Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành việc bổ sung Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN năm 2015 vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019

11/12/2018
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Sáng 10/12, tại Phiên họp thứ 29 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) Khóa XIV, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc đã trình bày trước UBTVQH về đề nghị xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 của Quốc hội.

Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc phát biểu

Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc nêu rõ: Luật KTNN năm 2015 được Quốc hội khóa XII thông qua tại Kỳ họp thứ 9, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016. Luật KTNN năm 2015 đã thể chế hóa quy định Điều 118 của Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam, là văn bản pháp lý quan trọng cho tổ chức, hoạt động của KTNN, bảo đảm thiết chế KTNN có đủ năng lực, đáp ứng yêu cầu phục vụ việc kiểm tra, giám sát Nhà nước trong việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.
 
Quá trình tổng kết thi hành, KTNN đã đánh giá những bất cập, hạn chế xuất phát từ thực tiễn 3 năm thực hiện Luật KNNN, nhiều vấn đề mới phát sinh cần phải giải quyết, một số quy định của Luật bộc lộ những bất hợp lý cần phải được xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, như: Nhiệm vụ, quyền hạn của KTNN chưa tương xứng với vị trí, chức năng, nhiệm vụ được giao; quy định về đơn vị được kiểm toán chua bao quát hết các cơ quan, tổ chức có quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, thiếu chế tài xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về KTNN...
 
Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật chưa đồng bộ, chưa đảm bảo sự tương thích giữa Luật KTNN với các luật có liên quan như: Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Giám định tư pháp, Luật Tố cáo...
 
Ngày 27/11/2017, Bộ Chính trị ban hành Kế hoạch 07-KH/TW về thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Theo đó, nhiệm vụ sửa đổi, bổ sung Luật KTNN năm 2015 được giao cho Đảng Đoàn Quốc hội lãnh đạo thực hiện từ năm 2018 và hoàn thành trong năm 2019. Ngày 18/01/2018, Đảng Đoàn Quốc hội ban hành Kế hoạch 735-KH/ĐĐQH14, trong đó giao KTNN nhiệm vụ chuẩn bị đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật KTNN trình UBTVQH báo cáo Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018/2019.
 
Trong thời gian qua KTNN đã phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, các Bộ, ngành, địa phương tiến hành tổng kết, đánh giá việc thi hành Luật và nghiên cứu, rà soát các quy định của Luật để kiến nghị sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với các quy định về KTNN trong Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật và phù hợp với thực tiễn hoạt động của KTNN, phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước.
 
KTNN cũng đã tổ chức điều tra, khảo sát tình hình thực hiện Luật KTNN tại một số UBND cấp tỉnh. Tổ chức Tọa đàm về Luật KTNN và 04 Hội thảo trên phạm vi toàn quốc (tại Hà Nội, Nghệ An, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh) với sự tham dự của các đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, UBND, các Bộ, ngành trung ương, sở tài chính các tỉnh, thành phố, các trường đại học, viện nghiên cứu, các chuyên gia, nhà khoa học và các cán bộ chủ chốt của KTNN. Về cơ bản, các Bộ, ngành, địa phương đều nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bỏ sung một số điều của Luật KTNN năm 2015 và cơ bản nhất trí với nội dung đã đề xuất. Thực hiện quy trình của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, căn cứ quy định tại Điều 44 ngày 27/9/2018 KTNN đã đề nghị Chính phủ tham gia ý kiến đối với đề nghị xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN năm 2015. Đề nghị xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN năm 2015 cũng đã được thẩm tra theo quy định.
 
Trên cơ sở xác định rõ mục đích, nguyên tắc, đối tượng và phạm vi điều chỉnh của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN năm 2015, KTNN xác định nội dung sửa đổi, bổ sung tập trung vào 10 vấn đề lớn gồm: Đối tượng kiểm toán và đơn vị được kiểm toán; quyền khiếu nại báo cáo kiểm toán; bổ sung quy định thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham những; thực hiện giám định tư pháp về việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; quy định về thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Tổng Kiểm toán Nhà nước; quy định về thời hạn của cuộc kiểm toán; thời gian lập và gửi báo cáo kiểm toán của cuộc kiểm toán; quy định về kiểm soát chất lượng kiểm toán; việc cung cấp thông tin, tài liệu dưới dạng dữ liệu điện tử để thực hiện kiểm toán theo yêu cầu của KTNN, Kiểm toán viên nhà nước; bổ sung quy định về trách nhiệm phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra, kiếm toán để hạn chế tình trạng trùng lắp, chồng chéo giữa hoạt động thanh tra, kiểm tra với hoạt động KTNN; bổ sung quy định chế tài đối với các hành vi vi phạm Luật KTNN của đơn vị được kiểm toán và của tổ chức, cá nhân có liên quan.
 
Ngoài các nội dung trên, KTNN tiếp tục nghiên cứu các vấn đề khác như: Kiểm toán lĩnh vực an ninh quốc phòng; nghiên cứu bổ sung việc thực hiện đối chiếu, xác minh theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; bổ nhiệm ngạch kiểm toán viên nhà nước trong trường hợp chuyển ngạch...

Dưới góc độ cơ quan thẩm tra, Ủy ban Pháp luật thống nhất với Ủy ban Tài chính - Ngân sách tán thành với KTNN về sự cần thiết và thời điểm trình Luật KTNN để triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, Kế hoạch 07-KH/TW. Ủy ban Pháp luật đề nghị KTNN trong quá trình xây dựng dự án Luật cần bám sát mục tiêu cụ thể tại Nghị quyết số 18-NQ/TW, Kế hoạch số 07-KH/TW và lưu ý một số nội dung để bảo đảm thống nhất với luật chuyên ngành.
 
Thảo luận tại phiên họp, UBTVQH cơ bản nhất trí với Tờ trình của Tổng Kiểm toán nhà nước và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật; tán thành về sự cần thiết để đưa Dự án Luật này vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh của Quốc hội và xem xét, thông qua tại 2 kỳ họp (Kỳ họp thứ 7 và Kỳ họp thứ 8 năm 2019). Bên cạnh đó, UBTVQH đề nghị cần rà soát, đánh giá kỹ tác động và cân nhắc các nội dung cần đưa vào sửa đổi, bổ sung để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, đảm bảo địa vị pháp lý của KTNN phù hợp với quy định trong Hiến pháp./.

Nguyễn Hồng
 

Xem thêm »