Hết năm 2020 phải cổ phần hóa theo kế hoạch 92 doanh nghiệp Nhà nước

19/05/2020
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) – Bộ Tài chính cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2020, có 06 doanh nghiệp thuộc danh mục phải thoái vốn theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg với giá trị 84 tỷ đồng, thu về 241 tỷ đồng; các Tập đoàn, Tổng công ty thực hiện thoái vốn với giá trị 318 tỷ đồng, thu về 551 tỷ đồng. Bộ đã nhận được báo cáo cổ phần hóa của 03 đơn vị sự nghiệp công lập tỉnh Hậu Giang.

Agribank là một trong những đơn vị phải hoàn thành cổ phần hóa năm 2020

Cũng theo Bộ Tài chính, trong giai đoạn 2016 đến tháng 4/2020, đã có 174 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 443.126 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn Nhà nước là 206.748 tỷ đồng. Tuy nhiên trong 174 doanh nghiệp đã cổ phần hóa chỉ có 36/128 doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc danh mục cổ phần hóa theo công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (đạt 28% kế hoạch).

Được biết, số doanh nghiệp còn phải thực hiện cổ phần hóa theo kế hoạch tính đến hết năm 2020 là 93 doanh nghiệp. Trong đó có nhiều DN lớn như Agribank, Tập đoàn Than - khoáng sản VN (TKV - công ty mẹ), Tập đoàn Bưu chính - viễn thông VN (VNPT - công ty mẹ), Tập đoàn Hóa chất VN (công ty mẹ)...

Tại TP.HCM, số DN nằm trong danh sách này cũng có nhiều tên tuổi lớn như Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn (Saigoncons), Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri), Tổng công ty Bến Thành (BenthanhGroup), Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (Samco), Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra), Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist)...

Như vậy, tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp còn chậm, những đơn vị còn nhiều doanh nghiệp thuộc danh sách phải thực hiện cổ phần hóa trong năm 2020 gồm: Thành phố Hà Nội cổ phần hóa 13 doanh nghiệp (04 Tổng công ty), chiếm 14% kế hoạch; Thành phố Hồ Chí Minh cổ phần hóa 38 doanh nghiệp (11 Tổng công ty), chiếm 40% kế hoạch; Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cổ phần hóa 06 doanh nghiệp (03 Tập đoàn, 03 Tổng công ty); Bộ Công Thương cổ phần hóa 04 doanh nghiệp (03 Tổng công ty); Bộ Xây dựng cổ phần hóa 02 Tổng công ty.

Lũy kế tổng số thoái vốn từ năm 2016 - tháng 4/2020: Thoái 25.172 tỷ đồng, thu về 171.865 tỷ đồng. Trong đó: Thoái vốn Nhà nước tại 98 đơn vị thuộc Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ với giá trị 4.788 tỷ đồng, thu về 9.206 tỷ đồng.

Việc triển khai thoái vốn Nhà nước theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg còn chậm, các đơn vị còn nhiều doanh nghiệp phải thực hiện thoái vốn theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg với giá trị lớn là: Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng còn phải thoái vốn tại 8/11 Tổng công ty cổ phần; Thành phố Hà Nội còn phải thoái vốn tại 31/34 doanh nghiệp.

Lũy kế từ năm 2017 đến tháng 4/2020, cả nước đã thoái 3.785 tỷ đồng, thu về 110.392 tỷ đồng (bao gồm khoản thoái 3.436 tỷ đồng, thu về 109.965 tỷ đồng tại Sabeco) tại các doanh nghiệp ngoài Quyết định số 1232/QĐ-TTg. Các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước thực hiện thoái 16.597 tỷ đồng, thu về 52.266 tỷ đồng.

Nhìn chung tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn trong những tháng đầu năm 2020 chậm, nguyên nhân do: Diễn biến khó lường của dịch bệnh Covid-19 khiến cho sản xuất, kinh doanh và các hoạt động khác của xã hội đình trệ đã ảnh hưởng tới công tác triển khai công tác cổ phần hóa, thoái vốn của các doanh nghiệp; cần nhiều thời gian để triển khai thực hiện một số nội dung về phê duyệt phương án sử dụng đất, xác định giá trị phần vốn Nhà nước để thoái vốn...

Mặt khác, nguyên nhân chủ quan của sự chậm trễ này là do khâu tổ chức thực hiện và quyết tâm của người đứng đầu doanh nghiệp; kỷ luật chấp hành chỉ đạo của những người có trách nhiệm chưa nghiêm; còn tư tưởng e ngại, sợ mất quyền lợi nên cố tình trì hoãn, kéo dài… và vướng mắc trong vấn đề xử lý đất đai mà doanh nghiệp đang quản lý sử dụng.

Để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp Nhà nước, Bộ Tài chính đề nghị:

Tiếp tục hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp lý về tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp có vốn Nhà nước về cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp theo chỉ đạo, phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. 

Hoàn thành việc phê duyệt hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để triển khai đề án cơ cấu lại các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực quản lý theo đúng quy định tại Quyết định số 707/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Thủ trưởng, người đứng đầu các Bộ, ngành, địa phương, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chịu trách nhiệm đôn đốc các Tập đoàn, Tổng công ty, DNNN triển khai thực hiện phương án cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại đã được phê duyệt.

Các DNNN thuộc diện cổ phần hóa cần khẩn trương rà soát toàn bộ quỹ đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai trình Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ý kiến về phương án và giá đất để cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi tổ chức xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa theo đúng quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 và Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 và các văn bản sửa đổi, bổ sung.

Cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc danh mục cổ phần hóa đến hết năm 2020 triển khai hoàn thành công tác xác định giá trị doanh nghiệp, xử lý tài chính, công bố giá trị doanh nghiệp trong năm 2020; Cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp có vốn Nhà nước phải thực hiện thoái vốn trong năm 2020 triển khai công tác thoái vốn theo quy định, kịp thời báo cáo cơ quan có thẩm quyền để tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quy định đối với các trường hợp thoái vốn gặp khó khăn, vướng mắc để điều chỉnh cho phù hợp.

Cơ quan đại diện chủ sở hữu chỉ đạo người đại diện phần vốn Nhà nước đôn đốc các doanh nghiệp đã cổ phần hóa thực hiện nghiêm việc đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán theo quy định của pháp luật; thực hiện bàn giao các doanh nghiệp thuộc diện phải bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về SCIC theo đúng quy định hiện hành.
 
Bộ Tài chính đề nghị người đứng đầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo quyết liệt trong việc triển khai công tác cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước theo kế hoạch đã đề ra, gắn trách nhiệm người đứng đầu với kết quả triển khai công tác cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước, chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ khi không hoàn thành nhiệm vụ theo kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ đã giao.

Các Bộ, ngành tập trung trình các cấp có thẩm quyền các đề án, chính sách với các nội dung chính gồm các cơ chế chính sách liên quan đến lĩnh vực được phân công; phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương về tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn đối với các doanh nghiệp Nhà nước; thực hiện công tác giám sát, xử lý vướng mắc tài chính của các doanh nghiệp; xây dựng báo cáo về việc thực hiện Nghị quyết số 60/2018/QH14 ngày 15/6/2018 về tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa DNNN./.

Thanh Trang
 
 

Xem thêm »