Đại hội Tổ chức các Cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á thông qua Báo cáo về việc thực hiện Tuyên bố Hà Nội

07/09/2021
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Tại Phiên họp toàn thể lần thứ nhất, trong khuôn khổ Đại hội Tổ chức các Cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) lần thứ 15 diễn ra chiều 07/9/2021, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Việt Nam Hà Thị Mỹ Dung đã Báo cáo về việc thực hiện Tuyên bố Hà Nội giai đoạn 2018-2021. Báo cáo ngay sau đó đã được các Cơ quan Kiểm toán tối cao (SAI) nhất trí thông qua tại Phiên họp.

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung trình bày Báo cáo trước Đại hội

Thực hiện mục tiêu phát triển bền vững và giải quyết thách thức về môi trường toàn cầu

Theo Bà Hà Thị Mỹ Dung, Tại Đại hội ASOSAI lần thứ 14 năm 2018 do SAI Việt Nam đăng cai, Tuyên bố Hà Nội ra đời với thông điệp “Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững” đã trở thành văn kiện quan trọng của ASOSAI về tầm nhìn chiến lược cho giai đoạn phát triển tiếp theo, nhằm theo đuổi và hiện thực hóa Chương trình nghị sự 2030 về các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên hiệp quốc. “Sau 03 năm triển khai thực hiện, đây là thời điểm chúng ta cùng nhìn lại và đánh giá những thành tựu, kết quả đạt được của ASOSAI và các SAI thành viên trong việc thực hiện những khuyến nghị về Kiểm toán môi trường (KTMT) và thực hiện SDGs, từ đó chúng ta cùng tìm kiếm các giải pháp hiệu quả để thực hiện thành công Tuyên bố Hà Nội nói riêng và những mục tiêu chiến lược của ASOSAI trong giai đoạn tiếp theo” – Bà Hà Thị Mỹ Dung chia sẻ.

Những kết quả nổi bật trong thực hiện Tuyên bố Hà Nội nhiệm kỳ qua của ASOSAI là việc các SAI thành viên đã thực hiện hiệu quả 02 trụ cột chiến lược: Thúc đẩy việc chia sẻ kiến thức trong cộng đồng ASOSAI trong lĩnh vực kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững; Thực hiện mục tiêu phát triển bền vững và giải quyết thách thức về môi trường toàn cầu.

Theo đó, ASOSAI liên tục đóng vai trò tham gia tích cực vào các hoạt động của cộng đồng kiểm toán quốc tế thông qua Nhóm Công tác về kiểm toán môi trường ASOSAI (ASOSAI WGEA). Tích cực áp dụng khoa học và công nghệ thông tin vào hoạt động kiểm toán môi trường như: Tăng cường sử dụng hệ thống định vị toàn cầu (GIS) và công nghệ viễn thám để đánh giá tác động của hoạt động khai thác khoáng sản; sử dụng dữ liệu viễn thám để nghiên cứu hoạt động sử dụng đất đai; sử dụng thiết bị ghi hình không người lái để tính toán phạm vi và khối lượng khai thác cát… Đặc biệt, Trung tâm đào tạo kiểm toán của SAI Ấn Độ đã xây dựng các biểu mẫu đánh giá rủi ro và báo cáo theo mô hình Động lực - Áp lực - Chính quyền bang - Tác động - Ứng phó (DPSIR), các chỉ số và tiêu chí SDGs phù hợp với Hướng dẫn kiểm toán hoạt động của SAI Ấn Độ để xác định những lĩnh vực và chủ đề kiểm toán tiềm năng về môi trường.

Một số SAI đã liên tục đào tạo, cập nhật chuyên môn kiểm toán cho kiểm toán viên. Tiêu biểu, SAI Ấn Độ đã tổ chức 29 chương trình đào tạo quốc gia cho 634 học viên sau Đại hội ASOSAI 14 và cung cấp các chương trình tăng cường năng lực về phân tích dữ liệu trong kiểm toán môi trường cho 1.543 Kiểm toán viên.

Sẵn sàng và chủ động của ASOSAI đối với những vấn đề mang tính thời sự

Một dấu ấn quan trọng khác của ASOSAI trong nhiệm kỳ 2018-2021 chính là việc ra quyết định về đề xuất thành lập Nhóm công tác về thực hiện mục tiêu phát triển bền vững (SDGs). Đây là sáng kiến tiên phong của Nhóm làm việc khu vực của INTOSAI trong việc thực hiện SDGs. Quyết định thông qua việc thành lập Nhóm công tác SDGs tại Đại hội lần thứ 15 cho thấy sự sẵn sàng và chủ động của ASOSAI đối với những vấn đề mang tính thời sự toàn cầu.

Đặc biệt, trong giai đoạn 2020-2022, ASOSAI đã phối hợp với Ủy ban Chia sẻ kiến thức của INTOSAI và Tổ chức Sáng kiến phát triển INTOSAI (IDI-KSC) triển khai thực hiện Chương trình kiểm toán hợp tác về SDGs với chủ đề: “Hệ thống y tế quốc gia bền vững và nhanh chóng phục hồi” theo mô hình toàn diện và khép kín về phát triển bền vững của INTOSAI với sự tham gia của 26 quốc gia châu Á và 03 quốc gia khu vực Thái Bình Dương. Đây là một nỗ lực rất lớn của ASOSAI nói chung và các SAI thành viên nói riêng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang tạo nên khủng hoảng và hệ lụy khó lường trên quy mô toàn cầu.

Theo Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Việt Nam Hà Thị Mỹ Dung, từ 14 báo cáo gửi về từ các SAI thành viên, có tổng số 84 cuộc kiểm toán môi trường (KTMT) đã được thực hiện chủ yếu dưới loại hình kiểm toán hoạt động, chủ đề hết sức đa dạng và bao trùm lên hầu hết tất cả các lĩnh vực môi trường như: Quản lý chất lượng không khí, biển, tài nguyên nước, xử lý chất thải, quản lý chất thải y tế, phế liệu nhập khẩu, năng lượng tái tạo, bảo tồn thiên nhiên, chống tình trạng sa mạc hóa, biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học và suy thoái đất... Ngoài ra, có tổng số 35 cuộc kiểm toán SDGs đã được thực hiện trong giai đoạn 2018-2021. Tất cả các SAI thành viên gửi thông tin đều đã thực hiện ít nhất một cuộc kiểm toán liên quan đến SDGs. Chủ đề kiểm toán tập trung vào những lĩnh vực có ý nghĩa to lớn trong việc mang lại giá trị và lợi ích cho người dân như: Nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe và cung cấp dịch vụ phúc lợi cho người dân; phát triển bền vững lĩnh vực giáo dục công; cung cấp an ninh lương thực bền vững; quản lý tài chính quốc gia bền vững; quản lý bền vững chính sách dân số và nhân khẩu học; sự sẵn sàng cho việc thực hiện SDGs vào năm 2018-2019 với mục tiêu đảm bảo phạm vi của chương trình nghị sự 2030 ở cấp độ quốc gia; các chương trình trọng điểm quốc gia đóng góp cho từng khía cạnh của SDGs…

“Điều này chứng minh sự cống hiến của các SAI trong việc thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 của Liên hợp quốc, đặc biệt là Mục tiêu 16. Thúc đẩy xã hội hòa bình và rộng mở cho phát triển bền vững, mang công bằng đến với tất cả mọi người và xây dựng các thể chế hiệu quả, có trách nhiệm và rộng mở ở tất cả các cấp trong bối cảnh thế giới biến động không ngừng như hiện nay” – bà Hà Thị Mỹ Dung khẳng định.

Con số trên cũng đã trở thành bằng chứng cụ thể cho việc các SDGs đóng góp đáng kể vào vai trò của các SAI trong việc cải thiện tính minh bạch, hiệu quả và trách nhiệm giải trình của các cơ quan hành chính công, góp phần khẳng định các chuẩn mực kiểm toán quốc tế của INTOSAI, trong đó có Chuẩn mực số 12 về Giá trị và lợi ích của SAIs và Chuẩn mực số 20 về các Nguyên tắc về tính minh bạch và trách nhiệm giải trình.

ASOSAI: chuyên nghiệp, hợp tác, hòa nhập, đổi mới, sẵn sàng ứng phó.

Đánh giá về những tác động của Tuyên bố Hà Nội, bà Hà Thị Mỹ Dung cho rằng: Những thành tựu của các Nhóm công tác ASOSAI cũng như các SAI thành viên đã chứng minh rằng ASOSAI đang trở thành một Nhóm khu vực kiểu mẫu và tổ chức năng động, theo đuổi các giá trị cốt lõi “chuyên nghiệp, hợp tác, hòa nhập, đổi mới, sẵn sàng ứng phó”.
 

Quang cảnh Đại hội

Việc theo đuổi các khuyến nghị trong Tuyên bố Hà Nội của ASOSAI và các SAI thành viên cho thấy sự nghiêm túc và luôn chủ động để ứng phó với những thách thức chung của khu vực trong lĩnh vực kiểm toán công, trong đó có lĩnh vực KTMT và kiểm toán thực hiện SDGs, một trong những ưu tiên hàng đầu của chính phủ mỗi quốc gia, khu vực Châu Á và toàn cầu hiện nay. Các cuộc kiểm toán nói trên đã tạo ra công cuộc KTMT và góp phần thực hiện mục tiêu SDGs ngày càng toàn diện, mạnh mẽ, đưa ra các phát hiện và kiến nghị kiểm toán hết sức giá trị cả về mặt chuyên môn và quản lý chính sách, cụ thể:

Thứ nhất, giúp Chính phủ áp dụng các biện pháp ngày càng mạnh mẽ và kịp thời để bảo vệ hệ môi trường sinh thái, đồng thời nâng cao nhận thức của các cơ quan hữu quan trong việc khắc phục các vấn đề một cách nghiêm túc và chủ động hơn.

Thứ hai, thiết lập cơ chế dài hạn và tạo điều kiện cho việc ban hành và sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp lý và khung chính sách về vấn đề môi trường quốc gia (tiêu biểu như việc xây dựng hệ thống dòng chảy sinh thái và cấm đánh bắt cá trên sông Trường Giang đã được thể chế hóa trong Luật bảo vệ sông Trường Giang, bộ luật đầu tiên về lưu vực sông ở Trung Quốc).

Thứ ba, đánh giá toàn diện tính phù hợp của các chương trình, dự án của chính phủ từ góc độ phát triển bền vững (đặc biệt là tính minh bạch, hiệu lực và trách nhiệm giải trình); lập kế hoạch chung về môi trường; thực hiện các chương trình/dự án để quản lý các mục tiêu; thiết lập các tiêu chuẩn và quy định quản lý và hình thành cơ chế thực hiện chính sách môi trường (tổ chức, thể chế, luật pháp, ngân sách...).

Thứ tư, SAI chuyển đổi phương pháp tiếp cận từ thực hiện kiểm toán rời rạc, đơn lẻ sang tập trung toàn bộ năng lực kiểm toán vào kiểm tra tổng thể quy trình chính sách (lập kế hoạch – thực hiện kiểm toán – theo dõi thực hiện kiến nghị kiểm toán) thông qua kiểm toán hoạt động nhằm đánh giá việc thực hiện mục tiêu chính sách mong muốn. Nhiều SAI hướng tới thực hiện kiểm toán “thời gian thực” giúp theo dõi tình hình thực hiện chính sách/chương trình và đưa ra các biện pháp cải thiện ngay trong quá trình thực hiện chính sách/chương trình đó thay vì đánh giá hiệu quả hoạt động vào thời điểm sau khi kết thúc.

Thứ năm, các chương trình/dự án kiểm toán này đã tạo ra tác động lớn đến hiệu quả hoạt động của các SAI thông qua việc thúc đẩy chia sẻ kiến thức, áp dụng thực tiễn tốt cũng như hỗ trợ các SAI trong việc xây dựng năng lực chuyên môn và nâng cao năng lực tổ chức. Các SAI sẽ chủ động để sẵn sàng ứng phó với các thách thức mới và tình huống khẩn cấp, đặc biệt là luôn tiên phong triển khai các cuộc kiểm toán môi trường và SDGs phù hợp với bối cảnh quốc gia và xu thế chung của khu vực và thế giới.

Trên cơ sở những kết quả đạt được trong bối cảnh đầy thách thức như vừa qua, trong thời gian tới, ASOSAI cũng xác định một số nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện. Trong đó, để thúc đẩy lĩnh vực kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững, ASOSAI sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hợp tác, tăng cường chia sẻ kiến thức giữa các SAI thành viên bằng cách tận dụng các nền tảng kỹ thuật số. Kiến nghị này hoàn toàn gắn kết và phù hợp với Mục tiêu chiến lược số 03 trong Kế hoạch chiến lược ASOSAI 2022-2027: Tận dụng tối đa tiến bộ kỹ thuật vào hoạt động kiểm toán công.

Các SAI sẽ tăng cường chia sẻ kinh nghiệm và phổ biến kiến thức thông qua hội thảo, tọa đàm, trao đổi chuyên gia; hình thức đào tạo kết hợp “trực tuyến và trực tiếp” về kiểm toán môi trường cần được liên tục theo đuổi vì đại dịch Covid-19. Ngoài ra, để tham gia tốt hơn vào các khóa đào tạo trong tương lai, đặc biệt là nền tảng ảo, các bản sao của các bài thuyết trình hoặc tài liệu đào tạo sẽ được phổ biến trước để cho phép những người tham gia có ý tưởng trước về chủ đề.

Về thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, các SAI thành viên được khuyến nghị tích cực tham gia các diễn đàn quốc tế; áp dụng kết hợp nhiều phương pháp, kỹ thuật kiểm toán như sử dụng công cụ khảo sát thông tin, lựa chọn chủ đề kiểm toán SDGs có tính tác động trực tiếp và tích hợp vào Kế hoạch kiểm toán chiến lược của SAI, từ đó được tổng hợp trong Kế hoạch phát triển trung hạn quốc gia; xâydựng quy trình, chuẩn mực, phương pháp, kế hoạch kiểm toán và tăng cường đào tạo nội bộ KTV về kiểm toán SDGs; tham gia vào các cuộc kiểm toán hợp tác; thiết lập trung tâm điều phối SDGs…

Ngoài ra, ASOSAI sẽ phải nỗ lực hơn nữa trong việc thúc đẩy các hoạt động tăng cường năng lực cho các SAI thành viên về SDGs như: Xây dựng Kế hoạch chiến lược, Kế hoạch hoạt động hay Chương trình tăng cường năng lực cần dựa trên khảo sát kỹ lưỡng, toàn diện nhu cầu của tất cả các thành viên và thảo luận tại các cuộc họp quan trọng của ASOSAI;tăng cường chia sẻ kinh nghiệm về kiểm toánSDGs một cách thường xuyên, liên tục, trong đó có thực hiệm kiểm toán từ xa; cung cấp hướng dẫn kiểm toán SDGs; chuyên sâu hóa các khóa đào tạo trực tuyến cho các thành viên về kiểm toán SDGs, đặc biệt cách thức khai thác và sử dụng hiệu quả kỹ thuật phân tích dữ liệu; đẩy mạnh triển khai các cuộc kiểm toán hợp tác…/.

Phương Vân

Xem thêm »