Chánh án TANDTC nhiệm kỳ 2021-2026 Nguyễn Hòa Bình: Đổi mới, sáng tạo để Nhân dân cảm nhận và thụ hưởng được công bằng và lẽ phải

27/07/2021
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Chiều 26/7/2021, Quốc hội khóa XV đã bầu Phó Chủ tịch nước, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao và viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao bằng hình thức bỏ phiếu kín. Quốc hội cũng đã thông qua các nghị quyết bầu Phó Chủ tịch nước đối với bà Võ Thị Ánh Xuân, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao đối với ông Nguyễn Hòa Bình và Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao đối với ông Lê Minh Trí.

Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình tuyên thệ nhậm chức

Theo kết quả kiểm phiếu, với 480/480 phiếu hợp lệ, chiếm 96,19% tổng số đại biểu Quốc hội, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết bầu ông Nguyễn Hoà Bình, Bí thư Trung ương Đảng khoá XIII, đại biểu Quốc hội khóa XV, giữ chức vụ Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao.

Thực hiện Nghi thức Tuyên thệ nhậm chức trước Quốc hội và quốc dân, đồng bào cả nước, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình trân trọng cảm ơn Quốc hội đã tín nhiệm bầu ông tiếp tục giữ chức Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Dưới cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội, đồng bào và nhân dân cả nước, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tuyên thệ: “Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó”.
 

Đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua Nghị quyết bầu Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao

Phát biểu trước Quốc hội sau khi tuyên thệ, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội, sự phối hợp của Chính phủ, sự ủng hộ của Nhân dân, hệ thống Tòa án Nhân dân đã đề cao trách nhiệm, không ngừng đổi mới, triển khai nhiều giải pháp đột phá và đã hoàn thành tốt nhiệm vụ Hiến pháp giao phó: “Bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Cùng với cả hệ thống chính trị, Tòa án Nhân dân đã có những đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, để đất nước ta có được “cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”.

Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, tiếp tục được Nhân dân bầu làm Đại biểu Quốc hội, được Đảng phân công và Quốc hội bầu làm Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình xác định, đây vừa là vinh dự cao cả, vừa là trách trách nhiệm lớn lao.

Trên cương vị là người đứng đầu cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định, nguyện khắc ghi lời tuyên thệ trước Quốc hội không ngừng rèn luyện và nêu gương; cùng tập thể lãnh đạo và Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao phát huy truyền thống; đoàn kết một lòng; tận tâm, tận lực phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân; tuân thủ sự lãnh đạo của Đảng; nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp, pháp luật; thực hiện đầy đủ các nguyên tắc tư pháp tiên tiến; nỗ lực cao nhất để phát huy ưu điểm, thành tựu; khắc phục hạn chế, thiếu sót.

Bên cạnh đó, chăm lo xây dựng Tòa án Nhân dân trong sạch, vững mạnh và chuyên nghiệp. Đẩy mạnh hơn nữa công cuộc cải cách tư pháp với nhiều giải pháp đổi mới, sáng tạo để nâng cao chất lượng hoạt động và uy tín của Tòa án; để nền tư pháp nước nhà ngày càng phát triển; để Nhân dân cảm nhận và thụ hưởng được công bằng và lẽ phải; nghiêm minh và nhân văn trong mỗi phán quyết tư pháp. "Đề nghị Quốc hội, các vị Đại biểu Quốc hội ủng hộ, tạo điều kiện và tăng cường giám sát hoạt động của Tòa án các cấp để Tòa án Nhân dân hoàn thành tốt hơn nữa sứ mệnh bảo vệ công lý rất vinh dự nhưng cũng rất trọng trách” – Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình nói.

Theo Hiến pháp 2013, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội; trong thời gian Quốc hội không họp, chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước. Chế độ báo cáo công tác của Chánh án các Tòa án khác do Luật định.

Nhiệm kỳ của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức và nhiệm kỳ của Chánh án Tòa án khác do Luật định./.
 
Ông Nguyễn Hòa Bình 63 tuổi, là Phó Giáo sư, Tiến sĩ Luật, cử nhân An ninh; quê Quảng Ngãi.

Ông là Ủy viên Trung ương khóa XI, XII, XIII; Bí thư Trung ương Đảng khóa XII, XIII; Ủy viên Bộ Chính trị khóa XIII.

Ông từng giữ các chức vụ: Thiếu tướng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát; Bí thư tỉnh Quảng Ngãi; Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao; Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao từ tháng 4/2016 đến nay.
 
Viện kiểm sát Nhân dân tối cao Lê Minh Trí:

Ông Lê Minh Trí 61 tuổi, là cử nhân An ninh, cử nhân Luật, quê ở TP HCM; - Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, XIII.

Ông từng giữ các chức vụ: Phó chủ tịch UBND TP HCM; Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương; được bầu làm Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao tháng 4/2016.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân.

Bà Võ Thị Ánh Xuân 51 tuổi, cử nhân Sư phạm Hóa học, thạc sĩ chuyên ngành quản lý công; quê ở huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang; Ủy viên Trung ương Đảng khóa XI (dự khuyết), XII, XIII.

Bà Võ Thị Ánh Xuân là cán bộ trưởng thành ở An Giang, từng có bốn năm là giáo viên trường THPT Mỹ Thới, thị xã Long Xuyên; sau đó làm chuyên viên nghiên cứu tổng hợp, Văn phòng Tỉnh ủy.

Từ 8/2001 đến 1/2013, bà làm Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh An Giang; Phó trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy An Giang; Bí thư Thị ủy Tân Châu.

Từ 2/2013 đến 11/2013, bà giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh, sau đó đảm nhận cương vị Phó Bí thư Tỉnh ủy An Giang. Bà giữ chức Bí thư Tỉnh ủy An Giang từ tháng 10/2015, đến tháng 4/2021 được Quốc hội khóa XIV bầu làm Phó chủ tịch nước./.


Phương Ngọc

Xem thêm »