Một số suy nghĩ về xây dựng tiêu chí đánh giá chất lượng cuộc kiểm toán

09/03/2009
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Để tăng cường kiểm soát hoạt động kiểm toán và nâng cao chất lượng kiểm toán thì đánh giá chất lượng cuộc kiểm toán là một trong những vấn đề giữ vai trò quan trọng. Nhưng để đánh giá được chất lượng các cuộc kiểm toán thì vấn đề then chốt là xác định được những yếu tố nào ảnh hưởng đến chất lượng cuộc kiểm toán, tiêu chí để xác định chất lượng cuộc kiểm toán và mức độ ảnh hưởng của các tiêu chí đó đến chất lượng cuộc kiểm toán.

Qua thời gian nghiên cứu và xây dựng tiêu chí đánh giá chất lượng các cuộc kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước, nhóm soạn thảo có những vấn đề vướng mắc nêu ra để cùng trao đổi và tham khảo các ý kiến đóng góp:

Như chúng ta đã biết, kiểm toán được hiểu là hoạt động độc lập của các kiểm toán viên có trình độ nghiệp vụ chuyên sâu, bằng những phương pháp kỹ thuật nghiệp vụ nhằm xác minh, bày tỏ ý kiến về thực trạng hoạt động quản lý tài chính kế toán của đơn vị được kiểm toán, hoạt động này được thực hiện trên cơ sở hệ thống các văn bản pháp lý có hiệu lực. Trong quá trình thực hiện kiểm toán, các kiểm toán viên phải tuân thủ các chuẩn mực, quy trình hệ thống các văn bản pháp quy điều chỉnh hoạt động tài chính kế toán của đơn vị được kiểm toán và đạt được các mục tiêu đã được xác định cho từng cuộc kiểm toán. Phân loại theo loại hình cụ thể thì kiểm toán được phân thành 3 loại: kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ, kiểm toán hoạt động, mỗi loại hình này có mục tiêu, nội dung và phương pháp khác nhau do vậy việc đánh giá chất lượng cho từng loại hình kiểm toán cũng khác nhau.

Trước hết, về khái niệm chất lượng cuộc kiểm toán vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau. Một cuộc kiểm toán được thực hiện bởi nhóm các kiểm toán viên tiến hành kiểm toán một đối tượng cụ thể. Các khách thể kiểm toán lại khác nhau, rất phong phú đa dạng. Có hai quan điểm về đánh giá chất lượng kiểm toán. Quan điểm thứ nhất cho rằng chất lượng kiểm toán là mức độ tuân thủ các quy trình, chuẩn mực kiểm toán và các quy định khác về chuyên môn nghiệp vụ kiểm toán. Quan điểm thứ hai cho rằng chất lượng kiểm toán được đánh giá thông qua việc đạt được các mục tiêu, nội dung kiểm toán và hiệu quả hoạt động của kiểm toán.

Thực tế hiện nay Kiểm toán Nhà nước khi tiến hành các cuộc kiểm toán đều có sự kết hợp của 3 loại hình kiểm toán: kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ, kiểm toán hoạt động. Do vậy theo quan điểm chúng tôi, thì cuộc kiểm toán đảm bảo chất lượng khi cuộc kiểm toán đạt được mục tiêu, nội dung đã được xác định trong kế hoạch kiểm toán đã được Tổng KTNN phê duyệt, các thành viên và đoàn kiểm toán tuân thủ chuẩn mực, quy trình kiểm toán, các quy định khác về chuyên môn nghiệp vụ kiểm toán và sử dụng các nguồn lực tiết kiệm, hiệu quả.

Thứ hai, về phạm vi đánh giá các cuộc kiểm toán : có quan điểm cho rằng đánh giá chấm điểm đối với tất cả các cuộc kiểm toán nhưng cũng có quan điểm cho rằng chỉ tiến hành đánh giá đối với các cuộc kiểm toán không có vi phạm nghiêm trọng về pháp luật.

Xuất phát từ mục tiêu của việc xác định tiêu chí đánh giá chất lượng là để phát hiện ra những mặt đạt được cũng như tồn tại của các cuộc kiểm toán nhằm chia sẻ thông tin, nâng cao chất lượng cuộc kiểm toán, là cơ sở để phân loại, xếp hạng các cuộc kiểm toán và phục vụ cho công tác thi đua khen thưởng. Do đó theo quan điểm chúng tôi, thì tất cả các cuộc kiểm toán đều được đánh giá chỉ trừ một số trường hợp đặc biệt : cuộc kiểm toán đã có những vi phạm pháp luật hoặc cuộc kiểm toán mang tính bí mật quốc gia có những đặc thù riêng.

Thứ ba, để có thể lượng hoá các tiêu chí đánh giá cần xác định các tiêu chí đánh giá và thang điểm chất lượng cho các tiêu chí. Việc xác định các tiêu chí chi tiết trong từng nhóm tiêu chí sẽ gặp khó khăn do quy trình và chuẩn mực kiểm toán đang trong quá trình sửa đổi, bổ sung và chưa ban hành chính thức, mặt khác việc xác định điểm cho từng tiêu chí cũng mang tính tương đối, vì đối với từng cuộc kiểm toán thì mức độ ảnh hưởng của các tiêu chí đối với chất lượng cuộc kiểm toán khác nhau và cũng có sự khác nhau về quy mô các cuộc kiểm toán.

Các cuộc kiểm toán đều thực hiện qua 3 giai đoạn : Chuẩn bị kiểm toán, thực hiện kiểm toán, lập báo cáo kiểm toán và thông báo kết quả kiểm toán; các cuộc kiểm toán đều tuân thủ các chuẩn mực quy trình áp dụng thống nhất do đó việc đánh giá chất lượng các cuộc kiểm toán cũng có những thuận lợi.

Việc đánh giá chất lượng cuộc kiểm toán thông qua việc đánh giá chất lượng sản phẩm của từng giai đoạn thực hiện và các hồ sơ kiểm toán có liên quan. Căn cứ vào hoạt động kiểm toán, việc kiểm tra giám sát, thẩm định chất lượng kiểm toán, để đánh giá chất lượng các cuộc kiểm toán cần đánh giá theo 3 nhóm sản phẩm chính: kế hoạch kiểm toán, báo cáo kiểm toán, công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động đoàn kiểm toán.

Theo quan điểm của chúng tôi, thì chất lượng báo cáo kiểm toán có ý nghĩa quyết định nhất đối với chất lượng cuộc kiểm toán, vì báo cáo kiểm toán là sản phẩm quan trọng nhất của cuộc kiểm toán. Một báo cáo kiểm toán có chất lượng khi đảm bảo các yêu cầu sau: phải đạt được mục tiêu của kế hoạch kiểm toán đề ra, phải phù hợp với các yêu cầu về chuẩn mực báo cáo, phải chính xác, rõ ràng, súc tích có tính xây dựng và được lập kịp thời. Do vậy để có báo cáo kiểm toán có chất lượng thì mục tiêu và nội dung kiểm toán xác định trong kế hoạch kiểm toán phải đảm bảo phù hợp gắn liền với số liệu và tình hình của đơn vị được kiểm toán, các kiểm toán viên tham gia phải tuân thủ nghiêm túc các chuẩn mực, quy trình chung và công tác quản lý hoạt động kiểm toán cũng phải được thực hiện nghiêm túc để đảm bảo các kiểm toán viên tuân thủ đúng các nội dung, mục tiêu, phương pháp kiểm toán và các nguyên tắc chuẩn mực chung.

Nếu coi tổng số điểm chất lượng của cuộc kiểm toán là 100 điểm thì mức điểm cho nhóm tiêu chí về báo cáo kiểm toán sẽ khoảng từ 55- 60 điểm. Kế hoạch kiểm toán cũng là yếu tố quan trọng quyết định đến chất lượng cuộc kiểm toán. Việc xác định đầy đủ xác thực mục tiêu, nội dung cũng như trọng yếu, rủi ro kiểm toán sẽ là tiền đề để đạt được mục tiêu kiểm toán cũng như tăng cường hiệu quả hoạt động kiểm toán. Do vậy mức điểm cho nhóm tiêu chí này sẽ khoảng từ 20-25 điểm. Cuối cùng là công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng kiểm toán cũng có vai trò đối với chất lượng kiểm toán. Việc kiểm tra, soát xét chất lượng kiểm toán sẽ được thực hiện ở 2 khâu : nội kiểm( các đơn vị thực hiện cuộc kiểm toán tự đánh giá), ngoại kiểm( các đơn vị bên ngoài thậm chí cả dư luận xã hội, các thông tin phản hồi của đơn vị được kiểm toán); mức điểm cho nhóm tiêu chí này sẽ khoảng 15- 25 điểm.

Thứ tư, về cách thức đánh giá cho điểm đối với các cuộc kiểm toán, vì ngoài đơn vị thực hiện cuộc kiểm toán( các đoàn kiểm toán, các kiểm toán chuyên ngành và khu vực) tự chấm điểm thì các đơn vị tham mưu trong ngành theo chức năng và nhiệm vụ cũng tiến hành thẩm định, đánh giá cho từng khâu của cuộc kiểm toán kiểm toán, tuy nhiên các đơn vị này là các đơn vị khác nhau trong ngành và các đơn vị này thì chỉ tiến hành cho điểm với từng khâu của cuộc kiểm toán do đó sẽ khó cho việc đánh giá toàn diện của từng cuộc kiểm toán. Mặt khác đối với một số cuộc kiểm toán các đơn vị tham mưu chỉ thẩm định, đánh giá ở 2 khâu chính là lập kế hoạch kiểm toán và báo cáo kiểm toán hoặc chỉ đánh giá ở khâu công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động kiểm toán do vậy việc thẩm đánh giá và chấm điểm cho các cuộc kiểm toán sẽ khó đồng nhất.

Trên đây là một số suy nghĩ về việc xây dựng tiêu chí đánh giá chất lượng các cuộc kiểm toán. Mong rằng sẽ có nhiều những ý kiến trao đổi bổ ích.

Tài liệu tham khảo :

- Cẩm nang kiểm toán viên nhà nước- NXB Chính trị quốcgia -2000

- Các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành của KTNN.

- Lý thuyết kiểm toán- Đại học KTQD- 2005

Xem thêm »