Phẩm chất đạo đức nghề nghiệp và văn hoá ứng xử của Kiểm toán viên ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng kiểm toán

25/10/2011
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

LTS. Trong thời gian vừa qua, Tổng Kiểm toán Nhà nước Đinh Tiến Dũng đã có các cuộc làm việc trực tiếp với lãnh đạo và cán bộ chủ chốt của các đơn vị trực thuộc để nắm bắt tình hình và kịp thời chỉ đạo việc thực hiện nhiệm vụ công tác năm 2011 và xây dựng Kế hoạch công tác năm 2012.
Nhân dịp này, Tổng Kiểm toán Nhà nước Đinh Tiến Dũng cũng đã dành thời gian trả lời phỏng vấn Tạp chí Kiểm toán về một số vấn đề có ý nghĩa then chốt đối với Kiểm toán Nhà nước (KTNN) hiện nay và những năm tiếp sau.
Tạp chí Kiểm toán xin trân trọng giới thiệu cùng Bạn đọc.

*Thưa Ông, những ngày vừa qua, Ông đã dành khá nhiều thời gian làm việc trực tiếp với các lãnh đạo và cán bộ chủ chốt của các đơn vị trực thuộc KTNN. Xin Ông cho biết cảm nhận và kết quả các buổi làm việc như thế nào?
Trên cương vị mới, để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, ngoài sự trợ giúp của các đồng chí lãnh đạo KTNN, bản thân tôi phải nhanh chóng tiếp cận để hiểu rõ, hiểu đúng về mọi lĩnh vực hoạt động của ngành; đặc biệt là hoạt động kiểm toán nhà nước. Chính vì vậy, trong thời gian qua, tôi đã bố trí chương trình làm việc lần lượt với các đơn vị tham mưu và các đơn vị thực hiện nhiệm vụ kiểm toán trong toàn ngành. Thông qua các cuộc làm việc này, tôi đã có cơ hội nắm bắt tình hình hoạt động của từng đơn vị; hiểu sâu về nghề nghiệp, tư tưởng, tình cảm của đội ngũ cán bộ, công chức, kiểm toán viên và người lao động.

Thông qua các buổi làm việc trực tiếp với một số đơn vị cũng đã phản ánh khá toàn diện những lĩnh vực chủ yếu của hoạt động kiểm toán nhà nước. Tôi đánh giá cao sự nỗ lực và trưởng thành tiến bộ của đội ngũ cán bộ, công chức, kiểm toán viên và những thành tựu mà KTNN đã đạt được trong suốt những năm qua. Với gần hai mươi năm, sự trưởng thành của ngành KTNN trong điều kiện vừa hoạt động vừa xây dựng và phát triển như hiện nay thực sự đáng trân trọng. Một trong những thành quả lớn nhất của KTNN chính là hệ thống các quy định liên quan đến tổ chức và hoạt động kiểm toán nhà nước.

* Ông đã đặt ra những yêu cầu gì để nâng cao chất lượng kiểm toán và các kết luận, kiến nghị kiểm toán?
Mọi người đều biết, sản phẩm trí tuệ cuối cùng của hoạt động kiểm toán nhà nước chính là các thông tin trong Báo cáo kiểm toán. Giá trị của Báo cáo kiểm toán đã được quy định rất rõ trong Luật Kiểm toán nhà nước. Giá trị có ý nghĩa sâu xa hơn của Báo cáo kiểm toán còn là sự thừa nhận, sự ủng hộ của xã hội đối với các kết luận và kiến nghị kiểm toán. Báo cáo kiểm toán hàng năm muốn ghi đậm dấu ấn về hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội thì phải đảm bảo chất lượng. Chất lượng không chỉ riêng ở các kiến nghị xử lý về tài chính mà còn là những kết luận và kiến nghị xác đáng về công tác quản lý và sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước tầm vĩ mô.

Muốn nâng cao chất lượng kiểm toán, theo tôi, trước hết là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, kiểm toán viên song song với việc nâng cao năng lực quản lý và điều hành của thủ trưởng đơn vị; đồng thời, tiếp tục đổi mới công tác đào tạo và bồi dưỡng cán bộ; nâng cao hiệu quả của việc áp dụng các chuẩn mực, quy trình, phương pháp kiểm toán và đẩy mạnh các biện pháp kiểm soát chất lượng kiểm toán, kiểm soát đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán viên; tăng cường kiểm toán tổng hợp, giảm dần kiểm toán chi tiết và tập trung thời gian kiểm toán công tác quản lý, điều hành.    

Những năm gần đây, KTNN đã từng bước thực hiện kiểm toán hoạt động, trong thời gian tới, toàn ngành cần đẩy mạnh kiểm toán hoạt động, kiểm toán chuyên đề theo từng lĩnh vực mà dư luận xã hội đang quan tâm, như: xăng dầu, điện, than, đất đai, phát triển nhà và đô thị, khai thác tài nguyên, khoáng sản, giáo dục và đào tạo, môi trường… Quá trình kiểm toán phải tiếp cận nhiều chiều, trên nhiều phương diện để các kết luận, kiến nghị mang tính khả thi cao. Đối với những trường hợp vi phạm pháp luật có dấu hiệu tham ô, tham nhũng hoặc lãng phí cần thiết phải hoàn chỉnh bằng chứng kiểm toán để kịp thời lập và chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng xử lý theo thẩm quyền.
 
Kết quả của hoạt động kiểm toán nhà nước không chỉ có tác động mạnh mẽ đến kinh tế-xã hội mà còn là cơ sở quan trọng để các cơ quan quản lý nghiên cứu và kịp thời đề ra các giải pháp có tính khả thi và phù hợp với thực tiễn, đóng góp thiết thực cho sự phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước. Đây là vấn đề cốt lõi nhất, mang tính bản chất của hoạt động kiểm toán nhà nước và sự khác biệt giữa KTNN với các cơ quan cùng thực hiện chức năng thanh tra, kiểm tra khác trong bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị. Đó cũng chính là sự tin cậy và yêu cầu của Đảng, Nhà nước, nhân dân đối với hoạt động kiểm toán nhà nước trong bối cảnh hội nhập và phát triển kinh tế quốc tế.

* Xin Ông nói rõ hơn về yêu cầu “nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, kiểm toán viên song song với việc nâng cao năng lực quản lý và điều hành của thủ trưởng đơn vị”. Phải chăng, Ông muốn nhấn mạnh về công tác tổ chức cán bộ?
Đúng là như vậy! Vấn đề đặt ra hoàn toàn không mới nhưng không thể thiếu được trong quá trình hoàn thiện công tác tổ chức cán bộ và nhân sự đối với KTNN hiện nay.

Có thể khẳng định rằng, với bề dày lịch sử hơn 80 năm, trong bất cứ tình huống nào, Đảng ta cũng đặc biệt quan tâm đến vấn đề cán bộ, coi cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”, “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”.

Đối với KTNN, sau gần hai mươi năm xây dựng và phát triển, công tác cán bộ đã và đang trở thành một nhu cầu cấp thiết. Để đáp ứng những yêu cầu và đòi hỏi ngày càng cao của nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, trước mắt cũng như lâu dài, KTNN phải tập trung giải quyết một số vấn đề sau:

Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc tinh thần Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị về đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Trên cơ sở bám sát mục tiêu, yêu cầu và định hướng “Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020” gắn kết chặt chẽ với công tác quy hoạch cán bộ. Đặc biệt coi trọng việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng toàn diện cả về nhận thức lý luận, kỹ năng lãnh đạo và kỹ năng quản lý; trình độ chuyên môn nghiệp vụ và phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp, văn hoá ứng xử; năng lực tổ chức thực hiện nhiệm vụ và tác phong, phương pháp trong công tác.

Hai là, tiếp tục đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy và học tập; đổi mới công tác thi tuyển, tuyển dụng cán bộ có nhiều kinh nghiệm trong các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau nhằm đảm bảo tính kế thừa; coi trọng việc đào tạo theo chức danh gắn quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước với kiến thức và năng lực hoạt động thực tiễn, kỹ năng lãnh đạo, quản lý và phương pháp công tác. Đối với những đơn vị thực hiện nhiệm vụ kiểm toán có tính đặc thù cần phối hợp chặt chẽ với Văn phòng KTNN, Vụ Tổ chức cán bộ bố trí kinh phí và tổ chức các khoá học nghiệp vụ do các chuyên gia đầu ngành đảm nhận về các lĩnh vực đòi hỏi tính chuyên sâu, như: tài chính - ngân hàng, bảo hiểm, xây dựng cơ bản, giao thông vận tải,…; tổ chức các buổi tập huấn nghiệp vụ “cầm tay chỉ việc” do chính các kiểm toán viên giầu kinh nghiệm của KTNN thực hiện và tăng cường đào tạo ngay trong quá trình thực hiện kiểm toán.

Ba là, tiếp tục thực hiện việc luân chuyển, điều chuyển, cán bộ, kiểm toán viên, chuyển đổi vị trí công tác trong từng đơn vị và trong toàn ngành để đổi mới và phát huy sáng kiến; đặc biệt là những cán bộ, kiểm toán viên có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động thực tiễn, cần mạnh dạn đề xuất luân chuyển, điều động làm nòng cốt cho các KTNN khu vực mới thành lập. Vụ Tổ chức cán bộ với tư cách là cơ quan tham mưu cho Tổng Kiểm toán Nhà nước về công tác cán bộ cần tiếp tục làm rõ việc phân cấp công tác cán bộ theo hướng tăng cường trách nhiệm cho thủ trưởng đơn vị trực tiếp sử dụng.

Bốn là, tiếp tục rà soát chất lượng và phân loại đội ngũ cán bộ, kiểm toán viên; đồng thời thực hiện tốt công tác quy hoạch cán bộ từng cấp gắn với việc xây dựng kế hoạch đào tạo và bồi dưỡng cán bộ về lý luận chính trị, về quản lý nhà nước, về chuyên môn nghiệp vụ ở trong nước và cả ở nước ngoài. Sử dụng tối đa và có hiệu quả nguồn nhân lực có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động thực tiễn và nguồn nhân lực đã được KTNN gửi theo học các khoá đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ ở nước ngoài; đặc biệt là các lĩnh vực mới, như: kiểm toán hoạt động, kiểm toán môi trường, kiểm toán trong môi trường công nghệ thông tin,...

Năm là, nâng cao hơn nữa trách nhiệm cá nhân, nhất là trách nhiệm người đứng đầu; tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ nhằm thắt chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính; đặc biệt đối với các Trưởng Đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ tại đơn vị được kiểm toán. Sau khi kết thúc mỗi đợt kiểm toán, các đơn vị phải đánh giá mức độ hoàn thành công việc của cán bộ, nhất là đối với các kiểm toán viên dự bị, thành viên khác. Vụ Tổ chức cán bộ có trách nhiệm nắm bắt thông tin khách quan qua các kênh khác nhau để làm tốt công tác đánh giá cán bộ và xem xét việc đề bạt, nâng lương, chuyển ngạch, khen thưởng, kỷ luật theo đúng quy định của Nhà nước.

* Thưa Ông, trong quá trình làm việc với lãnh đạo và cán bộ chủ chốt các đơn vị, còn một vấn đề nữa mà Ông đặc biệt quan tâm, đó là: phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp và văn hoá ứng xử của Kiểm toán viên nhà nước?
Bất cứ ai, trong hoặc ngoài ngành, nếu thường xuyên theo dõi tin tức trên Website của KTNN đều nhận thấy điều đó. Tôi phải nói thêm rằng, đây cũng không phải vấn đề mới. Tôi được biết, thông qua các ý kiến, các bài phát biểu của các đồng chí Lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ hoặc các thế hệ lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước tiền nhiệm và đương chức đều thực sự quan tâm đến vấn đề này. Và, ngay cả dư luận xã hội cũng luôn mong muốn Kiểm toán viên nhà nước phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ sâu, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp trong sáng và văn hoá ứng xử lịch thiệp. Vấn đề này còn được quy định thành các điều khoản trong Luật Kiểm toán nhà nước.

Trong xã hội, nghề nào muốn tồn tại và phát triển cũng đòi hỏi phải có phẩm chất đạo đức và văn hoá ứng xử, KTNN cũng không có ngoại lệ. Luật Kiểm toán nhà nước quy định: “Kiểm toán Nhà nước là cơ quan chuyên môn về lĩnh vực kiểm tra tài chính nhà nước do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”. Như vậy, địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của KTNN không cho phép bất cứ cán bộ, kiểm toán viên nào được “lạm quyền” và vụ lợi. Luật quy định: “Khi có hành vi vi phạm pháp luật thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”.

Trong hoạt động thực tiễn, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp và văn hoá ứng xử của Kiểm toán viên nhà nước còn ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến chất lượng của từng cuộc kiểm toán. Chính vì vậy, để không ngừng nâng cao chất lượng kiểm toán và giữ gìn uy tín của KTNN thì trước hết, thủ trưởng các đơn vị phải tăng cường công tác giám sát, kiểm tra chất lượng kiểm toán, kiểm soát thực hiện đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán viên, chú trọng giữ vững đoàn kết nội bộ, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu, của từng cán bộ, kiểm toán viên trong thực hiện công vụ; thời gian tới, Vụ Pháp chế, Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ sẽ tăng cường kiểm tra theo kế hoạch và kiểm tra, thanh tra đột xuất; đồng thời, mỗi cán bộ, kiểm toán viên phải không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, cập nhật kiến thức, chính sách mới trong thực tiễn; thường xuyên rèn luyện đạo đức nghề  nghiệp, tác phong, ứng xử với các đơn vị được kiểm toán để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm đạo đức nghề nghiệp và văn hoá ứng xử. Khi đơn vị xảy ra vi phạm, Cấp ủy, thủ trưởng đơn vị phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo KTNN và trước pháp luật. Tổng Kiểm toán Nhà nước và các Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước phụ trách các đơn vị kiên quyết không vì “bệnh thành tích” mà né tránh hoặc xử lý không nghiêm minh đối với những trường hợp vi phạm pháp luật./.

* Xin trân trọng cảm ơn Ông.

Người thực hiện: TRẦN SOẠN
Theo Tạp chí Kiểm toán số 10/2011
 

Xem thêm »