Lãnh đạo KTNN cho ý kiến về Chiến lược phát triển và Kiến trúc CNTT của KTNN giai đoạn 2019 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030

13/12/2018
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Chiều 12/12/2018, tại trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN) – 116 Nguyễn Chánh, Hà Nội, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc đã chủ trì Hội nghị cho ý kiến lần thứ 2 về Chiến lược phát triển và kiến trúc CNTT của KTNN giai đoạn 2019-2025, tầm nhìn đến 2030 (Chiến lược).

Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc phát biểu kết luận Hội nghị

Dự Hội nghị có các Phó Tổng Kiểm toán nhà nước: Nguyễn Quang Thành, Đặng Thế Vinh; Chánh Văn phòng KTNN Đỗ Văn Tạo; đại diện lãnh đạo Ban Quản lý dự án CNTT, Lãnh đạo và Phòng Kiểm toán CNTT - KTNN chuyên ngành VII và đơn vị tư vấn xây dựng Chiến lược.

Tại Hội nghị, thay mặt đơn vị tư vấn, GS. Hồ Tú Bảo – chuyên gia  nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo và máy học cho biết, đơn vị tư vấn đã tiếp nhận 30 ý kiến góp ý trực tiếp tại cuộc họp ngày 15/11/2018 và 02 văn bản góp ý của Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông và Cục CNTT và dữ liệu TNMT. Trên cơ sở đó, đơn vị tư vấn đã nghiên cứu, tiếp thu hoàn thiện Chiến lược.

Theo đó, Chiến lược phát triển và Kiến trúc CNTT của KTNN được xây dựng nhằm thiết lập cơ sở, định hướng cho quá trình xây dựng, hình thành các hệ thống nền tảng quản trị thông minh, cung cấp phương thức kiểm toán mới hỗ trợ công tác hoạch định, phát triển Ngành, góp phần đưa KTNN tham gia tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế số.

Chiến lược phát triển CNTT của KTNN nhằm đạt mục tiêu trở thành nền tảng công nghệ hiệu quả cho công cuộc chuyển đổi số của KTNN, gồm xây dựng lộ trình, kế hoạch và cách thức thực hiện việc hiện đại hóa CNTT cho chuyển đổi số của KTNN. Cụ thể, đến năm 2025: Hoàn thành cơ bản hạ tầng số của KTNN và tăng cường thực hiện tự động hóa hỗ trợ hoạt động KTNN với các công nghệ số hiện đại; phát triển KTNN dựa trên dữ liệu và dữ liệu mở, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, an ninh mạng, tạo ra giá trị mới… Định hướng đến năm 2030: Hình thành nền tảng KTNN hiện đại và vững mạnh dựa trên công nghệ số thông qua việc tiếp tục hoàn thiện hạ tầng số KTNN, đặc biệt phát triển và sử dụng các công nghệ số phù hợp phục vụ cho các hoạt động của KTNN.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tham gia phát biểu, góp ý kiến hoàn thiện Chiến lược. Ông Lê Anh Vũ – Trưởng phòng Kiểm toán CNTT (KTNN chuyên ngành VII) tán đồng với cách tiếp cận của đơn vị tư vấn trong xây dựng Chiến lược. Nhấn mạnh vấn đề dữ liệu là vấn đề cốt lõi, ông Anh Vũ đề nghị đơn vị tư vấn cần nghiên cứu, phân kỳ, phân dữ liệu thành 3 cấp độ, từ đó đặt ra mục tiêu cụ thể cho từng cấp độ.
 
Đồng tình với ý kiến của ông Anh Vũ, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh đề nghị đơn vị tư vấn cần khảo sát, đánh giá kỹ các hệ thống CNTT của Việt Nam, từ đó đề ra hướng khai thác sử dụng, mức độ khai thác hệ thống để phục vụ cho mục đích kiểm toán…

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh cũng lưu ý, so với các cơ quan kiểm toán tối cao trên thế giới, KTNN còn rất non trẻ. Chính vì vậy, trong quá trình xây dựng Chiến lược, cần phải đi tắt đón đầu, học hỏi kinh nghiệm của các cơ quan kiểm toán tối cao trên thế giới có thế mạnh về CNTT như: Trung Quốc, Indonesia, Hàn Quốc, Nhật Bản…
 

Quang cảnh Hội nghị

Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc đánh giá cao nỗ lực của đơn vị tư vấn đã khẩn trương tiếp thu các ý kiến góp ý, xây dựng khung Chiến lược tương đối đầy đủ; đồng thời lưu ý đơn vị tư vấn cần chú trọng 05 nội dung cốt lõi: Hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng dữ liệu, hạ tầng ứng dụng, vấn đề bảo mật an toàn và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào hoạt động kiểm toán. “Tôi cho rằng Hạ tầng kỹ thuật cần đi trước một bước, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại nhất, đảm bảo đến năm 2030, KTNN không bị lạc hậu so với các cơ quan kiểm toán tối cao trên thế giới. Hạ tầng dữ liệu cần xây dựng đủ lớn, đa dạng, hiện đại và liên thông tốt với các hạ tầng dữ liệu khác” – Tổng Kiểm toán nhà nước nhấn mạnh.

Tổng Kiểm toán nhà nước cũng đề nghị đơn vị tư vấn làm rõ hơn các giải pháp thực hiện, trong đó cụ thể hóa từng dự án đầu tư theo trình tự thời gian để KTNN có thể chủ động tổ chức triển khai thực hiện ngay sau khi khung Chiến lược được phê duyệt.

Được biết, sau khi hoàn thiện, Chiến lược phát triển và kiến trúc CNTT của KTNN giai đoạn 2019-2025, tầm nhìn đến 2030 sẽ được KTNN gửi xin ý kiến của Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan để tiếp thu, chỉnh sửa trước khi chính thức phê duyệt./.

M.Thúy
 

Xem thêm »