Nghiệm thu đề tài “Kiểm toán chuyên đề quản lý chất thải rắn sinh hoạt ra môi trường vì sự phát triển bền vững”

04/12/2020
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Ngày 4/12/2020, tại Trường Đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán, Hội đồng khoa học của KTNN đã tổ chức nghiệm thu đề tài cấp cơ sở “Kiểm toán chuyên đề quản lý chất thải rắn sinh hoạt ra môi trường vì sự phát triển bền vững” do Ths. Lê Thị Thùy Ngoan và Ths. Dương Hồng Nhung đồng chủ nhiệm. Giám đốc Trường Đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán Lê Minh Nam là chủ tịch Hội đồng nghiệm thu.

Báo cáo tại buổi nghiệm thu, Ban chủ nhiệm đề tài cho biết: Hiện nay, quá trình đô thị hóa cùng với việc tăng trưởng kinh tế và dân số một cách nhanh chóng đang tạo ra lượng chất thải ngày càng tăng cao. Hàng năm, Việt Nam đều dành một phần NSNN để sử dụng vào công tác chống ô nhiễm, bảo vệ môi trường. Vấn đề đặt ra là kiểm soát, quản lý sao cho sử dụng nguồn lực đó hiệu quả. Tình hình đó đặt ra cho KTNN cần phải đẩy mạnh công tác kiểm toán môi trường trong đó có việc kiểm toán công tác quản lý rác thải, nước thải với mục tiêu vì sự phát triển bền vững. Điều này cũng đòi hỏi KTNN phải sớm có những quy định hướng dẫn cụ thể về công tác kiểm toán loại hình này. Xuất phát từ yêu cầu đặt ra, Ban chủ nhiệm đã lựa chọn và nghiên cứu đề tài “Kiểm toán chuyên đề quản lý chất thải rắn sinh hoạt ra môi trường vì sự phát triển bền vững” để đưa ra phương hướng, giải pháp cụ thể nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng kiểm toán môi trường của KTNN.

Đề tài có kết cấu gồm 02 chương: Chương 1 - Tổng quan về kiểm toán quản lý chất thải rắn sinh hoạt vì sự phát triển bền vững; chương 2- Kiểm toán chuyên đề quản lý chất thải rắn sinh hoạt ra môi trường vì sự phát triển bền vững.
 

Theo đánh giá của Hội đồng nghiệm thu, nhóm nghiên cứu đã tiếp cận phân tích nội dung đề tài một cách khoa học và có hệ thống. Đề tài tập trung nghiên cứu những vấn đề có tính lý luận và thực tiễn cơ bản nhất về bản chất, nội dung kiểm toán chất thải rắn sinh hoạt để làm cơ sở cho việc đưa ra các kiến nghị về định hướng hoàn thiện mục tiêu, nội dung, phương pháp kiểm toán công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt của KTNN.

Với việc sử dụng các phương pháp nghiên cứu truyền thống như phương pháp phân tích, tổng hợp, so sánh, thống kê... đề tài đã giải quyết một số vấn đề cơ bản sau:
         
Thứ nhất, đã hệ thống hóa làm rõ một số khái niệm về chất thải và quản lý chất thải; thực trạng quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại các địa phương thuộc kiểm toán nhà nước khu vực IX phụ trách; đồng thời, đề tài đã nghiên cứu kinh nghiệm của một số cơ quan kiểm toán tối cao trên thế giới về kiểm toán chất thải để rút ra bài học cho KTNN Việt Nam.
         
Thứ hai, đã phân tích thực trạng kiểm toán chuyên đề môi trường của KTNN trong thời gian qua; trên cơ sở đó đi sâu phân tích những mặt đã làm được, chưa làm được và nguyên nhân.
         
Thứ ba, trên cơ sở phân tích thực trạng kểm toán, đề tài đã đưa ra định hướng kiểm toán và đề xuất phương thức tổ chức kiểm toán quản lý chất thải sinh hoạt. Phương thức tổ chức kiểm toán tập trung vào việc hướng dẫn kiểm toán (từ xác định mục tiêu, nội dung, tiêu chí, phương pháp kiểm toán và phương thức tổ chức kiểm toán).

Hội đồng nghiệm thu đánh giá: Đề tài đã có những đóng góp nhất định trong việc đưa ra hướng dẫn tổ chức kiểm toán quản lý chất thải sinh hoạt, tuy nhiên để đáp ứng yêu cầu, Hội đồng nghiệm thu đề nghị Ban chủ nhiệm đề tài: xem xét lại tên gọi của đề tài để có sự tương đồng với nội dung nghiên cứu; bổ sung làm rõ thực trạng kiểm toán việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt ra môi trường vì sự phát triển bền vững trong thời gian qua theo các bước của quy trình kiểm toán (khảo sát, thu thập, phân tích thông tin; mục tiêu, nội dung, tiêu chí, phạm vi, phương pháp, nhân sự; mẫu biểu, hồ sơ kiểm toán; cách thức tổ chức cuộc kiểm toán; loại hình kiểm toán được áp dụng...), trên cơ sở đó đi sâu phân tích nguyên nhân của những hạn chế, bất cập so với yêu cầu đặt ra để làm cơ sở phải xây dựng hướng dẫn tổ chức kiểm toán quản lý chất thải sinh hoạt; bố cục lại các đề mục của từng chương cho phù hợp với nội dung trình bày…

Kết luận buổi nghiệm thu, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu Lê Minh Nam đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của Ban chủ nhiệm đề tài trong quá trình tổ chức nghiên cứu. Mặc dù vậy, Ban chủ nhiệm đề tài cần xem xét để bổ sung những vấn đề góp ý của các thành viên trong Hội đồng nghiệm thu để đề tài được hoàn thiện, đáp ứng tốt hơn yêu cầu.

Đề tài được Hội đồng nghiệm thu thông qua và xếp loại khá./.

Hà Linh
 
 
 

Xem thêm »