Kiến nghị kiểm toán: Cơ hội tốt để xem lại chính sách trồng rừng thay thế

07/12/2023
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Kết quả kiểm toán cho thấy từ cam kết trồng rừng thay thế đến thực tiễn triển khai vẫn còn khoảng cách. Nguy cơ cạn kiệt nguồn rừng là khó tránh khỏi nếu các địa phương cứ xem trọng lấy rừng làm dự án mà coi nhẹ việc trồng rừng thay thế. Nỗi lo mất rừng và hệ lụy từ việc mất rừng đang đặt ra cho chúng ta những câu hỏi: Cần thiết kế lại chính sách theo hướng nào? Phát triển kinh tế rừng hay phá rừng để làm kinh tế? Cùng tìm câu trả lời qua chia sẻ của TS. Nguyễn Sĩ Dũng - Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và TS. Lê Đình Thăng - Kiểm toán trưởng Kiểm toán nhà nước chuyên ngành II - tại Tọa đàm: “Trồng rừng thay thế: Trách nhiệm thuộc về ai?” do Báo Kiểm toán tổ chức.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng

Theo TS. Nguyễn Sĩ Dũng - Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, khung lý thuyết về trồng rừng thay thế có vẻ ổn, nhưng thực tế triển khai có quá nhiều vấn đề. Do đó, các kiến nghị kiểm toán là cơ hội rất tốt giúp chúng ta xem xét lại và có tư duy thấu đáo hơn, thực tế hơn để triển khai chính sách này.

Phải thiết kế giải pháp lập pháp khả thi hơn

Kết quả kiểm toán cho thấy chúng ta mới trồng rừng thay thế được khoảng hơn một nửa, 40% là chưa thể thực hiện. Nếu đi theo chiều hướng này thì rừng sẽ bị cạn kiệt, phát triển của đất nước sẽ lệch pha, kinh tế không thể bù lại môi trường được.

Nhìn khung lý thuyết về trồng rừng thay thế thì có vẻ ổn, nhưng sâu xa nhất, chúng ta phải xem lại tính khả thi của giải pháp. Giải pháp đề ra là chuyển đổi rừng bao nhiêu thì trồng lại bấy nhiêu, thế nhưng đất đâu mà trồng. Nếu là đất rừng thì có thể, nhưng đất khác đều có chủ. Nhà đầu tư có thể trồng lại rừng nhưng cần có đất. Thậm chí, nhà đầu tư không trồng được thì chuyển tiền cho địa phương. Tuy nhiên, địa phương cũng không tìm ra chỗ mà trồng. Rõ ràng, về mặt lý thuyết là ổn, nhưng thực tế có quá nhiều vấn đề.

"Thực chất, chuyển sang mục đích kinh tế chỉ là tầm nhìn ngắn hạn. Chúng ta nên tư duy lại theo hướng phát triển kinh tế rừng thay vì phá rừng để làm kinh tế - TS. Nguyễn Sĩ Dũng"

Trên thực tế, những quy định không tính hết các điều kiện thực tế. Các giải pháp lập pháp chỉ có thể tốt nếu đó là dữ liệu tính được. Nếu phải chuyển đổi thì quỹ đất để trồng rừng các tỉnh bao nhiêu, cả nước bao nhiêu, rồi bây giờ chuyển Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để chuyển cho địa phương, địa phương nào cần thì trồng lại. Điều này cũng rất rủi ro vì các địa phương tồn đọng rất nhiều tiền của Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng. Người ta không tìm ra đất để trồng. Chúng ta phải thiết kế một giải pháp lập pháp khả thi hơn.

Phát triển kinh tế rừng thay vì phá rừng để làm kinh tế

Chúng ta nên tư duy lại cách làm kinh tế, bởi thực chất nếu phá rừng làm kinh tế thì phải đánh giá tác động chi phí về dài hạn với thu lợi như thế nào. Chúng ta nên nghĩ cách khai thác giá trị kinh tế của rừng, bảo tồn và phát triển kinh tế của rừng. Chứng chỉ carbon là một hướng có thể mang lại thu nhập. Hiện bây giờ, giá trị carbon của Việt Nam chưa cao nhưng sau này có thể là một khoản thu nhập lớn.

Bên cạnh đó, chúng ta có thể nghĩ đến cách phát triển kinh tế rừng. Đơn cử, các cây dưới tán rừng là cách mà Quảng Ninh đã làm. Người ta vẫn giữ rừng nhưng dưới tán rừng có thể là cây dược liệu, các hoạt động kinh tế, thậm chí chăn nuôi một số động vật, giữ được rừng thì có thể làm du lịch trải nghiệm, du lịch thiên nhiên. Giữ được rừng là chúng ta góp phần ngăn chặn biến đổi khí hậu, bảo vệ những nguồn lợi về dài hạn, đó là sự đa dạng sinh học. Chúng ta cần tư duy theo hướng phát triển kinh tế rừng thay vì phá rừng để làm kinh tế. Thực chất, chuyển sang mục đích kinh tế chỉ là tầm nhìn ngắn hạn. Bởi vì, không một nền kinh tế nào có ý nghĩa khi chúng ta không có môi trường sống tốt đẹp hơn.

Cần một khung chính sách tốt hơn

Chúng ta không nên xem trọng lấy rừng để làm kinh tế. Định hướng rộng hơn, chúng ta phải tư duy theo kiểu khác. Thứ nhất, phải tận dụng tốt hơn những đất đã phân bổ để làm công nghiệp, để làm các thứ tốt hơn. Tiếp theo, tư duy kinh doanh về nông nghiệp phải khác. Công nghệ mới cho phép chúng ta tư duy rất khác, không bắt buộc cứ phải phá rừng. Rừng bị phá thì trồng lại rất khó, bởi đất đâu mà trồng. Nếu có đất để trồng rừng thì chúng ta phải tính đến những chính sách xa hơn để giải phóng lực lượng lao động nông nghiệp. Chúng ta phải có tầm nhìn rộng hơn và phối hợp giữa các chính sách để có thể bảo vệ rừng hoặc nhân rộng. Có điều kiện, chúng ta nên nhân rộng về diện tích rừng, cái đó cần cho đời sống của con người nhất.

"Bình Thuận dự kiến lấy hơn 600ha rừng để làm hồ thủy lợi và cam kết trồng rừng thay thế hơn 1800ha. Để công luận dễ giám sát, Bình Thuận phải công khai bản đồ diện tích đất và kế hoạch trồng rừng. Kế hoạch đó gồm thời gian, kinh phí và chế độ chăm sóc. Quy định của pháp luật thì các cơ quan công quyền sẽ giám sát, phần cam kết với xã hội thì xã hội sẽ giám sát - TS. Nguyễn Sĩ Dũng"

Về trách nhiệm của người đứng đầu đối với vấn đề này, tôi nghĩ, không nên “đổ” tất cả lên người đứng đầu địa phương. Ở đây, có lẽ một khung chính sách tốt hơn, một hệ thống pháp luật tốt hơn là cần thiết, mà cái đó người đứng đầu địa phương không quyết được, đó là định hướng của Trung ương. Rõ ràng chiến lược ở đây phải bắt đầu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau đó, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ phải hoạch định một khuôn khổ, thể chế phù hợp hơn để thúc đẩy bảo vệ rừng.

Chúng ta nên thiết kế một số quy định. Ví dụ, địa phương muốn quy hoạch đất rừng để làm dự án thì phải thông qua đồng thời hai quy hoạch: Quy hoạch chuyển đất rừng và quy hoạch trồng rừng. Hai quy hoạch này tách nhau là không có nghĩa. Nếu chúng ta có những quy định như vậy và giao cho chính quyền địa phương thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. Địa phương không tính được thì đừng thúc đẩy chuyện lấy đất rừng, còn nếu tính được thì hãy thúc đẩy.

Kiến nghị kiểm toán rất thiết thực

Kiến nghị của Kiểm toán nhà nước là rất quan trọng bởi nó đúng ở tầm chính sách và tầm giải pháp chính sách, giải pháp phải đảm bảo thực thi để đi vào cuộc sống. Những kiến nghị kiểm toán đối với việc trồng rừng thay thế là rất thiết thực.

Trước hết, chúng ta phải xem lại chính sách theo hướng thực chất là có nên lấy đất rừng để làm kinh tế hay chuyển sang làm kinh tế rừng. Tầm chính sách cần phải quy định rất rõ, nếu chuyển đổi rừng thì khả dĩ rừng nào có thể chuyển đổi. Còn với rừng nguyên sinh, theo tôi, không bao giờ cho chuyển đổi. Chuyển đổi rồi thì bắt buộc phải trồng lại nhưng giải pháp chính sách là gì?

Bắt nhà đầu tư phải trồng lại là giải pháp trên trời. Bởi người làm thủy điện làm sao biết trồng rừng, bắt người ta trồng rồi chi phí lên rất cao. Những người làm lâm nghiệp sẽ trồng rừng rất giỏi, tại sao lại bắt anh đi làm thủy điện hay làm công nghiệp đi trồng rừng. Rõ ràng, chính sách đó có những điểm bất hợp lý.

Các kiến nghị kiểm toán là một cơ hội rất tốt để chúng ta xem xét lại và có tư duy thấu đáo hơn, thực tế hơn để triển khai chính sách này./.

Theo Báo Kiểm toán số 49

Xem thêm »