Nâng cao chất lượng hoạt động Giám định tư pháp, phục vụ đấu tranh và phòng chống tham nhũng trong tình hình mới

20/11/2019
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) – Chiều ngày 19/11/2019, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 21 tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội nghe và thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp (GĐTP).

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Tờ trình về dự án Luật

Hoàn thiện thể chế về giám định tư pháp

Trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GĐTP, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, dự án Luật này được sửa đổi, bổ sung nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế về GĐTP, phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác giám định tư pháp; nâng cao chất lượng hoạt động GĐTP, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của hoạt động tố tụng, đặc biệt trong giải quyết án tham nhũng, kinh tế.  

Dự thảo Luật tập trung sửa đổi, bổ sung những vấn đề mang tính cấp bách, cần thiết nhất để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc lớn về thể chế, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất giữa các quy định của Luật GĐTP với các quy định có liên quan của pháp luật về tố tụng hình sự, dân sự, hành chính, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám định, phục vụ đắc lực cho công cuộc cải cách tư pháp, phòng và chống tham nhũng, phát triển kinh tế - xã hội.

Phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ chuyên quản lĩnh vực GĐTP, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các cơ quan tiến hành tố tụng, đồng thời có những điều chỉnh phù hợp, tăng cường cơ chế thông tin, phối hợp liên ngành để bảo đảm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về GĐTP, sự điều hành thông suốt từ Trung ương đến địa phương.

Tạo điều kiện đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động GĐTP phù hợp với tính chất, đặc thù của các lĩnh vực và yêu cầu của thực tiễn, nhằm huy động mạnh mẽ hơn nữa nguồn lực xã hội cho hoạt động này nhằm giảm bớt gánh nặng cho ngân sách, bộ máy, biên chế của Nhà nước trong điều kiện đẩy mạnh cải cách hành chính, tinh giản bộ máy và biên chế hiện nay.

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, dự án Luật bổ sung 04 Điều gồm: Điều 25a về tiếp nhận trưng cầu giám định; Điều 26a về thời hạn giám định; Điều 34a về xử lý vi phạm trong hoạt động giám định tư pháp, Điều 41a về nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm toán nhà nước; Sửa đổi, bổ sung 04 Điều (Điều 20; Điều 25; Điều 31; Điều 41); Sửa đổi, bổ sung 18 Khoản và 14 điểm.

Cụ thể bổ sung, sửa đổi về: Quyền, nghĩa vụ của người giám định tư pháp; trách nhiệm quản lý, lập và công bố danh sách người giám định, tổ chức giám định theo vụ việc; trách nhiệm của cơ quan trưng cầu, cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận, thực hiện giám định; cơ chế phối hợp trong trưng cầu, tiếp nhận và thực hiện vụ việc giám định liên quan đa ngành, đa lĩnh vực; thời hạn giám định; yêu cầu đối với nội dung trưng cầu và kết luận giám định; tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; trách nhiệm của các Bộ, ngành đối với hoạt động giám định tư pháp; xử lý vi phạm trong hoạt động giám định; việc áp dụng quy định của Luật GĐTP trong thực hiện giám định theo trưng cầu của cơ quan thanh tra. 

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, để khắc phục khó khăn, vướng mắc trong các vụ việc cần trưng cầu giám định mà có nội dung chuyên môn liên quan đến nhiều cơ quan, tổ chức, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Khoản 4 Điều 25: Trường hợp nội dung cần giám định liên quan đến nhiều lĩnh vực, thuộc trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức thì người trưng cầu giám định phải tách riêng từng nội dung để trưng cầu cơ quan, tổ chức có chuyên môn phù hợp thực hiện giám định; trong trường hợp không thể tách riêng để trưng cầu thì người trưng cầu giám định phải xác định rõ cơ quan, tổ chức chủ trì, cơ quan, tổ chức phối hợp tiếp nhận trưng cầu, thực hiện giám định trong Quyết định trưng cầu giám định. Cơ quan, tổ chức được đề nghị phối hợp giám định phải có văn bản cử người có đủ điều kiện tham gia việc giám định gửi người trưng cầu giám định, đồng thời gửi cơ quan chủ trì thực hiện giám định.

 

Quang cảnh phiên họp

Dự thảo Luật bổ sung Điều 25a về tiếp nhận trưng cầu giám định, trong đó xác định rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức giám định ở cấp tỉnh, cấp Trung ương trong việc tiếp nhận và thực hiện giám định theo trưng cầu của người trưng cầu giám định; đồng thời quy định cụ thể trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ căn cứ vào tính chất đặc thù và điều kiện thực tế lĩnh vực giám định thuộc thẩm quyền quản lý hướng dẫn việc tiếp nhận và thực hiện giám định của cá nhân, tổ chức ở trung ương và địa phương, bảo đảm đáp ứng tốt yêu cầu của hoạt động tố tụng. 

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 21: Người trưng cầu giám định có nghĩa vụ xác định rõ nội dung, lĩnh vực hoặc chuyên ngành cần giám định trong vụ án, vụ việc đang giải quyết; cung cấp kịp thời, đầy đủ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin, tài liệu, mẫu vật có liên quan đến đối tượng, nội dung cần giám định theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức thực hiện GĐTP. Sửa đổi, bổ sung điểm g Khoản 1 Điều 32: Tổ chức được trưng cầu có trách nhiệm phân công, bảo đảm thời gian thực hiện giám định cho người đã được phân công. Người giám định có trách nhiệm kết luận rõ ràng, nhận xét, đánh giá cụ thể về chuyên môn những nội dung được trưng cầu, yêu cầu giám định.

Do công tác tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao về GĐTP ở một số Bộ, ngành chưa được quan tâm; việc chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiệm vụ thuộc thẩm quyền quản lý chưa được đề cao, thiếu kiểm tra, giám sát; hoạt động giám định tư pháp theo vụ việc ở những lĩnh vực không có tổ chức giám định và giám định viên chuyên trách chưa được quan tâm đúng mức, chưa được tạo điều kiện đầy đủ để thực hiện giám định, nên Dự thảo luật xác định cụ thể trách nhiệm của các Bộ, ngành đối với công tác giám định tư pháp, đồng thời  bổ sung quy định: Bộ, ngành chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm số lượng, chất lượng người giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp thuộc lĩnh vực quản lý, phân công đơn vị đầu mối thuộc bộ, cơ quan ngang bộ giúp tham mưu trong công tác giám định tư pháp; quy định rõ hơn trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng là Bộ Công an, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Tòa án Nhân dân tối cao đối với công tác này.

Tháo gỡ vướng mắc, bất cập về thể chế, khắc phục ngay những tồn tại, khó khăn trong công tác GĐTP

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GĐTP, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tán thành với tên gọi, phạm vi sửa đổi và quan điểm chỉ đạo sửa đổi, bổ sung dự án Luật nhằm Tháo gỡ vướng mắc, bất cập về thể chế, khắc phục ngay những tồn tại, khó khăn trong công tác giám định tư pháp phục vụ giải quyết án tham nhũng, kinh tế, không mở rộng sửa đổi sang các nội dung của Luật đã có tính ổn định, bền vững.
 

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày báo cáo thẩm tra trước Quốc hội

Ủy ban Tư pháp cho rằng, phạm vi sửa đổi Luật GĐTP không nên mở rộng sang nội dung về thẩm quyền, nhiệm vụ và thủ tục tố tụng; nên tập trung vào việc sửa đổi quy định về người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc và hoạt động giám định tư pháp nhằm tập trung tháo gỡ những vướng mắc mà thực tiễn thi hành Luật GĐTP; xác định rõ mối quan hệ, trách nhiệm pháp lý giữa Bộ chủ quản với tổ chức, cá nhân giám định tư pháp theo vụ việc; giải quyết vướng mắc về kinh phí GĐTP…; đáp ứng yêu cầu công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án về kinh tế, tham nhũng và bảo đảm sự thống nhất trong hệ thống pháp luật. “Nội dung quy định trong dự thảo Luật chưa giải quyết được vướng mắc liên quan đến việc thực hiện giám định tư pháp trong trường hợp liên quan đến nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau. Vì vậy, dự thảo Luật phải làm rõ 02 vấn đề: Tiêu chí để cơ quan trưng cầu giám định lựa chọn cơ quan, tổ chức chủ trì; Thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức chủ trì và cơ quan, tổ chức tham gia phối hợp giám định. Nếu Luật không quy định rõ sẽ dẫn đến lúng túng, đùn đẩy, khó khả thi trong thực tế.” - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhấn mạnh.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp cũng đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu kỹ lưỡng, chưa nên đưa tổ chức giám định tư pháp công lập vào nội dung sửa đổi, bổ sung Luật lần này. Ủy ban Tư pháp cũng cho rằng việc bổ sung quy định theo hướng “phân tuyến” việc tiếp nhận trưng cầu giám định tư pháp theo thứ tự cấp tỉnh và Trung ương là không cần thiết, không đạt được mục đích giảm tải cho các cơ quan Trung ương. Ủy ban Tư pháp cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, đề xuất phương án quy định về nguyên tắc, cơ chế quản lý, sử dụng kinh phí riêng cho việc trưng cầu giám định tư pháp, bảo đảm phục vụ hiệu quả hoạt động của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng và quyền lợi hợp pháp của tổ chức, cá nhân thực hiện giám định tư pháp.

Thảo luận tại Tổ về dự thảo Luật, các đại biểu tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GĐTP. Các đại biểu tập trung cho ý kiến về những nội dung sau: Về tên gọi, quan điểm chỉ đạo, phạm vi sửa đổi của dự án Luật; tổ chức giám định tư pháp công lập; quy định tiếp nhận trưng cầu giám định tư pháp; về thời hạn giám định; xử lý vi phạm trong hoạt động giám định tư pháp; nhiệm vụ, quyền hạn của bộ, cơ quan ngang bộ quản lý lĩnh vực giám định tư pháp; nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm toán Nhà nước và nhiệm vụ quyền hạn của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao; về kinh phí giám định; về áp dụng quy định trưng cầu giám định của cơ quan thanh tra…/.

Nguyễn Dũng

Xem thêm »