Phát triển kiểm toán hoạt động của kiểm toán nhà nước giai đoạn hiện nay

09/03/2009
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Trong xu thế phát triển và hội nhập của đất nước ngày càng mạnh mẽ, yêu cầu đổi mới quản lý kinh tế - xã hội đặt ra cho các cơ quan quản lý Nhà nước phải có những thay đổi nhằm thích ứng được nhiệm vụ trong từng giai đoạn cụ thể. Kiểm toán Nhà nước cũng không ngoại lệ trong quy luật đổi mới tất yếu này. Vì vậy, ngày 20 tháng 04 năm 2005, Luật Kiểm toán Nhà nước được thông qua tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá IX (có hiệu lực thi hành từ 01/01/2006) đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong việc xác lập địa vị pháp lý và định hướng phát triển, thúc đẩy hoạt động kiểm toán Nhà nước lên một tầm cao mới.

Theo quy định của Luật Kiểm toán Nhà nước, vị trí pháp lý của Kiểm toán Nhà nước là cơ quan chuyên môn về lĩnh vực kiểm tra tài chính nhà nước do Quốc hội thành lập; phần lớn các quy định về chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và điều kiện để Kiểm toán Nhà nước bảo đảm hoạt động đều được xác lập ở mức độ và yêu cầu cao hơn những quy định trước đây rất nhiều.

Để tạo điều kiện cho Kiểm toán Nhà nước thực hiện tốt chức năng là cơ quan chuyên môn của Quốc hội, ngoài việc tiếp tục khẳng định nhiệm vụ kiểm toán báo cáo tài chính (kiểm tra, đánh giá xác nhận tính đúng đắn, trung thực của báo cáo tài chính), kiểm toán tuân thủ (kiểm tra, đánh giá và xác nhận việc tuân thủ pháp luật Nhà nước, chấp hành các nội quy, quy chế trong lĩnh vực ngân sách, tài chính, kế toán kiểm toán...của các đơn vị được kiểm toán), Luật Kiểm toán Nhà nước còn xác định rõ loại hình và nội dung kiểm toán hoạt động (kiểm toán tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trong quản lý và sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước) trong hoạt động nghiệp vụ của Kiểm toán Nhà nước. Theo tôi, việc phát triển loại hình kiểm toán hoạt động trong giai đoạn hiện nay rất cần thiết xuất phát từ các lý do sau đây:

1. Nhiệm vụ kinh tế xã hội và những giải pháp đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế đang được Đảng, Nhà nước đề ra trong việc khai thác và sử dụng mọi nguồn lực có hiệu quả để phát triển kinh tế đất nước tăng trưởng cao, ổn định và bền vững đã đặt mục tiêu cho Kiểm toán Nhà nước cần phải cung cấp những thông tin đảm bảo hữu ích cho Quốc hội, Chính phủ trong giám sát và điều hành nền kinh tế, nhất là những thông tin đánh giá tính hiệu lực, hiệu quả và tính kinh tế trong quản lý.

2. Nhu cầu sử dụng thông tin nhằm nâng cao năng lực quản lý nhà nước về kinh tế của các cơ quan quản lý Nhà nước; phục vụ quản lý điều hành nội bộ các đơn vị, thông tin cung cấp cho thị trường vốn, thông tin làm cơ sở giao dịch kinh tế giữa các đối tác...không đơn thuần chỉ sử dụng những số liệu trung thực trên báo cáo tài chính mà cần sử dụng thông tin kinh tế đa chiều bao gồm cả thực trạng, kết quả và những nguyên nhân, yếu tố ảnh hưởng đến thực trạng, kết quả đó để giúp những nhà quản lý đưa ra các quyết định đúng đắn, kịp thời về lĩnh vực hoạt động của mình. Để có những thông tin có giá trị đó, cần thiết phải áp dụng nghiệp vụ kiểm toán hoạt động để đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả của các hoạt động kinh tế, phân tích nguyên nhân từ nội tại quản lý của đơn vị được kiểm toán cũng như các yếu tố tác động bên ngoài đến hiệu quả hoạt động của đơn vị.

3. Thực tế quản lý hiện nay cho thấy: Hệ thống luật pháp ngày càng đầy đủ và đồng bộ; Sự phát triển của khoa học quản lý, đặc biệt làviệc ứng dụng tiến bộ của công nghệ tin học đã giúp công tác quản lý Ngân sách, tài chính kế toán của các đơn vị được kiểm toán ngày một hoàn thiện; Ý thức tôn trọng pháp luật về kinh tế của các chủ thể quản lý ngày một nâng cao do cơ chế trách nhiệm rõ ràng, công tác kiểm tra giám sát việc thực thi pháp luật cũng ngày càng chặt chẽ (cũng cần phải kể đến vai trò của Kiểm toán Nhà nước đã giúp các đơn vị chấn chỉnh thiếu sót và nhận thức rõ hơn về trách nhiệm pháp lý trong quản lý kinh tế để hạn chế sai phạm). Vì vậy, để hoà nhịp với tốc độ phát triển quản lý và tiến bộ của xã hội, Kiểm toán Nhà nước cần đặt nhiệm vụ kiểm toán hoạt động là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để thích ứng với vai trò, vị trí pháp lý và yêu cầu quản lý mới (nếu chỉ kiểm toán báo cáo tài chính và kiểm toán tuân thủ, thông tin từ các báo cáo kiểm toán cũng chỉ nêu được những sai sót phổ biến lặp đi lặp lại, đánh giá và kiến nghị gần giống nhau giữa các kỳ kiểm toán... do nguyên nhân trên).

4. Việc phát triển kiểm toán hoạt động phù hợp với thông lệ và xu hướng phát triển của kiểm toán nhà nước các nước trên thế giới, thuận lợi cho quá trình hợp tác, hội nhập của Kiểm toán Nhà nước Việt Nam với bè bạn quốc tế.

Chính vì vậy, để nhanh chóng triển khai áp dụng loại hình kiểm toán hoạt động theo quy định của Luật Kiểm toán Nhà nước, cần có những giải pháp cụ thể như sau:

Thứ nhất: Xác định căn cứ pháp lý cho loại hình kiểm toán hoạt động

Luật Kiểm toán Nhà nước đã định nghĩa về kiểm toán hoạt động tại điều 4, quy định loại hình và nội dung kiểm toán hoạt động tại điều 36 và 39, tuy nhiên đó chỉ là những quy định mang tính nguyên tắc nên để có cơ sở pháp lý cụ thể cho lĩnh vực kiểm toán hoạt động cần thiết phải có quy định bổ sung nội dung về kiểm toán hoạt động trong hệ thống chuẩn mực kiểm toán Nhà nước, quy trình kiểm toán Nhà nước, hệ thống biểu mẫu hồ sơ kiểm toán...nhằm chi tiết nội dung, phương pháp, các bước tiến hành kiểm toán để thống nhất thực hiện trong toàn ngành, cũng như làm căn cứ pháp lý để giải quyết các vướng mắc có liên quan đến kiểm toán hoạt động.

Thứ hai: Đào tạo kỹ năng kiểm toán hoạt động cho kiểm toán viên

Khi phân tích tính kinh tếK, tính hiệu lực, hiệu quả là các nội dung mang yếu tố định tính bắt buộc kiểm toán viên phải hiểu biết về nhiều lĩnh vực, hiểu biết sâu sắc về các nội dung kiểm toán để chọn lựa tiêu thức so sánh đúng đắn, phù hợp mới có thể đưa ra các phương án giả định thay thế đối chiếu với thực trạng và đưa ra kết luận thoả đáng về nội dung kiểm toán đã thực hiện. Do vậy, việc đào tạo kỹ năng kiểm toán hoạt động cho kiểm toán viên cần được quan tâm như một yêu cầu tất yếu cho việc triển khai áp dụng loại hình kiểm toán hoạt động.

Thứ ba: Học tập kinh nghiệm bạn bè quốc tế

Tại các nước phát triển, loại hình kiểm toán hoạt động đã được thực hiện từ rất lâu. Vì vậy, ta có thể học tập kinh nghiệm của kiểm toán nhà nước các nước có quan hệ hợp tác quốc tế; trên nền tảng kinh nghiệm của bạn và thực tiễn quản lý tại Việt Nam để đưa ra những giải pháp chuyên môn thích hợp với đặc thù quản lý kinh tế và đặc thù hoạt động kiểm toán tại Việt Nam.

Thứ tư: Định hướng các biện pháp nghiệp vụ kiểm toán hoạt động

Kiểm toán hoạt động đã ít nhiều được thực hiện trong các cuộc kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước, thể hiện dưới nhiều nội dung như phân tích các tỷ suất kinh tế, xác định hoạt động liên tục, kiến nghị thay đổi phương thức quản lý, đánh giá khả năng cạnh tranh hội nhập...Tuy nhiên, do chưa được định hướng thống nhất, đồng bộ nên thường không đưa ra được những kết quả kiểm toán về tính hiệu quả, hiệu lực, kinh tế một cách đầy đủ. Xuất phát từ thực tế đó, ngoài việc chuẩn bị các điều kiện về cơ sở pháp lý, đào tạo cán bộ cần có cẩm nang định hướng nghiệp vụ kiểm toán hoạt động cho kiểm toán viên; Ví dụ định hướng về mục tiêu, phạm vi kiểm toán; tiêu chí cụ thể xác định mức độ sai sót cần phải có ý kiến kiểm toán...Ngoài ra, cần định hướng một số vướng mắc có thể phát sinh để thống nhất xử lý như: Cơ sở so sánh hiệu quả tức thời và hiệu quả lâu dài; mục tiêu kinh tế và mục tiêu chính trị xã hội; cách thức kiến nghị giải pháp khắc phục tồn tại, phân định những kiến nghị bắt buộc thực hiện hoặc khuyến nghị đơn vị được kiểm toán (không phải kiến nghị, giải pháp nào của kiểm toán viên đưa ra cũng đảm bảo đem đến kết quả tối ưu do đặc thù quản lý, thực tế vận động trong tương lai của đơn vị được kiểm toán có thể tạo nên những giải pháp tốt hơn giải pháp đã kiến nghị. Vậy, kiến nghị và giải pháp của kiểm toán viên có bắt buộc đơn vị được kiểm toán phải thực hiện hay chỉ mang tính định hướng?)

Thứ năm: Tổng kết rút kinh nghiệm

Kiểm toán tại Việt Nam là một lĩnh vực mới, trong đó kiểm toán hoạt động còn mới hơn nhiều. Do đó, triển khai kiểm toán hoạt động sẽ không tránh được những thiếu sót hoặc những vướng mắc trong thực tế áp dụng. Với phương châm dần hoàn thiện cần phải thường xuyên rút kinh nghiệm để điều chỉnh hoặc bổ sung những tồn tại thiếu sót; ngoài kênh thông tin từ các nhà nghiên cứu khoa học kiểm toán cần chú trọng đến kết quả phúc tra thực hiện kiến nghị kiểm toán; tổ chức hội thảo thu thập ý kiến đóng góp của kiểm toán viên trực tiếp thực hiện công tác nghiệp vụ để đưa lĩnh vực kiểm toán hoạt động phát triển giúp cung cấp các thông tin có giá trị cho Quốc hội, Chính phủ, giúp cho ngành kiểm toán phát triển xứng đáng với niềm tin và sự mong đợi của Đảng, Nhà nước và quần chúng nhân dân.

...

Trong phạm vi một bài trao đổi, tôi xin được tham gia một số ý kiến tuy chưa đầy đủ và có thể chưa hoàn toàn đúng, nhưng trong điều kiện phát triển kinh tế và quản lý hiện nay có thể khẳng định việc phát triển lĩnh vực kiểm toán hoạt động là rất cần thiết để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của Kiểm toán Nhà nước Việt Nam trên vị thế pháp lý đã được xác lập trong Luật Kiểm toán Nhà nước.

------------------------------------------

* Kiểm toán DNNN

Xem thêm »