Hội nghị giữa Thủ tướng với doanh nghiệp: “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế”

10/05/2020
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn0 - Ngày 9/5./2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị với doanh nghiệp “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế” theo hình thức truyền hình trực tuyến và truyền hình trực tiếp, nhằm bàn về các giải pháp cùng nỗ lực, vượt thách thức và đón thời cơ phục hồi nền kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19.

Toàn cảnh Hội nghị

Hội nghị lần này được tổ chức theo hình thức đặc biệt với quy mô tiếp cận lớn nhất từ trước tới nay, được truyền hình trực tuyến với 63 điểm cầu địa phương, 30 điểm cầu các Bộ, ngành cũng như truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam. Do đó, khoảng 800.000 doanh nghiệp trên toàn quốc, trên 5 triệu hộ kinh doanh và nhân dân cả nước có thể theo dõi.

Dự Hội nghị có các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng các Bộ, cơ quan ngang Bộ, lãnh đạo các cơ quan của Đảng, Quốc hội, tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách, các tổ chức quốc tế...

Tại điểm cầu Kiểm toán nhà nước, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Quang Thành chủ trì điểm cầu, cùng dự có đại diện lãnh đạo Văn phòng KTNN, Vụ Tổng hợp, Vụ Chế độ&KSCLKT và KTNN chuyên ngành VI.
 
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo Hội nghị

 
6 đề nghị với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, chúng ta cũng đang ở thời khắc mang tính bước ngoặt mới của lịch sử do đại dịch Covid-19 gây ra. Hiếm có biến cố y tế nào lại tác động mạnh khắp thế giới như dịch Covid-19 mà hậu quả hiện đã vượt xa các đại dịch khác, không chỉ ảnh hưởng sức khoẻ, mạng sống của nhóm người, một cộng đồng mà đã ảnh hưởng hàng tỷ người trên thế giới. Trên phương diện kinh tế, đại dịch ảnh hưởng lên chuỗi cung cầu, thị trường tài chính; sản xuất, kinh doanh, từ công nghiệp đến dịch vụ, bất kể các ngành nhỏ hay lớn đều không tránh khỏi.

Thủ tướng cho biết, nhận định của Ngân hàng Thế giới (WB) hay Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho thấy, mặc dù khó khăn, nhưng Việt Nam vẫn duy trì được nền tảng tăng trưởng. Theo đó, tăng trưởng GDP được dự báo ở mức cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Thủ tướng khẳng định, Việt Nam đã theo đuổi chiến lược mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch, vừa bảo đảm hoạt động kinh tế tối thiểu đi kèm các cải cách thể chế, cơ cấu, sớm vươn lên khi dịch bệnh bị đẩy lùi. Đến nay, công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Việt Nam được thế giới đánh giá rất cao. “Có được điều đó là do dân tộc ta có sẵn cách đề kháng của tinh thần đoàn kết, tuân thủ của người dân. Mỗi người chấp nhận hy sinh lợi ích cá nhân thì tất cả đều được lợi. Mặt khác, Đảng, Nhà nước có quyết sách đúng, quyết liệt, kịp thời, đồng bộ. Chúng ta không chủ quan nhưng đừng lo lắng. Việt Nam đã cơ bản đẩy lùi dịch Covid-19” - Thủ tướng khẳng định.

Theo người đứng đầu Chính phủ, mặc dù phải tuân thủ giãn cách xã hội và gián đoạn nguồn cung, nhưng kinh tế Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng bình quân cao hơn các nước khác. Thực tế đã chứng minh, Việt Nam không phải phụ thuộc quá lớn thị trường thế giới. Năng lực nội sinh của kinh tế Việt Nam là vô cùng lớn. Thời gian qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ cho người dân và nền kinh tế. Chống dịch nhưng phải bảo đảm phát triển kinh tế, bảo đảm đời sống nhân dân. Dịch bệnh rồi sẽ đi qua, nhịp sống xã hội đang dần bình thường, nền kinh tế sẽ như "chiếc lò xo bị nén lại" và bây giờ sẵn sàng bung ra. Với tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu phải khởi động lại nền kinh tế, phấn đấu GDP tăng hơn 5% năm 2020, lạm phát ở mức dưới 4%.

Thủ tướng yêu cầu, hội nghị này cần phải thể hiện được tinh thần yêu nước, yêu nước phải hành động, quyết tâm mạnh mẽ trong điều kiện mới. Hội nghị này không phải dịp bàn lùi, kể lể, than vãn, mà phải nêu được những trở ngại lớn với nền kinh tế và đề ra các giải pháp. Chính phủ không trực tiếp tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp (DN), nhưng Chính phủ sẽ tìm cách thức thúc đẩy tăng năng suất vì chỉ tăng năng suất mới là nguồn gốc bền vững.

5 mũi giáp công để tái khởi động trong lúc này là: Tăng cường thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế trong nước, nhất là đầu tư tư nhân; Tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI); Tăng cường xuất khẩu; Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; Khuyến khích tăng cường nhu cầu nội địa.

Hội nghị lần này bắt buộc bằng mọi giá phải có kết quả cụ thể, không nói suông, không nói rồi để đó, thể hiện cho được tinh thần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để tăng tốc phát triển.

Các Bộ, ngành, địa phương "xắn tay áo" vào cuộc, các địa phương phải tháo gỡ khó khăn cho DN với một tinh thần cải cách đổi mới, dám nghĩ, dám làm, kiến tạo, phát triển “Giờ đây, tinh thần chống trì trệ phải được thúc đẩy. Virus trì trệ ở đâu ? Đừng nhìn ở đâu xa mà ở ngay tổ chức, địa phương, DN của mình” - Thủ tướng nêu rõ.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có 6 đề nghị đến cộng đồng doanh nghiệp:

Thứ nhất là yêu Tổ quốc. Bởi làm gì mà không nghĩ đến Tổ quốc thì không thành doanh nghiệp lớn được. Yêu Tổ quốc là thượng tôn pháp luật, chia sẻ với Tổ quốc. Thời gian qua đã có nhiều tấm gương doanh nghiệp chia sẻ với đất nước trong giai đoạn khó khăn, doanh nghiệp lớn đóng góp lớn, doanh nghiệp nhỏ đóng góp nhỏ.

Thứ 2 là đoàn kết, vì mất đoàn kết là tự làm yếu mình.

Thứ 3 là không được nản chí, bởi nản chí là tự mình bỏ cuộc. Môi trường kinh doanh của Việt Nam còn những khó khăn thách thức, nhưng doanh nghiệp cần vượt qua.

Thứ 4, doanh nghiệp cần năng động, quyết đoán, vì thụ động thì không thể thành công được.

Thứ 5, doanh nghiệp cần sáng tạo, vì thiếu sáng tạo thì tự mình tụt lại phía sau.

Thứ 6, cần có niềm tin, vì không có niềm tin là tự chối bỏ mình.
 
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Nicolas Audier phát biểu tại Hội nghị

 Những thách thức và cơ hội phát triển của doanh nghiệp

Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết: Theo dự báo của các tổ chức uy tín quốc tế, đại dịch Covid-19 sẽ khiến cho kinh tế thế giới năm 2020 tăng trưởng âm khoảng 3%, đẩy thêm nửa tỷ người trên thế giới bị lâm vào cảnh đói nghèo. GDP năm 2020 của một số nền kinh tế lớn trên thế giới được dự báo sụt giảm mạnh như Mỹ âm 5,9%, Anh âm 6,5% và khu vực đồng tiền chung châu Âu âm 7,5% . Trong khi đó, Việt Nam đã nỗ lực đạt được “trạng thái tích cực”: tăng trưởng GDP quý I năm 2020 đạt 3,82%, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt gần 83 tỷ đô la Mỹ, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước, xuất siêu 3 tỷ đô la Mỹ.

Các DN phải đối mặt với “khó khăn kép”: Vừa thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, vừa bị giảm mạnh thị trường đầu ra tiêu thụ hàng hoá và xuất khẩu, nhất là các ngành hàng tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu. Các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư bị ngưng trệ, doanh thu bị sụt giảm, dẫn đến tính trạng thua lỗ; nhiều DN đã phải tạm dừng hoạt động, thu hẹp sản xuất, nhất là DN có quy mô vừa và nhỏ.

Cuối tháng 4/2020, Bộ KH-ĐT tiến hành khảo sát nhanh gần 130.000 DN. Theo đó, khoảng 86% DN bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19; doanh thu dự kiến 4 tháng đầu năm 2020 giảm mạnh xuống còn khoảng 70% so cùng kỳ năm 2019. Một trong những khó khăn lớn nhất của các DN hiện nay là thiếu vốn, đặc biệt là vốn lưu động. Có trên 45% số DN đang bị thiếu hụt nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh. Khó khăn về thị trường, nguồn thu, dòng tiền đã khiến nhiều DN buộc phải sử dụng các biện pháp cắt giảm tiền lương và lao động.

Các số liệu về tình hình đăng ký DN trong 4 tháng đầu năm 2020 cho thấy, số DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng mạnh (tăng 33,6% so với cùng kỳ 2019).

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT cho rằng, các chính sách vừa qua của Chính phủ đã phần nào chia sẻ được những tổn thất mà DN phải gánh chịu. 88% DN được khảo sát nhận định các nhóm giải pháp Chính phủ ban hành theo Chỉ thị số 11 là phù hợp và kịp thời. Tuy nhiên, cộng đồng DN kỳ vọng vào những quyết sách và hành động mạnh mẽ hơn nữa từ phía các cơ quan nhà nước, để đồng hành cùng DN chớp lấy cơ hội trong điều kiện dịch bệnh đã được kiểm soát tốt ở nước ta.

Điểm đáng lưu ý trong các kiến nghị của DN là Chính phủ cần thực hiện triệt để việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính, đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng, nhất quán trong các quy định, chính sách; thái độ phục vụ và tính công minh, sát cánh cùng DN của đội ngũ cán bộ cấp thực thi. Đây là điều DN mong mỏi nhất từ phía các cơ quan chính quyền hơn là các hỗ trợ bằng tiền.

Hiện nay, uy tín và vị thế của Việt Nam đang được đánh giá rất cao qua những thành công đạt được trong công tác phòng, chống đại dịch Covid-19. Đây là cơ hội để thế giới biết tới Việt Nam với lợi thế đặc biệt về “sự tin cậy chiến lược”, là điểm đến đầu tư an toàn và sẵn sàng đón nhận các dòng vốn chuyển dịch tới Việt Nam. Lợi thế này có thể tạo đà cho Việt Nam đi trước một bước để phục hồi nền kinh tế, thiết lập vị thế mới trên trường quốc tế.

Bộ KH-ĐT đề xuất cần quán triệt quan điểm hỗ trợ tối đa cho DN phát triển; coi việc thực hiện các giải pháp, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển DN và khôi phục nền kinh tế là nhiệm vụ trọng yếu, cấp bách, cần sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị như đã áp dụng đối với công cuộc phòng chống dịch Covid-19. Trong trạng thái mới của nền kinh tế, điều quan trọng nhất đối với các DN chính là các biện pháp phòng, chống dịch bệnh hợp lý, không quá cực đoan, qua đó tạo điều kiện cho các DN dần thích nghi với điều kiện vừa phục hồi dần các hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm an toàn cho người lao động, tìm kiếm và tận dụng những cơ hội mới để phát triển, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế quốc gia.
 
Đẩy mạnh cải cách thể chế - nền tảng quan trọng nhất

Báo cáo của TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI cho biết, cuối tháng 4 đầu tháng 5/2020, VCCI tiến hành một cuộc khảo sát về thực trạng của cộng đồng DN, thì có tới 55% DN cho biết sẽ tiếp tục duy trì quy mô sản xuất hiện tại trong quý 3/2020; 22% có kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh, chỉ 21% sẽ thu hẹp quy mô, tạm dừng hoạt động. Xu hướng này là đáng khích lệ và tốt hơn rất nhiều so với thực trạng DN mà VCCI công bố 1 tháng trước đây.

Một lần nữa, sức sống, kiên cường, khả năng chống chịu của các DN Việt Nam trong điều kiện khó khăn, khủng hoảng lại bừng dậy. Nhiều DN, dù lợi nhuận không còn, thậm chí thua lỗ, doanh thu sụt giảm, nhưng các doanh nhân vẫn cố gắng tới mức cao nhất chăm lo cho người lao động, tỷ lệ việc làm vẫn duy trì ở mức rất cao, cho thấy tình cảm và trách nhiệm xã hội của các DN, doanh nhân – những cỗ máy tạo việc làm của nền kinh tế - những người dám đánh đổi sự bình yên của cá nhân và gia đình mình để làm giàu đất nước và lo sinh kế cho dân.

Chủ tịch VCCI cho rằng, tình hình DN đã được cải thiện, nhưng vẫn còn rất gian nan và những biện pháp trợ giúp kịp thời từ Chính phủ là vô cùng quan trọng. Trong điều kiện ngân sách Nhà nước khó khăn, Chính phủ đã dành các gói tài khoá, tín dụng, với quy mô chưa từng có, để hỗ trợ DN, thể hiện tinh thần sẻ chia, đồng hành cùng DN.

Cộng đồng DN đề nghị Chính phủ, Quốc hội xem xét, bổ sung thêm các sắc thuế, phí cần miễn, giảm; kéo dài thời hạn hoãn các khoản phải nộp, phải trả của DN; nới room - tăng trần hạn mức tăng trưởng tín dụng cho vay... “Doanh nghiệp kiến nghị là các cơ quan và tổ chức có liên quan thúc đẩy thực thi thật nhanh, hiệu quả, minh bạch và công tâm các gói hỗ trợ đã được ban hành. Một miếng khi đói bằng một gói khi no. Nhanh một ngày thì DN sống, chậm một ngày DN có thể sẽ không còn, thì lúc đó các biện pháp hà hơi, tiếp sức sẽ chẳng có ích gì” - ông Vũ Tiến Lộc phát biểu.

Về lâu dài, Chủ tịch VCCI cho rằng đẩy mạnh cải cách thể chế là nền tảng quan trọng nhất. Quốc hội, Chính phủ đã quyết định mục tiêu đưa Việt Nam lọt vào nhóm 3 – nhóm 4 về năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh trong ASEAN. Chính phủ cần kiên định thực hiện mục tiêu này và coi đó là thước đo đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ chính trị của người đứng đầu ở tất cả các cấp, các ngành và các địa phương... “Biết nhà nước khó khăn, DN không xin tiền, chỉ xin cơ chế. Chính sự minh bạch hóa, đơn giản hóa để rút ngắn tối đa thời gian và chi phí thực hiện các thủ tục hành chính mới là giải pháp cứu cánh bền vững cho DN” - ông Vũ Tiến Lộc nói.

Đóng góp ý kiến tại Hội nghị, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Nguyễn Văn Thân cho biết, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đánh giá rất cao sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của Chính phủ với doanh nghiệp và người lao động. Nhắc đến các quyết sách như Chỉ thị 11, Nghị quyết 42 và Quyết định 15, ông nhìn nhận đã có nhiều gói hỗ trợ ra đời liên quan đến an sinh xã hội, tài khóa, điện và viễn thông.

Ông Nguyễn Văn Thân kiến nghị 6 vấn đề, trong đó đề nghị Chính phủ cần nhanh chóng tăng cường nguồn lực tài chính và con người cho các quỹ bảo lãnh tín dụng, đồng thời giảm bớt các thủ tục bảo lãnh vay; tập trung khai thác thị trường nội địa trên tinh thần “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cũng như có những giải pháp hữu hiệu, vượt trội để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường Việt Nam.

Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu Eurocham Nicolas Audier cũng nhìn nhận, Việt Nam có vị thế tốt để đón đầu các cơ hội mới. Các biện pháp của Việt Nam đang trở thành hình mẫu cho các quốc gia khác noi theo, bảo vệ sức khỏe của người dân, giúp duy trì niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu. "Việt Nam có thể tận dụng vị thế Chủ tịch ASEAN để kêu gọi một gói phục hồi nền kinh tế, gói hợp tác công tư không chỉ ở Việt Nam mà trong toàn bộ ASEAN." - Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu Eurocham Nicolas Audier nói…
 
Doanh nghiệp là lực lượng chủ chốt trên mặt trận kinh tế

Sau gần 4 tiếng đồng hồ lắng nghe các ý kiến phát biểu, kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu nhận định chung là các đại biểu trong nước và quốc tế đều đánh giá cao công tác chỉ đạo chống dịch Covid-19 thành công ở Việt Nam.

Đây là một điểm sáng, Việt Nam đã đi trước nhiều nước, đặc biệt là các nước Đông Nam Á, trong kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh. Chúng ta đã xác lập một trạng thái bình thường mới để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh bình thường ở Việt Nam. Do đó, Việt Nam sẽ tiếp tục đồng ý đưa các chuyên gia, các nhà quản lý người nước ngoài vào Việt Nam để hợp tác cùng Việt Nam phát triển kinh tế đất nước, trước hết là Lào, Campuchia và nhiều nước khác trong thời gian tới.

Khẳng định vị trí của doanh nghiệp là lực lượng chủ chốt trên mặt trận kinh tế, từ đóng góp tăng trưởng đến giải quyết việc làm, thu ngân sách, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, Thủ tướng nêu ra 3 yêu cầu đối với doanh nghiệp. Một là các doanh nghiệp không được trông chờ, ỷ lại trong phát triển. Thứ hai, doanh nghiệp phải được tái cơ cấu, nâng cao trình độ quản trị để phát triển bền vững. Thứ ba, các cấp, các ngành, đặc biệt là doanh nghiệp áp dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, nhất là cuộc cách mạng 4.0 để nâng cao năng suất.

Tại Hội nghị, Thủ tướng ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp về trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Chính phủ, các cơ quan liên quan lắng nghe, tiếp thu ý kiến các đại biểu, nhà đầu tư, doanh nghiệp, hiệp hội trong và ngoài nước để Chính phủ có nghị quyết tốt nhất tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển trong thời gian tới.

Các Bộ, cơ quan, đặc biệt là các địa phương cần có chương trình hành động cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phát triển, trong đó “có một vài ý lớn mà các doanh nghiệp đều nói, đó là cải thiện tình hình kiểm soát, tăng cường hậu kiểm, làm nhanh các thủ tục”. Đặc biệt quan tâm đến doanh nghiệp và người lao động yếu thế, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Quan tâm xử lý kiến nghị của doanh nghiệp nhanh hơn, thuận lợi hơn, không được đổ qua, đổ lại làm mất thời cơ kinh doanh của doanh nghiệp. “Tất cả doanh nghiệp đang chờ tiếng nói giải quyết nhanh của các cơ quan Nhà nước, đặc biệt các địa phương, tháo gỡ cho doanh nghiệp hiện nay có nhiều vướng mắc. Chủ tịch UBND các tỉnh, các Bộ trưởng có liên quan phải có trách nhiệm xử lý nhanh những kiến nghị này để tháo gỡ cho doanh nghiệp” - Thủ tướng nói.

Đối với doanh nghiệp cũng như với các cơ quan Nhà nước, Thủ tướng cho rằng hiện nay cần phải giữ 3 thứ, đó là giữ lao động; giữ thị trường và phát triển thị trường; giữ danh dự, bản lĩnh doanh nhân Việt Nam đổi mới, trung thực và quyết tâm phát triển. Trên tinh thần đó, phải cải cách, tái cơ cấu doanh nghiệp phù hợp với bối cảnh hiện nay.

Thủ tướng yêu cầu một số vấn đề lớn mà các cơ quan Nhà nước phải quan tâm xử lý, đó là tạo môi trường tốt cho doanh nghiệp, hợp tác, hỗ trợ doanh nghiệp cả về chính sách, chia sẻ cùng doanh nghiệp. Đặc biệt, các doanh nghiệp đều mong muốn cần phải giữ ổn định vĩ mô, nhất là giữ lạm phát, giữ giá trị đồng Việt Nam.
Dẫn câu nói “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, Thủ tướng nhấn mạnh “khó khăn bằng hai thì chúng ta phải cố gắng bằng ba để vượt qua”. Chúng ta cùng đoàn kết, cùng quyết tâm, cùng nhau lập thành tích, hoàn thành nhiệm vụ cao nhất trong năm nay và các năm tiếp theo, đóng góp vào phát triển dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh./.

Phương Ngọc
 
 
 

Xem thêm »