Xử lý nợ xấu vẫn ngóng đợi Luật

01/07/2021
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Những năm qua, công tác xử lý nợ xấu, đặc biệt là việc xử lý nợ theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 (Nghị quyết 42) của Quốc hội đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 đang khiến nợ xấu có nguy cơ tăng cao trở lại.

Diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 đang khiến nợ xấu có nguy cơ tăng cao trở lại

Nguy cơ nợ xấu tăng cao do ảnh hưởng của Covid-19

Thông tin tại Tọa đàm “Nợ xấu trong dịch Covid-19: Giải pháp hỗ trợ ngành ngân hàng và cộng đồng doanh nghiệp” do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) và Báo Tiền phong phối hợp tổ chức mới đây cho biết: Đến nay, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đã xử lý được khoảng 530.000 tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, lũy kế từ ngày 15/8/2017 đến 30/4/2021, số nợ xấu được xử lý theo Nghị quyết 42 là gần 350.000 tỷ đồng (66% số nợ), đạt trung bình khoảng 8.000 tỷ đồng/tháng, cao hơn khoảng 2 lần so với kết quả xử lý nợ xấu nội bảng trung bình tháng từ năm 2012-2017 (giai đoạn trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực).

Tuy vậy, theo các chuyên gia, công tác xử lý nợ xấu vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Đặc biệt, dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư làm ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, tiềm ẩn nguy cơ khiến nợ xấu có thể tăng mạnh trở lại trong thời gian tới.

TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam - nhận định: Dù kinh tế phục hồi nhưng nhiều rủi ro vẫn chờ đợi các ngân hàng trong thời gian tới, đặc biệt là nợ xấu. Trong tổng số nợ cơ cấu lại 357.000 tỷ đồng hiện nay, khoảng 1/3 có thể biến thành nợ xấu. Còn theo PGS,TS. Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế, chính sách cơ cấu nợ, giãn hoãn nợ, không chuyển nhóm nợ để hỗ trợ DN theo Thông tư số 01/2020/TT-NHNN và Thông tư số 03/2021/TT-NHNN khiến một phần nợ xấu đang ở dạng tiềm ẩn và sẽ dần hiện rõ khi thời hạn của các thông tư này kết thúc.

Ông Nguyễn Trọng Du - Phó Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) - cho hay: Từ cuối năm 2017 đến tháng 7/2020, nợ xấu toàn hệ thống luôn được duy trì dưới 2%. Tuy nhiên, do tác động của đại dịch, từ tháng 8/2020, nợ xấu đã tăng lên trên 2%.

Thực tế, Covid-19 đang làm suy giảm chất lượng tài sản của các ngân hàng, nợ xấu tăng lên rõ rệt. Báo cáo tài chính của các ngân hàng cho thấy, năm 2020, hơn 70% ngân hàng ghi nhận nợ xấu tăng. Xu hướng này tiếp diễn trong quý I/2021 khi tính đến ngày 31/3, tổng nợ xấu của 26 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính là hơn 93.200 tỷ đồng, tăng 5,3% so với cuối năm 2020. Một số ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu tăng cao, trên 10 - 60%. Đại diện một số ngân hàng cho biết, hiện nay, vấn đề đáng lo nhất là nợ xấu của các khách hàng hoạt động trong lĩnh vực du lịch, khách sạn, vận tải. Dù các khoản nợ đó đã được cơ cấu lại song khả năng trả nợ trong năm nay của nhóm khách hàng này rất khó khăn.

Từ thực tiễn xử lý nợ xấu thời gian qua, ông Đoàn Văn Thắng - Tổng Giám đốc VAMC - cũng thừa nhận, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng tới mọi hoạt động đời sống kinh tế - xã hội. VAMC cũng không tránh khỏi những tác động, nhất là liên quan đến xử lý nợ xấu gần đây. Do tác động của đại dịch Covid-19, tốc độ xử lý nợ xấu và mua nợ xấu chậm hơn, thậm chí có những khoản nợ bán đấu giá thành công nhưng người đấu giá thành công lại xin gia hạn thời hạn trả tiền cho khoản đấu giá...

Cần khoanh nợ và luật hóa xử lý nợ xấu

Trước mắt, để ngăn chặn nguy cơ nợ xấu gia tăng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên và Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa Hoàng Văn Vinh đều kiến nghị các ngân hàng cần khoanh nợ, tạo điều kiện cho DN tồn tại và phát triển. Bởi nếu DN không tồn tại, không duy trì được hoạt động sản xuất, kinh doanh thì các khoản nợ đó sẽ thành nợ xấu.

TS. Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký VNBA - cũng đề xuất, trong trường hợp đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục kéo dài và ảnh hưởng lớn đến an toàn hệ thống, Chính phủ cần có chính sách cho phép ngân hàng được khoanh nợ các khoản vay thuộc đối tượng áp dụng tại Thông tư số 01/2020/TT-NHNN và Thông tư số 03/2021/TT-NHNN với thời hạn 2 năm, giống như chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp nông thôn đối với những khoản nợ rủi ro do dịch bệnh gây nên. Đồng thời, TS. Nguyễn Quốc Hùng cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về mua bán nợ, có các chính sách ưu đãi cho các đơn vị mua, xử lý nợ xấu để góp phần đẩy mạnh hoạt động này.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nợ xấu đã và đang tăng cao. Trong khi đó, Nghị quyết 42 sẽ hết hiệu lực chỉ trong hơn 1 năm nữa, điều này làm tăng áp lực xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD trong thời gian tới. Chính vì vậy, TS. Nguyễn Quốc Hùng đề xuất, Chính phủ, Quốc hội nên cho phép kéo dài hiệu lực Nghị quyết 42. Mặt khác, trên thực tế, nợ xấu luôn tồn tại song song với hoạt động cho vay của các TCTD, do vậy, việc Luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu là rất cần thiết.

Từ góc nhìn pháp lý, Luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI - cũng cho rằng, việc tiếp tục kéo dài hiệu lực Nghị quyết 42 hết sức cần thiết, tốt nhất là nâng lên thành luật và áp dụng cho đến khi hệ thống tòa án thực sự giải quyết được một cách nhanh chóng yêu cầu đòi nợ của ngân hàng. Chung quan điểm về vấn đề này, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh thêm: “Việc luật hóa xử lý nợ xấu cũng là giải pháp giúp tăng hiệu lực, hiệu quả của công tác thể chế - một trong ba đột phá chiến lược tiếp tục được Đại hội Đảng lần thứ XIII lựa chọn, thông qua”./.

Thành Đức
(Theo Báo Kiểm toán số 26/2021)
 
 

Xem thêm »