Hội nghị Báo chí toàn quốc tổng kết năm 2018, triển khai nhiệm vụ 2019: Chuẩn mực, chất lượng – giá trị cốt lõi và sức mạnh của báo chí

28/12/2018
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Chiều ngày 28/12/2018, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019.

Phó Trưởng Ban Tuyên giao Trung ương Lê Mạnh Hùng trình bày báo cáo tại Hội nghị

Tham dự Hội nghị có Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Phuông; Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu; Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; cùng gần 600 đại biểu là đại diện Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Trung ương MTTQ Việt Nam; đại diện các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương; cơ quan quản lý báo chí, các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương... Đại diện Kiểm toán nhà nước đã tham dự Hội nghị.

Tại Hội nghị, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Mạnh Hùng đã trình bày báo cáo đánh giá công tác báo chí năm 2018; Phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2019.
 
Báo chí thông tin tuyên truyền kịp thời, trung thực, toàn diện đời sống chính trị, kinh tế - xã hội ở trong nước và quốc tế
Đánh giá về tình hình thông tin trên báo chí trong năm 2018, ông Lê mạnh Hùng cho biết, các cơ quan báo chí đã thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng thông tin của Đảng, Nhà nước; thông tin tuyên truyền kịp thời, trung thực, toàn diện đời sống chính trị, kinh tế - xã hội ở trong nước và quốc tế; là cơ quan ngôn luận của Đảng và Nhà nước, là diễn đàn tin cậy của nhân dân; là phương tiện thông tin đại chúng thiết yếu với đời sống xã hội.

Báo chí đã chú trọng, tích cực, chủ động, kịp thời truyền tải, thông tin, tuyên truyền toàn diện các Nghị quyết của Trung ương, Chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các Nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ; phản ảnh đậm nét những diễn biến quan trọng trong đời sống chính trị của đất nước; có nhiều tin bài liên quan đến công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; thực hiện có hiệu quả chức năng giám sát, phản biện xã hội, góp phần phản ánh góc nhìn của đông đảo các tầng lớp nhân dân đối với việc xây dựng, ban hành và thực thi các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt, báo chí đã nêu bật, khẳng định quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước: “Không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, bất kể người đó là ai” trong việc đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, lãng phí; chủ động thông tin về kết quả kiểm tra, xử lý các cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên sai phạm; về khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế; về những vấn đề nhạy cảm, dư luận xã hội quan tâm, giúp định hướng tốt dư luận xã hội; giúp người dân hiểu rõ hơn về những khó khăn, phức tạp của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, cũng như khẳng định quyết tâm của Đảng, Nhà nước, tạo dư luận xã hội đồng tình, ủng hộ đối với công tác này.

Báo chí đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về chính trị, tư tưởng, chuyển tải các hoạt động của Quốc hội đến cử tri và nhân dân cả nước, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ trên các lĩnh vực, các sự kiện quan trọng, các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, các vấn đề dân sinh, về biển đảo, thông tin đối ngoại...

Theo ông Lê Mạnh Hùng, nhiều cơ quan báo chí đã đổi mới, tiếp cận công nghệ làm báo hiện đại, nhất là kỹ thuật số, đa loại hình, đa nền tảng, tạo ra các sản phẩm báo chí có chất lượng về cả nội dung lẫn hình thức, theo kịp xu thế báo chí của khu vực và thế giới.
 
Báo chí có nguy cơ bị truyền thông xã hội chi phối, lấn át
Đánh giá những khuyết điểm, hạn chế của hoạt động báo chí trong thời gian qua, ông Lê Mạnh Hùng chỉ rõ, thông tin thiếu nhạy cảm về chính trị, chưa phù hợp với lợi ích của đất nước, của nhân dân, chưa đúng định hướng thông tin vẫn còn xảy ra trên một số báo, tạp chí, gây những tác động xấu đến dư luận xã hội, ảnh hưởng đến lợi ích chính đáng của tổ chức, của người dân; bị một số báo nước ngoài, một số trang mạng xã hội thiếu thiện chí lợi dụng để xuyên tạc, kích động, gây ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
 

Toàn cảnh Hội nghị

Những thông tin thiên về mặt trái xã hội; thông tin phản cảm, trái thuần phong mỹ tục Việt Nam, thiếu nhân văn và phản giáo dục, giật tít mang tính "giật gân", "câu khách",... vẫn chưa được khắc phục triệt để, tạo nên bức tranh tối màu về hiện thực cuộc sống, gây cảm giác nặng nề, u ám trong đời sống xã hội, làm suy giảm niềm tin của công chúng đối với báo chí, khiến dư luận “hoài nghi” về công tác quản lý, điều hành của Nhà nước, ảnh hưởng tới những nỗ lực tạo sự đồng thuận trọng xã hội.

Ông Lê Mạnh Hùng cũng cho biết, thông tin trên báo chí vẫn chưa theo kịp diễn biến tình hình thực tế; đấu tranh phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, trong nhiều trường hợp còn thụ động, chưa sắc sảo; việc khai thác thông tin từ ý kiến của cá nhân trên mạng xã hội không kiểm chứng vẫn tiếp diễn.

Một số văn phòng đại diện, phóng viên thường trú của cơ quan báo chí tại địa phương và đội ngũ cộng tác viên hoạt động không đúng chức năng, nhiệm vụ; tình trạng vi phạm đạo đức nghề báo vẫn xảy ra. Vi phạm về Luật sở hữu trí tuệ, bản quyền trong lĩnh vực báo chí vẫn tiếp tục gia tăng.

Về nguyên nhân của hạn chế, ông Lê Mạnh Hùng cho hay, công tác tổ chức quản lý và cung cấp thông tin của nhiều cơ quan, tổ chức, địa phương còn thiếu chủ động, chưa kịp thời, thiếu sự phối hợp, nhất là với những tình huống, sự kiện quan trọng, phức tạp liên quan đến chính trị, kinh tế, xã hội, đối ngoại, gây khó khăn cho cơ quan chỉ đạo và quản lý thông tin cũng như cơ quan báo chí.

Bên cạnh đó, một số cơ quan chủ quản thiếu kiên quyết trong xử lý sai phạm của cơ quan báo chí thuộc phạm vi phụ trách. “Một số vấn đề gây bức xúc trong xã hội nhưng chậm được cơ quan chức năng giải quyết, thiếu sự phối hợp hoặc chưa có phương thức xử lý thông tin thỏa đáng, tạo thành vấn đề nóng trên báo chí, thậm chí gây khủng hoảng truyền thông” - ông Lê Mạnh Hùng nói.

Ông Lê Mạnh Hùng cũng chỉ rõ, về chủ quan, ý thức chấp hành kỷ luật về thông tin của một số cơ quan báo chí không nghiêm; một số cơ quan báo chí chưa thực hiện hoặc thiếu trách nhiệm trong việc thẩm định, kiểm chứng nguồn tin, không thực hiện đúng quy trình làm báo.

Ông Lê Mạnh Hùng cũng cảnh báo báo chí có nguy cơ bị truyền thông xã hội chi phối, lấn át, vượt mặt, mất vị trí độc quyền cũng như qua mặt về tốc độ trong việc cung cấp thông tin đến độc giả. “Rất nhiều các cơ quan báo chí đang thực hiện những chiến lược nhằm khai thác mạng xã hội để thu hút, gia tăng lượng người truy cập, quảng bá hình ảnh, thương hiệu đến cộng đồng mạng. Tuy nhiên, khi những mạng xã hội lớn dùng tính năng hạn chế chia sẻ đường link báo chí trên nền tảng của họ thì báo chí có nguy cơ bị sụt giảm lượng người đọc và giảm khả năng tương tác. Các cơ quan báo chí cần bắt kịp xu thế, nắm bắt xu hướng, khai thác tối đa nền tảng internet để phát triển cơ quan theo mô hình toà soạn hội tụ, tích hợp đa phương tiện, truyền dẫn đa nền tảng.” – ông Lê Mạnh Hùng nhận định.

Về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2019, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề cập tới bối cảnh tình hình thế giới và trong nước tác động tới hoạt động báo chí và công tác báo chí; 7 nhiệm vụ, giải pháp đối với cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, 5 nhiệm vụ đối với cơ quan chủ quản báo chí, 8 nhiệm vụ đối với cơ quan báo chí cần triển khai, thực hiện trong năm 2018./.
 
Cả nước hiện có 844 cơ quan báo chí, trong đó có 184 báo in, 660 tạp chí in, 24 cơ quan báo chí điện tử độc lập; 189 giấy phép thiết lập Trang thông tin điện tử tổng hợp được cấp cho các cơ quan báo chí in, phát thanh, truyền hình; 67 Đài phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương, 05 đơn vị hoạt động truyền hình với tổng số kênh phát thanh, truyền hình được cấp phép là 278 kênh.

Hiện cả nước có hơn 19.000 nhà báo được cấp Thẻ Nhà báo, 23.893 hội viên Hội Nhà báo đang sinh hoạt tại 297 đơn vị cấp Hội, trong đó có 63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố; 19 Liên chi hội, 215 Chi hội trực thuộc Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam.

Ngọc Bích
 

Xem thêm »