Vai trò kiểm toán trong hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng nhà nước

09/03/2009
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Điều kiện vay vốn của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (DNVĐTNN): có cần thiết phải có báo cáo tài chính (BCTC) được tổ chức kiểm toán độc lập (công ty kiểm toán) kiểm toán hay không? Đây là vấn đề cần phải làm rõ hiện nay...

Tổ chức tín dụng (TCTD), theo Luật Các tổ chức tín dụng, được hiểu là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật để hoạt động kinh doanh tiền tệ, làm dịch vụ ngân hàng với nội dung nhận tiền gửi và sử dụng tiền gửi để cấp tín dụng, cung ứng các dịch vụ thanh toán.

Cho vay là hoạt động chủ yếu trong hoạt động của các TCTD, được hiểu là một hình thức cấp tín dụng, theo đó TCTD giao cho khách hàng sử dụng một khoản tiền để sử dụng vào mục đích và thời gian nhất định theo thoả thuận với nguyên tắc hoàn trả cả gốc và lãi. Đó là hoạt động tạo nên nguồn thu nhập chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số thu nhập mà TCTD tạo ra trong một thời kỳ, đồng thời, hoạt động kinh doanh của các TCTD cũng chịu rủi ro rất lớn từ nghiệp vụ tín dụng này. Vì vậy, Chính phủ và Ngân hàng nhà nước đã ban hành nhiều quy định liên quan đến nghiệp vụ cho vay của TCTD đối với khách hàng. Cụ thể, ngày 31/12/2001, Thống đốc Ngân hàng nhà nước đã ban hành Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN Về việc ban hành Quy chế cho vay của TCTD đối với khách hàng (sau đây gọi là “Quyết định 1627”) và ngày 3/2/2005, Thống đốc Ngân hàng nhà nước đã ban hành thêm Quyết định số 127/2005/QĐ-NHNN Về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định 1627 nói trên. Trong vấn đề đảm bảo tiền vay, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 178/1999/NĐ-CP ngày 29/12/1999 Về bảo đảm tiền vay của các TCTD, Nghị định số 85/2002/NĐ-CP ngày 25/10/2002 Về sửa đổi, bổ sung Nghị định số 178/1999/NĐ-CP; đồng thời Ngân hàng nhà nước đã ban hành Thông tư số 07/2003/TT-NHNN ngày 19/5/2003 Hướng dẫn thực hiện một số quy định về bảo đảm tiền vay của các TCTD.

Theo quy định hiện nay tại Quyết định 1627, các TCTD được phép cho khách hàng vay vốn khi khách hàng có đủ các điều kiện sau:

· Có năng lực pháp luật, năng lực hành vi dân sự và chịu trách nhiệm dân sự theo quy định của pháp luật.
· Mục đích sử dụng vốn vay hợp pháp.
· Có khả năng tài chính đảm bảo trả nợ trong thời hạn cam kết.
· Có dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh, dịch vụ khả thi và có hiệu quả.
· Thực hiện các quy định về bảo đảm tiền vay theo quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Ở bài viết này, tôi muốn bàn về điều kiện thứ ba trong các điều kiện trên để khách hàng là các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được phép vay vốn tại các TCTD (sau đây gọi chung là “doanh nghiệp vay vốn”): khách hàng phải có khả năng tài chính đảm bảo trả nợ trong thời hạn cam kết.

Theo quy định tại điều 14 Quyết định 1627, thì khi khách hàng có nhu cầu vay vốn, khách hàng gửi choTCTD giấy đề nghị vay vốn và các tài liệu cần thiết chứng minh đủ điều kiện vay vốn như quy định trên; TCTD huớng dẫn các loại tài liệu khách hàng cần gửi cho TCTD phù hợp với đặc điểm cụ thể của từng loại khách hàng, loại cho vay và khoản vay.

Trong thực tế hiện nay, để đảm bảo việc xác định khả năng tài chính của doanh nghiệp vay vốn, các TCTD hướng dẫn doanh nghiệp gửi cho TCTD BCTC của hai (hoặc ba) năm gần nhất đến thời điểm vay vốn và thực hiện phân tích các chỉ tiêu tài chính trên cơ sở BCTC mà các doanh nghiệp này cung cấp. Các chỉ tiêu tài chính thì đã có sẵn, việc xác định các chỉ tiêu này cũng rất đơn giản nếu trong tay các TCTD có BCTC được cung cấp bởi khách hàng. Qua xem xét quy trình đánh giá tình hình tài chính của các doanh nghiệp vay vốn tại các ngân hàng thương mại nhà nước, các ngân hàng này chỉ thực hiện phân tích BCTC của các doanh nghiệp vay vốn trên cơ sở BCTC do các doanh nghiệp này cung cấp. Chúng ta hãy xem xét cụ thể một quy trình cho vay (trong đó có nhấn mạnh việc đánh giá khả năng tài chính) đối với một khách hàng cụ thể tại một ngân hàng thương mại lớn:

Quy trình cho vay đối với khách hàng tại Ngân hàng thương mại nhà nước X:

Bước 1: Tìm hiểu các thông tin về khách hàng: loại hình doanh nghiệp, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, vốn, mô hình tổ chức v.v… Bước 2: Căn cứ vào BCTC do khách hàng cung cấp và các tài liệu liên quan cần thiết khác, thực hiện phân tích tình hình tài chính theo các chỉ tiêu sau và cho nhận xét:

STT

Chỉ tiêu

Năm X -1

Năm X

I.

Các chỉ tiêu phản ánh khả năng thanh toán (lần)

1

Khả năng thanh toán chung

2

Khả năng thanh toán nhanh

3

Vốn lưu động ròng (triệu đồng)

II

Các chỉ tiêu phản ánh khả năng hoạt động (lần)

1

Vòng quay vốn lưu động

2

Vòng quay hàng tồn kho

3

Vòng quay khoản phải thu

III

Khả năng cân đối vốn

1

Tỷ lệ TSCĐ/Tổng TS

2

Hệ số tự tài trợ

IV

Khả năng sinh lời

1

Tỷ suất lợi nhuận /doanh thu thuần

2

Tỷ suất lợi nhuận /Tổng tài sản

3

Tỷ suất lợi nhuận /Vốn chủ sở hữu


Bước 3: Xem xét quan hệ tín dụng của khách hàng tại các TCTD.
Bước 4: Thẩm định dự án hoặc phương án sản xuất kinh doanh
Bước 5: Biện pháp bảo đảm tiền vay
Bước 6: Kết luận và đề xuất

Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng việc đánh giá khả năng tài chính của khách hàng vay vốn được TCTD thực hiện trên cơ sở BCTC do khách hàng cung cấp. Vấn đề đặt ra là, các chỉ tiêu trên BCTC của các doanh nghiệp vay vốn được lập trên cơ sở nào, và nó có phản ánh đúng thực trạng tài chính của doanh nghiệp vay vốn không. Mặc dù, tại điều 14 – Hồ sơ vay vốn của Quyết định 1627 đã chỉ rõ: “Khách hàng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác và hợp pháp của các tài liệu gửi cho TCTD” (trong đó có BCTC nếu được TCTD yêu cầu), và tại điều 24 – Quyền và nghĩa vụ của khách hàng của Quyết định trên nêu rõ: “Khách hàng vay có nghĩa vụ cung cấp đầy đủ, trung thực các thông tin tài liệu liên quan đến việc vay vốn và chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin, tài liệu đã cung cấp”, nhưng đối với các TCTD, vấn đề quan trọng nhất là đảm bảo thu hồi được nợ gốc và lãi của khoản vay để đảm bảo cho hoạt động kinh doanh của mình, chứ không phải là cứ cho khách hàng vay vốn rồi đến khi họ không có khả năng trả nợ thì “bắt đền” họ, bởi vì đến khi đó “bắt được vạ thì má đã sưng”. Vì vậy, dù rằng pháp luật quy định khách hàng phải có trách nhiệm về tính chính xác, hợp pháp của BCTC gửi cho TCTD, nhưng TCTD, với sự thận trọng của mình, cũng phải xác định một cách đúng đắn nhất tính chính xác và trung thực của các BCTC mà khách hàng gửi cho mình trước khi tiến hành phân tích BCTC đó. Có như vậy, chúng ta mới có cơ sở phân tích BCTC của doanh nghiệp vay vốn trên cơ sở số liệu thật, trung thực, đúng đắn của các doanh nghiệp này.

Có thể thấy rằng, các TCTD hiện nay, khi thực hiện cho vay đều đưa ra lý do là: khách hàng phải chịu trách nhiệm về các số liệu trên BCTC mà họ cung cấp cho TCTD, và các cán bộ tín dụng của các TCTD cũng không đủ thời gian, nghiệp vụ và hiểu biết để có thể xác định được BCTC mà khách hàng vay vốn cung cấp có trung thực, hợp lý hay không. Vì vậy, các TCTD thường thừa nhận các BCTC mà khách hàng cung cấp, và chỉ kiểm tra lại trong những trường hợp cần thiết hoặc số liệu quá lớn và ảnh hưởng lớn đến BCTC của doanh nghiệp. Vậy, trong điều kiện hiện nay, khi mà Ngân hàng Nhà nước chưa quy định điều kiện vay vốn đối với khách hàng là phải có BCTC được tổ chức kiểm toán xác nhận, thì các TCTD phải làm thế nào để hạn chế những rủi ro mà mình có thể gặp phải.

Ngày 30/3/2004, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 105/2004/NĐ-CP Về kiểm toán độc lập (sau đây gọi là Nghị định 105); đồng thời Bộ Tài chính cũng có Thông tư số 64/2004/TT-BTC ngày 29/6/2004 Hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 105/2004/NĐ-CP nói trên (Thông tư 64), trong đó quy định rõ các đối tượng thuộc diện kiểm toán bắt buộc: BCTC hàng năm của các doanh nghiệp phải đuợc doanh nghiệp kiểm toán kiểm toán, bao gồm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp nhà nước (trường hợp nằm trong kế hoạch kiểm toán và được Kiểm toán Nhà nước kiểm toán thì không cần doanh nghiệp kiểm toán kiểm toán). Như vậy, kể từ thời điểm Nghị định này có hệu lực (từ năm tài chính 2004) thì các doanh nghiệp thuộc đối tượng kiểm toán bắt buộc trên phải có BCTC được kiểm toán hàng năm.

Vấn đề đặt ra là, khi thực hiện cho vay đối với doanh nghiêp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp nhà nước (doanh nghiệp vay vốn), các TCTD có được quyền hay phải yêu cầu các doanh nghiệp này cung cấp BCTC đã được kiểm toán hay không? Theo tôi thì các TCTD được quyền và phải yêu cầu các đối tượng trên cung cấp BCTC đã được kiểm toán và đó là một yêu cầu chính đáng, cần thiết để các khách hàng trên được phép vay vốn tại TCTD đó. Trường hợp khách hàng không cung cấp BCTC được kiểm toán mà cung cấp BCTC chưa được kiểm toán hoặc chưa thực hiện kiểm toán thì được coi là không đủ điều kiện xét cho vay vốn bởi các lý do sau:

Thứ nhất, việc kiểm toán hàng năm BCTC đối với các doanh nghiệp này là bắt buộc theo Nghị định 105 của Chính phủ và Thông tư số 64 của Bộ Tài chính. Trường hợp doanh nghiệp đã thực hiện kiểm toán nhưng không cung cấp BCTC được kiểm toán thì doanh nghiệp này có thể có vấn đề về mặt tài chính; nếu doanh nghiệp không cung cấp BCTC được kiểm toán do không thực hiện kiểm toán trong năm đó thì doanh nghiệp đó đã vi phạm quy định của nhà nước trong lĩnh vực kiểm toán, tài chính, kế toán trong việc công khai báo cáo tài chính, điều này cũng có thể đặt ra giả thiết doanh nghiệp có vấn đề về tài chính mà không thể thực hiện kiểm toán, hơn nữa một doanh nghiệp vi phạm quy định của nhà nước trong lĩnh vực kiểm toán, tài chính, kế toán thì không thể tin cậy số liệu báo cáo tài chính của họ và không thể coi là có khả năng tài chính lành mạnh, trong sạch, vững chắc được.

Thứ hai, các TCTD không thể có đủ điều kiện về thời gian, con người có chuyên môn sâu để có thể xác nhận những thông tin trình bày trên BCTC của khách hàng vay vốn là trung thực, hợp lý. Nếu như vậy, việc các cán bộ tín dụng của TCTD thực hiện đánh giá tình hình tài chính của khách hàng trên cơ sở BCTC do khách hàng cung cấp nhưng BCTC đó chưa được kiểm toán (vì một lý do nào đó) là chưa đảm bảo sự tin cậy của số liệu. Trong trường hợp này, TCTD phải dựa vào BCTC đã được kiểm toán để phân tích tình hình tài chính của khách hàng vay vốn, và phải làm rõ thêm những vấn đề hết sức quan trọng mà TCTD cho là cần thiết. BCTC đã được kiểm toán là một sự đảm bảo chắc chắn cho việc BCTC của doanh nghiệp vay vốn được phản ánh “trung thực, hợp lý trên các khía cạnh trọng yếu” mà TCTD có thể tin cậy sử dụng cho mục đích đánh giá tình hình tài chính của khách hàng.

Từ những lý do trên, tôi cho rằng, trong hoạt động cho vay của các TCTD, để thoả mãn điều kiện vay vốn thứ ba theo Quyết định 1627 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, đối với các khách hàng vay vốn là doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các TCTD được quyền và phải yêu cầu các đối tượng trên cung cấp BCTC hàng năm đã dược kiểm toán (đối với các năm tài chính từ năm tài chính 2004 trở đi). Hơn thế nữa, hàng năm trong quá trình vay vốn, trong hồ sơ theo dõi doanh nghiệp vay vốn của mình, các TCTD phải yêu cầu các đối tượng trên cung cấp BCTC hàng năm đã được kiểm toán để lưu nhằm đánh giá khả năng tài chính của khách hàng một cách liên tục. Có như vậy mới tuân thủ quy định của pháp luật và đảm bảo được khả năng hạn chế rủi ro, tổn thất cho TCTD.

---------------------------------------------------------

* Kiểm toán Các tổ chức tài chính ngân hàng - Kiểm toán nhà nước

Xem thêm »