Dấu hiệu nhận biết khoản cho vay có vấn đề,chính sách cho vay kém hiệu quả của ngân hàng và vấn đề kiểm soát, xử lý

09/03/2009
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Hoạt động cho vay của ngân hàng có mối liên hệ mật thiết với tình hình phát triển kinh tế tại khu vực ngân hàng phục vụ, bởi vì cho vay thúc đẩy sự tăng trưởng của các doanh nghiệp, tạo sức sống cho nền kinh tế, thông qua các khoản cho vay của ngân hàng, thị trường sẽ có thêm thông tin về chất lượng tín dụng của từng khách hàng.

Đối với hầu hết các ngân hàng khoản mục cho vay chiếm quá nửa giá trị tổng tài sản và tạo ra từ 1/2 đến 2/3 nguồn thu của ngân hàng, nhưng nó cũng chứa đựng những rủi ro có thể gây ra tổn thất đáng kể cho ngân hàng bắt nguồn từ hai loại nhân tố: Nhóm nhân tố bên ngoài (chủ yếu là môi trường kinh tế) và nhóm nhân tố bên trong (bao gồm những sai sót trong quá trình quản lý và những hoạt động bất hợp pháp). Vì thế, Nhà nước và các cơ quan quản lý ngân hàng đã ban hành các quy định liên quan đến nghiệp vụ cho vay của ngân hàng nhằm mục đích quản lý, hướng dẫn, giám sát hoạt động của ngân hành ngày càng tốt hơn: Luật các Tổ chức tín dụng ngày 12 tháng 12 năm 1997, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các Tổ chức tín dụng ngày 15 tháng 06 năm 2004, Chính phủ ban hành Nghị định số 178/1999/NĐ-CP ngày 29/12/1999 về bảo đảm tiền vay của các Tổ chức tín dụng, Nghị định số 85/2002/NĐ-CP ngày 25/10/2002 về sửa đổi bổ sung Nghị định số 178/1999/NĐ-CP và Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN về việc ban hành Quy chế cho vay của Tổ chức tín dụng (Quyết định 1627), Quyết định số 127/2005/QĐ-NHNN về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định 1627, Quyết định số 493/2005/QĐ-NHNN ngày 22/4/2005 Quy định về rủi ro tín dụng của Tổ chức tín dụng. Từ đó, để có thể nhận biết và kiểm soát rủi ro thì chức năng cho vay của ngân hàng phải được giám sát chặt chẽ, đảm bảo tính hiệu quả của các chính sách và quy trình cho vay. Ngân hàng cũng kiểm soát rủi ro trong lĩnh vực cho vay thông qua việc thiết lập các chính sách và thủ tục cho vay bằng văn bản dựa trên những văn bản chung nhà nước đã ban hành. Mỗi ngân hàng phải có một chính sách cho vay cụ thể mô tả toàn bộ các loại hình cho vay mà ngân hàng cho là cần thiết để duy trì sự phát triển lành mạnh cũng như để đáp ứng tốt nhất nhu cầu tín dụng của cộng đồng.

Trong phạm vi bài này, tác giả tập trung trao đổi những dấu hiệu nhận biết một khoản cho vay có vấn đề, chính sách cho vay kém hiệu quả của ngân hàng và vấn đề kiểm soát, xử lý. Chính sách cho vay phải xác định rõ trách nhiệm và thẩm quyền ra quyết định của phòng tín dụng trong việc xét duyệt các đơn xin vay, hồ sơ cho vay. Chính sách cho vay bằng văn bản của ngân hàng còn bao gồm cả định hướng đối với việc định giá và sử dụng tài sản thế chấp của người vay, các thủ tục cho việc thiết lập lãi suất. Đồng thời chính sách cũng phải xác định rõ loại hình cho vay mà ngân hàng cần hạn chế thực hiện. Ngân hàng cần phải cân nhắc rất nhiều các yếu tố trong việc quyết định có cho khách hàng vay hay không. Nhìn chung, để đánh giá chính xác một đơn xin vay, một hồ sơ vay ngân hàng thường dựa trên sáu nhân tố quan trọng sau: (1) Tính cách, ngân hàng phải xác định được tính trung thực của người vay và liệu khoản vay có được sử dụng đúng mục đích không; (2) năng lực, ngân hàng phải xác định được liệu người vay có đủ tư cách pháp lý để ký kết hợp đồng tín dụng hay không; (3) tiền mặt, ngân hàng phải căn cứ vào dự án đầu tư, phương án kinh doanh khả thi có hiệu quả của người vay trong việc tạo ra thu nhập hay dòng tiền đủ lớn để hoàn trả món vay, có đủ các tài liệu chứng minh dự án có thật; (4) tài sản thế chấp, ngân hàng phải xem xét liệu người vay có tài sản hay hàng hoá để đảm bảo cho khoản vay hay không; (5) các điều kiện môi trường, đó là môi trường của ngành và nền kinh tế trong đó người vay tiến hành hoạt động kinh doanh và nó có thể ảnh hưởng bất lợi tới việc hoàn trả món vay; (6) kiểm soát, ngân hàng phải xác định xem liệu đơn xin vay của khách hàng có đáp ứng được các tiêu chuẩn chất lượng tín dụng của ngân hàng và của các cơ quan quản lý ngân hàng hay không.

Một chương trình cho vay lành mạnh cũng bao gồm việc kiểm soát định kỳ đối với tất cả các khoản cho vay cho đến ngày mãn hạn. Những khoản cho vay có vấn đề khi được phát hiện trong quá trình kiểm soát sẽ được chuyển cho các chuyên gia thu hồi nợ - những người tiến hành điều tra nguyên nhân tạo ra khoản cho vay có vấn đề và phải phối hợp với người vay để tìm ra giải pháp nhằm phục hồi tới mức tối đa phần vốn cho vay.

Điều gì sẽ xảy ra với hợp đồng tín dụng sau khi nó đã được ký kết giữa người vay và ngân hàng? Ngân hàng có nên lưu giữ và lãng quên nó cho đến khi món vay đến hạn và người vay thực hiện xong khoản thanh toán cuối cùng? Rõ ràng đây là một hành động không thể xảy ra trong hoạt động ngân hàng bởi vì các điều kiện cơ sở của mỗi khoản vay thường xuyên thay đổi, tác động vào vị thế tài chính, năng lực hoàn trả của người vay. Những biến động trong nền kinh tế sẽ làm giảm nhu cầu tín dụng của một số doanh nghiệp và làm tăng nhu cầu đối với một số doanh nghiệp khác. Ngày nay các ngân hàng sử dụng nhiều biện pháp kiểm soát khác nhau, một số biện pháp cơ bản được áp dụng như:

- Thực hiện kiểm soát và xem xét định kỳ tất cả các loại hình cho vay, các nhóm đối tượng vay vốn, ví dụ kiểm tra chu kỳ 30, 60 hay 90 ngày với những khoản cho vay lớn đồng thời cũng tiến hành kiểm tra bất thường đối với những khoản vay có quy mô nhỏ.

- Tổ chức quá trình kiểm soát cẩn thận và nghiêm túc để đảm bảo nghiêm túc xem xét và đánh giá được tất cả các đặc tính quan trọng đối với mỗi khoản vay, bao gồm:

+ Đánh giá giải trình thanh toán của khách hàng nhằm đảm bảo rằng khách hàng không vi phạm kế hoạch thanh toán.

+ Đánh giá chất lượng và tình trạng của tài sản thế chấp.

+ Xem xét đầy đủ khía cạnh pháp lý của hợp đồng tín dụng để đảm bẩo rằng ngân hàng có quyền hợp pháp sở hữu một phần hay toàn bộ tài sản thế chấp trong trường hợp người vay không có khả năng thanh toán nợ khi đến hạn.

+ Đánh giá sự thay đổi trong tình hình tài chính của người vay và sự thay đổi trong các dự báo, đánh giá những yếu tố làm tăng, giảm nhu cầu tín dụng của người vay.

+ Đánh giá xem liệu khoản cho vay có phù hợp với chính sách của ngân hàng và phù hợp với những tiêu chuẩn được các cơ quan quản lý áp dụng khi kiểm tra danh mục cho vay của ngân hàng hay không.

- Kiểm soát và theo dõi thường xuyên những khoản cho vay lớn bởi vì việc không tuân thủ hợp đồng tín dụng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình trạng tài chính của ngân hàng.

- Tiến hành theo dõi thường xuyên đối với những khoản cho vay có vấn đề.

- Trong trường hợp tốc độ phát triển của nền kinh tế suy giảm hay các ngành chiếm tỷ trọng lớn trong danh mục cho vay của ngân hàng phải đối mặt với những vấn đề lớn (sự xuất hiện của các đối thủ cạnh tranh mới hay sự thay đổi công nghệ tạo ra nhu cầu mới) thì ngân hàng cần phải tăng cường các biện pháp tín dụng.

Như vậy, kiểm soát tín dụng có vai trò vô cùng quan trọng đối với một chương trình cho vay lành mạnh của ngân hàng. Nó không chỉ giúp các nhà quản lý ngân hàng phát hiện ra nhũng khoản cho vay có vấn đề nhanh hơn mà còn giúp xác định được vấn đề các cán bộ tín dụng có tuân thủ đúng chính sách cho vay của ngân hàng hay không. Kiểm soát tín dụng cũng giúp các nhà quản lý cao cấp và hội đồng quản trị của ngân hàng trong việc đánh giá toàn bộ rủi ro tiềm tàng của ngân hàng và nhu cầu vốn của nó trong tương lai.

Mặc dù, đã có những biện pháp quản lý, kiểm soát tín dụng an toàn, các văn bản quy định hướng dẫn cụ thể áp dụng trong các chương trình cho vay song việc tồn tại các khoản cho vay có vấn đề là một thực tế không thể tránh khỏi. Thông thường điều này có nghĩa rằng người vay đã không thực hiện thanh toán đúng như kế hoạch (một hoặc nhiều lần) hay giá trị tài sản thế chấp của người vay đã sụt giảm đáng kể. Các dấu hiệu nhận biết:

Các dấu hiệu nhận biết một khoản cho vay có vấn đề

Các dấu hiệu nhận biết chính sách cho vay kém hiệu quả của ngân hàng

Giải ngân bằng tiền mặt đối với khoản vay có gía trị lớn.

Khách hàng thanh toán tiền vay không đúng kế hoạch.

Kỳ hạn trả nợ của khoản cho vay bị thay đổi liên tục.

Yêu cầu gia hạn nợ kém hiệu quả (Dư nợ gốc trước mỗi lần gia hạn không giảm đáng kể)

Lãi suất cao bất thường (cố gắng bù đắp rủi ro cao).

Sự tích tụ bất thường của các khoản phải thu hoặc hàng tồn kho của khách hàng.

Tỷ lệ (đòn bẩy) nợ trên vốn cổ phần tăng.

Thất lạc các tài liệu (đặc biệt là các báo cáo tài chính của khách hàng phải lưu tại ngân hàng)

Tài sản thế chấp không đủ tiêu chuẩn

Trông chờ việc đánh giá lại tài sản sản phẩm tăng vốn chủ sở hữu.

Không có các báo cáo hay dự đoán về dòng tiền.

Việc trông chờ của khách hàng vào các nguồn vốn bất thường để đáp ứng nghĩa vụ thanh toán (ví dụ, bán các toà nhà chung cư, các trang thiết bị có giá trị, mà không phải là hàng hoá kinh doanh của đơn vị vay).

Sự đánh giá không chính xác về rủi ro của khách hàng.

Cho vay dựa trên các sự kiện bất thường có thể xảy ra trong tương lai (chẳng hạn như sáp nhập).

Cho vay do khách hàng hứa duy trì một khoản tiền gửi lớn.

Không xác định kế hoạch hoàn trả đối với từng khoản cho vay.

Phân kỳ thu gốc và lãi thời gian dài không linh hoạt (giảm khả năng quay vòng vốn).

Cung cấp tín dụng lớn cho khách hàng không thuộc khu vực thị trường của ngân hàng.

Hồ sơ tín dụng không đầy đủ.

Cấp các khoản tín dụng lớn cho thành viên trong nội bộ ngân hàng (nhân viên, giám đốc hay các cổ đông)

Có khuynh hướng cạnh tranh tăng thái quá (cấp các khoản tín dụng cho khách hàng để họ không tới ngân hàng khác dù khoản cho vay sẽ có vấn đề)

Cho vay để tài trợ các hoạt động đầu cơ.

Thiếu nhạy cảm đối với môi trường kinh tế đang có thay đổi.

Tạo lập hợp đồng tín dụng mới thay thế hợp đồng cũ hoặc cho vay thêm vốn đối với khách hàng.

Mỗi khoản cho vay có vấn đề đều mang những nét đặc thù nhưng dù sao chúng cũng đều mang những nét chung góp phần cảnh báo cho ngân hàng về những vấn đề rắc rối đã bắt đầu nảy sinh.

- Sự trì hoãn bất thường hay không có lời giải thích của người vay trong việc nộp các báo cáo tài chính và các khoản thanh toán theo kế hoạch cũng như trì hoãn trong giao tiếp với nhân viên ngân hàng.

- Đối với những món vay kinh doanh là những thay đổi bất thường xuất hiện trong các phương pháp mà người vay sử dụng để tính khấu hao tài sản cố định, trả tiền trợ cấp, tính giá trị hàng tồn kho, tính thuế hay thu nhập.

- Đối với những món vay kinh doanh, việc cấu trúc lại số dư nợ, không chia lợi tức cổ phần, hay sự thay đổi trong mức phân hạng tín dụng của khách hàng là những dấu hiệu cần chú ý.

- Những thay đổi bất lợi về giá cổ phiếu của khách hàng vay vốn.

- Khách hàng hoạt động thua lỗ trong một hoặc nhiều năm, đặc biệt thể hiện thông qua các chỉ số lãi trên tài sản của người vay (ROA), lãi trên vốn cổ phần (ROE) hay thu nhập trước trả lãi và thuế (EBIT).

- Những thay đổi bất lợi trong cơ cấu vốn của người vay (tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu), khả năng thanh toán (tỷ lệ khả năng thanh toán hiện thời), hay mức độ hoạt động (ví dụ tỷ lệ giữa doanh thu trên hàng tồn kho).

- Độ lệch giữa doanh thu hay dòng tiền thực tế so với mức dự kiến khi khách hàng xin vay.

- Những thay đổi bất thường, ngoài dự kiến và không được giải thích trong số dự kiến gửi của khách hàng.

Vậy, một ngân hàng nên làm gì khi khoản cho vay có vấn đề? Xử lý như thế nào? Quá trình khôi phục vốn từ những khoản cho vay có vấn đề có thể bao gồm những bước sau:

Một là: Luôn giữ vững mục tiêu, tận dụng mọi cơ hội trong việc khôi phục toàn bộ phần vốn cho vay.

Hai là: Phát hiện và báo cáo kịp thời những vấn đề nảy sinh liên quan đến khoản cho vay là điều hết sức cần thiết. Trì hoãn thường làm cho khoản vay có vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn.

Ba là: Tách biệt trách nhiệm đòi nợ độc lập với chức năng cho vay nhằm tránh những xung đột về quyền lợi có thể xảy ra giữa các cán bộ ngân hàng.

Bốn là: Các chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng nên bàn bạc khẩn trương với khách hàng "có vấn đề" về một số khả năng lựa chọn, đặc biệt đối với việc cắt giảm chi phí, tăng dòng tiền và tăng cường khả năng quản lý. Thông thường, ngân hàng sẽ bắt đầu cuộc thảo luận với việc phân tích sơ bộ vấn đề và phác thảo những khả năng có thể xảy ra đối với khoản cho vay (cuộc thảo luận này bao gồm cả các chủ nợ khác của khách hàng). Sau khi xác định được những rủi rỏ tiềm tàng, thực trạng của món vay, ngân hàng phải cụ thể hoá kế hoạch hành động để có những bước đi hiệu quả tiếp theo.

Năm là: Phải ước tính được những nguồn sẵn có để thu hồi khoản cho vay có vấn đề như quỹ dự phòng rủi ro tín dụng, giá trị ước tính của tài sản dùng để trả nợ hay tiền gửi của khách hàng.

Sáu là: Các bộ thu nợ ngân hàng tìm hiểu các thủ tục pháp lý nếu xảy ra tranh chấp trong trường hợp khách hàng có ý định không hoàn trả món vay.

Bảy là: Đối với các khoản cho vay kinh doanh, phòng tín dụng ngân hàng phải đánh giá được phẩm chất, năng lực và cơ cấu bộ máy lãnh đạo của đơn vị vay vốn. Nhìn chung cán bộ ngân hàng phải xuống cơ sở sản xuất kinh doanh để nắm bắt tình hình thực tế hoạt động cũng như giá trị tài sản của khách hàng.

Tám là: Chuyên gia trong lĩnh vực thu nợ của ngân hàng phải cân nhắc toàn bộ những khả năng có thể xảy ra trong việc giải quyết khoản cho vay có vấn đề bao gồm nhận thêm tài sản thế chấp mới, thực hiện bảo lãnh, tổ chức lại, giải thể công ty.

Đối với chính sách cho vay kém hiệu qủa của ngân hàng thì sao? các ngân hàng phải thực thi nghiêm túc, vận dụng đúng các văn bản hướng dẫn đảm bảo các khoản cho vay thoả mãn được những tiêu chuẩn do các cơ quan quản lý ngân hàng đặt ra; các báo cáo về ngân sách Chính phủ, những thông tin chung về kinh tế; các cơ quan phân hạng tín dụng; đánh giá chính sách cho vay trong từng thời kỳ phân tích những hạn chế, tồn tại để điều chỉnh kịp thời theo sự phát triển của nền kinh tế; hoạt động kinh doanh theo đúng các ngành nghề được phép; thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tín dụng có trình độ và có đạo đức nghề nghiệp tốt; hoàn thiện lại quy trình cho vay bằng việc thiết lập chính sách cho vay tốt như một cẩm nang tín dụng ngân hàng ở đó qui định những nội dung chi tiết cụ thể về hoạt động cho vay (danh mục cho vay, quyền hạn trách nhiệm của cán bộ tín dụng, quản lý tài sản thế chấp, xác định lãi suất cho vay, các khoản phí và thời hạn vay, hạn mức tín dụng,..).

Quá nhiều rủi ro gắn với các hoạt động ngân hàng trong đó hoạt động cho vay là hoạt động có khả năng tiếp nhận rủi ro cao nhất. Việc phát hiện kịp thời các dấu hiệu một khoản vay có vấn đề và các chính sách cho vay kém hiệu qủa của ngân hàng là rất cần thiết trong thời kỳ hội nhập hiện nay, là trách nhiệm của từng cán bộ tín dụng, của Hội đồng quản trị ngân hàng và của các cơ quan quản lý ngân hàng, sớm giúp cho ngân hàng và các cơ quan quản lý ngân hàng đề ra các biện pháp kiểm soát, xử lý quan trọng nhất nhằm bảo vệ người gửi tiền tránh khỏi những tổn thất về tài chính, tránh những hậu quả nặng nề của sự phá sản ngân hàng đối với nền kinh tế.

Tài liệu tham khảo:

- Luật các TCTD 1997, 2004;

- Nghị định số 85/2002/NĐ-CP ngày 25/10/2002;

- Quản trị NHTM 2004 Nxb Tài chính;

- Quyết định số 1627/2001/QĐ- NHNN ngày 31/12/2001;

- Quyết định số 127/2005/QĐ-NHNN ngày 03/02/2005.

Xem thêm »