Trao đổi về chấp hành mục lục ngân sách nhà nước

09/03/2009
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Công tác kế toán và quyết toán ngân sách phải thực hiện thống nhất về mục lục NSNN (Điều 65 Nghị định số 60/2003/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật NSNN). Hạch toán sai mục lục NSNN được xem là hành vi vi phạm pháp luật về ngân sách (Điều 72 Luật NSNN)

Tuy nhiên, trong thực tế vì nhiều lý do khác nhau vẫn còn không ít trường hợp hạch toán chi NSNN chưa được thống nhất, cùng một nội dung chi phát sinh nhưng ở mỗi đơn vị, địa phương hạch toán chi tiết về mục lục NSNN khác nhau. Trong phạm vi bài viết này, chỉ nêu một trường hợp về hạch toán chi sự nghiệp kinh tế có tính chất đầu tư XDCB để bạn đọc cùng tham khảo.

Như chúng ta đã biết, chi các hoạt động sự nghiệp kinh tế là một nhiệm vụ chi thuộc chi thường xuyên của NSNN (theo Thông tư số 59/2003/TT-BTC ngày 23/6/2003 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật NSNN).

Trong chi sự nghiệp kinh tế gồm có chi sự nghiệp kinh tế có tính chất như chi thường xuyên (như chi trả lương, chi hành chính, chi nghiệp vụ chuyên ngành...) được kiểm soát cấp phát thanh toán theo cơ chế của chi thường xuyên đã quy định tại Thông tư số 79/2003/TT-BTC ngày 13/8/2003 của Bộ Tài chính "Hướng dẫn chế độ quản lý cấp phát các khoản chi NSNN qua Kho bạc Nhà nước".

Đối với chi hoạt động sự nghiệp kinh tế có tính chất đầu tư trong các trường hợp: sửa chữa, cải tạo, mở rộng, nâng cấp các cơ sở vật chất hiện có nhằm phục hồi hoặc tăng giá trị TSCĐ (bao gồm cả việc xây dựng mới các hạng mục công trình trong các cơ sở đã có của các cơ quan đơn vị hành chính sự nghiệp) được kiểm soát cấp phát thanh toán theo cơ chế của Thông tư số 44/2003/TT-BTC ngày 15/5/2003 của Bộ Tài chính "Hướng dẫn quản lý, thanh toán vốn đầu tư và vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư và xây dựng thuộc nguồn vốn NSNN" (theo điểm 4 phần I Thông tư 44/2003/TT-BTC).

Tuy nhiên, khi hạch toán chi tiết nhiệm vụ chi hoạt động sự nghiệp kinh tế có tính chất đầu tư XDCB theo mục lục NSNN trong thời gian qua đã có phát sinh hai quan niệm khác nhau như sau:

Một là, theo Thông tư số 79/2003/TT-BTC ngày 13/8/2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý cấp phát các khoản chi NSNN qua Kho bạc Nhà nước (tiết 5.2 điểm 5 phần II) phương thức kiểm soát thanh toán các khoản chi sự nghiệp kinh tế có quy định: Kho bạc Nhà nước thực hiện kiểm soát, thanh toán theo quy định tại điểm 4 phần II và tiết 5.1 điểm 5 phần II của Thông tư này (mà điểm 4 phần II và tiết 5.1 điểm 5 phần II của Thông tư quy định về kiểm soát thanh toán các khoản chi thường xuyên) trừ một số khoản kinh phí sự nghiệp kinh tế có tính chất đặc thù như vốn sự nghiệp đường sắt, sự nghiệp địa chất, cầu đường bộ, đường thủy... được cấp phát thanh toán theo các quy định hiện hành của Bộ Tài chính. Như vậy, nội dung các khoản chi sự nghiệp kinh tế (kể cả chi sự nghiệp kinh tế có tính chất đầu tư) khi phát sinh sẽ được kiểm soát thanh toán và phản ảnh vào từng mục chi của mục lục NSNN như chi thường xuyên.

Hai là, chi sự nghiệp kinh tế có tính chất đầu tư theo chế độ kế toán ngân sách và các hoạt động nghiệp vụ Kho bạc Nhà nước được hạch toán vào tài khoản "Chi dự toán đầu tư" nên chỉ được phản ảnh các chi thuộc "tiểu nhóm 27 trong mục lục NSNN". Chi đầu tư XDCB bao gồm các mục: mục 147 (chi xây lắp); mục 148 (chi thiết bị); mục 149 (chi phí khác) và mục 150 (chi quy hoạch). Nên số phát sinh chi sự nghiệp kinh tế có tính chất đầu tư khi phát sinh chỉ được hạch toán chi tiết đến các mục chi trong nhóm mục chi kể trên.

Vấn đề này đã phát sinh nhiều năm nay theo báo cáo của một số địa phương, tháng 5/2002 Vụ NSNN (Bộ Tài chính) cũng đã có ý kiến trao đổi, Kho bạc Nhà nước Trung ương cũng đã có Công văn số 716 KB /KT ngày 22/5/2002 nói về vấn đề này, song đến nay cũng chưa rõ ràng, dứt khoát việc hạch toán chi tiết theo mục lục NSNN về chi sự nghiệp kinh tế có tính chất đầu tư như thế nào, nên tại các địa phương thực hiện chưa thống nhất. Có địa phương đã hạch toán số chi này chi tiết đến mục lục NSNN thực tế phát sinh (như chi thường xuyên), có địa phương chỉ hạch toán số phát sinh các mục chi thuộc "tiểu nhóm 27 trong mục lục NSNN". Chi đầu tư XDCB bao gồm các mục: 147; 148; 149 và 150 mà cụ thể là số phát sinh mục 118 (sửa chữa...) đưa vào mục 147 số phát sinh mục 145 (mua sắm TSCĐ) đưa vào mục 148...

Qua vấn đề này, tôi có một số suy nghĩ muốn trao đổi như sau:

- Chi sự nghiệp kinh tế có tính chất đầu tư được quản lý kiểm soát thanh toán theo cơ chế quản lý vốn đầu tư XDCB (về hồ sơ tài liệu, quy trình theo cơ chế của Thông tư số: 44/2003/TT-BTC ngày 15/5/2002 của Bộ Tài chính "Hướng dẫn quản lý, thanh toán vốn đầu tư và vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư và xây dựng thuộc nguồn vốn NSNN") không đồng nghĩa với việc hạch toán hai nhiệm vụ chi này (Chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên) vào cùng một nhóm mục.

Như đã nói ở trên theo quan niệm thứ hai là chi đầu tư xây dựng chỉ được phát sinh các mục chi đầu tư XDCB (các mục từ 147 đến mục 150) nên trong thời gian qua một số địa phương đã hướng dẫn hạch toán cả phần chi sự nghiệp kinh tế có tính chất đầu tư thực tế phát sinh chi sửa chữa (mục 118) hạch toán thành chi xây lắp vào (mục 147), phát sinh chi mua sắm (mục 145) hạch toán thành chi thiết bị (mục 148)... Việc làm này dẫn đến một số vấn đề cũng cần lưu ý như sau:

Trước tiên là phản ảnh không chính xác nội dung chi NSNN đã phát sinh, vô tình đã đưa cán bộ kế toán NSNN vi phạm chế độ kế toán và Luật NSNN (Hạch toán sai Mục lục NSNN, phạm vào hành vi thứ 7 trong Điều 72 "Những hành vi vi phạm pháp luật về ngân sách" của Luật NSNN.

Do đồng nhất trong việc hạch toán giữa hai nhiệm vụ chi đầu tư XDCB với chi SNKT có tính chất đầu tư (cùng hạch toán chung tài khoản và ML NSNN), nên qua kiểm tra báo cáo chi ngân sách không thể phân tích, đánh giá chính xác về chi đầu tư và chi SNKT, một số địa phương đã lợi dụng sở hở này trong việc bố trí kế hoạch ngân sách chi không rõ ràng, nhầm lẫn giữa hai nhiệm vụ chi đầu tư XDCB và chi SNKT có tính chất đầu tư.

Một số dự án đầu tư XDCB, một khoản chi SNKT có phát sinh mua sắm tài sản lớn như (ô tô, máy móc...) không được phản ánh vào mục 145 (mua sắm TS), mà được phản ánh vào mục 148 (thiết bị). Do đó một số địa phương muốn mua sắm ô tô cho các cơ quan hành chính sự nghiệp, muốn thoát ly sự kiểm soát (ít nhất là trên báo cáo chi ngân sách) thì họ bố trí kế hoạch vốn chi mua xe ô tô vào nguồn chi đầu tư XDCB hoặc chi SNKT có tính chất đầu tư, khi đó số chi cho mua sắm ô tô trở thành chi thiết bị trong đầu tư. Và ngược lại một số dự án đầu tư xây dựng mới nhưng muốn cấp phát thanh toán theo cơ chế vốn sự nghiệp (cơ chế kiểm soát vốn đầu tư XDCB chặt chẽ hơn vốn thường xuyên) thì bố trí vào vốn SNKT. Vì hạch toán cùng Mục lục NSNN nên khó khăn cho công tác quản lý và kiểm tra các trường hợp này biết rằng đây là vi phạm quy định: Không được bố trí vốn sự nghiệp kinh tế có tính chất đầu tư cho các dự án đầu tư mới (theo điểm 4 phần I TT 44/2003/TT-BTC).

Trên đây là một số vấn đề muốn trao đổi thêm để công tác quản lý chi sự nghiệp kinh tế ngày càng thuận lợi. /.

Xem thêm »