Thực hiện phương châm “gọn nhưng chất lượng” để tránh chồng chéo với các cơ quan thanh tra

05/06/2024
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Theo Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn, Kế hoạch kiểm toán năm của Kiểm toán nhà nước (KTNN) trước khi ban hành đã được lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, cơ quan Quốc hội, Chính phủ và phối hợp với Thanh tra Chính phủ để đảm bảo không trùng lặp, chồng chéo nhiệm vụ.

Sáng 05/6, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực KTNN Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu đã đặt câu hỏi, băn khoăn về tình trạng chồng chéo giữa Thanh tra Chính phủ, thanh tra các bộ, ngành, địa phương với hoạt động kiểm toán của KTNN. Đồng thời, các đại biểu cũng đặt câu hỏi về giải pháp để khắc phục tình trạng chồng chéo trong thời gian tới.

Trả lời vấn đề này, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, Điều 64, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN (năm 2019) quy định KTNN phải có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Chính phủ để xử lý chồng chéo ngay từ khi lập kế hoạch kiểm toán và khi phát hiện chồng chéo trong hoạt động kiểm tra, thanh tra, KTNN có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với cơ quan Thanh tra để xử lý.

Bên cạnh đó, Luật Thanh tra Chính phủ mới được Quốc hội thông qua cũng có rất nhiều điều quy định để xử lý, hạn chế chồng chéo giữa hoạt động thanh tra và kiểm toán (Điều 4, Điều 1, Điều 55, Điều 107, 108, 109).

Thực tế, trong những năm gần đây, KTNN và Thanh tra Chính phủ đã phối hợp chặt chẽ, đặc biệt là Quy chế phối hợp số 1618 (năm 2020) đã quy định rất cụ thể 5 nhóm việc để hạn chế chồng chéo giữa thanh tra và kiểm toán, bao gồm: 2 bên tổ chức họp để rà soát tránh chồng chéo trong khâu lập kế hoạch kiểm toán; xử lý khi chồng lấn theo nguyên tắc đơn vị nào đã triển khai tiếp tục làm và cung cấp hồ sơ, tài liệu cho đơn vị sau để không giảm chất lượng thanh tra, kiểm toán; phối hợp chia sẻ dữ liệu, tận dụng kết quả dữ liệu của 2 bên; phối hợp trong việc đôn đốc thực hiện kết luận, kiến nghị của kiểm toán và thanh tra; phối hợp trong việc đào tạo, nâng cao nghiệp vụ, trình độ, năng lực và đạo đức công vụ của thanh tra viên, kiểm toán viên.

Về chỉ đạo điều hành tránh chồng chéo giữa kiểm toán khu vực và thanh tra của địa phương, Tổng Kiểm toán nhà nước cho rằng, theo quy định của Luật Thanh tra Chính phủ, trên cơ sở kế hoạch kiểm toán đã được thống nhất giữa 2 cơ quan, Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm hướng dẫn thanh tra các bộ, ngành và địa phương xây dựng kế hoạch để hạn chế việc chồng chéo, trùng lặp.

“Thời gian gần đây, KTNN đã đưa ra phương châm hoạt động “gọn nhưng chất lượng”, tập trung vào kiểm toán báo cáo quyết toán, các chuyên đề phục vụ giám sát tối cao của Quốc hội và HĐND nhằm hạn chế được các đầu mối kiểm toán chi tiết, do đó sẽ giảm được sự chồng chéo, trùng lặp với các cơ quan thanh tra”, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh.

Theo báo cáo của KTNN, để khắc phục triệt để tình trạng chồng chéo thanh tra, kiểm toán, thời gian tới, KTNN tiếp tục chủ động phối hợp, hạn chế trùng lặp, chồng chéo ngay từ khâu xây dựng, ban hành kế hoạch thanh tra, kiểm toán hằng năm.

Đồng thời, phối hợp xử lý trùng lặp, chồng chéo khi tiến hành hoạt động thanh tra, kiểm toán theo Điều 55 Luật Thanh tra năm 2022: Khi tiến hành hoạt động thanh tra, KTNN, nếu phát hiện chồng chéo, trùng lặp, cơ quan thanh tra phối hợp với cơ quan KTNN để xử lý theo quy định của Luật KTNN và Luật này, bảo đảm một nội dung hoạt động của tổ chức, cá nhân chỉ là đối tượng của một cơ quan thanh tra hoặc cơ quan KTNN.

KTNN sẽ tham khảo ý kiến, sử dụng kết quả trong hoạt động thanh tra, KTNN theo quy định tại Điều 110, Luật Thanh tra năm 2022. Đặc biệt, 2 bên phát huy vai trò, trách nhiệm của Tổng Thanh tra Chính phủ và Tổng Kiểm toán nhà nước, Thủ trưởng cơ quan thực hiện chức năng thanh tra và Kiểm toán trưởng KTNN khu vực, chuyên ngành theo quy định./.

Tin: Nguyễn Ly - Ngọc Mai

Xem thêm »