Sẽ có một điều quy định cụ thể về thực hiện kết luận, kiến nghị khi sửa Luật Kiểm toán nhà nước

06/06/2024
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh: “Sắp tới, chúng tôi sẽ trình Quốc hội sửa đổi Luật Kiểm toán nhà nước, trong đó sẽ có một điều quy định cụ thể thế nào là đã thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán. Hy vọng sau khi Luật được sửa đổi, bổ sung sẽ khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán nhà nước”.

Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn đã trả lời súc tích, sáng rõ, đi thẳng vấn đề các đại biểu đã đặt ra. Ảnh: VPQH


Sáng 05/6, tiếp tục Phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, các câu hỏi về vấn đề thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã làm “nóng” Nghị trường. Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn đã trả lời súc tích, sáng rõ, đi thẳng vấn đề các đại biểu đã đặt ra.

Tỷ lệ thực hiện bình quân đối với kiến nghị về xử lý trách nhiệm khoảng 60%

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương) nêu rõ, hiện nay, mặc dù một số kết luận, kiến nghị của KTNN đúng pháp luật nhưng thực tế không thể thực hiện được do đối tượng kiểm toán không còn khả năng thực hiện hoặc do vướng mắc chính sách, pháp luật.

Cũng theo đại biểu, vướng mắc khi xác định trọng yếu, đánh giá rủi ro, yếu tố ngoại trừ khi đưa ra ý kiến kiểm toán trong báo cáo kiểm toán là một trong những nguyên nhân dẫn đến chất lượng báo cáo không cao.

“Đề nghị Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết, trong tổng số 1.069 văn bản kiến nghị sửa đổi, bổ sung tại 1.345 báo cáo kiểm toán có tỷ lệ thực hiện được bao nhiêu? Trong 663 báo cáo kiểm toán đã có kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm cá nhân, tỷ lệ đã được xử lý như thế nào? Bao nhiêu kết luận, kiến nghị không thể thực hiện do vướng mắc chính sách pháp luật? Các giải pháp cụ thể để tháo gỡ các tồn tại, hạn chế, bất cập trên?” - đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn chất vấn.

Trả lời vấn đề này, Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết, theo quy định của Luật KTNN, khi đưa ra ý kiến, KTNN được quyền đưa ra 4 loại ý kiến: Ý kiến chấp nhận toàn phần, ý kiến chấp nhận loại trừ, ý kiến trái ngược và từ chối đưa ra ý kiến.

“Theo Chuẩn mực KTNN, ý kiến chấp nhận loại trừ không ảnh hưởng đến chất lượng báo cáo nhưng ảnh hưởng đến hiệu quả của báo cáo kiểm toán. Báo cáo loại trừ xảy ra khi tình trạng đơn vị được kiểm toán không cung cấp đầy đủ hồ sơ, tài liệu cho kiểm toán viên, cho Đoàn kiểm toán thu thập bằng chứng để đưa ra kết luận, kiến nghị” - Tổng Kiểm toán nhà nước khẳng định.

Về thực hiện kiến nghị kiểm toán liên quan đến xử lý trách nhiệm và sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật, Tổng Kiểm toán nhà nước thông tin, trong 5 năm (2019-2023), KTNN đã phát hành 1.345 báo cáo, trong đó có 663 báo cáo, KTNN đề nghị xem xét trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan.

Qua theo dõi, hiện nay, tỷ lệ thực hiện bình quân đối với kiến nghị về xử lý trách nhiệm khoảng 60%. Còn trong 1.069 văn bản kiến nghị sửa đổi, tỷ lệ thực hiện tương đối thấp, bình quân khoảng 31,6%.

“Tuy nhiên, sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết về đẩy mạnh thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, phòng, chống lãng phí thì tỷ lệ thực hiện tăng hơn, năm 2023 đã sửa được 78/270 văn bản, đạt 36%” - Tổng Kiểm toán nhà nước nhấn mạnh.

Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, thời gian tới, KTNN sẽ nâng cao chất lượng báo cáo kiểm toán. Ảnh: VPQH


Thời gian tới, Kiểm toán nhà nước sẽ nâng cao chất lượng báo cáo kiểm toán

Phản hồi chất vấn của đại biểu Nguyễn Danh Tú (Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang) về trách nhiệm và giải pháp khắc phục tình trạng kết luận, kiến nghị kiểm toán không thực hiện được do chính trách nhiệm của KTNN, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn khẳng định, trong các nhóm nguyên nhân dẫn đến kết luận, kiến nghị kiểm toán chưa được thực hiện kịp thời có nguyên nhân thuộc về trách nhiệm của KTNN, chiếm 0,4%.

Theo Tổng Kiểm toán nhà nước, nguyên nhân của tình trạng này là do, thứ nhất, kiến nghị của KTNN chưa tâm phục, khẩu phục và đơn vị được kiểm toán đang khiếu nại theo quy định của luật. Thứ hai, có những kết luận, kiến nghị kiểm toán đúng nhưng không thể thực hiện được. Thứ ba, do đơn vị chưa thực hiện.

Trong đó, đối với nguyên nhân kiến nghị chưa chính xác, chưa tâm phục, khẩu phục, đang khiếu nại, Tổng Kiểm toán nhà nước nhấn mạnh, thời gian tới, KTNN sẽ nâng cao chất lượng báo cáo kiểm toán.

“Để nâng cao chất lượng báo cáo kiểm toán thì cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý; nâng cao năng lực, trình độ của kiểm toán viên; tăng cường kiểm tra, giám sát; nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu các đoàn kiểm toán để đưa ra những kết luận, kiến nghị kiểm toán thật chính xác” - Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn đề xuất.

Đối với kiến nghị kiểm toán đến nay vẫn chưa thực hiện được do có những kiến nghị mà đơn vị được kiểm toán đã giải thể, phá sản, thể nhân về hưu, chết hoặc mất tích, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh: Đây cũng là một trong những tồn tại, hạn chế của Luật KTNN mà KTNN đang tiến hành tổng kết theo chỉ đạo của Bộ Chính trị và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh toàn khóa.

“Chúng tôi đang tiến hành rà soát Luật KTNN và 33 Luật có liên quan. Đối với các trường hợp trên, việc thực hiện nghĩa vụ ngân sách, thuế, phí, Luật Quản lý thuế đã có quy định nhưng Luật KTNN chưa có. Vì vậy, sắp tới, chúng tôi sẽ trình Quốc hội sửa đổi Luật KTNN, trong đó sẽ có một điều quy định cụ thể thế nào là đã thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán. Hy vọng sau khi Luật được sửa đổi, bổ sung, sẽ khắc phục những tồn tại, hạn chế này” - Tổng Kiểm toán nhà nước nêu rõ./.

SONG HỒNG

Xem thêm »