Quốc hội thảo luận về quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2019 và công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020

27/07/2021
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Sáng 26/7/2021, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường, thảo luận về quyết toán ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2019 và công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận

Phiên thảo luận ghi nhận 14  ý kiến phát biểu. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tham gia phát biểu giải trình thêm một số vấn đề có liên quan. 

Kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách có tiến bộnhưng chưa nghiêm

Thảo luận tại hội trường về quyết toán NSNN, đa số ý kiến phát biểu nhất trí với nội dung trong các báo cáo của Chính phủ và các báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính – Ngân sách, báo cáo quyết toán, kiểm toán của Kiểm toán nhà nước; ghi nhận các báo cáo được xây dựng công phu nhiều đổi mới, số liệu cụ thể, có dẫn chứng, lập luận phản biện sâu sắc. Các báo cáo đã nêu được tồn tại, nguyên nhân giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Qua thảo luận, các đại biểu đánh giá cao việc thực hiện chính sách tài khóa năm 2019 dưới sự lãnh đạo của Đảng, giám sát quyết định của Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ, cùng nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 hoàn thành toàn diện với 12/12 chỉ tiêu kế hoạch đạt và vượt mục tiêu đề ra, tạo tiền đề cho cả năm đạt và vượt nhiều chỉ tiêu theo Kế hoạch tài chính 5 năm 2016-2020, nếu không xảy ra đại dịch COVID-19 vào năm 2020.

Chính phủ đã có nhiều giải pháp điều hành thu chi ngân sách để phục vụ phát triển kinh tế xã hội đảm bảo quốc phòng, an ninh thu NSNN vượt dự toán, đáp ứng nhu cầu chi, bội chi giảm, nợ công trong giới hạn cho phép, cơ cấu lại ngân sách có kết quả nhất định.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng cho rằng dù kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách có tiến bộ, nhưng nhìn chung còn chưa nghiêm như: Giao dự toán, thu chi không sát, phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công chậm; thu từ sản xuất kinh doanh không đạt dự toán, kê khai thiếu thuế vẫn diễn ra; nợ đọng thuế lớn; chi thường xuyên cao hơn mục tiêu phấn đấu; nhiều khoản chi quan trọng không đạt dự toán, vẫn còn tình trạng chi sai chế độ, định mức, khả năng trả nợ chưa được cải thiện; quy mô nợ nần vẫn tăng, chuyển nguồn lớn, kết quả thực hiện kết luận kiểm toán chưa cao, thấp hơn so với năm 2018.

Một số giải pháp đề ra chưa được thực hiện hoặc thực hiện chưa hiệu quả cao, như đổi mới cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập, sắp xếp các hoạt động của các quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách; điều chỉnh chính sách thuế, mở rộng cơ sở thuế để cơ cấu lại NSNN chưa đảm bảo yêu cầu.

Chính phủ cần có giải pháp để nâng cao tỷ lệ thực hiện các kiến nghị của Kiểm toán nhà nước

Các ý kiến phát biểu tại Hội trường cho thấy, các vị đại biểu Quốc hội cơ bản thống nhất với số liệu và hồ sơ quyết toán của Chính phủ đã được Ủy ban Tài chính-Ngân sách thẩm tra, Kiểm toán nhà nước kiểm toán; thống nhất hai nội dung về điều chỉnh dự toán và số liệu quyết toán. Đồng thời, đề nghị Chính phủ cần có giải pháp để nâng cao chất lượng quản lý, điều hành ngân sách, thực thi chính sách tài khóa, tiết kiệm chi thường xuyên, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư, cơ cấu lại ngân sách nợ công theo hướng bền vững; nâng cao tỷ lệ thực hiện các kiến nghị của Kiểm toán nhà nước. Các địa phương thực hiện đúng quy định về kiểm toán ngân sách khi quyết toán. Sớm nghiên cứu và triển khai phân bổ ngân sách theo kết quả thực hiện nhiệm vụ. Cải cách chính sách thu, chấn chỉnh quản lý chi đầu tư từ dự toán đến thực hiện và quyết toán. Quản lý chặt chẽ các khoản chuyển nguồn, tạm ứng, nợ đọng, kết dư ngân sách. Kiểm soát nợ công trong giới hạn cho phép và tính đến cả khả năng vay, khả năng trả nợ để giữ gìn tín nhiệm quốc gia và đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.

Đồng thời, có ý kiến đề nghị Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán NSNN so với hiện hành để trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn vào kỳ họp cuối năm tiếp theo, làm cơ sở cho việc lập và phân bổ dự toán ngân sách năm sau, góp phần quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực tài chính, NSNN.

Cần thể chế hóa và tổ chức thực hiện quyết liệt hơn nữa vấn đề tiết kiệm, chống lãng phí

Thảo luận về nội dung thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020, các ý kiến đại biểu cơ bản thống nhất cho rằng, mặc dù gặp nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh nhưng với quyết tâm cao và sự sát sao trong chỉ đạo điều hành, công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí năm 2020 đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần huy động thêm nhiều nguồn lực từ NSNN, từ cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, phục vụ công tác phòng chống dịch Covid -19, đảm bảo an sinh xã hội trong điều kiện còn nhiều khó khăn thách thức như hiện nay.
 

Quang cảnh phiên họp

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, hệ thống pháp luật và các quy định chưa phù hợp với thực tiễn; khắc phục tình trạng lãng phí, bất cập trong quản lý, khai thác, sử dụng đất, tài nguyên; rà soát, thống kê lại diện tích đất nông nghiệp để hoang hóa, nhà ở, đất đô thị chưa sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích, đất, nhà công sản, các dự án sử dụng vốn vay nước ngoài bị đội vốn, các dự án treo kéo dài nhiều năm, không có hiệu quả hoặc hiệu quả thấp để có giải pháp quản lý, sử dụng hợp lý, tránh lãng phí, nâng cao hiệu quả quản lý NSNN.

Nhiều ý kiến cho rằng, vấn đề tiết kiệm, chống lãng phí đã được thể hiện trong các văn kiện của Đại hội lần thứ XIII, các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội và Chính phủ. Do đó, việc thể chế hóa và tổ chức thực hiện phải quyết liệt hơn nữa, phải coi đây là quốc sách, trở thành ý thức, lối sống văn hóa, đạo đức của mỗi con người và toàn xã hội. Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, cơ quan Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập, ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong quản lý hành chính, giảm phiền hà, tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân và doanh nghiệp; hoàn thiện cơ chế chính sách phục vụ cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước giai đoạn tới; siết chặt kỷ cương kỷ luật tài chính, phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.

Trong bối cảnh khó khăn do dịch Covid-19, các đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo khắc phục việc chậm ban hành chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nâng cao chất lượng báo cáo. Khắc phục tình trạng báo cáo có một số mặt còn chung chung, không cụ thể số liệu, không đánh giá, so sánh với số liệu chỉ tiêu đề ra năm trước và quyết định ban hành chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Chính phủ.

Phát biểu giải trình tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, tiết kiệm và chống lãng phí là một phạm trù rất lớn, kể cả lãng phí về vật chất và lãng phí phi vật chất. Theo Bộ trưởng, đây là vấn đề rất quan trọng, nên công tác kiểm tra, giám sát và chấp hành kỷ luật, kỷ cương về tài chính, ngân sách, về quản lý nguồn lực luôn được Chính phủ nâng cao và quan tâm. "Năm 2020, cả nước đã tiến hành 6.199 cuộc thanh tra hành chính, 181.227 cuộc thanh tra chuyên ngành và đã phát hiện sai phạm 86.369 tỷ đồng và 6.036ha đất, thu hồi 23.843 tỷ đồng và 830ha đất, kiến nghị xử lý 5.536ha đất và xử lý 2.123 tập thể, 485 cá nhân… Đặc biệt, chúng tôi đã đôn đốc thực hiện vấn đề sau thanh tra, trách nhiệm đối với 1.066 tập thể, 3.658 cá nhân và chuyển điều tra khởi tố 12 vụ sau khi thanh tra" - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, các vị đại biểu Quốc hội đề nghị báo cáo Chính phủ chỉ rõ các bộ, địa phương chưa thực hiện tốt hoặc vi phạm Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để chấn chỉnh, xử lý, bổ sung các số liệu theo hồ sơ về thu hồi tài sản do tham nhũng, thất thoát và lãng phí.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, thiệt hại do lãng phí không kém tham nhũng, thậm chí có nhiều lĩnh vực lãng phí nguồn lực còn rất trầm trọng, do đó cần tiếp tục phải có những giải pháp đồng bộ, phòng ngừa và đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả./.

M. Thúy

Xem thêm »