Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật viên chức

11/06/2019
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Chiều 10/6/2019, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Quang cảnh phiên họp

Trong quá trình thảo luận đã có 19 đại biểu phát biểu ý kiến, 05 đại biểu tranh luận. Nhiều ý kiến đại biểu tán thành với Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về sự cần thiết và phạm vi sửa đổi, bổ sung của Luật. Đồng thời nhấn mạnh đây là dự án Luật quan trọng để kịp thời cụ thể hóa chủ trương của Đảng về tiếp tục đổi mới công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, khắc phục những bất cập trong pháp luật hiện hành, được cử tri và nhân dân cả nước quan tâm.

Một số ý kiến đề nghị nghiên cứu sửa đổi, bổ sung thêm một số nội dung để tiếp tục thể chế hóa chủ trương của Đảng và giải quyết các vướng mắc trong quá trình thi hành.

Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức phải gắn với vị trí việc làm, thể hiện thông qua công việc, sản phẩm cụ thể

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng, đánh giá cán bộ công chức là một khâu có ý nghĩa quan trọng trong công tác tổ chức cán bộ. Kết quả đánh giá công chức là một trong những cơ sở quan trọng trọng bố trí sử dụng, đào tạo, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ công chức, cũng như để loại bỏ cán bộ công chức không đủ năng lực, ý chí phẩm chất ra khỏi bộ máy Nhà nước. Tuy nhiên, quá trình đánh giá cán bộ công chức thời gian qua, chưa đáp ứng được như mong đợi. “Cử tri còn nhớ, Thủ tướng đã có lần nói rằng, khoảng 3% cán bộ công chức ở tình trạng sáng cắp ô đi, tối cắp ô về, điều đó cho thấy công tác đánh giá cán bộ công chức còn hạn chế, chưa bám vào kết quả cụ thể, các tiêu chí đánh giá còn nặng định tính, nên chung chung, chưa định lượng được” - Ông Tô Văn Tám nói.

Theo đại biểu Tô Văn Tám, dự thảo Luật lần này có bổ sung quan trọng tại Điều 56 đã quy định các nội dung đánh giá công chức khá rõ, đã lường hóa được 1 số nội dung. Tuy nhiên cần bổ sung quy định về phương pháp đánh giá cán bộ công chức theo hướng dựa trên kết quả điều tra, sát hạch định kỳ, hay thăm dò ý kiến nhân dân, hay bỏ phiếu.

Về vấn đề đánh giá cán bộ công chức, viên chức, đại biểu Trương Thị Yến Linh (Cà Mau) cho rằng, việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phải gắn với vị trí việc làm, thể hiện thông qua công việc, sản phẩm cụ thể. Đại biểu Trương Thị Yến Linh cũng đề nghị ban soạn thảo xem xét, bổ sung quy định công chức có nhiệm vụ thống kê số lượng đầu công việc đã xử lý trong năm, bao gồm cả công việc chuyên môn gắn với vị trí việc làm đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và các nhiệm vụ khác được lãnh đạo giao nhằm mang tính định lượng, góp phần xác định hiệu quả công tác của công chức, qua đó xác định hiệu quả sử dụng công chức của cơ quan, đơn vị. "Có như vậy mới khắc phục được tình trạng làm nhiều sai nhiều, không làm không sai, hoặc chọn việc mà làm của một bộ phận công chức hiện nay; đồng thời tiến tới nâng cao hơn nữa chất lượng công chức, đặc biệt là nâng cao hiệu quả sử dụng công chức của cơ quan đơn vị, cũng là hiệu quả đầu tư của ngân sách nhà nước trong thời gian tới" - đại biểu phân tích.

Nhiều ý kiến ủng hộ đề xuất bỏ hình thức giáng chức, thay bằng cách chứcđối với cán bộ vi phạm
Phiên thảo luận cũng ghi nhận nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội ủng hộ đề xuất bỏ hình thức giáng chức, thay bằng cách chức đối với cán bộ vi phạm.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yên), việc bỏ hình thức kỷ luật giáng chức đối với công chức tại khoản 1 Điều 79 thay bằng kỷ luật cách chức sẽ đảm bảo tương ứng với khối hình thức xử lý đảng viên là: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ. Do vậy công chức giữ chức vụ lãnh đạo quản lý có 4 hình thức: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, buộc thôi việc.

Ngoài ra, theo đại biểu Nguyễn Thị Phúc, việc áp dụng hình thức giáng chức sẽ dẫn tới tình trạng nể nang, né tránh không đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. "Về hình thức kỷ luật giáng chức sẽ xung đột với việc bố trí công chức theo vị trí việc làm, bởi hình thức giáng chức thực chất chỉ là bổ nhiệm vào vị trí chức vụ thấp hơn, trong khi vị trí đó đã được định đủ số lượng lãnh đạo quản lý. Hơn nữa người bị xử lý kỷ luật giáng chức mà vẫn công tác trong cơ quan cũ, vẫn trong lĩnh vực chuyên môn cũ sẽ gây khó khăn cho người lãnh đạo mới trong thực hiện nhiệm vụ và tham mưu" - đại biểu Nguyễn Thị Phúc phân tích.
Đồng quan điểm, đại biểu Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) cho rằng, hình thức giáng chức có khả năng áp dụng để bao che hay cảm tính cho cán bộ bị kỷ luật. “Nếu cán bộ vi phạm tới mức phải cách chức thì cách chức, còn không thì cảnh cáo, chứ giáng chức không đủ mức răn đe, có thể nể nang, xử lý nhẹ hơn”- ông Hoà nhấn mạnh.

Ở một góc nhìn khác, đại biểu Mong Văn Tình  (Nghệ An) đề nghị giữ nguyên như luật hiện hành, tức là chỉ nên kỷ luật giáng chức với cán bộ vi phạm. Vì theo ông, nếu làm mất hết chức vụ của công chức sẽ là phủ nhận mọi nỗ lực phấn đấu của công chức đó suốt một quá trình dài. "Việc áp dụng giáng chức cũng tiếp tục tận dụng được chất xám của cán bộ đó tại vị trí việc làm gắn bó lâu năm, đồng thời tạo điều kiện để cán bộ công chức đó sửa sai, sửa chữa khuyết điểm của mình để tiếp tục phấn đấu vươn lên"- đại biểu Mong Văn Tình  nêu quan điểm.

Kỷ luật cán bộ về hưu như thế nào?

Điều 84 dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức bổ sung nội dung cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu vẫn phải chịu trách nhiệm về vi phạm của mình trong thời gian công tác; tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm tại thời điểm có vi phạm.

Đại biểu Mong Văn Tình (Nghệ An) nêu ý kiến, cán bộ, công chức đã nghỉ hưu mới phát hiện hành vi vi phạm trong thời gian công tác về bản chất là xử lý hồi tố. Tuy nhiên, đề nghị cân nhắc luật hóa đối với hình thức kỷ luật xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm tại thời điểm có hành vi vi phạm. Theo ông, việc "xóa tư cách" chỉ là "xóa cái danh" của cán bộ, công chức đó. "Quan trọng hơn là các chế độ, chính sách kèm theo chức danh như hệ số phụ cấp, thưởng... thì có bị truy thu hay không?", đại biểu Mong Văn Tình đặt câu hỏi.

Theo đại biểu, việc xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm còn ảnh hưởng đến những quyết định, văn bản do cán bộ, công chức đó đã ký kể từ thời điểm có hành vi vi phạm. Nếu Luật hóa quy định này đồng nghĩa những giá trị pháp lý các văn bản quyết định do cán bộ, công chức, viên chức đó ký khi còn đương chức không còn hiệu lực."Do đó, nếu quy định hình thức kỷ luật xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm tại thời điểm có hành vi vi phạm tại dự thảo Luật, đề nghị cần xử lý đầy đủ các chính sách mà đối tượng đó đã được hưởng"- ông Mong Văn Tình nói.

Đại biểu Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) cho rằng, việc bổ sung nội dung trên là phù hợp với thực tiễn vì thời gian qua nhiều trường hợp nghỉ việc, nghỉ hưu mới phát hiện sai phạm nhưng tổ chức gặp khó trong xử lý kỷ luật do luật hiện hành chưa quy định cụ thể. "Đây là quy định cần thiết để răn đe cán bộ, công chức, sao cho khi làm việc phải đề cao trách nhiệm cá nhân" - đại biểu nói.

Tán thành bổ sung quy định của Luật Cán bộ công chức đối với các đối tượng khác ở Điều 84, tại khoản 5 dự thảo Luật quy định “Mọi hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức kể cả hành vi vi phạm trong thời gian công tác của cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu đều bị xử lý kỷ luật của pháp luật”, đại biểu Huỳnh Cao Nhất (Bình Định) cho rằng, hình thức kỷ luật và thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật như trong dự thảo Luật là chưa rõ ràng. Cụ thể, về hình thức kỷ luật, xóa tư cách chức vụ, theo đại biểu, về thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật đối với đối tượng cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu trong dự thảo luật không quy định dẫn đến có thể hiểu là dù sau 10, 15, 20 năm thậm chí lâu hơn nữa tính từ ngày nghỉ hưu mới phát hiện vi phạm thì đều bị xử lý. 
Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc thêm các vấn đề về thời gian, thời hiệu xử lý, hình thức xử lý, trình tự, thủ tục, mối quan hệ xử lý kỷ luật đối tượng này để đảm bảo tính khả thi, thống nhất trong luật.

Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần bám sát, thể chế hóa kịp thời, đầy đủ, sâu sắc hơn các Nghị quyết của Đảng, giải quyết được những vướng mắc, tồn tại đặt ra hiện nay. Đồng thời, cần có đánh giá tác động của những chính sách mới kỹ hơn, hoàn thiện hơn./.

M.Thúy
 

Xem thêm »