Xử lý các yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ thuộc ngành Công thương: Kiểm toán nhà nước khẩn trương hoàn thành kiểm toán theo nhiệm vụ

04/04/2020
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Sáng 3/4/2020, tại trụ sở Chính phủ, Ba Đình, Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã chủ trì phiên họp lần thứ 9 Ban chỉ đạo xử lý các yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp (DN) chậm tiến độ thuộc ngành công thương.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu khai mạc phiên họp

Tham dự phiên họp có Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh; lãnh đạo các Bộ, ngành và các Tập đoàn, Tổng công ty có liên quan.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nêu rõ, Phiên họp thứ 9 của Ban Chỉ đạo bàn về tình hình, tiến độ xử lý các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công thương để từ đó đánh giá, xác định rõ các khó khăn, vướng mắc và đề ra giải pháp với từng dự án, doanh nghiệp trong năm 2020. Dự án nào không thể phục hồi thì kiên quyết giải thể, phá sản chứ không nói chung chung là đang tốt hơn nhưng thực tế là vẫn đang lỗ, có khi còn lỗ nặng, càng xử lý càng mất vốn. “Đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo thẳng thắn làm rõ các vấn đề lớn như những kết quả cụ thể, khó khăn vướng mắc nhất hiện nay của từng dự án, doanh nghiệp và giải pháp tháo gỡ, nhất là các vấn đề vướng mắc pháp lý về tổng thầu EPC và giải pháp về tài chính, tín dụng” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh. 

Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh cho biết, sau 3 năm triển khai đề án, các dự án yếu kém ngành Công thương đã có những chuyển biến nhất định, bước đầu đạt được một số mục tiêu, yêu cầu theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Thủ tướng. Trong số 6 dự án có hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng thua lỗ trước đây,  năm 2018 và 2019, có 2 nhà máy có lãi là: DAP-1 Hải Phòng, Thép Việt Trung; 4 dự án từng bước khắc phục khó khăn, giảm lỗ là: Đạm Hà Bắc, Đạm Ninh Bình, DAP-2 Lào Cai, Công nghiệp tàu thủy Dung Quất DQS; 3 dự án đã bị dừng sản xuất kinh doanh, nhưng hiện 1 dự án vận hành trở lại  là Xơ sợi PVTex Đình Vũ. Còn 2 dự án đủ điều kiện vận hành trở lại, nhưng chưa khởi động do điều kiện thị trường khó khăn là: Nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi và Bình Phước.

Tại cuộc họp, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Hóa chất Việt Nam Nguyễn Phú Cường cho biết, trong 4 dự án yếu kém của Tập đoàn, ngoài DAP-1 Hải Phòng có lãi trong năm 2019, 3 dự án còn lại là DAP-2 Lào Cai, Đạm Hà Bắc, Đạm Ninh Bình đều lỗ.

Theo ông Nguyễn Phú Cường, 3 dự án làm ăn thua lỗ đã hút toàn bộ nguồn lãi của các doanh nghiệp khác. Tập đoàn đồng tình với phương án của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là bán 3 công ty này, trường hợp bán không thành công thì tiến hành thủ tục phá sản.

Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Thép Việt Nam Nghiêm Xuân Đa cho biết, với các phương án hiện nay thì rất khó hoàn thành mục tiêu xử lý dứt điểm yếu kém 2 dự án mà Tổng Công ty tham gia là Thép Việt Trung và Dự án mở rộng giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO-2).  Thay vì phải bảo toàn vốn Nhà nước tại doanh nghiệp thì chấp nhận giảm thiểu tối đa tổn thất tại các dự án. Lấy mục tiêu hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án là chủ đạo trong quá trình xử lý. “Chủ đầu tư là Tổng Công ty Thép có thể thiệt hại trong quá trình xử lý, tuy nhiên, lợi ích kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của dự án về tổng thể sẽ lớn hơn, tốt hơn. Nhà nước, chủ đầu tư, ngân hàng, các bên liên quan, các địa phương cùng chia sẻ khó khăn” – ông Nghiêm Xuân Đa kiến nghị.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho rằng, nên có lộ trình giải quyết dứt điểm 12 dự án trên. Ông nhất trí với quan điểm của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là bán toàn bộ phần vốn của Tổng Công ty Thép tại dự án TISCO-2, nhưng phải chuyển trách nhiệm bảo lãnh sang nhà đầu tư mới.

Theo Trung tướng Lương Tam Quang - Thứ trưởng Bộ Công an, nhiều dự án đang dở dang và còn tranh chấp hợp đồng EPC, chưa quyết toán dự án hoàn thành, chưa xác định được hậu quả thiệt hại. Vì vậy, Bộ Công an sẽ chỉ đạo các đơn vị ở các địa phương có dự án tổ chức nắm, phát hiện dấu hiệu sai phạm và điều tra xử lý theo quy định, nhất là với các vụ án kinh tế, chú trọng công tác thu hồi tài sản.
 
Trước vướng mắc pháp lý quyết toán các hợp đồng EPC, quyết toán và xử lý tài sản các dự án, doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo, đôn đốc và giám sát các Tập đoàn, Tổng công ty thực hiện đúng ý kiến chỉ đạo tại Thông báo số 86/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ. Xác định rõ trách nhiệm thuộc về Tập đoàn, Tổng công ty và doanh nghiệp chủ đầu tư dự án để tập trung xử lý dứt điểm các vướng mắc này trong năm 2020.

Về hướng xử lý cụ thể đối với từng dự án, doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ chỉ rõ, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án 1468, tuy nhiên, qua báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, một số phương án đã hoàn thành hướng xử lý bước đầu nhưng bước triển khai tiếp theo không còn phù hợp và khả thi, một số phương án đưa ra nhiều lựa chọn thực hiện tùy theo tình hình nên chưa xác định tiến độ, thời hạn xử lý, đến nay cần quyết định phương án để xử lý dứt điểm. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) nghiên cứu, tham gia quá trình tái cơ cấu các dự án yếu kém trên theo đúng vai trò, chức năng của DATC. Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chỉ đạo và tạo điều kiện để DATC tham gia tái cơ cấu các dự án, DN theo quy định của pháp luật, cố gắng giảm thiểu thiệt hại tối đa cho nhà nước.

Bộ Thông tin và Truyền thông  chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành, đơn vị liên quan chỉ đạo định hướng cơ quan báo chí vê công tác thông tin, tuyên truyền về tình hình, kết quả xử lý các dự án, DN chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành Công thương, tránh gây hoang mang trong dư luận.

Phó Thủ tướng đề nghị Kiểm toán nhà nước, Thanh tra Chính phủ và Bộ Công an khẩn trương hoàn thành các nhiệm vụ kiểm toán, thanh tra, điều tra, xử lý vi phạm theo đề án và kế hoạch của Ban chỉ đạo, bảo đảm đúng thời hạn theo quy định tại đề án. Kiểm toán Nhà nước khẩn trương hoàn thành kiểm toán theo nhiệm vụ của mình.

Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng xem xét các giải pháp cơ cấu nợ để tiếp tục đồng hành cùng DN, chủ đầu tư; phối hợp các Tập đoàn, Tổng công ty và DATC để cùng xây dựng phương án tái cơ cấu có tính khả thi, bảo đảm khả năng trả nợ các ngân hàng.

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tổng hợp đầy đủ ý kiến tại phiên họp này, kết luận của trưởng Ban chỉ đạo để khẩn trương hoàn thiện báo cáo về tình hình tiến độ xử lý 12 dự án, hướng xử lý cụ thể đối với từng dự án để trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 4/2020, báo cáo Chính phủ thông qua trước khi trình Quốc hội và Thường trực Ban Bí thư./.

Khánh Vy
 

Xem thêm »