Chất lượng kiểm toán từ góc nhìn xã hội

09/03/2009
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Kiểm toán là một loại dịch vụ đặc biệt, dịch vụ làm cho người dùng tin, an tâm về chất lượng các con số, an tâm về tính trung thực, khách quan, đầy đủ, hợp pháp, hợp lý, hợp thủ tục của các thông tin kinh tế, tài chính, nhất là các thông tin tổng hợp trên báo cáo tài chính.

Dịch vụ kiểm toán bao gồm dịch vụ kiểm toán công (do Kiểm toán Nhà nước hoặc kiểm toán nội bộ ở khu vực công đảm nhận và đối tượng thường là tài sản công, là tài chính nhà nước) và dịch vụ kiểm toán mang tính chất thương mại (còn gọi là kiểm toán khu vực tư, do các đơn vị làm dịch vụ kiểm toán hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và có mục đích lợi nhuận, nhằm cung cấp dịch vụ kiểm toán cho mọi khách hàng có nhu cầu và được pháp luật cho phép).

Đã là dịch vụ (như sản phẩm, lao vụ khác), thì cần phải có chất lượng đảm bảo. Chất lượng đó là do các chủ thể kiểm toán tuân thủ các nguyên tắc kiểm toán và chuẩn mực kiểm toán, có quy trình, phương pháp và đặc biệt là có một đội ngũ kiểm toán viên có phẩm hạnh tốt và có năng lực chuyên môn cao, có tính chuyên nghiệp trong thừa hành nhiệm vụ. Xã hội công dânxã hội tiêu dùng đề có cái nhìn sắc nhọn và những tiêu chí đánh giá khắt khe đối với chất lượng dịch vụ kiểm toán. Bởi vì, chất lượng dịch vụ kiểm toán khi được đề cao sẽ giúp cung cấp những thông tin đáng tin cậy để người dùng tìm ra các quyết định tương ứng. Quyết định đó đôi khi sẽ là sự thành bại của một quyết sách đầu tư, một sự chọn lọc đối tác, một giải pháp về tài chính, về thị trường… Người sử dụng dịch vụ kiểm toán tuỳ vào cương vị của họ, tuỳ hoàn cảnh làm việc mà có những nhìn nhận khác nhau về chất lượng dịch vụ kiểm toán. Song, tựu trung lại, theo cách tổng kết và trải nghiệm của chúng tôi, các tiêu chí đánh giá chất lượng kiểm toán từ góc nhìn xã hội có thể là:

1. Chất lượng dịch vụ kiểm toán (CLDVKT) trước hết được đặt trên nền tảng của mục tiêu kiểm toán. Cuộc kiểm toán tiến hành nhằm mục đích gì, có phải nó đi sâu vào kiểm tra, phân tích để đánh giá khách quan chất lượng các thông tin được kiểm toán để cung cấp những thông tin đã được kiểm chứng, đáng tin cậy hay không, hay chỉ nhằm “hợp lý hoá”, “thủ tục hoá” những thông tin lẽ ra phải được nhìn nhận là còn khiếm khuyết, có sai sót, thậm chí có gian lận và không đáng tin cậy. Như vậy, CLDVKT phải có cái nền ;à sự vô tư, khách quan, trung thực, có chính kiến và mục tiêu rõ ràng.

2. CLDVKT phải phản ánh tính độc lập, khách quan của chủ thể kiểm toán. Kết luận kiểm toán thể hiện tư cách, tư thế, quan điểm và cái nhìn độc lập của chủ thể kiểm toán. Tính độc lập đó không thể bị xâm hại một cách vô nguyên tắc và phi chuẩn mực, thậm chí phi pháp. Không thể cho định kiến, thành kiến, sự “chỉ đạo” thiếu khách quan hoặc vụ lợi lợi chi phối cuộc kiểm toán cũng như chi phối các kết luận,đánh giá, xác nhận kiểm toán. Tính độc lập là một nội hàm cơ bản nhất, có tính sống còn của một kết luận kiểm toán có chất lượng. Nhờ đó mà người sử dụng có thể an tâm rằng mình đã không bị nhà kiểm toán làm cho mình bị chi phối, bị thiên lệch theo.

3. CLDVKT thể hiện chủ thể kiểm toán tuân thủ pháp luật, nguyên tắc, chuẩn mực kiểm toán. Điều này đảm bảo cho sự công bằng, sự chuẩn tắc và đáng tin cậy, vì thước đo chuẩn mực đã được pháp luật và cả thế giới cộng đồng kiểm toán thừa nhận. Ưu thế này làm cho người soát xét CLDVKT từ mọi góc nhìn đều có thể và phải thừa nhận vì chủ thể đã sử dụng “thước đo chung về chất lượng” để thẩm định, đánh giá và kết luận.

4. CLDVKT thể hiện mức độ thành thạo, chuyên nghiệp của đội ngũ kiểm toán viên (KTV) khi họ nắm bắt được, có bản lĩnh và kỹ năng sử dụng thành thạo hệ thống phương pháp kiểm toán tuỳ theo tình hình của đối tượng kiểm toán và nội dung kiểm toán cụ thể. Điều này đặc biệt quan trọng vì KTV luôn phải đối mặt với rất nhiều cam go, rủi ro và cạm bẫy. Họ phải có kỹ năng, có phương pháp và dày dạn kinh nghiệm để ứng xử với từng tình huống kiểm toán cụ thể. Sự thành thạo và tính chuyên nghiệp là yếu tố cấu thành và đảm bảo cho mọi đánh giá, kết luận đều bao hàm tính thận trọng cần thiết.

5. CLDVKT đòi hỏi mọi đánh giá, nhận định và kết luận đều phải được đảm bảo bằng những bằng chứng xác thực. Những bằng chứng kiểm toán luôn luôn phải được xác lập với đầy đủ các yếu tố cấu thành, nó luôn được soát xét, tái thẩm định để có một bằng chứng chính xác, phản ánh đúng thực trạng của tình hình. Nhờ đó, kết luận được đảm bảo về tính pháp lý, tính hợp lý, sự trung thực và đáng tin cậy. Kết luận có cơ sở là nguồn cội, quyết định CLDVKT.

6. CLDVKT thể hiện ở chỗ, báo cáo kiểm toán phản ánh đúng thực trạng tài chính của đơn vị được kiểm toán. Thực trạng đó thể hiện qua các chỉ tiêu về nguồn vốn, tài sản, tình hình công nợ, các quan hệ tài chính khác, tình hình chi phí, giá thành, kết quả kinh doanh của đơn vị. Qua các chỉ tiêu đó, ta thấy rõ sức mạnh tài chính, mức độ lành mạnh của các quan hệ tài chính, tính khách quan, trung thực của báo cáo tài chính được công bố. Như vậy, tấm gương thực về tài chính của đơn vị được phản ánh trong bản cáo bạch tài chính là đáng tin cậy và nhờ đó, các đối tác, các nhà đầu tư và chủ thể quản lý có thể dựa vào đó để ra các quyết định phù hợp.

7. CLDVKT cuối cùng có thể được thể hiện khi kết luận kiểm toán là căn cứ cho chủ sở hữu, chủ thể quản lý khác, cho nhà nước, các cơ quan bảo vệ pháp luật và công dân thấy an tâm về các thông tin liên quan đến đối tượng kiểm toán. Nhờ đó, chủ sở hữu, nhà nước, công dân mới có thể thừa nhận sự quang minh, chính đại của các thông tin về tài chính, về hoạt động hiện thực của các đơn vị. Thí dụ, công dân có thể an tâm về nền tài chính công mà nguồn thu cơ bản là từ sự đóng thuế của họ. Nhà nước an tâm về sự điều hành, quản lý, sử dụng tài sản công, nguồn công quỹ cho các mục tiêu kinh tế xã hội. Các quốc gia có quan hệ tài chính an tâm về sự trong sạch của bộ máy quản lý nước sở tại, từ đó gia tăng các quan hệ hợp tác, đầu tư, viện trợ…

Theo bảy tiêu chí đó, xã hội sẽ thấy rõ tác động có thật của kiểm toán. Điều này lý giải tại sao khi soi xét từ góc nhìn xã hội, các tiêu chí phản ánh chất lượng kiểm toán trở nên sáng rõ hơn, dung dị hơn và tự nó trở thành đòi hỏi bức thiết đối với quá trình nâng cao CLDVKT mà mọi tổ chức kiểm toán cũng như KTV phải nỗ lực. Trong toàn bộ hệ thống kiểm toán quốc gia, KTV nhà nước có vai trò quan trọng nhất. KTV nhà nước phải làm gương và nêu ra bài học sáng tỏ về quan niệm, con đường, giải pháp nâng cao CLDVKT công của mình, nhờ thế mà tác động đến toàn bộ hệ thống kiểm toán. Sự mong đợi đối với việc nâng cao CLDVKT của xã hội là có thực và sẽ ngày càng được đề cao trong hoàn cảnh nền kinh tế của ta trở thành nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh và Nhà nước pháp quyền XHCN ngày càng sử dụng có hiệu quả hơn công cụ kiểm toán. Đó thực sự là một giải pháp hữu hiệu để thực hiện dân chủ, công bằng xã hội, trước hết là dân chủ và công bằng về kinh tế và tài chính./.

Xem thêm »