KIỂM TOÁN CHI NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG, MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẦN LƯU Ý TRONG KIỂM TOÁN TỔNG HỢP

14/12/2010
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

 NCS. Nguyễn Thị Hương


Qua thực tế kiểm toán chi ngân sách địa phương của Kiểm toán Nhà nước, kết quả kiểm toán tổng hợp tại sở tài chính có ý nghĩa quan trọng, giúp cho kiểm toán viên phát hiện số chi không đúng quy định pháp luật, từ đó đưa ra những kiến nghị về công tác quản lý. Đê đảm bảo chất lượng, hiệu quả kiểm toán chi ngân sách địa phương (NSĐP) cần thực hiện tốt kiểm toán tổng hợp tại Sở Tài chính.

 Sở Tài chính là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh, giúp UBND tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về lĩnh vực tài chính, giá cả trong phạm vi nhiện vụ của UBND tỉnh theo luật định. Khi kiểm toán tổng hợp chi ngân sách tại Sở Tài chính, Kiểm toán Nhà nước cần đạt được các mục tiêu chủ yếu sau: Đánh giá việc thực hiện và hướng dẫn thực hiện pháp luật, các quy định của nhà nước về tài chính, ngân sách, kế toán trên địa bàn tỉnh; Đánh giá bố trí vốn chi đầu tư phát triển và phân bổ dự toán chi thường xuyên, chi chương trình mục tiêu, đảm bảo sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương; Phát hiện các sai sót, vi phạm của UBND tỉnh và sở tài chính trong quản lý ngân sách tỉnh; làm rõ trách nhiệm các cá nhân khi để xảy ra thất thoát, lãng phí ngân sách; Đánh giá công tác kiểm tra về mặt tài chính đối với việc xây dựng và hoàn thành các dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách địa phương, các dự án vay vốn của địa phương, việc sử dụng vốn và thực hiện kế hoạch trả nợ vay; đánh giá công tác quản lý và kiểm tra việc sử dụng các nguồn vốn và tài sản viện trợ; việc quản lý và sử dụng quỹ dự trữ tài chính của tỉnh; quản lý các nguồn kinh phí ủy quyền của Trung ương và các quỹ khác của địa phương; quản lý tài sản thuộc sở hữu nhà nước thuộc khu vực hành chính sự nghiệp; nhận xét về công tác xét duyệt quyết toán cho các đơn vị, công tác tổng hợp tình hình chi ngân sách nhà nước, lập quyết toán chi ngân sách địa phương…

Để đạt được mục tiêu trên khi kiểm toán tổng hợp chi ngân sách tại sở tài chính, thường bao gồm các nội dung cơ bản sau: Đánh giá việc lập, phân bổ và giao dự toán chi ngân sách; tình hình thực hiện dự toán, phân tích nguyên nhân tăng giảm. Việc ưu tiên bố trí vốn đầu tư từ ngân sách tỉnh để thanh toán số nợ vốn đầu tư XDCB; tình hình thực hiện dự toán chi theo nghị quyết của Hội đồng Nhân dân, đặc biệt là dự toán chi ngân sách cấp tỉnh; huy động vốn theo khoản 3 điều 8 Luật NSNN và vay đầu tư XDCB khác, việc huy động vốn vay và phản ánh vào ngân sách thu, chi từ vốn vay; sử dụng nguồn thu cấp quyền sử dụng đất theo Nghị quyết của Quốc hội, nguồn tăng thu và thưởng vượt thu; dự phòng ngân sách; cho vay, tạm ứng; xử lý các khoản tạm thu, tạm giữ và tiền gửi; tình hình mua sắm, thanh lý, bán tài sản; các khoản thu để lại chi quản lý qua ngân sách; quỹ dự trữ tài chính, kết dư ngân sách tỉnh; chi khác ngân sách…; việc thẩm định quyết toán ngân sách của sở tài chính; tổng hợp quyết toán và báo cáo quyết toán ngân sách địa phương; kinh phí ủy quyền; hỗ trợ các doanh nghiệp nhà nước và tình hình tài chính các doanh nghiệp nhà nước; Kiểm tra công tác khóa sổ và chi chuyển nguồn…

Thực tế, qua kiểm toán tại sở tài chính về những nội dung trên, Kiểm toán Nhà nước đã đạt được một số kết quả nhất định, song bên cạnh đó còn có những hạn chế như các tỉnh chưa thực hiện đúng quy định về trình tự, thủ tục huy động và số dư huy động vốn; sử dụng vốn nhàn rỗi tạm ứng từ Kho bạc Nhà nước không đúng mục đích; huy động đầu tư cơ sở hạ tầng không đưa vào thu cân đối ngân sách; bổ sung kinh phí cho các đơn vị dự toán bằng lệnh chi tiền; chi hỗ trợ cho các ngành dọc không thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách cấp tỉnh như chi hỗ trợ cho tòa án, viện kiểm sát, công an, quân đội; chi không đúng chế độ, như chi thưởng vượt thu cho ngành thuế và tài chính; sử dụng dự phòng ngân sách để chi mua sắm tài sản, chi quản lý nhà nước; nguồn tăng thu không ưu tiên bố trí trả nợ, chi đầu tư phát triển, các khoản tạm ứng kéo dài nhiều năm không thu hồi; trích lập quỹ dự trữ tài chính từ kết dư ngân sách không đúng quy định; thời gian chỉnh lý ngân sách káo dài, sự chênh lệch các chỉ tiêu theo mục lục ngân sách giữa số liệu của sở tài chính với số liệu kho bạc nhà nước.

Tuy nhiên, còn một số nội dung chưa được kiểm toán đầy đủ, chi tiết hơn, có trường hợp thiếu tính pháp lý hoặc chưa có quy trình kiểm toán nên không thể thực hiện kiểm toán. Cụ thể:

- Việc ban hành các văn bản về quản lý, sử dụng ngân sách: Để quản lý, sử dụng ngân sách tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản quy định, các quyết định và hướng dẫn thực hiện các quy định của tỉnh về chế độ, định mức chi ngân sách, các quyết định liên quan đến chi ngân sách, các văn bản hướng dẫn từ khâu lập dự toán ngân sách, thực hiện dự toán ngân sách đến quyết toán chi ngân sách, thực hiện chế độ kế toán, v.v. Trong thời gian qua, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị UBND tỉnh thu hồi hoặc sửa đổi các quy định, các hướng dẫn không đúng quy định của Luật ngân sách nhà nước, của Chính phủ và Bộ Tài chính. Tuy nhiên, việc phát hiện các văn bản ban hành không đúng chủ yếu là qua quá trình kiểm toán ngân sách cấp huyện, xã và các đơn vị dự toán cấp tỉnh khi kiểm tra những nội dung chi ngân sách. Sự phát hiện này có phần mang tính ngẫu nhiên hơn là sự kiểm tra có mục đích và có tính toàn diện.

- Công tác lập dự toán ngân sách, điều chỉnh dự toán ngân sách và phân bổ ngân sách: Hiện nay, khi kiểm tra nội dung này, chủ yếu so sách giữa số dự toán do UBND lập với số ước thực hiện năm trước, giữa số Bộ Tài chính giao với số thực hiện năm trước, giữa số HĐND giao với số Bộ Tài chính giao, đánh giá việc thực hiện yêu cầu tăng tối thiểu trong xây dựng dự toán thu và đưa ra một số nguyên nhân ảnh hưởng đến dự toán thu, chi do sở tài chính cung cấp, hoàn toàn chưa có sự kiểm tra, đánh giá sự tuân thủ trình tự xây dựng dự toán, các thông tin, số liệu, tài liệu làm cơ sở dự toán, việc chấp hành các hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Tài chính trong xây dựng dự toán, sự phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong bố trí chi ngân sách.

- Công tác thẩm định, xét duyệt quyết toán: Theo quy định, sở tài chính có trách nhiệm thẩm định quyết toán năm đối với đơn vị dự toán cấp I và quyết toán chi của ngân sách cấp huyện hoặc xét duyệt quyết toán năm trong trường hợp đơn vị dự toán cấp I đồng thời là đơn vị thụ hưởng ngân sách, tuy nhiên trong thời gian qua, việc kiểm tra công tác thẩm định, xét duyệt quyết toán của sở tài chính chưa được kiểm toán viên chú trọng, chưa có sự đánh giá đầy đủ về công tác này của sở tài chính khi kiểm toán sở tài chính. Trong khi đó, sự đánh giá cũng chưa được lưu ý đúng mức tại các báo cáo kiểm toán khi qua kiểm toán ngân sách huyện và các đơn vị dự toán cấp tỉnh,với mức độ, tính chất của của những sai sót, vi phạm chưa được sở tài chính phát hiện qua thẩm định báo cáo quyết toán.

Để nâng cao chất lượng kiểm toán tổng hợp tại sở tài chính trong kiểm toán kiểm toán chi ngân sách địa phương của Kiểm toán Nhà nước. Theo chúng tôi cần lưu ý một số nội dung như sau:

Thứ nhất, Kiểm tra các văn bản quản lý, sử dụng ngân sách địa phương, KTNN cần xem đây là một trong những nội dung chủ yếu và cần phải tập trung kiểm toán tại sở tài chính. Qua đó, có thể kiểm tra một cách đầy đủ và toàn diện hơn các văn bản do Hội đồng nhân dân, Ủy ban Nhân dân và các cơ quan chức năng ban hành liên quan đến quản lý, sử dụng ngân sách, từ đó có thể kiến nghị thu hồi, sửa đổi các quyết định, quy định, hướng dẫn không đúng hoặc không phù hợp, không đúng với quy định của Trung ương, có như vậy, KTNN mới có thể kiến nghị đúng đắn với Quốc hội, Chính phủ sửa đổi các quy định pháp luật trong quản lý sử dụng ngân sách, kiến nghị sửa đổi các chế độ chính sách không phù hợp. Để kiểm toán nội dung này, kiểm toán viên yêu cầu sở ài chính cung cấp các văn bản do tỉnh ban hành hiện đang áp dụng và các văn bản về diều hành ngân sách. Yêu cầu này được đưa ra ngay khi triển khai kiểm toán.

Thứ hai, Kiểm tra công tác lập, điều chỉnh dự toán và phân bổ ngân sách, Dự toán ngân sách hàng năm là công cụ quan trọng, chủ yếu để quản lý, sử dụng ngân sách. Kiểm toán sự tuân thủ đầy đủ các trình tự xây dựng dự toán, các hướng dẫn xây dụng dự toán, các định mức chi ngân sách, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội, hoàn cảnh thực tế tại địa phương để chỉ ra các sai sót, vi phạm sẽ giúp cho địa phương đảm bảo tính tiên tiến, tích cực và hợp lý của dự toán ngân sách và phân bổ ngân sách, từ đó, địa phương có thể quản lý, sử dụng ngân sách chặt chẽ, có hiệu quả, và làm căn cứ để đánh giá đúng đắn sự phấn đấu của địa phương trong thực hiện dự toán ngân sách; tình trạng điều chỉnh, bổ sung dự toán hiện nay tại các địa phương tương đối phổ biến, đây cũng là vấn đề mà Kiểm toán Nhà nước cần phải quan tâm. Kiểm toán viên cần xây dựng thành một chuyên đề kiểm toán trong cuộc kiểm toán ngân sách địa phương tại các sở tài chính, kế hoạch và đầu tư, các đơn vị dự toán ngân sách cấp tỉnh, ngân sách cấp huyện, cũng như việc cấp kinh phí theo dự toán bổ sung hoặc ngoài dự toán. Các kết quả này sẽ được tổng hợp để đánh giá công tác lập dự toán, điều chỉnh dự toán và phân bổ ngân sách của địa phương.

Thứ ba, Kiểm tra công tác thẩm định, xét duyệt báo cáo quyết toán. Khi kiểm toán chi ngân sách địa phương, kiểm toán viên chỉ chọn mẫu kiểm tra một số đơn vị dự toán ngân sách cấp tỉnh và ngân sách cấp huyện, nhiều đơn vị sử dụng ngân sách không được chọn kiểm toán. Trong tương lai, chúng tôi nghĩ rằng, với khối lượng công việc ngày càng nhiều, việc kiểm toán chi ngân sách địa phương mang tính thường xuyên hơn, yêu cầu về tính hiệu quả của hoạt động kiểm toán và giảm bớt những ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày của đơn vị được kiểm toán thì số lượng các đơn vị dự toán cấp tỉnh và ngân sách cấp huyện sẽ được chọn kiểm toán có thể sẽ giảm bớt và Kiểm toán Nhà nước nên tập trung kiểm tra tại những cơ quan tổng hợp, các khoản chi lớn của ngân sách địa phương. Do đó khi sở tài chính thực hiện tốt nhiệm vụ thẩm định, xét duyệt quyết toán năm sẽ góp phần chấn chỉnh kỷ cương trong chấp hành Luật ngân sách nhà nước và chế độ tài chính nhà nước, đảm bảo tính đúng đắn, trung thực của báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán, qua đó, hạn chế rủi ro kiểm toán và giảm bớt khối lượng công việc cho Kiểm toán Nhà nước.

Từ thực tế đó, chúng tôi cho rằng, Kiểm toán Nhà nước cần chú trọng việc kiểm tra công tác thẩm định, xét duyệt quyết toán năm của sở tài chính, cần chỉ ra những thiếu sót, yếu kém của sở tài chính trong thực hiện nhiệm vụ để chất lượng công tác thẩm định, xét duyệt của sở ngày càng nâng cao. Các đoàn kiểm toán cần chú trọng kiểm tra nội dung này và bố trí thời gian đảm bảo cho hoạt động kiểm toán. Ngoài ra, các tổ kiểm toán tại các đơn vị dự toán cấp tỉnh, ngân sách cấp huyện cần có sự nhận xét, đánh giá đầy đủ về công tác thẩm định của sở tài chính và phòng tài chính huyện./.

Xem thêm »