Tăng cường kiểm toán hoạt động để nâng cao vai trò, hiệu lực, hiệu quả của Kiểm toán Nhà nước

12/04/2012
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

GS.TS Đoàn Xuân Tiên - Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước

Qua 17 năm hoạt động, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện, kiến nghị xử lý tài chính với tổng số tiền hàng chục ngàn tỷ đồng, kiến nghị huỷ bỏ, sửa đổi hàng trăm văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách sai quy định hoặc không phù hợp thực tế. Chất lượng kiểm toán ngày càng cao, kết quả kiểm toán được Chính phủ, Quốc hội, các Bộ, ngành, địa phương sử dụng ngày càng nhiều trong việc xem xét, phê chuẩn dự toán, quyết toán ngân sách và trong quản lý và xây dựng chính sách kinh tế, tài chính. Những năm gần đây, Kiểm toán Nhà nước có sự quan tâm và chú trọng hơn đến loại hình kiểm toán hoạt động, tuy nhiên chưa đáp ứng hết những bức xúc, quan tâm của xã hội về tình trạng lãng phí của công, lãng phí, thất thoát các nguồn lực trong đầu tư công. Để đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu đòi hỏi thực tiễn của xã hội, nâng cao hơn nữa vai trò, hiệu lực, hiệu quả của hoạt động kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước cần tăng cường hơn nữa loại hình kiểm toán hoạt động, đó là xu hướng tất yếu của sự phát triển khoa học kiểm toán và đòi hỏi thực tế.     

1. Xu hướng phát triển của kiểm toán hoạt động trên thế giới và Việt Nam
Kiểm toán hoạt động là loại hình kiểm toán mới được phát triển trên thế giới từ những năm cuối thập niên 60 của thế kỷ XX. Nó ra đời xuất phát từ nhu cầu quản trị khu vực công, theo yêu cầu của các nghị sĩ Quốc hội các quốc gia phát triển như: Mỹ, Canada, Thuỵ Điển, Đức và một số quốc gia khác. Họ đòi hỏi cung cấp các thông tin về tính hiệu quả và sự hữu hiệu của các khoản chi tiêu công quỹ quốc gia, bởi vì họ cảm thấy không thật hài lòng với vai trò truyền thống của kiểm toán là chỉ tập trung vào tính tuân thủ các quy định về các khoản chi tiêu công mà thôi, mà họ muốn biết đích thực “giá trị của đồng tiền” có được thực hiện khi chi dùng công quỹ; đồng thời họ cũng mong muốn những người có trách nhiệm trong quản lý, sử dụng công quỹ phải nâng cao hơn nữa trách nhiệm giải trình về hiệu quả, sự hữu hiệu của các khoản chi tiêu công quỹ. Điều đó đã buộc các Cơ quan kiểm toán tối cao, các tổ chức kiểm toán nội bộ và các kiểm toán viên phải cố gắng đáp ứng bằng cách mở rộng phạm vi hoạt động của mình qua việc triển khai kiểm toán hoạt động.  

Tháng 10/1977, Đại hội lần thứ IX của Tổ chức các Cơ quan kiểm toán tối cao quốc tế (INTOSAI) tổ chức tại Pêru đã ra Tuyên bố Lima về hướng dẫn các nguyên tắc kiểm toán có nêu: Nhiệm vụ truyền thống của Cơ quan kiểm toán tối cao là kiểm toán tính hợp pháp và hợp thức của công tác quản lý tài chính và hoạt động kế toán. Bên cạnh loại hình kiểm toán này, vẫn giữ nguyên ý nghĩa của nó, còn một loại hình kiểm toán có tầm quan trọng tương đương là kiểm toán hoạt động tập trung vào kiểm tra hành vi, tính kinh tế, hiệu quả và hiệu lực của nền hành chính công. Kiểm toán hoạt động bao trùm không chỉ các nghiệp vụ tài chính cụ thể mà còn toàn diện hoạt động Chính phủ, gồm cả hệ thống tổ chức và hành chính. Mục tiêu kiểm toán của Cơ quan kiểm toán tối cao - tính hợp pháp, hợp thức, kinh tế, hiệu quả và hiệu lực của quản lý tài chính - về cơ bản có tầm quan trọng như nhau. Tuy nhiên, tuỳ Cơ quan kiểm toán tối cao xác định ưu tiên của mình trên cơ sở từng vụ việc. 

Hiện nay rất nhiều Cơ quan kiểm toán tối cao của các nước có nền kinh tế phát triển như: Mỹ, Canada, Úc, Anh, Pháp, Đức, Nhật, Ấn Độ, Bỉ, Hà Lan, Nauy, Đan Mạch… thì kiểm toán hoạt động là hoạt động chính và chủ yếu trong hoạt động kiểm toán của họ, số cuộc kiểm toán hoạt động trên các cuộc kiểm toán nói chung chiếm tỷ lệ rất cao. Tại các nước này, hệ thống pháp luật về hành chính công, về thuế, tài chính đã cơ bản đầy đủ, đồng bộ và hiệu lực, vì vậy, nền tài chính công của họ rất minh bạch và hiệu quả, việc chấp hành pháp luật của các cơ quan, tổ chức được thực hiện nghiêm túc. Các Cơ quan kiểm toán tối cao của các nước này hiện nay tập trung chủ yếu vào việc thực hiện kiểm toán hoạt động, kiểm toán môi trường, kiểm toán trách nhiệm kinh tế. Đây là những loại hình kiểm toán mang lại giá trị và lợi ích vô cùng lớn cho xã hội, cho người dân và cho nền kinh tế.

Sự ra đời và phát triển của kiểm toán hoạt động tự thân thể hiện bản chất, vai trò, tác dụng của nó, đó là sự phát triển tất yếu, khách quan do yêu cầu nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng các nguồn lực kinh tế của các chủ thể quản lý trong nền kinh tế thị trường. Kiểm toán hoạt động ra đời và phát triển sau loại hình kiểm toán tài chính và kiểm toán tuân thủ cũng là để khắc phục những hạn chế của kiểm toán báo cáo tài chính và kiểm toán tuân thủ trong điều kiện, tình hình mới.   

Ở Việt Nam, thuật ngữ “kiểm toán hoạt động” chỉ mới biết đến vào những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ XX. Đến nay sự hiểu biết về kiểm toán hoạt động, sự vận dụng vào thực tế cũng còn nhiều hạn chế và khó khăn vướng mắc so với kiểm toán báo cáo tài chính và kiểm toán tuân thủ, từ đó dẫn đến những hạn chế, chưa phát huy hết vai trò, hiệu lực và hiệu quả của hoạt động của các phân hệ kiểm toán trong hệ thống kiểm toán nói chung và Kiểm toán Nhà nước nói riêng.

2. Hiệu quả, hiệu lực hoạt động kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước thời gian qua 
Kiểm toán Nhà nước với vai trò công cụ trọng yếu và hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý và sử dụng ngân sách, tiền và tài sản Nhà nước, góp phần thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí, phát hiện và ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật; nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước; hỗ trợ, phục vụ đắc lực cho hoạt động của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp trong thực hiện chức năng giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của các địa phương. Để thực hiện tốt vai trò đó, định hướng trong Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2020 xác định “Kết hợp nhuần nhuyễn kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ và kiểm toán hoạt động, trên cơ sở tập trung thực hiện tốt nhất kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ nhằm tiến tới đẩy mạnh kiểm toán hoạt động để kiểm tra, đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trong quản lý ngân sách, tiền và tài sản nhà nước, nhất là trong lĩnh vực quản lý, sử dụng ngân sách, đầu tư xây dựng và chương trình mục tiêu quốc gia”.

Thực tế trong hơn 17 năm qua, kể từ khi thành lập (1994) đến nay, hoạt động Kiểm toán Nhà nước ngày càng rộng về quy mô, đa dạng về loại hình và phương thức kiểm toán, tiến bộ về chất lượng kiểm toán. Đặc biệt từ năm 2006 (Luật Kiểm toán nhà nước có hiệu lực thi hành), quy mô kiểm toán đã tăng nhanh số lượng các cuộc kiểm toán, mỗi năm thực hiện kiểm toán trên 150 đầu mối (Bộ, ngành, cơ quan trung ương, tỉnh, thành phố, tập đoàn, tổng công ty, dự án đầu tư nhóm A… ), khoảng cách bình quân giữa 2 lần kiểm toán mỗi đơn vị rút ngắn hơn; nhiều đơn vị được kiểm toán thường xuyên hàng năm theo luật định như: Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội. Chất lượng kiểm toán ngày càng tiến bộ hơn, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của thực tiễn quản lý; những kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước ngày càng đa dạng, phong phú, sắc sảo và có chất lượng hơn, được Chính phủ, Quốc hội, các Bộ, ngành, địa phương sử dụng ngày càng nhiều trong xem xét, phê chuẩn dự toán và quyết toán ngân sách, giám sát ngân sách và thực hiện chính sách pháp luật; trong quản lý và xây dựng chính sách tài chính - ngân sách... Tổng hợp kết quả kiểm toán 17 năm qua, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính với tổng số tiền nhiều chục ngàn tỷ đồng, trong đó tăng thu về thuế và các khoản thu khác trên 22 ngàn tỷ đồng, giảm chi NSNN trên 13 ngàn tỷ đồng. Riêng 05 năm gần đây (2006 - 2011) tổng số phát hiện, kiến nghị tăng thu về thuế và các khoản thu khác trên 18 ngàn tỷ đồng, giảm chi NSNN trên 11 ngàn tỷ đồng. Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị huỷ bỏ, sửa đổi hàng trăm văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế chính sách sai quy định hoặc không phù hợp thực tế. Chỉ tính riêng từ năm 2006 đến nay đã kiến nghị các Bộ, ngành, địa phương hủy bỏ trên 50 văn bản; sửa đổi, bổ sung gần 200 văn bản (Luật, Nghị định, Nghị quyết, Thông tư, Quyết định…). Đặc biệt, Kiểm toán Nhà nước đã đề xuất nhiều ý kiến có giá trị để hoàn thiện nhiều văn bản quy phạm pháp luật, nhất là Luật Ngân sách nhà nước, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Luật Phòng, chống tham nhũng...

Mặc dù những năm gần đây, Kiểm toán Nhà nước đã có sự quan tâm hơn việc thực hiện cả 3 loại hình kiểm toán là kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ và kiểm toán hoạt động, tuy nhiên, các cuộc kiểm toán vẫn chủ yếu tập trung nhiều vào kiểm toán báo cáo tài chính và kiểm toán tuân thủ, chưa thực hiện độc lập các cuộc kiểm toán hoạt động. Mục tiêu và nội dung kiểm toán hoạt động cũng có được kết hợp trong một số cuộc kiểm toán báo cáo tài chính, vì vậy kết quả các nội dung kiểm toán hoạt động đó là những nhận xét, đánh giá chung chung, chưa thật sâu, chưa đúng với bản chất của kiểm toán hoạt động. Chính vì mới chủ yếu tập trung vào kiểm toán báo cáo tài chính và kiểm toán tuân thủ nên kết quả kiểm toán chủ yếu tập trung vào mục tiêu đánh giá tính tuân thủ, chấp hành quy định luật pháp, chính sách; phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính những sai sót về số liệu tài chính, kế toán (tăng thu về thuế, các khoản thu khác, giảm chi ngân sách, ghi thu, ghi chi quản lý qua ngân sách, các xử lý tài chính khác)… Các cuộc kiểm toán chưa chú trọng đến mục tiêu đánh giá tính kinh tế, tính hiệu quả và sự hữu hiệu trong quản lý và sử dụng ngân sách, tiền và tài sản của nhà nước của các đơn vị, trong các hoạt động đầu tư công, các chương trình, dự án dùng nguồn lực công... Vì vậy phần nào ảnh hưởng làm cho Kiểm toán Nhà nước chưa phát huy tốt nhất vai trò, hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm toán của mình.

Thực tiễn rất nhiều bức xúc đặt ra về hiệu quả của quản lý chi tiêu công ở nước ta trong thời gian qua, như: đầu tư công tại các điạ phương diễn ra rất dàn trải, phân bổ vốn chậm, tỷ lệ đầu tư cao trên 40, nhưng tăng trưởng kinh tế lại thấp, chỉ từ dưới 6 đến 7, nếu cố đẩy mức tăng trưởng lên thì ngay lập tức sẽ lâm vào tình trạng tăng trưởng nóng; kinh phí đầu tư dàn trải cho nhiều dự án khiến những ưu tiên của Chính phủ không được tài trợ tương xứng với tầm quan trọng của nó; cơ chế quản lý chất lượng, hiệu quả đầu tư công còn lỏng lẻo; hậu quả là khi gặp khó khăn, nền kinh tế sẽ sinh trì trệ. Hoặc, sự lãng phí các nguồn lực ở các doanh nghiệp nhà nước, đó là việc sử dụng không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp các nguồn lực (vốn, tài sản, đất đai, tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản, nguồn lực thời cơ, nguồn lực về trí tuệ của đội ngũ cán bộ được đào tạo, lợi thế thương mại…) doanh nghiệp được giao quản lý và sử dụng; đó là sự hoạt động kinh doanh thua lỗ, không hiệu quả, hoặc lợi nhuận thấp của nhiều doanh nghiệp nhà nước trong thời gian qua. Hoặc, sự kém hiệu quả về kinh tế, xã hội của các Chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án của Chính phủ triển khai tại các địa phương.v.v… Những lãng phí, kém hiệu quả như trên rất khó phát hiện, khó kiểm soát, có thể phát sinh đột xuất, cũng có thể diễn biến liên tục qua thời gian dài vẫn không thể phát hiện và xử lý kịp thời được, vì chúng không hiện hữu cụ thể. Một trong những công cụ để phát hiện, ngăn ngừa, hạn chế và khắc phục những lãng phí, kém hiệu quả đó là kiểm toán hoạt động.

Trong một vài năm gần đây, Kiểm toán Nhà nước đang dần tăng cường hơn các cuộc kiểm toán chuyên đề, tập trung trọng tâm hơn cho mục tiêu kiểm toán hoạt động, như: kiểm toán các Chương trình mục tiêu quốc gia; kiểm toán chuyên đề Quản lý và sử dụng phí, lệ phí đường bộ; kiểm toán chuyên đề Mua sắm, quản lý và sử dụng tài sản tại các Ban quản lý dự án một số bộ, ngành địa phương; kiểm toán chuyên đề Quản lý, sử dụng quỹ dự trữ quốc gia; kiểm toán chuyên đề Quản lý thuế; kiểm toán chuyên đề Chất lượng thủy sản xuất khẩu; kiểm toán chuyên đề về Quỹ bình ổn giá xăng dầu.v.v… Đây là những cuộc kiểm toán có nội dung, mục tiêu được lựa chọn trên cơ sở những lĩnh vực có rủi ro cao hoặc đang được dư luận xã hội bức xúc, quan tâm. Những lĩnh vực được kiểm toán mang tính điển hình và tồn tại ở nhiều cơ quan, đơn vị. Qua các cuộc kiểm toán chuyên đề này, kiểm toán Nhà nước có thể đưa ra những đánh giá, kiến nghị về những tồn tại, bất cập của cả hệ thống. Những cuộc kiểm toán chuyên đề này đã bước đầu mang lại những kết quả đáng khích lệ, tuy những kiến nghị về xử lý tài chính của các cuộc kiểm toán này không lớn, không thể so sánh được với kiểm toán báo cáo tài chính và kiểm toán tuân thủ, nhưng những kiến nghị về bất cập của cơ chế, của các văn bản hướng dẫn của các cơ quan quản lý nhà nước, những kiến nghị về yếu kém của các hệ thống quản lý đã mang lại những lợi ích to lớn và lâu dài, được Quốc hội và Chính phủ đánh giá cao.

Tuy nhiên, các cuộc kiểm toán chuyên đề mà Kiểm toán Nhà nước thực hiện còn rất ít; nhiều lĩnh vực, nhiều chương trình, dự án, nhiều vấn đề xã hội bức xúc, quan tâm, đặc biệt là hiệu quả đầu tư công của các bộ ngành, địa phương, hiệu quả sử dụng các nguồn lực vốn, tài sản, tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản, quản lý đất đai của các đơn vị, doanh nghiệp, các địa phương, các chương trình mục tiêu quốc gia… chưa được lựa chọn kiểm toán, nên chưa thật thoả mãn yêu cầu của xã hội và sự mong đợi của công chúng.  

3. Tăng cường kiểm toán hoạt động nhằm nâng cao vai trò, hiệu lực, hiệu quả của Kiểm toán Nhà nước
Mục tiêu Chiến lược phát triển đến năm 2020 của Kiểm toán Nhà nước xác định là "Nâng cao năng lực hoạt động, hiệu lực pháp lý, chất lượng và hiệu quả hoạt động của Kiểm toán Nhà nước như một công cụ hữu hiệu của Nhà nước trong kiểm tra, giám sát quản lý và sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước; xây dựng Kiểm toán Nhà nước có trình độ chuyên nghiệp cao, từng bước hiện đại, trở thành cơ quan kiểm tra tài chính công có trách nhiệm và uy tín, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, phù hợp với các thông lệ và chuẩn mực quốc tế”.  Điều đó đặt ra nhiệm vụ đa dạng hóa các loại hình kiểm toán, trọng tâm là kiểm toán báo cáo tài chính và kiểm toán tuân thủ, từng bước thực hiện kiểm toán hoạt động để đánh giá hiệu quả quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước. Hoàn thiện kiểm toán báo cáo tài chính; triển khai từng bước kiểm toán hoạt động tiến tới tập trung nhiều hơn cho loại hình kiểm toán này khi nền kinh tế ngày càng phát triển để kiểm tra, đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trong quản lý ngân sách, tiền và tài sản nhà nước; ưu tiên kiểm toán hoạt động đối với các chương trình mục tiêu quốc gia, các công trình, dự án trọng điểm quốc gia và một số tỉnh, thành phố, bộ, ngành trực thuộc trung ương có quy mô ngân sách tương đối lớn, tình hình thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế, xã hội, về xoá đói giảm nghèo; từng bước nâng cao chất lượng chuẩn bị ý kiến về dự toán ngân sách nhà nước, phân bổ ngân sách trung ương, dự án, công trình quan trọng quốc gia.

Để tiếp tục từng bước tăng cường hơn kiểm toán hoạt động, định hướng mục tiêu kế hoạch kiểm toán năm 2012 và các năm tiếp theo của Kiểm toán Nhà nước là tăng thêm nhiều số cuộc kiểm toán hoạt động, cuộc kiểm toán chuyên đề. Trong đó tập trung vào những vấn đề đang gây bức xúc trong công chúng, được dư luận xã hội chú ý, quan tâm như: các vấn đề quản lý và sử dụng đất đai, tài nguyên thiên nhiên; quản lý, quy hoạch đô thị, nhà ở; quản lý, khai thác, chế biến khoáng sản; quản lý và sử dụng vốn ODA; quản lý, sử dụng kinh phí đầu tư, củng cố, bảo vệ và nâng cấp đê biển; các chương trình khoa học công nghệ; các chương trình mục tiêu quốc gia về hỗ trợ hộ nghèo, nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn; chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo; các dự án trọng điểm quốc gia; chuyên đề sử dụng lệ phí, kinh phí đặc thù của một số ngành...Đồng thời, các cuộc kiểm toán báo cáo tài chính tiếp tục tăng cường sự kết hợp một số mục tiêu đánh giá tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả việc quản lý và sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước tại các đơn vị được kiểm toán.

Theo chúng tôi, mục tiêu chung các cuộc kiểm toán hoạt động cần hướng tới  ở góc độ vĩ mô là:

(i) Đánh giá toàn diện các yếu tố đầu vào (nhân lực, vật lực, tài lực - con người, đất đai, tài nguyên, khoáng sản, năng lượng, máy móc thiết bị, nguyên liệu, thông tin…), quá trình thực hiện (tiến trình sử dụng các nguồn lực) và các kết quả đầu ra (sản phẩm/kết quả tạo ra); trên cơ sở đó thúc đẩy, nâng cao chất lượng quản lý và sử dụng một cách tiết kiệm, hiệu quả, hiệu lực các nguồn lực kinh tế của nhà nước trong đầu tư công tại các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp, các đơn vị...
(ii) Giúp việc khai thác, sử dụng các nguồn lực, tài nguyên của đất nước được hữu hiệu, tiết kiệm và tránh được những lãng phí; góp phần tham gia vào việc phân bổ hợp lý các nguồn lực kinh tế nhà nước cho từng ngành, lĩnh vực, địa phương...
(iii) Giúp cho Chính phủ xem xét việc chi tiêu công quỹ sao cho thật sự có lợi cho nhân dân; giúp cho các hoạt động của Chính phủ được thực hiện đúng kế hoạch, chặt chẽ và có hiệu lực; góp phần cải cách, hiện đại hoá nền hành chính công.
(iv) Tạo sự an tâm và tin tưởng của xã hội, của công chúng đối với các hoạt động của Chính phủ thông qua việc nâng cao trách nhiệm giải trình của những người có trách nhiệm trong các hoạt động đầu tư công cũng như việc thu, chi và quản lý công quỹ.       
Mục tiêu chung các cuộc kiểm toán hoạt động cần hướng tới ở góc độ vi mô đối với các đơn vị được kiểm toán là:
(i) Đánh giá một cách khách quan hiệu năng, hiệu lực của bộ máy quản lý và mức độ các mục tiêu hoạt động đạt được; xác định những phạm vi trong hệ thống quản lý và kiểm soát cần phải cải tiến.
(ii) Đánh giá tính tiết kiệm, hiệu quả trong quản lý và sử dụng các nguồn lực kinh tế của đơn vị; chỉ ra những nhân tố tiêu cực có ảnh hưởng đến tính kinh tế, tính hiệu quả và sự hữu hiệu của các hoạt động mà các nhà quản lý cần chú ý; đưa ra những cảnh báo về những rủi ro đơn vị có thể gặp trong tương lai.
(iii) Giúp cho nhà quản lý có cơ hội hiểu biết sâu sắc hơn về những vấn đề mới nảy sinh trong hoạt động và quá trình thực hiện của đơn vị.
(iv)  Nâng cao ý thức tự giác của các đơn vị trong quản trị tài chính, quản trị kinh doanh và điều hành đơn vị.                

Đặc điểm của kiểm toán hoạt động là có tính hệ thống, tính độc lập cao, phạm vi rất rộng lớn; tính chất hoạt động của các đội tượng kiểm toán đa dạng, phong phú; phương pháp kỹ thuật và thủ tục kiểm toán linh hoạt, mang tính chủ quan nhiều hơn kiểm toán báo cáo tài chính và kiểm toán tuân thủ; mục tiêu hoạt động của các đối tượng, tiêu chí đánh giá các hoạt động rất khác nhau... Trên cơ sở các mục tiêu chung hướng tới của kiểm toán hoạt động, tuỳ thuộc vào từng cuộc kiểm toán hoạt động hay cuộc kiểm toán chuyên đề để xác định mục tiêu cụ thể phù hợp với đối tượng, nội dung và phạm vi kiểm toán; đồng thời phải xây dựng tiêu chí đánh giá cụ thể, áp dụng linh hoạt các phương pháp, thủ tục kiểm toán phù hợp với từng cuộc kiểm toán. 

Tóm lại, kiểm toán hoạt động có những lợi ích rất lớn trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, khai thác, sử dụng các nguồn lực, tài nguyên của đất nước một cách hữu hiệu, tiết kiệm, chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí; nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước; nâng cao trách nhiệm giải trình của những người có trách nhiệm, tạo sự an tâm và tin tưởng của xã hội, của công chúng đối với các hoạt động của Chính phủ. Nó góp phần thúc đẩy công tác quản lý, quản trị công hướng tới mục tiêu minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả, hiệu lực, an toàn và bền vững. Đối với Kiểm toán Nhà nước, kiểm toán hoạt động đã và đang dần được quan tâm và chú trọng, tuy nhiên mới là những bước khởi đầu còn rất mới, chưa đáp ứng hết những bức xúc, quan tâm của xã hội về tình trạng lãng phí của công, lãng phí, thất thoát các nguồn lực: tài sản, tài nguyên, đất đai, khoáng sản, năng lượng, lao động… trong đầu tư công ở nhiều bộ, ngành, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước… Theo xu hướng chung và  tất yếu của sự phát triển lĩnh vực kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước cần tăng cường mạnh hơn nữa các cuộc kiểm toán hoạt động, kiểm toán chuyên đề để phát huy tốt nhất vai trò, hiệu lực, hiệu quả của hoạt động kiểm toán để đáp ứng yêu cầu đòi hỏi thực tiễn của xã hội và thực hiện được sứ mệnh của mình là xây dựng Kiểm toán Nhà nước trở thành cơ quan kiểm tra tài chính công có uy tín và có trách nhiệm với đất nước và cộng đồng quốc tế, xứng đáng với niềm tin và lòng mong đợi của Đảng, Nhà nước và nhân dân./.  

Tài liệu tham khảo:
- Các chuẩn mực kiểm toán và hướng dẫn kiểm toán hoạt động của INTOSAI và ASOSAI, NXB Thống kê, Hà Nội, năm 2004.
 - Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020 - Nghị quyết số 927/2010/UBTVQH12 của Quốc hội khoá 12.
- Kiểm toán Nhà nước - Báo cáo tổng kết 15 năm hoạt động của KTNN (1994 - 2009), báo cáo tổng kết công tác các năm 2010, 2011 của KTNN.
- Kiểm toán Nhà nước - Hướng dẫn kiểm toán hoạt động (tài liệu dịch - dự án GTZ, năm  2004).
- Tuyên bố Lima (1977) về hướng dẫn các nguyên tắc kiểm toán các Cơ quan Kiểm toán tối cao.
- Vai trò của kiểm toán hoạt động trong việc ngăn ngừa lãng phí nguồn lực tại các DNNN – trang www.ssoft.vn

Theo Tạp chí Kiểm toán số 3/2012
                                                               

Xem thêm »