KTNN xây dựng Chiến lược phát triển và kiến trúc CNTT của KTNN giai đoạn 2019-2025, tầm nhìn đến 2030  

16/11/2018
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) – Sáng 15/11/2018, tại Trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN) – 116 Nguyễn Chánh, Hà Nội, KTNN tổ chức Hội nghị xin ý kiến về Chiến lược phát triển và kiến trúc CNTT của KTNN giai đoạn 2019-2025, tầm nhìn đến 2030. Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc chủ trì Hội nghị.

Toàn cảnh Hội nghị

Tham dự Hội nghị, về phía KTNN có sự tham dự của: Phó Tổng KTNN Vũ Văn Họa và Đặng Thế Vinh; Đại diện Lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc của KTNN. Phía các Bộ, Ngành có sự tham dự của: Cục trưởng Cục tin học, Bộ TTTT Nguyễn Thành Phúc; Phó Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính, Bộ Tài chính; Phó Cục trưởng Cục CNTT và Dữ liệu, Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Bảo Trung. Phía đơn vị Tư vấn gồm: Phó Giám đốc Công ty Teckad VN Phạm Việt Hà; 2 chuyên gia cao cấp: Tiến sỹ Nguyễn Tuấn Hoa – Chuyên gia tư vấn xây dựng chiến lược, phát triển CNTT; Giáo sư  Hồ Tú Bảo – chuyên gia nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo và máy học.

Thay mặt đơn vị tư vấn, GS. Hồ Tú Bảo – chuyên gia  nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo và học máy trình bày tóm tắt chiến lược phát triển và kiến trúc CNTT của KTNN giai đoạn 2019-2025, tầm nhìn đến 2030 (Chiến lược).
 
GS. Hồ Tú Bảo trình bày tóm tắt Chiến lược

Theo đó, mục tiêu tổng quát xây dựng Chiến lược nhằm thiết lập cơ sở, định hướng cho quá trình xây dựng, hình thành các hệ thống nền tảng quản trị thông minh, cung cấp phương thức kiểm toán mới hỗ trợ công tác hoạch định, phát triển Ngành, góp phần đưa KTNN tham gia tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế số.

Chiến lược phát triển CNTT của KTNN nhằm đạt mục tiêu trở thành nền tảng công nghệ hiệu quả cho công cuộc chuyển đổi số của KTNN, gồm xây dựng lộ trình, kế hoạch và cách thức thực hiện việc hiện đại hóa CNTT cho chuyển đổi số của KTNN. Cụ thể: Đến năm 2025: Hoàn thành cơ bản hạ tầng số của KTNN và thực hiện một phần tự động hóa hỗ trợ hoạt động KTNN với các công nghệ số hiện đại; Định hướng đến năm 2030: Hoàn thiện hạ tầng số KTNN và dần hình thành nền KTNN hiện đại và vững mạnh dựa trên công nghệ số thông qua việc tiếp tục hoàn thiện hạ tầng số KTNN, đặc biệt phát triển và sử dụng các phương pháp AI (trí tuệ nhân tạo) phù hợp với phục vụ cho các hoạt động của KTNN.

Lộ trình triển khai Chiến lược theo các giai đoạn: Giai đoạn 1 (2019-2021) – Giai đoạn khởi tạo; Giai đoạn 2 (20222-2025) – Giai đoạn xây dựng; Giai đoạn 3 (2026  - 2030) – Giai đoạn khai thác.

Nội dung Chiến lược gồm các hoạt động: Xây dựng hạ tầng kỹ thuật; Xây dựng hạ tầng dữ liệu; Xây dựng hạ tầng ứng dụng; Đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin; Xây dựng cơ chế, chính sách; Phát triển, đào tạo nguồn nhân lực; Ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo vào công tác kiểm toán.

Phát biểu tại Hội nghị, đại diện các Bộ, Ngành cho rằng, việc xây dựng chiến lược phát triển CNTT phục vụ cho chuyển đổi số của KTNN là rất cần thiết để thay đổi hoạt động kiểm toán theo hướng hiện đại, hiệu lực, hiệu quả; từng bước hướng tới đổi mới phương pháp kiểm toán theo hướng kiểm toán số là rất cần thiết và phù hợp với xu hướng phát triển CNTT trên thế giới; và xu hướng tiếp cận kiểm toán thông qua việc áp dụng công nghệ số của INTOSAI và các cơ quan kiểm toán tối cao trên thế giới.

Tuy nhiên, các ý kiến cho rằng, một số nội dung trong Chiến lược cần tập trung làm rõ hơn: Phân tích kỹ về kiến trúc hạ tầng; Phân tích rõ nét hơn về nguồn dữ liệu phục vụ xây dựng Chiến lược. Bên cạnh  nguồn dữ liệu truyền thống có thể thu thập thêm các nguồn dữ liệu song song. Cùng với dữ liệu cần chú trọng đến công tác an ninh, tính trách nhiệm. Có ý kiến cho rằng, Chiến lược đưa ra một số công nghệ hiện nay rất hiện đại, nhưng công nghệ có thể thay đổi nhanh chóng, trong khi chiến lược phải ổn định. Vì vậy có thể không nên đưa công nghệ quá cụ thể trong Chiến lược.

Đại diện các đơn vị trong Ngành của KTNN cũng đã tham gia góp ý kiến hoàn thiện Chiến lược. Các ý kiến đánh giá cao sự nỗ lực của đơn vị tư vấn trong việc xây dựng khung Chiến lược trong một thời gian ngắn.

Để Chiến lược mang tính khả thi cao hơn, các ý kiến cho rằng:  Cần có đánh gía, phân tích sâu hơn về định hướng phát triển CNTT, lộ trình xây dựng chính phủ điện tử của Chính phủ; Việc xây dựng Chiến lược cần học tập kinh nghiệm của các cơ quan, đơn vị đã làm; Cần đánh giá toàn diện, sâu sắc về hiện trạng dữ liệu và hạ tầng CNTT của KTNN để xác định nội dung thu thập dữ liệu, đầu tư hạ tầng như thế nào để tương ứng; Tìm hiểu kỹ về chức năng, nhiệm vụ và hoạt động của KTNN để đưa ra những nội dung cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế của KTNN; Chiến lược cần làm rõ các sản phẩm, mục tiêu cụ thể cần đạt được đạt được ở  từng giai đoạn, từng thời kỳ.

Phát biểu tại Hội nghị, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc cho rằng, công nghệ số với nhiều đột phát tạo nên Cách mạng 4.0 như trí tuệ nhân tạo, Internet kết nối vạn vật, phân tích dữ liệu lớn, điện toán đám mây và block chain  dẫn tới xu hướng phát triển và yêu cầu thay đổi mạnh mẽ của các ngành, lĩnh vực, trong đó có KTNN. Trong những năm qua, KTNN đã từng bước đẩy mạnh việc triển khai ứng dụng CNTT trong các hoạt động của KTNN và đến nay đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, để đáp ứng với đòi hỏi của tình hình mới, nhất là trong điều kiện hội nhập; để chủ động nắm bắt cơ hội, tận dụng tối đa các lợi thế và giảm thiểu các tác động tiêu cực của cách mạng 4.0, KTNN đã chủ động xây dựng Chiến lược phát triển và kiến trúc CNTT của KTNN giai đoạn 2019-2025, tầm nhìn đến 2030.

Tổng Kiểm toán nhà nước đánh giá cao sự nỗ lực của công ty tư vấn trong việc đưa ra được khung Chiến lược. Để hoàn thiện Chiến lược, Tổng Kiểm toán nhà nước cho rằng, Đơn vị tư vấn cần nghiên cứu kỹ đặc thù hoạt động của KTNN để đưa ra kế hoạch sát thực tế hơn để xây dựng Chiến lược đảm bảo tính tiên tiến nhất, công  nghệ hiện đại, tiện ích, hiệu quả và mang tính dự báo chính xác. Khung kiến trúc của Chương trình phải cụ thể từng danh mục, dự án, giai đoạn…để có căn cứ lập dự toán, phê duyệt.

Tổng Kiểm toán nhà nước cho rằng, công nghệ Big data rất quan trọng. Đơn vị tư vấn nghiên cứu kỹ để thiết kế Big data để số hóa dữ liệu của KTNN, kết nối với các nguồn dữ liệu các địa phương, nguồn dữ liệu quốc gia; Phân tích Big Data để áp dụng trí tuệ nhân tạo, đưa ngay vào giai đoạn 2019-2021 để KTNN có thể áp dụng.

Tổng Kiểm toán nhà nước cũng yêu cầu đơn vị tư vấn tiếp thu các ý kiến đóng góp của các chuyên gia của các Bộ, Ngành và các ý kiến của Lãnh đạo các đơn vị của KTNN để tiếp tục hoàn thiện Chiến lược./.
 
Ngọc Bích
 
 

Xem thêm »