Nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ: “Cơ sở lý luận và thực tiễn quy định chức năng, nhiệm vụ và phạm vi hoạt động của KTNN khác với Thanh tra Chính phủ và các cơ quan thanh tra, kiểm tra khác”

13/05/2020
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Ngày 13/5/2020, tại trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN) – 116 Nguyễn Chánh, Hà Nội, Hội đồng khoa học KTNN đã tổ chức nghiệm thu Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ: “Cơ sở lý luận và thực tiễn quy định chức năng, nhiệm vụ và phạm vi hoạt động của KTNN khác với Thanh tra Chính phủ và các cơ quan thanh tra, kiểm tra khác” do Ts. Đặng Văn Hải và và Ths. Nguyễn Viết Hùng đồng chủ nhiệm. GS.TS Đoàn Xuân Tiên, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước làm Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu.

Báo cáo trước Hội đồng nghiệm thu, TS. Đặng Văn Hải cho biết: Những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm củng cố, tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan thanh tra, KTNN. Đặc biệt, hệ thống văn bản pháp luật về thanh tra, KTNN không ngừng được hoàn thiện. Trên cơ sở các văn bản pháp luật này, tổ chức và hoạt động của KTNN và Thanh tra Nhà nước (TTNN) đã được sắp xếp, kiện toàn để tránh chồng chéo, bỏ sót đối tượng, nội dung thanh tra, kiểm toán. Về cơ bản, chức năng, nhiệm vụ và phạm vi hoạt động giữa TTNN và KTNN đã được quy định và xác định ngày càng rõ nét, tuy nhiên, vẫn còn sự chồng chéo về nội dung, đối tượng kiểm tra về việc tuân thủ pháp luật kinh tế, tài chính giữa TTNN với KTNN ngay trong các quy định của pháp luật cũng như thực tiễn hoạt động thanh tra, KTNN. Do vậy, việc nghiên cứu đề tài “Cơ sở lý luận và thực tiễn quy định chức năng, nhiệm vụ và phạm vi hoạt động của KTNN khác với Thanh tra Chính phủ và các cơ quan thanh tra, kiểm tra khác” có tính cấp thiết cả về lý luận và thực tiễn.

Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, đề tài được kết cấu thành 3 chương: Chương 1 - Cơ sở lý luận quy định chức năng, nhiệm vụ và phạm vi hoạt động của KTNN khác với Thanh tra Chính phủ và các cơ quan thanh tra, kiểm tra khác; Chương 2 - Thực trạng phân định chức năng, nhiệm vụ và phạm vi hoạt động của KTNN khác với Thanh tra Chính phủ và các cơ quan thanh tra, kiểm tra khác; Chương 3 - Quan điểm và giải pháp hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ và phạm vi hoạt động của KTNN khác với Thanh tra Chính phủ và các cơ quan thanh tra, kiểm tra khác.

Các phương pháp nghiên cứu mà Ban đề tài đã sử dụng là các phương pháp truyền thống như: Phân tích, tổng hợp; khảo sát, đánh giá tài liệu, quan sát, kiểm chứng; thống kê, so sánh...

Hội đồng nghiệm thu đánh giá, về tổng thể, đề tài nghiên cứu đạt được mục tiêu đề ra, đã đảm bảo kết cấu và tính logic của một đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ. Cụ thể, đề tài đã hệ thống hóa được những vấn đề lý luận về chức năng, nhiệm vụ và phạm vi hoạt động của KTNN khác với Thanh tra Chính phủ và các cơ quan thanh tra, kiểm tra khác như: Nghiên cứu tổng quan về hệ thống các cơ quan kiểm tra, kiểm soát của Nhà nước để thấy rõ vị trí, vai trò của KTNN, TTNN trong kiểm soát việc quản  lý, sử dụng tài chính, tài sản công; phân tích làm rõ khái niệm, đặc điểm của KTNN, TTNN làm cơ sở cho việc phân tích địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ và phạm vi hoạt động của các cơ quan này trên cả phương diện lý luận và quy định của pháp luật thực định. Trên nền tảng đó, đề tài đã nghiên cứu khái quát được sự khác biệt cơ bản giữa KTNN, TTNN dựa trên các tiêu chí khoa học như: Địa vị pháp lý; Tính độc lập; Chức năng; Đối tượng, phạm vi thanh tra, kiểm toán; Nhiệm vụ, quyền hạn (thông qua hoạt động thanh tra, kiểm toán). Đề tài cũng nghiên cứu kinh nghiệm về thiết lập mô hình cơ quan KTNN, TTNN của một số quốc gia trên thế giới và rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong việc xác định mô hình và hoàn thiện quy định pháp lý về địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ và phạm vi hoạt động của KTNN, TTNN.

Về mặt thực tiễn, đề tài đã đánh giá thực trạng chồng chéo và thực trạng giải quyết chồng chéo trong hoạt động giữa TTNN và KTNN thời gian qua, đồng thời phân tích nguyên nhân dẫn đến tình trạng chồng chéo trong hoạt động của các cơ quan này. Đây chính là cơ sở thực tiễn đề đề ra 05 quan điểm và 04 nhóm giải pháp hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ và phạm vi hoạt động của KTNN, Thanh tra Chính phủ và các cơ quan thanh tra khác.
 
Nhãn


Tuy nhiên, để đề tài có giá trị khoa học và tính thuyết phục cao hơn, Hội đồng nghiệm thu đề nghị Ban chủ nhiệm đề tài tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện đề tài theo hướng làm rõ các nội dung, nội hàm, phạm vi của vấn đề nghiên cứu.

Trên cơ sở tổng hợp các ý kiến nhận xét của thành viên Hội đồng khoa học, GS.TS Đoàn Xuân Tiên, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu kết luận: Đây là một đề tài khoa học được tổ chức thực hiện nghiêm túc, có cơ sở lý luận và thực tiễn, các phương pháp nghiên cứu phù hợp với mục đích, phạm vi nghiên cứu. Đề tài có giá trị thực tiễn cao, kết quả nghiên cứu có giá trị tham khảo quan trọng cho các nhà hoạch định chính sách cho KTNN và các cơ quan thanh tra trong quá trình tổ chức và hoạt động.

Đề tại được Hội đồng nhất trí nghiệm thu với tổng điểm 80,33 và xếp loại khá./.

Hà Linh

Xem thêm »