Họp Tổ soạn thảo văn bản “Cơ chế xử lý trách nhiệm của Kiểm toán viên và lãnh đạo các cấp của KTNN trong hoạt động kiểm toán”

13/11/2018
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Chiều 13/11/2018, tại trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN) – 116 Nguyễn Chánh, Hà Nội, Tổ soạn thảo văn bản “Cơ chế xử lý trách nhiệm trong hoạt động kiểm toán đối với Kiểm toán viên và lãnh đạo các cấp của KTNN” được thành lập theo Quyết định số 1803/QĐ-KTNN ngày 31/8/2018 của Tổng Kiểm toán nhà nước đã họp dưới sự chủ trì của Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh – Tổ trưởng Tổ soạn thảo.

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh - Tổ trưởng Tổ soạn thảo chủ trì buổi họp

Thay mặt Thường trực Tổ soạn thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Đặng Văn Hải cho biết: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo KTNN, với vai trò là đơn vị thường trực Tổ soạn thảo, Vụ Pháp chế đã tổng hợp ý kiến góp ý của các thành viên Tổ soạn thảo và xây dựng Đề cương Quy định về xử lý trách nhiệm trong hoạt động kiểm toán đối với Kiểm toán viên và lãnh đạo các cấp của KTNN (Đề cương).

Theo đó, Đề cương gồm 4 chương, 50 Điều, hướng dẫn việc xác định hành vi vi phạm trong hoạt động kiểm toán của Kiểm toán viên, lãnh đạo các cấp của KTNN và hướng dẫn việc xử lý trách nhiệm  theo quy định của pháp luật và của KTNN. Văn bản này áp dụng đối với các đơn vị trực thuộc KTNN; các Đoàn kiểm toán, thành viên Đoàn kiểm toán; công chức, viên chức của KTNN.

Đề cương quy định về nguyên tắc xử lý; Trách nhiệm phát hiện và báo cáo hành vi vi phạm trong hoạt động kiểm toán của Kiểm toán viên và lãnh đạo các cấp của KTNN cũng như quy định về các hành vi vi phạm; các biện pháp, thẩm quyền, thủ tục xử lý hành vi vi phạm trong hoạt động kiểm toán của Kiểm toán viên nhà nước và lãnh đạo các cấp của KTNN.
 

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Đặng Văn Hải báo cáo tại cuộc họp

Thảo luận tại cuộc họp, các thành viên Tổ soạn thảo đã trao đổi, làm rõ thêm một số nội dung , trong đó tập trung về: Các nội dung liên quan đến việc xác định phạm vi điều chỉnh; các hành vi vi phạm; căn cứ, tính chất để xử lý các hành vi vi phạm cũng như mức độ xử lý vi phạm; thẩm quyền xử lý vi phạm trong hoạt động kiểm toán của kiểm toán viên nhà nước và lãnh đạo các cấp của KTNN.

Nhiều ý kiến cho rằng, đây là văn bản quản lý của KTNN, áp dụng đối với Kiểm toán viên, công chức, viên chức và người lao động của Ngành, nên phạm vi điều chỉnh của văn bản này chỉ nên giới hạn trong hoạt động kiểm toán. Các hành vi vi phạm cần được thiết kế theo nhóm hành vi đối với từng đối tượng cho phù hợp và dễ thực hiện. Có ý kiến đề xuất: Trong quá trình xây dựng văn bản,  cần nghiên cứu, xác định được mức độ của các hành vi vi phạm để từ đó áp dụng sang khung xử phạt theo Nghị định 34/2011/NĐ-CP…

Phát biểu kết luận, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh nhấn mạnh, về mặt hình thức, đây là văn bản do Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành, vì vậy các thành viên trong Tổ soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, cân nhắc để xác định rõ phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng cho phù hợp; đặc biệt cần liệt kê, xác định được đầy đủ các hành vi vi phạm, các hình thức xử lý tùy theo tính chất, mức độ vi phạm. Thẩm quyền xử lý vi phạm là của Tổng Kiểm toán nhà nước, song cũng không hạn chế việc Tổng Kiểm toán nhà nước ủy quyền cho các Kiểm toán trưởng, Trưởng đoàn kiểm toán xử lý. Trước một số ý kiến băn khoăn về việc xác định các hành vi vi phạm của Lãnh đạo KTNN, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước đề nghị Tổ soạn thảo nghiên cứu, đề xuất đưa vào văn bản các hành vi vi phạm của Lãnh đạo KTNN để đề cao tính nêu gương, trách nhiệm của người đứng đầu…

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh yêu cầu, Vụ Pháp chế tiếp thu ý kiến góp ý của các thành viên Tổ soạn thảo, tiếp tục làm rõ, hoàn thiện thêm một số nội dung Đề cương quy định, gửi xin ý kiến các thành viên Tổ soạn thảo; đồng thời xây dựng dự kiến phân công các thành viên, lập kế hoạch triển khai các bước tiếp theo./.

M. Thúy
 

Xem thêm »