Nghiệm thu đề tài NCKH cấp cơ sở "Phân tích chi NSNN cho bảo vệ môi trường trong cuộc kiểm toán Ngân sách địa phương của KTNN"

10/12/2018
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Ngày 10/12/2018, tại Trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN), Hội đồng khoa học của Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã tổ chức nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học (NCKH) cấp cơ sở năm 2017 "Phân tích chi NSNN cho bảo vệ môi trường trong cuộc kiểm toán ngân sách địa phương của KTNN” do ThS. Nguyễn Thị Tuấn Nam và ThS.Nguyễn Thị Hiền, KTNN khu vực I đồng chủ nhiệm đề tài. PGS, TS. Nguyễn Đình Hòa, Quyền Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán làm Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu.

Toàn cảnh buổi nghiệm thu

 Theo Ban chủ nhiệm đề tài, những vấn đề môi trường đang ngày càng trở nên quan trọng và đòi hỏi sự quan tâm của xã hội, từ Chính phủ đến công chúng. Chính phủ và chính quyền đại phương đã, đang và sẽ còn phải chi nhiều tiền để giải quyết các vấn đề môi trường, đồng thời ngăn ngừa những nguy cơ ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, những thiếu hụt về nguồn lực hay các chế tài xử phạt và thiếu các cơ chế giám sát nhằm ngăn ngừa và xử lý môi trường có hiệu quả hay không. Từ góc độc của cơ quan KTNN, các Kiểm toán viên có nghĩa vụ đưa ra các ý kiến đánh giá về các khoản chi co nội dung về bảo vệ môi trường trên các khía cạnh: Các khoản chi có đúng mục đích, định mức hay không? Kết quả của những nội dung chi đó có đáp ứng được những mục tiêu đề ra hay không? Như vậy việc phân tích nội dung chi NSNN cho bảo vệ môi trường từ nguồn NSĐP là một trong những trọng tâm kiểm toán của KTNN trong cuộc kiểm toán NSPĐ.

Đề tài được nghiên cứu với mục tiêu: Hệ thống hóa những vấn đề lý luận về môi trường, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chi NSNN cho bảo vệ môi trường; Phân tích, đánh giá thực tiễn nội dung chi cho bảo vệ môi trường trong NSĐP tại một số tỉnh; Đề xuất các kiến nghị, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả chi cho bảo vệ môi trường trong nguồn NSĐP.

Ngoài phần mở đầu và kết luận, Đề tài gồm 2 chương: Cơ sở lý luận và thực trạng chi NSNN cho hoạt động bảo vệ môi trường tại các địa phương; Giải pháp nâng cao hiệu quả chi NSNN cho hoạt động bảo vệ môi trường thông qua cuộc kiểm toán NSĐP.

Nhận xét về đề tài, các thành viên Hội đồng nghiệm thu cho rằng, thông qua khái quát về lý luận và thực trạng chi NSNN cho hoạt động bảo vệ môi trường tại các địa phương, Ban Chủ nhiệm đề tài đã đề xuất được một số giải pháp nâng cao hiệu quả chi NSNN cho hoạt động bảo vệ môi trường qua cuộc kiểm toán NSĐP.

Đề tài đã hệ thống hóa những vấn đề cơ bản về bảo vệ môi trường và chi NSNN cho hoạt động bảo vệ môi trường tại các địa phương; Phân tích được thực trạng chi NSNN cho bảo vệ môi trường tại các địa phương; Đề xuất 2 nhóm giải pháp về nguồn lực tài chính và con người để nâng cao hiệu quả chi NSNN cho bảo vệ môi trường tại các địa phương.

Để hoàn thiện đề tài, các ý kiến cho rằng: Đề tài cần thống nhất các thuật ngữ liên quan đến bảo vệ môi trường; Phân tích thực trạng cần gắn với hoạt động của KTNN (thông qua các kết quả kiểm toán); Một số nội dung cần cô đọng lại, ví dụ phần 1.1; 1.2; Tập trung vào mục đích phân tích chi NSNN cho bảo vệ trường (phân tích theo cơ cấu chi) để đánh giá và đưa ra giải pháp phù hợp hơn; Bổ sung thêm lý luận về thực trạng về kiểm toán chi cho kinh phí sự nghiệp môi trường…

Phát biểu kết luận, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu Nguyễn Đình Hòa cho rằng, việc tổ chức nghiên cứu đề tài có ý nghĩa thực tiễn. Đề tài bước đầu xây dựng được một số vấn đề cơ bản về bảo vệ môi trường và chi NSNN cho hoạt động bảo vệ môi trường tại một số địa phương. Tuy nhiên, nội dung đề tài hơi thiên về quản lý nhà nước trong quản lý môi trường, chưa phân tích sâu về nội dung, phạm vi, phương pháp kiểm toán liên quan đến cuộc kiểm toán NSĐP liên quan đến hoạt động bảo vệ môi trường.

Vì vậy, Hội đồng nghiệm thu khuyến nghị: Ban chủ nhiệm đề tài tiếp thu các nhận xét của các thành viên Hội đồng nghiệm thu để chỉnh sửa đề tài, tập trung vào: Hoàn thiện phần mở đầu, làm rõ hơn về mục tiêu nghiên cứu, gắn với hoạt động của KTNN; Thống nhất sử dụng các thuật ngữ sử dụng trong đề tài; Điều chỉnh mục, tiểu mục cho phù hợp với mục tiêu nghiên cứu; Bổ sung, đi sâu phân tích vai trò của KTNN trong kiểm toán NSĐP liên quan đến chi cho hoạt động bảo vệ môi trường. Các giải pháp trình bày tại chương 2 cũng cần gắn chặt với hoạt động kiểm toán của KTNN…

Đề tài được thống nhất xếp loại đạt yêu cầu./.

Ngọc Bích

Xem thêm »