/2007, Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011, Nghị định số 189/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013...) chưa quy định việc tính giá trị lợi thế khi xác định giá trị doanh nghiệp đối với diện tích đất doanh nghiệp cổ phần hóa thực hiện hình thức thuê đất có thời hạn theo quy định của pháp luật về đất đai. Việc không tính giá trị lợi thế quyền thuê đất Nhà nước đã làm cho giá trị doanh nghiệp/giá trị vốn nhà nước khi cổ phần hóa hoặc giá khởi điểm khi thoái vốn không phản ánh đầy đủ giá trị lợi thế doanh nghiệp đang có, không phản ánh sát giá giao dịch thị trường, tạo kẽ hở để có thể lợi dụng gây thất thoát lớn vốn nhà nước khi cổ phần hóa, thoái vốn trong điều kiện nguồn đất đai có hạn, nhu cầu sử dụng ngày càng cao, nhất là tại các thành phố lớn. Qua số liệu Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cung cấp về việc bán vốn Nhà nước, một số doanh nghiệp có diện tích đất lớn, vị trí đắc địa không tính giá trị lợi thế quyền thuê đất vào giá khởi điểm để đấu giá nhưng khi đấu giá, giá trúng đấu giá đã cao hơn nhiều so với giá khởi điểm. Bên cạnh đó, tại nhiều doanh nghiệp có quỹ đất lớn, vị trí đắc địa, lợi thế kinh doanh, cổ đông chiến lược đầu tư chủ yếu vì mục đích triển khai dự án bất động sản hoặc mục đích để mua bán cổ phần doanh nghiệp.

(2) Về chuyển nhượng đất thuê Nhà nước dưới hình thức góp vốn liên doanh, hợp tác đầu tư bằng giá trị lợi thế quyền thuê đất Nhà nước, sau đó thực hiện thoái toàn bộ phần vốn góp: Qua kiểm toán một số năm trước cho thấy nhiều doanh nghiệp có quỹ đất lớn, vị trí lợi thế cho kinh doanh nhưng không còn nhu cầu sử dụng hoặc trong diện phải trả lại đất cho nhà nước hoặc phải di dời nhưng không trả lại đất cho Nhà nước mà kêu gọi nhà đầu tư cùng liên doanh, hợp tác đầu tư bằng cách góp giá trị lợi thế quyền thuê đất để khai thác quỹ đất hiện có, trong đó nhiều trường hợp đã hoàn thành việc thoái vốn góp (bằng giá trị lợi thế quyền thuê đất) cho nhà đầu tư khác sau khi hoàn thành các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất, triển khai dự án bất động sản. Như vậy, bản chất việc thành lập các công ty liên doanh, hợp tác đầu tư bằng giá trị lợi thế quyền thuê đất là hình thức lách luật để chuyển nhượng đất của Nhà nước cho nhà đầu tư khác, hoàn toàn không phải thực hiện mục tiêu cổ phần hóa, thoái vốn đã được định hướng, xác định. Nguyên nhân chính của các sai sót, tồn tại giai đoạn này: (i) Do các văn bản pháp lý chưa quy định rõ khái niệm "góp vốn hoặc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản" dẫn đến các doanh nghiệp tìm cách góp vốn bằng giá trị quyền thuê đất của nhà nước thay vì góp vốn trực tiếp bằng tiền hoặc tài sản khác vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản; (ii) Do chưa có quy định xác định giá trị lợi thế vị trí đất theo giá thị trường để thu về cho Nhà nước, dẫn đến giá trị lợi thế về đất xác định thiếu cơ sở và thay vì trả cho Nhà nước thì lại được chuyển cho doanh nghiệp được giao quản lý đất; (iii) Chưa có quy định chặt chẽ về việc cấp giấy phép thành lập công ty liên doanh, hợp tác đầu tư, dẫn đến các doanh nghiệp thành lập công ty liên doanh, hợp tác đầu tư chỉ là hình thức; không ràng buộc về thời gian tối thiểu hoạt động của liên doanh nên các doanh nghiệp có thể thoái vốn, chuyển nhượng vốn góp ngay sau khi thành lập liên doanh; (iv) Còn có những bất cập, hạn chế trong cách xác định giá trị quyền sử dụng đất khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất, dẫn đến việc tùy tiện áp dụng cácphương pháp xác định giá khác nhau, không sát giá thị trường gây thất thoát ngân sách nhà nước.

(3) Còn trường hợp doanh nghiệp nhà nước, các tổ chức được giao sử dụng “đất vàng” nhưng không sử dụng mà bán tài sản trên đất cho doanh nghiệp, cá nhân khác, sau đó chính quyền địa phương cho doanh nghiệp, cá nhân mua trên thuê và chuyển mục đích sử dụng đất.

Từ những phát hiện kiểm toán nêu trên, Kiểm toán nhà nước đã có báo cáo, kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát và sửa đổi, bổ sung để bịt những “lỗ hổng” về cơ chế, chính sách sau kết quả kiểm toán. Theo đó, thời gian gần đây, nhiều cơ chế, chính sách đã được sửa đổi, bổ sung để khắc phục những lỗ hổng đã được điểm mặt, chỉ tên cho dù việc chỉnh sửa, hoàn thiện và áp dụng thực tiễn vẫn còn những vướng mắc chưa thể tháo gỡ, xử lý để tạo hành lang pháp lý chặt chẽ, công bằng và nâng cao hiệu quả công tác cổ phần hóa, thoái vốn từ doanh nghiệp nhà nước.

Tóm lại, những kết quả kiểm toán nêu trên đã chỉ ra những tồn tại, sai sót, sai phạm trong tiến trình thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn tại các doanh nghiệp. Theo đó, ngoài xử lý tài chính, trách nhiệm, Kiểm toán nhà nước còn cảnh báo những tiềm ẩn rủi ro, thất thoát từ việc thực hiện định giá xác định giá trị doanh nghiệp không đầy đủ, thiếu đúng đắn, cho đến những lỗ hổng quản lý về quản lý sử dụng đất đai, cùng với những bất cập, thiếu minh bạch trong việc xác định giá trị lợi thế quyền thuê đất khi góp vốn của doanh nghiệp, xác định giá trị quyền sử dụng đất khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất của các địa phương đã tạo cơ hội để các tổ chức, cá nhân liên quan có thể trục lợi, tham nhũng, gây thất thoát vốn, tài sản nhà nước. Hệ lụy của những gian lận, thiếu sót này không chỉ làm thiệt hại, thất thoát số tiền lớn của Nhà nước (thời gian qua xảy ra một số vụ án liên quan đến đất đai đã, đang và sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật), không chỉ ảnh hưởng đến uy tín của bộ máy nhà nước, tác động đến yếu tố chính trị, xã hội và niềm tin của quần chúng nhân dân, mà còn là gánh nặng lâu dài nếu xét trên khía cạnh mục tiêu cổ phần hóa bị bóp méo khi các doanh nghiệp được cổ phần hóa được các thành phần kinh tế khác mua không phải để cải thiện hoạt động, nâng cao hiệu quả mà là mua để chuyển đổi mục đích sử dụng đất vì mục tiêu trục lợi. Những doanh nghiệp sau cổ phần hóa, thoái vốn theo hình thức này không thể hoạt động theo mục tiêu phát triển, cải thiện tích cực mà sẽ hoạt động kém hiệu quả, giải thể, phá sản đẩy đội ngũ người lao động lành nghề thất nghiệp, tạo nên gánh nặng cho xã hội, cản trở tăng trưởng phát triển kinh tế và công bằng xã hội. Thông qua kiểm toán, Kiểm toán nhà nước cũng đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế, bất cập của chính sách, chế độ, văn bản quy phạm pháp luật và cả những sai phạm, yếu kém trong công tác quản lý, điều hành của một số cơ quan quản lý nhà nước; ban đổi mới, hội đồng xác định giá trị doanh nghiệp; lãnh đạo các doanh nghiệp và các tổ chức thẩm định giá, theo đó đã đưa ra các kiến nghị xử lý thích hợp. Đến thời điểm hiện nay, cho dù chưa triệt để nhưng rất nhiều vấn đề đã được xem xét, giải quyết, khắc phục theo kiến nghị của Kiểm toán nhà nước.

 2. Vai trò, hiệu quả của hoạt động kiểm toán nhà nước đối với quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước

Như chúng ta đã biết, Kiểm toán nhà nước có trách nhiệm tổ chức thực hiện kiểm toán kết quả tư vấn định giá và xử lý tài chính doanh nghiệp cổ phần hóa. Căn cứ kết quả kiểm toán của Kiểm toán nhà nước, cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định công bố giá trị doanh nghiệp và triển khai các bước tiếp theo của quá trình cổ phần hóa theo quy định. Từ kết quả kiểm toán của Kiểm toán nhà nước thời gian qua cho thấy vai trò và hiệu quả của hoạt động kiểm toán với quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là không thể phủ nhận, cụ thể được đánh giá trên các mặt sau đây:

Một là, thông qua hoạt động kiểm toán, Kiểm toán nhà nước đã phân tích, đánh giá thực trạng hoạt động, thực trạng hoạt động tái cơ cấu của các doanh nghiệp nhà nước, theo đó đưa ra những kiến nghị thích hợp nhằm tăng cường hiệu quả, hiệu lực đối với công tác quản lý doanh nghiệp nhà nước; cải thiện chất lượng, hiệu quả hoạt động tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước cũng như công tác tư vấn định giá và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa trên cả góc độ quản lý nhà nước và góc độ trực tiếp thực hiện của các doanh nghiệp. Thông qua kiểm tra thực hiện kiến nghị kiểm toán cho thấy kết quả cải thiện rõ nét của hoạt động quản lý, điều hành qua kiểm toán. Từ kết quả đó, cho thấy vai trò của Kiểm toán nhà nước ngày càng sâu rộng và tích cực, có ý nghĩa quan trọng đối với lĩnh vực quản lý doanh nghiệp, đặc biệt đối với công tác tái cơ cấu, chuyển đổi, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước.

Hai là, thông qua hoạt động kiểm toán giúp tăng cường ý thức chấp hành quy định pháp luật trong thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước: Thông qua việc kiểm toán đánh giá tình hình tuân thủ các quy định của pháp luật của các doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hóa đã giúp cho các đơn vị thuộc đối tượng được kiểm toán tăng cường ý thức tự giác chấp hành quy định pháp luật nói chung và pháp luật về cổ phần hóa nói riêng. Cũng qua kiểm toán, Kiểm toán nhà nước phát hiện những vướng mắc, bất cập hoặc chưa hoàn thiện về cơ chế chính sách để kiến nghị cấp có thẩm quyền chấn chỉnh, khắc phục, sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật hướng đến mục tiêu quản lý doanh nghiệp nhà nước, quản lý công tác sử dụng vốn, cổ phần hóa chặt chẽ, khả thi, hướng đến hiệu quả, hiệu lực... 

Ba là, kết quả kiểm toán đảm bảo trung thực, khách quan của cơ quan Kiểm toán nhà nước không chỉ giúp cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định công bố giá trị doanh nghiệp và triển khai các bước tiếp theo của quá trình cổ phần hóa theo quy định mà còn cung cấp các thông tin làm căn cứ cho việc hoạch định các chính sách, ban hành các quyết định có hiệu lực, đề ra các biện pháp tăng cường quản lý nguồn vốn nhà nước, đồng thời thông qua đó nâng cao hiệu quả kinh tế vĩ mô cũng như quan tâm đến việc giải quyết các vấn đề mang tính xã hội trong hoạt động tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Bốn là, hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước góp phần kiểm tra việc chấp hành những quy định hiện hành về nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước,thực hiện nộp đúng, nộp đủ theo quy định của pháp luật. Kiểm soát chặt chẽ việc xác định phần vốn nhà nước khi triển khai công tác cổ phần hóa, chống thất thoát, lãng phí, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và tài sản nhà nước trong tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước. Thông qua công tác kiểm toán không chỉ xác định tăng giá trị thực tế phần vốn Nhà nước hàng chục nghìn tỷ đồng mà còn kiến nghị tăng cường các giải pháp cải tiến công tác quản lý để tránh thất thoát các nguồn lực có nguồn gốc nhà nước khác như đất đai, tài nguyên, lợi thế thương mại- kinh doanh- ... và nhiều nguồn lực khác.

Năm là, thông qua hoạt động kiểm toán các doanh nghiệp nhà nước, Kiểm toán nhà nước đã đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách; kiến nghị và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong việc tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước cũng như công tác tư vấn định giá và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước. Qua kiểm toán, Kiểm toán nhà nước còn quan tâm phát hiện và nhấn mạnh, dự báo, cảnh báo các rủi ro có thể xảy ra đối với hoạt động quản lý tài chính doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp, rủi ro về đầu tư tài chính, kinh doanh và hơn nữa là cả rủi ro chiến lược của các doanh nghiệp nhà nước hoặc doanh nghiệp cổ phần.

Sáu là, thông qua kiểm toán đã góp phần bịt các “lỗ hổng” về cơ chế, chính sách được phát hiện qua kiểm toán cổ phần hóa, thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước. Theo đó, Kiểm toán nhà nước đã có những kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền nghiên cứu hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo hướng ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật; sửa đổi, bổ sung các nội dung cụ thể tại các văn bản hiện hành để tạo hành lang pháp lý công khai, minh bạch, bình đẳng và thượng tôn pháp luật cho tất cả các hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn, đổi mới doanh nghiệp. Ngoài ra, cũng thông qua kiểm toán đã kiến nghị các giải pháp quản lý như chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước; xây dựng mô hình thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước tách bạch với chức năng quản lý nhà nước; kiến nghị cải tiến phương thức quản lý, điều hành, giám sát của một số cơ quan quản lý nhà nước, ban đổi mới doanh nghiệp và các hội đồng định giá, hội đồng cổ phần hóa doanh nghiệp... Đây cũng chính là một trong những khía cạnh tích cực của hoạt động Kiểm toán nhà nước nhằm khẳng định vai trò trong việc nâng cao hiệu quả đối với quá trình cổ phần hóa, thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước một cách toàn diện, đồng bộ, vĩ mô và có tác động lâu dài, công bằng đối với cả chủ thể và khách thể quản lý.

Tóm lại, hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước có vai trò quan trọng, góp phần vào công cuộc đổi mới quản lý kinh tế, quản lý chính trị, xã hội; đặc biệt có ý nghĩa to lớn trong việc triển khai cổ phần hóa, thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước đạt hiệu quả, hiệu lực và hướng đến phát triển bền vững./.

ThS. Lê Minh Nam, Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán
(Tạp chí Nghiên cứu khoa học kiểm toán số 159)

 
 
 

Xem thêm »