Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác lập kế hoạch kiểm toán năm

20/01/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Đổi mới công tác lập kế hoạch kiểm toán năm (KHKT) có vai trò đặc biệt quan trọng với KTNN trong giai đoạn hiện nay. Đây không chỉ là giải pháp giúp hoàn thiện quy trình, nghiệp vụ, nâng cao chất lượng kết luận, đánh giá của KTNN mà còn góp phần hoàn thiện hệ thống lý luận, thúc đẩy việc vận dụng Hệ thống Chuẩn mực kiểm toán theo thông lệ quốc tế vào thực tiễn hoạt động kiểm toán.  

Đổi mới công tác lập KHKT năm giúp hoàn thiện quy trình, nghiệp vụ, nâng cao chất lượng kết luận, đánh giá của KTNN

Kế hoạch kiểm toán đảm bảo tính độc lập, khả thi, phù hợp

Thực tiễn những năm qua cho thấy, để nâng cao chất lượng của hoạt động kiểm toán, KTNN rất chú trọng tới việc xây dựng KHKT. Theo quy trình hiện nay, KHKT đã đáp ứng yêu cầu về tính độc lập, khả thi, phù hợp; cơ bản đảm bảo nguyên tắc tập trung, dân chủ, các đơn vị trực thuộc KTNN đề xuất kế hoạch trên cơ sở các định hướng về nội dung, trọng tâm và phương án tổ chức kiểm toán tổng quát của KTNN.

KHKT đã có sự phối hợp tốt với các cơ quan trong hệ thống thanh tra, kiểm tra của Đảng và Nhà nước nhằm hạn chế chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra và kiểm toán. Mục tiêu kiểm toán tập trung đánh giá việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách tài khóa, tài chính, tiền tệ của Quốc hội, Chính phủ; các chủ đề kiểm toán là những vấn đề bức xúc đang xảy ra được dư luận quan tâm. KHKT được ban hành luôn tiếp thu nghiêm túc ý kiến của Quốc hội, Chính phủ, ý kiến tham gia của một số Bộ, cơ quan T.Ư liên quan.

Sau khi kết thúc KHKT trung hạn giai đoạn 2013-2015, KTNN đã thực hiện lồng ghép xây dựng KHKT trung hạn (3 năm) theo phương pháp “cuốn chiếu” (bổ sung hằng năm) đối với các cuộc kiểm toán chuyên đề, kiểm toán hoạt động trong quy trình xây dựng KHKT năm của KTNN. Theo đó, tính định hướng của KHKT ngày càng rõ nét, mục tiêu kiểm toán được định hướng từ công văn hướng dẫn xây dựng KHKT năm của KTNN, cụ thể hóa thành danh mục các đơn vị, đầu mối, chủ đề được kiểm toán và thuyết minh KHKT năm.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc xây dựng KHKT của KTNN còn một số hạn chế. KHKT trung hạn còn đơn giản, chủ yếu là thống kê, chưa mang tính định hướng cho hoạt động kiểm toán trong cả giai đoạn; chưa xác định được các mục tiêu chiến lược, gắn kết nội dung, chủ đề và loại hình kiểm toán với KHKT hằng năm. Việc lựa chọn nội dung, đơn vị và chủ đề kiểm toán phần lớn theo đầu mối dự kiến xoay vòng; việc sử dụng các phương pháp kỹ thuật nhằm đánh giá rủi ro, xác định trọng yếu trong lập KHKT năm còn hạn chế do các quy định hiện hành về vấn đề này còn chưa cụ thể.

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do việc lồng ghép KHKT trung hạn trong KHKT hằng năm hiện nay chỉ mang tính chất tạm thời, là bước đệm để các kiểm toán viên làm quen với công tác xây dựng KHKT trung hạn đối với KHKT hoạt động và KHKT chuyên đề. Đội ngũ kiểm toán viên làm công tác xây dựng KHKT còn hạn chế; chưa mạnh dạn đề xuất hoặc chủ động áp dụng các phương pháp kỹ thuật mới trong công tác xây dựng KHKT.
 
Tập trung nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch kiểm toán năm

Để nâng cao chất lượng công tác xây dựng KHKT năm, KTNN cần thành lập Hội đồng KHKT và tổ chức các cuộc họp giữa bộ phận giúp việc về lập KHKT năm của KTNN và các KTNN chuyên ngành, khu vực nhằm khắc phục các hạn chế của mô hình lập KHKT hiện nay, đáp ứng yêu cầu về nắm bắt và ghi nhận các đặc thù của KTNN chuyên ngành, khu vực, hạn chế chồng chéo, trùng lặp trong công tác KHKT.

Đồng thời, nhằm khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp trong lập KHKT năm, các KTNN chuyên ngành, khu vực cần tách biệt rõ trách nhiệm trong việc theo dõi, thu thập thông tin về đơn vị được kiểm toán và đề xuất KHKT; đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ thông tin trong việc thu thập thông tin; đưa ra các tiêu chí phân giao; tăng cường các giải pháp về lập KHKT.

KTNN cần đào tạo, bổ sung nguồn nhân lực có chất lượng và tăng cường sự phối hợp giữa bộ phận lập KHKT của KTNN với các KTNN chuyên ngành, khu vực. Bộ phận tham mưu cho Tổng Kiểm toán nhà nước cần nâng cao vai trò, trách nhiệm, chủ động thu thập thông tin, dữ liệu về KHKT. Nếu cần thiết, KTNN có thể thành lập bộ phận (cấp vụ, ban) để tham mưu, giúp việc cho Tổng Kiểm toán nhà nước về công tác lập KHKT năm.

Để hoàn thiện công tác lập KHKT năm, KTNN cần nghiên cứu đổi mới mô hình lập KHKT; định hướng trong lập KHKT năm theo quan điểm hiện đại dựa trên hai cách tiếp cận về lập kế hoạch dựa trên kết quả và lập kế hoạch dựa trên ma trận logic. Đổi mới phương pháp lập KHKT năm theo hướng khuyến khích sự tham gia của các cá nhân, tổ chức, phân tích SWOT, đánh giá vấn đề và xác định mục tiêu trong lập KHKT./.

Ths. Trương Hải Yến - KTNN chuyên ngành Ia
(Báo Kiểm toán số 3/2022)

 
 

Xem thêm »