Nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở “Nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ Kiểm toán viên nhà nước trong giai đoạn phát triển cách mạng công nghiệp 4.0”

03/12/2020
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Chiều 02/12/2020, tại Hà Nội, Hội đồng khoa học Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã tổ chức nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở “Nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ Kiểm toán viên nhà nước trong giai đoạn phát triển cách mạng công nghiệp 4.0” do Ths. Nguyễn Thị Thu Trung - Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán và Ths. Đỗ Thị Kim Dung - KTNN chuyên ngành II đồng chủ nhiệm.

Quang cảnh cuộc họp nghiệm thu

Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán Lê Minh Nam là chủ tịch Hội đồng nghiệm thu.

Theo Ban Chủ nhiệm đề tài, Cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 đánh dấu sự ra đời của một loạt các công nghệ mới, kết hợp tất cả các kiến thức trên các lĩnh vực: Vật lý, kỹ thuật số, sinh học…, sẽ mang tới nhiều cơ hội phát triển và hội nhập, nhưng đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức với các nước đang phát triển như Việt Nam. Với vai trò là công cụ góp phần đảm bảo nền tài chính quốc gia minh bạch, bền vững, KTNN cần phải thích nghi và bắt kịp với yêu cầu của cuộc cách mạng này. Đội ngũ Kiểm toán viên nhà nước (KTVNN) phải tinh thông nghiệp vụ, bản lĩnh vững vàng và làm chủ công nghệ…

Tuy nhiên, hiện nay, cách thức, phương pháp đào tạo đang áp dụng theo hướng truyền thống khiến cho các KTVNN vẫn chưa thực sự phát huy tính chủ động, sáng tạo. Trong bối cảnh nguồn lực hạn hẹp, chúng ta cần tìm phương pháp phù hợp, tầm nhìn bao quát và dài hạn, đặc biệt, cần có những giải pháp hết sức cụ thể, căn cơ, đúng đắn để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nhằm tăng cường năng lực, tính chuyên nghiệp, chủ động, sáng tạo, trình độ chuyên môn cho đội ngũ KTVNN trong giai đoạn phát triển cách mạng 4.0.

Đề tài “Nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ Kiểm toán viên nhà nước trong giai đoạn phát triển cách mạng công nghiệp 4.0” được nhóm tác giả nghiên cứu, nhằm nhìn nhận thực trạng của công tác đào tạo, bồi dưỡng KTVNN hiện nay; nắm bắt được yêu cầu, đòi hỏi và những thuận lợi, khó khăn của cuộc cách mạng 4.0, từ đó đưa ra được hệ thống giải pháp để nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ KTVNN trong giai đoạn phát triển cách mạng 4.0, tiến tới làm chủ công nghệ, phát huy tốt vai trò đảm bảo minh bạch, bền vững nền tài chính quốc gia.

Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, đề tài được chia thành 02 Chương: Chương I - Tác động của CMCN 4.0 tới công tác đào tạo, bồi dưỡng KTVNN hiện nay; Chương II - Giải pháp ứng dụng CMCN 4.0 nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng của KTNN.
 

Ban đề tài báo cáo trước Hội đồng nghiệm thu

Hội đồng nghiệm thu đánh giá, đề tài đã tổng hợp được một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công tác đào tạo, bồi dưỡng của KTNN và tác động của CMCN 4.0 đến công tác này. Từ đó, đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng KTVNN trong điều kiện CMCN 4.0. Chính vì vậy, đề tài có khả năng áp dụng vào thực tiễn tại KTNN đặc biệt trong công tác đào tạo, bồi dưỡng.

Đề hoàn thiện đề tài, Hội đồng nghiệm thu đề nghị, Ban đề tài nghiên cứu cần nghiên cứu, làm rõ hơn: Cách mạng 4.0 liên quan như thế nào đến công tác đào tạo, bồi dưỡng nói chung và công tác đào tạo, bồi dưỡng của KTNN? Đặc điểm tổ chức hoạt động và yêu cầu đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng KTVNN của KTNN trong mối liên hệ với cuộc cách mạng 4.0…

Tại Chương II, Hội đồng đề nghị Ban đề tài nghiên cứu, xem xét, đưa nội dung “Bài học kinh nghiệm về ứng dụng CMCN 4.0 vào công tác đào tạo bồi dưỡng tại một số SAI trên thế giới” về Chương I; các giải pháp đưa ra phải gắn với thực trạng công tác đào tạo bồi dưỡng của KTNN, đồng thời cần cụ thể, có lộ trình cho các giải pháp…

Phát biểu kết luận, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu Lê Minh Nam khẳng định, đề tài có tính cấp thiết, có tính mới, phù hợp với nhu cầu của Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán. Ông Lê Minh Nam đề nghị Ban đề tài nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến của Hội đồng, chỉnh sửa hoàn thiện đề tài, gửi lại Văn phòng khoa học trong thời gian 1 tháng, kể từ ngày nghiệm thu.

Đề tài được Hội đồng thống nhất xếp loại Khá./.

M. Thúy
 

Xem thêm »