Quản lý thuế tài nguyên – Những điểm quy định mới và một số vướng mắc từ thực tiễn

14/10/2011
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

NGUYỄN BÁ PHÚ - Cục thuế Thanh Hóa

Thuế tài nguyên là loại thuế gián thu, đánh vào sản phẩm khai thác chịu thuế là các tài nguyên thiên nhiên trong phạm vi đất liền, hải đảo, nội thuỷ, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thuộc chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, như: Khoáng sản kim loại; Khoáng sản không kim loại; Dầu thô; Khí thiên nhiên; Sản phẩm của rừng tự nhiên; Hải sản tự nhiên (động vật và thực vật);... Tài nguyên thiên nhiên khác. Trên thực tế, để bảo vệ tài nguyên thiên nhiên của đất nước, Nhà nước ta đã áp dụng một cách hợp lý việc huy động thuế với cách điều tiết thông qua giá tính thuế và thuế suất. Việc điều chỉnh chính sách thuế tài nguyên cũng là yêu cầu được đặt ra thường xuyên nhằm làm cho hành lang pháp lý hoàn chỉnh và phù hợp hơn. Luật thuế Tài nguyên số 45/2009/QH12 ngày 25/11/2009 thay thế Pháp lệnh thuế tài nguyên năm 1998 là một bước quan trọng hoàn chỉnh pháp luật về thuế Tài nguyên. Cùng với Luật thuế Tài nguyên 2009, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 50/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế tài nguyên. Bộ Tài chính trong phạm vi chức năng của mình cũng đã ban hành Thông tư số 105/2010/TT-BTC ngày 23/7/2010 Hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế tài nguyên và hướng dẫn thi hành Nghị định số 50/2010/NĐ-CP của Chính phủ. 

Thứ nhất, những khác biệt giữa qui định mới và cũ
Một, về đối tượng nộp thuế: Có những điểm về đối tượng nộp thuế mà Luật thuế Tài nguyên điều chỉnh khác với Pháp lệnh Tài nguyên trước đây. Theo Luật Đầu tư hiện hành, nếu doanh nghiệp liên doanh được thành lập giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài thì người nộp thuế là doanh nghiệp liên doanh; nếu các nhà đầu tư tổ chức dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh để khai thác tài nguyên thì nghĩa vụ thuế tài nguyên do các bên thoả thuận trước trong hợp đồng hợp tác kinh doanh. Tuy vậy, theo Pháp lệnh thuế tài nguyên trước đây thì trường hợp Bên Việt Nam tham gia doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam mà góp vốn pháp định bằng các nguồn tài nguyên  thì doanh nghiệp liên doanh không phải nộp thuế tài nguyên đối với số tài nguyên mà Bên Việt Nam dùng để góp vốn pháp định. Vì vậy Luật thuế Tài nguyên phải điều chỉnh lại cho phù hợp với Luật Đầu tư nêu trên.

Hai, về sản lượng tính thuế: Nếu như theo qui định trước đây (Nghị định 05/2009/NĐ-CP ngày 19/01/2009 hướng dẫn Pháp lệnh thuế Tài nguyên 1998) sản lượng tài nguyên tính thuế là sản lượng tài nguyên thương phẩm thực tế khai thác (số lượng, trọng lượng hoặc khối lượng tài nguyên khai thác thực tế) trong kỳ nộp thuế, không phụ thuộc vào mục đích khai thác tài nguyên, thì theo qui định mới (tại Nghị định số 50/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010; Thông tư 105/2010/TT-BTC): Sản lượng tài nguyên tính thuế là sản lượng tài nguyên thực tế khai thác (quy định tại Điều 5 Luật Thuế tài nguyên) và được xác định như sau:

- Đối với tài nguyên khai thác xác định được số lượng, trọng lượng hoặc khối lượng thì sản lượng tài nguyên tính thuế là số lượng, trọng lượng hoặc khối lượng của tài nguyên thực tế khai thác trong kỳ tính thuế.

- Đối với loại tài nguyên khai thác thu được sản phẩm tài nguyên có nhiều cấp độ, chất lượng, giá trị thương mại khác nhau thì sản lượng tính thuế được phân loại theo sản lượng tài nguyên có cùng cấp độ, chất lượng, giá trị thương mại như nhau hoặc quy đổi ra đơn vị sản lượng tài nguyên để làm căn cứ xác định sản lượng tính thuế cho toàn bộ sản lượng tài nguyên khai thác.

Ngoài ra, đối với tài nguyên khai thác không bán ra mà đưa vào sản xuất sản phẩm khác nếu không trực tiếp xác định được số lượng, trọng lượng hoặc khối lượng thực tế khai thác thì sản lượng tài nguyên tính thuế được xác định căn cứ vào sản lượng sản phẩm sản xuất trong kỳ tính thuế và định mức sử dụng tài nguyên tính trên một đơn vị sản phẩm. Định mức sử dụng tài nguyên phải tương ứng với tiêu chuẩn công nghệ sản xuất, chế biến sản phẩm đang ứng dụng và được người nộp thuế đăng ký với cơ quan thuế vào kỳ khai thuế đầu tiên.

Ba, về giá tính thuế: Nếu như giá tính thuế tài nguyên theo qui định trước đây (Điều 6 Nghị định số 05/2009/NĐ-CP) là giá bán đơn vị tài nguyên tại thị trường nơi khai thác, chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng thì tại Thông tư 105/2010/TT-BTC, giá tính thuế tài nguyên là giá bán đơn vị sản phẩm tài nguyên của tổ chức, cá nhân khai thác chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 50/2010/NĐ-CP, được thể hiện trên chứng từ bán hàng, nhưng không được thấp hơn giá tính thuế tài nguyên do UBND cấp tỉnh quy định; trường hợp giá bán tài nguyên khai thác thấp hơn giá tính thuế tài nguyên do UBND cấp tỉnh thì tính thuế tài nguyên theo giá do UBND cấp tỉnh quy định. Đây chính là điểm khác biệt quan trọng và chủ yếu giữa qui định về thuế tài nguyên cũ và mới.    

Bốn, về thuế suất thuế Tài nguyên. Việc qui định thuế suất thuế tài nguyên cũng có sự thay đổi. Nếu như trước đây, thuế suất thuế tài nguyên được qui định trong Nghị định hướng dẫn thi hành, thì nay việc qui định này là do Uỷ ban thường vụ quốc hội (tại Nghị quyết số 928/2010/UBTVQH12 ngày 19/4/2010 của Ủy ban thường vụ Quốc hội). Như vậy, rõ ràng tính pháp lý về qui định này đã được nâng lên một bước.

Năm, về miễn, giảm thuế:Theo Pháp lệnh thuế tài nguyên 1998, dự án thuộc đối tượng ưu đãi đầu tư quy định tại Luật Khuyến khích đầu tư trong nước có khai thác tài nguyên (trừ dầu, khí) được giảm tối đa 50 thuế tài nguyên trong ba năm đầu kể từ khi bắt đầu khai thác. Hiện tại thì Luật Khuyến khích đầu tư trong nước không còn hiệu lực; hơn nữa, Luật Đầu tư ban hành năm 2005 đã quy định thống nhất chung giữa các loại hình đầu tư. Do vậy, Luật thuế Tài nguyên 2009 đã sửa đổi nội dung này để đảm bảo tính thống nhất của Pháp luật.

Thứ hai, những vướng mắc gặp phải khi thực hiện tính, nộp thuế
Một là, Thực tế, qua công tác quản lý thuế, chúng tôi nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều nhau khi thực hiện các qui định hiện hành về thuế tài nguyên: Có luồng ý kiến cho rằng việc qui định giá tính thuế tài nguyên theo giá bán không phân biệt địa bàn tiêu thụ và thể hiện trên hóa đơn bán hàng làm cho việc quản lý tài nguyên nói chung sẽ tốt hơn, việc quản lý thuế cũng sẽ đơn giản hơn do có căn cứ tin cậy là hóa đơn bán hàng. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều ý kiến cho rằng, nếu qui định như vậy thì đôi khi giá tính thuế tài nguyên bao gồm cả các chi phí khác như: Chi phí vận chuyển, chi phí bảo quản, chi phí cho các dịch vụ khác có kết cấu trong giá bán sản phẩm. Lẽ đương nhiên là, để không phải tính các chi phí đó trong gía tính thuế, người khai thác sẽ “xử lý” bằng cách bóc tách các chi phí này ra khỏi giá bán sản phẩm tài nguyên, hay viết các hoá đơn bán hàng với từng khoản riêng rẽ, nhưng rõ ràng, trong các trường hợp không làm được điều đó, hoặc có muốn làm cũng không được do đã ràng buộc ngay trong các hợp đồng mua bán hàng thì việc tính thuế với giá “tổng hợp” sẽ làm mất bản chất điều tiết của thuế tài nguyên. Mặt khác, trong các trường hợp như vậy có thể dẫn đến tình trạng là cùng một loại tài nguyên giống hệt nhau, thậm chí cùng nơi khai thác nhưng giá tính thuế tài nguyên lại rất khác nhau.  

Hai là, trong rất nhiều trường hợp việc áp mức thuế suất thuế tài nguyên theo biểu qui định còn gặp khó khăn, chẳng hạn có nhiều loại tài nguyên khi qui đổi ra tài nguyên trong biểu để áp thuế suất là rất thiếu căn cứ như: Đá 1X2 khi tính thuế thuế tài nguyên phải qui đổi ra loại đá hộc để áp thuế suất nhưng định mức qui đổi thế nào, có căn cứ gì để kiểm tra tính chính xác là không có “chuẩn” tin cậy, với một số loại tài nguyên khác cũng gặp tình trạng tương tự...

Thứ ba, những đề xuất
Một là, theo chúng tôi, việc tính thuế tài nguyên vẫn nên qui định căn cứ trên giá đơn vị tài nguyên tại nơi khai thác, không bao gồm các chi phi vận chuyển. Có như vậy mới đảm bảo đúng bản chất điều tiết của loại thuế này và phù hợp với mục tiêu quản lý chung. Ngoài ra, việc điều chỉnh thuế (cao, thấp) nên sử dụng công cụ là thuế suất thuế tài nguyên.

Hai là, giá tính thuế cũng như biểu thuế suất thuế tài nguyên cần được quán triệt ban hành chi tiết hơn thông qua khảo sát thực tế để có thể áp dụng dễ ràng. Việc điều chỉnh các biểu này theo thẩm quyền vẫn cần đặt ra thường xuyên và với cách làm hợp lý. Căn cứ để tính thuế tài nguyên vẫn là giá tính thuế do UBND các địa phương ban hành, điều này sẽ đảm bảo tính thực tế nhưng cũng cần chỉ đạo thực hiện với qui định bao quát đầy đủ các loại tài nguyên cả địa bàn, tránh rơi vào tình trạng cục bộ với cơ chế “xin – cho”.

Ba là, nơi nộp thuế tài nguyên cần qui định thống nhất, theo chúng tôi hợp lý nhất là tại địa bàn nơi khác tài nguyên mà không có ngoại lệ. Sau đó, số  thuế đã nộp sẽ được điều chỉnh bằng trao đổi dữ liệu giữa các cấp ngân sách; giữa hệ thống kho bạc nhà nước và ngành Thuế. Như vậy sẽ tạo cho người khai thác tính chủ động và thuận lợi hơn trong thực hiện thủ tục nộp thuế, phù hợp với xu thế cải cách. 

Nhìn chung, ở một đất nước mà tài nguyên thiên nhiên được coi là thế mạnh trong qua trình phát triển như ở nước ta thì việc quản lý, khai thác chúng sao cho có hiệu quả là vấn đề rất hệ trọng bởi không phải tài nguyên sẽ còn mãi mãi và không phải ở bất kỳ nơi nào trên lãnh thổ Việt Nam cũng đều rồi rào và sẵn có nguồn tài nguyên quý giá. Với ý nghĩa đó, việc làm cho một chính sách quan trọng điều chỉnh việc quản lý và khai thác chúng như thuế tài nguyên cho phù hợp và  tiến bộ cần phải được coi trọng ở cả các khâu liên quan như:Chính sách, tổ chức thực hiện và thanh tra, kiểm tra./. 

Theo Tạp chí Kiểm toán số 9/2011
 

Xem thêm »