Hoạt động của Kiểm toán nhà nước có nhiều đổi mới toàn diện theo hướng chuyên nghiệp, tích cực

13/09/2023
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đánh giá cao nỗ lực, cố gắng của Kiểm toán nhà nước (KTNN) trong thực hiện nhiệm vụ công tác năm 2023, với nhiều điểm nhấn nổi bật. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: từ đầu năm đến nay, KTNN có rất nhiều đổi mới khá toàn diện theo hướng chuyên nghiệp, tích cực hơn.

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ báo cáo tại phiên họp của UBTVQH. Ảnh: VPQH

Nâng cao chất lượng kiểm toán, tăng cường đạo đức công vụ

Như tin đã đưa, sáng 12/9, UBTVQH đã cho ý kiến về Báo cáo công tác năm 2023 và dự kiến Kế hoạch kiểm toán năm 2024 của KTNN.

Báo cáo tại phiên họp, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ cho biết, với phương châm “làm ít nhưng chất”, hạn chế tối đa sự xuất hiện các đoàn kiểm toán trên một địa bàn, tránh chồng chéo, trùng lặp với cơ quan thanh tra, kiểm tra, kế hoạch kiểm toán (KHKT) năm 2023 đã giảm 49 nhiệm vụ (tương ứng giảm 67 đoàn) so với năm 2022.

Ngoài tăng cường kiểm toán báo cáo quyết toán của Bộ, cơ quan trung ương, địa phương và kiểm toán hoạt động, chuyên đề theo Chiến lược phát triển KTNN, KHKT đã lựa chọn kiểm toán các chủ đề lớn, chuyên đề có phạm vi rộng được Quốc hội, dư luận xã hội quan tâm. Đồng thời kịp thời bổ sung một số nhiệm vụ kiểm toán theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và của Thủ tướng Chính phủ.

KTNN cũng đã tập trung nâng cao chất lượng lập KHKT cuộc kiểm toán thông qua ứng dụng công nghệ thông tin; qua đó đã giảm đáng kể thời gian, nhân sự khảo sát, kiểm toán trực tiếp, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến hoạt động thường xuyên của đơn vị được kiểm toán.

Trong thực hiện kế hoạch kiểm toán, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước nhấn mạnh, với quan điểm không ngừng nâng cao chất lượng, tránh chồng chéo và tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thực thi công vụ, Tổng Kiểm toán nhà nước đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo với nhiều giải pháp. Trong quá trình thực hiện kiểm toán, Tổng Kiểm toán nhà nước thường xuyên chỉ đạo tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ; chú trọng công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán và thanh tra công vụ.

Để hoạt động kiểm toán được thực hiện thống nhất, chất lượng, hiệu quả, Tổng Kiểm toán nhà nước đã ban hành nhiều hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ kiểm toán. Đặc biệt, để tham mưu, tư vấn những vấn đề quan trọng của Ngành, Tổng Kiểm toán nhà nước đã thành lập Tổ tư vấn chuyên môn. Thành viên Tổ tư vấn là những cán bộ có chuyên môn sâu, nhiều kinh nghiệm trong hoạt động kiểm toán.

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước cũng cho biết, công tác ứng dụng công nghệ thông tin tiếp tục được tăng cường. Đáng chú ý, KTNN đã hoàn thành và đưa vào sử dụng Hệ thống công khai báo cáo kiểm toán để cung cấp cho Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội theo Nghị quyết 74/2022/QH15; hoàn thành cơ bản số lượng dữ liệu cần tạo lập, chuẩn hóa cung cấp dữ liệu phục vụ hoạt động kiểm toán...
 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đánh giá, chỉ ra nhiều điểm nhấn nổi bật trong hoạt động của KTNN 
năm 2023. Ảnh: VPQH

Nhiều điểm nhấn nổi bật

Thảo luận tại phiên họp, các Ủy viên UBTVQH đánh giá, hoạt động của KTNN đã có nhiều đổi mới theo hướng toàn diện, có đột phá, bám sát các quy định của Luật KTNN, chiến lược phát triển của KTNN và các chủ trương của Đảng về lĩnh vực KTNN. Qua đó, chất lượng kiểm toán, tỷ lệ thực hiện các kiến nghị kiểm toán được nâng lên.

UBTVQH cũng ghi nhận sự đổi mới của KTNN trong công tác công khai kết quả kiểm toán, việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán, số hóa báo cáo kiểm toán của các cuộc kiểm toán để cung cấp cho Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách...

Đánh giá rõ hơn những kết quả tích cực này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, một trong những điểm nhấn trong công tác của KTNN năm 2023 là công tác hoàn thiện thể chế. Trong đó, KTNN đã chủ trì xây dựng trình UBTVQH thông qua Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN, có hiệu lực từ ngày 01/5/2023.

Để triển khai thi hành Pháp lệnh, cùng với yêu cầu của công tác thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, KTNN đã ban hành rất nhiều văn bản về nghiệp vụ, trong đó có văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ.

“Đây là cơ sở rất quan trọng để tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tăng cường chất lượng kiểm toán, tăng cường công tác nghiệp vụ của toàn ngành cũng như để tạo điều kiện cho các đối tượng kiểm toán thực hiện” - Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh.

Cùng với đó, Phó Chủ tịch Quốc hội nhận xét, công tác tổ chức, điều hành và tổ chức hoạt động của ngành kiểm toán cũng có nhiều đổi mới theo hướng coi trọng chất lượng, tăng cường và coi trọng đạo đức công vụ, công khai, minh bạch, ứng dụng công nghệ thông tin. Trong đó, việc lần đầu tiên KTNN thực hiện số hóa báo cáo để gửi đến các đại biểu Quốc hội là điểm mới cần được ghi nhận và tiếp tục phát huy.

Điểm mới tiếp theo được Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao là việc KTNN chú nâng trọng chất lượng, giảm số lượng các cuộc kiểm toán gắn với giảm phiền hà cho đối tượng kiểm toán. Đồng thời, tích cực phối hợp với Thanh tra Chính phủ, phối hợp với các cơ quan kiểm tra của Đảng, các cơ quan điều tra trong công tác chuyên môn của mình…

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đánh giá cao kết quả các cuộc kiểm toán đã đảm bảo chất lượng và đã chỉ ra được nhiều tồn tại, thiếu sót cũng như yêu cầu cần chấn chỉnh, khắc phục kịp thời. Kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán năm 2023 đã có nhiều chuyển biến tích cực. Theo tổng hợp sơ bộ kết quả 8 tháng đầu năm, KTNN đã kiến nghị về xử lý đạt 67,4%, cao hơn cùng kỳ năm 2022.

KTNN cũng đã có nhiều đổi mới trong hoạt động. Những tồn tại, hạn chế được chỉ ra cũng đã có nội hàm cụ thể hơn, có phụ lục chi tiết, đánh giá những khó khăn, nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong thời gian vừa qua và có lộ trình phân định trách nhiệm, kết quả khắc phục. Kiến nghị kiểm toán tập trung vào những vấn đề mà dư luận và cử tri đang quan tâm như: tái cơ cấu định giá ngân hàng, mua bắt buộc, vấn đề năng lượng, giá điện, điện mặt trời...

“Đề nghị KTNN có giải pháp cụ thể hơn nhằm tăng cường công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán, bảo đảm tính toàn diện; tập trung kiểm toán có trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt là việc tăng cường công khai kết quả kiểm toán và việc thực hiện các kiến nghị, kết luận của KTNN đối với các đối tượng được kiểm toán” - bà Nguyễn Thị Thanh góp ý.

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, từ đầu năm đến nay, KTNN có rất nhiều đổi mới khá toàn diện theo hướng chuyên nghiệp, tích cực hơn.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị, thời gian tới, KTNN cần tiếp tục bám sát mục tiêu tăng cường năng lực, hiệu lực, hiệu quả để đáp ứng yêu cầu của đất nước. Trong đó, cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường công tác phối hợp, đáp ứng yêu cầu quản lý của trung ương, của các tỉnh, thành phố. “Hoạt động kiểm toán phải làm sao tiếp tục góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách, tiền tệ…” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đồng thời đề nghị KTNN tiếp tục đề cao tính công khai, minh bạch, khách quan, trung thực - một trong những “vũ khí” quan trọng nhất của hoạt động kiểm toán; tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu quả, tính phản biện trong hoạt động kiểm toán…

Theo Báo Kiểm toán

Xem thêm »