Phối hợp nâng cao chất lượng kiểm toán chuyên đề

12/11/2015
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Những năm qua, các đơn vị trực thuộc KTNN như KTNN chuyên ngành II, III, VI… đã chủ trì thực hiện, phối hợp thực hiện thành công nhiều cuộc kiểm toán chuyên đề quy mô lớn theo mô hình Đoàn kiểm toán tập trung hoặc theo mô hình Đoàn kiểm toán lồng ghép. Thực tiễn cho thấy, mỗi mô hình đều có những ưu điểm, hạn chế nhất định.

Các đơn vị trực thuộc KTNN đã phối hợp thực hiện thành công nhiều cuộc kiểm toán chuyên đề quy mô lớn


Nhiều ưu điểm nổi bật
 
Việc tổ chức Đoàn kiểm toán theo mô hình tập trung, điển hình như cuộc kiểm toán Chuyên đề phát hành, quản lý và sử dụng vốn trái phiếu chính phủ năm 2013, 2014, thời gian qua đã được KTNN thực hiện theo phương án chỉ thành lập một đoàn, không tổ chức lồng ghép và thực hiện dưới sự chỉ đạo tập trung của một đơn vị KTNN về chuyên môn, nghiệp vụ. Đánh giá ưu điểm của phương án này, KTNN chuyên ngành II nhấn mạnh, công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện được tập trung, thống nhất, xuyên suốt quá trình kiểm toán từ mẫu biểu hồ sơ, xây dựng kế hoạch kiểm toán của Đoàn, Tổ kiểm toán đến thực hiện kiểm toán và lập Báo cáo kiểm toán. Các kết luận, kiến nghị kiểm toán của các Tổ kiểm toán được thống nhất, phù hợp, khả thi, tạo thuận lợi cho quá trình tổng hợp kết quả kiểm toán chung của toàn ngành đối với chuyên đề.
 
Do tổ chức theo mô hình tập trung nên công tác trao đổi thông tin giữa các Tổ kiểm toán rất kịp thời và không bị hạn chế trong việc tiếp cận thông tin, nhất là trao đổi về những vướng mắc, bất cập trong việc áp dụng hồ sơ, mẫu biểu trong đề cương hướng dẫn kiểm toán, cũng như trao đổi, chia sẻ các văn bản, chế độ, chính sách của Nhà nước liên quan đến công tác chỉ đạo, quản lý thực hiện chuyên đề của Trung ương.
 
Việc tổ chức đoàn kiểm toán theo mô hình tập trung còn giúp Kiểm toán trưởng, Trưởng Đoàn kiểm toán kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo các Tổ kiểm toán rà soát lại những công việc thông qua các đợt báo cáo tiến độ định kỳ, tạo cơ sở cho các tổ tham khảo, bổ sung cho phù hợp, tránh bỏ sót nội dung kiểm toán. Đồng thời tạo thuận lợi cho công tác sơ kết đánh giá những mặt đã làm được, những vấn đề cần rút kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng kiểm toán. Hơn nữa, công tác kiểm tra, soát xét chất lượng kiểm toán cũng thuận lợi hơn, được thực hiện xuyên suốt quá trình kiểm toán, kịp thời tham mưu cho lãnh đạo KTNN chỉ đạo hoạt động.
 
Đối với Đoàn kiểm toán tổ chức theo mô hình lồng ghép, tiêu biểu như cuộc kiểm toán Chuyên đề Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2014; Chuyên đề công tác quản lý và sử dụng kinh phí Chương trình khuyến nông năm 2014…, KTNN thực hiện theo phương án chia Đoàn kiểm toán thành nhiều đoàn nhỏ, mỗi KTNN chuyên ngành, khu vực thành lập một Đoàn kiểm toán riêng và chỉ chịu trách nhiệm trước Tổng KTNN đối với hoạt động của đoàn.
 
Phương án này một mặt hỗ trợ tốt cho các Đoàn kiểm toán trong việc kiểm tra, giám sát hoạt động kiểm toán của kiểm toán viên, mặt khác, công tác xét duyệt cũng như phát hành Báo cáo kiểm toán cũng được tiến hành nhanh chóng, bởi quy mô của mỗi Báo cáo kiểm toán của đoàn kiểm toán nhỏ chỉ tương đương với Báo cáo kiểm toán của Tổ kiểm toán khi thực hiện kiểm toán theo mô hình Đoàn kiểm toán tập trung. Vì thế, việc tiếp thu, giải trình ý kiến kết luận của lãnh đạo KTNN và ý kiến của các Vụ chức năng được thuận lợi, giảm thiểu thời gian chỉnh sửa Báo cáo kiểm toán. Hơn nữa, công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng kiểm toán cũng như công tác tổng hợp hồ sơ và lưu trữ hồ sơ kiểm toán của Đoàn kiểm toán, tra cứu trong trường hợp có khiếu nại, kiến nghị của đơn vị được kiểm toán cũng thuận lợi hơn khi áp dụng mô hình lồng ghép.

Kiến nghị giải pháp khắc phục hạn chế
 
Từ thực tiễn chủ trì triển khai các cuộc kiểm toán chuyên đề, KTNN chuyên ngành II đã chỉ ra một số hạn chế: việc tổ chức Đoàn kiểm toán theo mô hình tập trung có thể gặp phải rủi ro bởi quy mô Đoàn kiểm toán quá lớn nên công tác kiểm tra, giám sát của lãnh đạo Đoàn phải được thực hiện thường xuyên, sâu sát; quy mô Đoàn kiểm toán lớn, khối lượng công việc nhiều nên công tác tổng hợp Báo cáo kiểm toán cũng mất nhiều thời gian, trong khi Báo cáo kiểm toán của một số tổ còn dài, mang tính liệt kê, thiếu tính khái quát, nhiều nội dung chưa được thể hiện đầy đủ trong báo cáo. Mặt khác, do phạm vi kiểm toán lớn, đòi hỏi thời gian kiểm toán dài, bình quân mỗi tổ là 150 ngày/3 tỉnh, thành phố nên công tác bố trí nhân sự gặp khó khăn nhất định. Đối với mô hình lồng ghép, mặt hạn chế là thiếu tính thống nhất trong chỉ đạo thực hiện, dễ dẫn tới sự thiếu nhất quán trong hoạt động kiểm toán, trong các ý kiến nhận xét, đánh giá gây khó khăn cho công tác tổng hợp kết quả kiểm toán chung, cũng như khó tham mưu kịp thời cho lãnh đạo KTNN những bất cập trong hoạt động kiểm toán.
 
Để nâng cao hiệu quả các cuộc kiểm toán chuyên đề do nhiều đơn vị trong ngành cùng tham gia, KTNN chuyên ngành VI góp ý: công tác tổ chức kiểm toán phải được tiến hành thận trọng và đồng bộ, đảm bảo chặt chẽ ở tất cả các bước theo quy trình. Cụ thể là từ khâu thu thập thông tin ban đầu, khảo sát đánh giá để lựa chọn chủ đề kiểm toán cho đến việc xây dựng đề cương, lập kế hoạch kiểm toán, đào tạo bồi dưỡng đến hướng dẫn thu thập, phân tích bằng chứng kiểm toán và tổng hợp lập Biên bản kiểm toán, Báo cáo kiểm toán. Đặc biệt, cần chú trọng khâu kết nối, điều hành, phối hợp giữa các đơn vị sao cho thống nhất, chặt chẽ và có sự hỗ trợ, chia sẻ từ tất cả các đơn vị tham gia thực hiện nhiệm vụ.
 
Theo kiến nghị của KTNN chuyên ngành III, lãnh đạo KTNN cần quy định rõ ràng, đầy đủ quyền và trách nhiệm của đơn vị chủ trì và các đơn vị tham gia, tăng cường công tác kiểm soát lập Kế hoạch kiểm toán và lập Báo cáo kiểm toán, yêu cầu chấp hành kiểm toán đầy đủ các nội dung theo đề cương đã được ban hành. Đồng thời, phải có sự phối hợp giữa cơ quan chủ trì với cơ quan tham mưu trong việc kiểm soát Kế hoạch kiểm toán, xét duyệt dự thảo Báo cáo kiểm toán và kiểm soát chất lượng kiểm toán.
 
Để hạn chế tối đa rủi ro, sai sót có thể xảy ra trong quá trình thực thi nhiệm vụ kiểm toán khi tổ chức kiểm toán theo mô hình tập trung, KTNN chuyên ngành II đề nghị lãnh đạo KTNN ban hành văn bản quy định trách nhiệm của từng đơn vị trong công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của Tổ kiểm toán và kiểm toán viên. Bên cạnh việc tự kiểm soát theo chức trách, nhiệm vụ của Kiểm toán trưởng, Trưởng, Phó Đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán và của đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán thì đòi hỏi cần thiết phải có sự tham gia kiểm soát trực tiếp của Vụ Chế độ và kiểm soát chất lượng kiểm toán ngay từ khâu xây dựng Kế hoạch kiểm toán chi tiết đến khâu tổ chức thực hiện.

Theo Báo Kiểm toán số 46/2015

Xem thêm »