Nâng cao chất lượng sử dụng kết quả kiểm toán của KTNN trong hoạt động thẩm tra, phê chuẩn quyết toán NSNN của Quốc hội

07/12/2018
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Ngày 6/12/2018, tại Hà Nội, Ban chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Nâng cao chất lượng sử dụng kết quả kiểm toán của KTNN trong hoạt động thẩm tra, phê chuẩn quyết toán NSNN của Quốc hội” đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý cho dự thảo đề tài.

Đề tài do Ths. Phan Văn Thường - Kiểm toán trưởng KTNN khu vực II và TS. Nguyễn Hữu Hiểu - Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán đồng chủ nhiệm. Tham gia Hội thảo có đại diện Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, các chuyên gia và đại diện một số đơn vị trực thuộc KTNN.

Trình bày khái quát những nội dung chính của đề tài, TS. Nguyễn Hữu Hiểu cho biết, về nguyên tắc, Quốc hội phê chuẩn quyết toán NSNN sau khi xem xét báo cáo quyết toán NSNN của Chính phủ, báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN của KTNN, báo cáo thẩm tra về quyết toán NSNN của Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội, báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Đây là các kênh thông tin không thể thiếu để Quốc hội thực hiện quyền hạn, trách nhiệm quan trọng của mình đối với hoạt động thu, chi, cân đối NSNN. Trong đó, thông tin kết quả kiểm toán NSNN của KTNN có vị trí đặc biệt quan trọng, đảm bảo tính trung thực, khách quan, có độ tin cậy cao. Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội sử dụng thông tin kiểm toán ngày càng nhiều trong quá trình thực thi nhiệm vụ, quyền hạn liên quan đến NSNN nói chung và trong thẩm tra, phê duyệt quyết toán NSNN nói riêng.

Tuy nhiên, thực tiễn cũng cho thấy thông tin về kết quả kiểm toán quyết toán NSNN cung cấp còn không ít hạn chế, khiến hiệu quả sử dụng thông tin kiểm toán trong phục vụ công tác thẩm tra, phê chuẩn quyết toán NSNN chưa cao; sự quan tâm và sử dụng kết quả kiểm toán của một bộ phận đại biểu dân cử chưa nhiều; không ít đại biểu Quốc hội chưa khai thác hiệu quả thông tin kiểm toán được cung cấp trong phê chuẩn quyết toán NSNN…

Thực trạng trên đặt ra sự cần thiết về lý luận và thực tiễn nghiên cứu đề tài khoa học “Giải pháp nâng cao chất lượng sử dụng kết quả kiểm toán của KTNN trong hoạt động thẩm tra, phê chuẩn quyết toán  NSNN của Quốc hội.

Với mục tiêu tìm ra các giải pháp nâng cao chất lượng sử dụng kết quả kiểm toán của KTNN, phục vụ công tác thẩm tra, phê chuẩn quyết toán NSNN của Quốc hội, đề tài nghiên cứu một cách có hệ thống, tổng thể mục tiêu, nhiệm vụ kiểm toán; tổ chức thực hiện kiểm toán NSNN; tổng hợp kết quả kiểm toán; cung cấp và sử dụng thông tin kết quả kiểm toán NSNN. Các vấn đề nghiên cứu được thực hiện trong thời gian từ khi KTNN được thành lập, song tập trung nghiên cứu trong giai đoạn hiện hành (từ khi có Luật KTNN).

Đề tài sử dụng tổng hợp nhiều phương pháp nghiên cứu khoa học: Phương pháp phân tích; Phương pháp tổng hợp; Phương pháp suy luận logic; Phương pháp khảo sát...

Ngoài phần mở đầu và kết luận, đề tài được kết cấu thành 3 Chương: Những vấn đề lý luận cơ bản về sử dụng kết quả kiểm toán của KTNN trong thẩm tra, phê chuẩn quyết toán NSNN của Quốc hội; Thực trạng sử dụng kết quả kiểm toán của KTNN trong thẩm tra, phê chuẩn quyết toán NSNN của Quốc hội Việt Nam; Phương hướng và giải pháp nâng cao chất lượng sử dụng kết quả kiểm toán của KTNN trong thẩm tra, phê chuẩn quyết  toán NSNN của Quốc hội.

Tại Hội thảo, các chuyên gia đánh giá cao giá trị thực tiễn của đề tài và những nỗ lực, cố gắng của Ban Chủ nhiệm trong triển khai nghiên cứu. Thảo luận, góp ý vào dự thảo đề tài, các chuyên gia đề nghị Ban Chủ nhiệm đề tài cân nhắc, nghiên cứu làm rõ hơn về tên gọi của đề tài, đưa ra những tiêu chí cụ thể nhằm đánh giá chất lượng sử dụng kết quả kiểm toán của KTNN trong hoạt động thẩm tra, phê chuẩn quyết toán NSNN của Quốc hội. Đồng thời, cần nghiên cứu, đưa ra những giải pháp mang tính đột phá, đặc biệt là giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn để nâng cao hiệu quả tiếp nhận và sử dụng thông tin kết quả kiểm toán của các đại biểu Quốc hội…

Một số ý kiến đề nghị Ban chủ nhiệm đề tài chỉnh sửa về mặt kết cấu, bố cục trình bày; cập nhật, bổ sung thêm thông tin về pháp luật (Luật Kế toán, Luật Kiểm toán, Luật NSNN...) để đề tài bảo đảm sự gắn kết, logic.

Thay mặt Ban chủ nhiệm đề tài, TS. Nguyễn Hữu Hiểu cảm ơn ý kiến đóng góp của các chuyên gia và khẳng định sẽ tiếp thu nghiêm túc các ý đóng góp để chỉnh sửa, hoàn thiện đề tài./.

Thanh Hà
 

Xem thêm »