Khai mạc phiên họp thứ 28 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV

15/10/2018
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Sáng 15/10/2018, tại Nhà Quốc hội, Ba Đình, Hà Nội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khoá XIV đã khai mạc Phiên họp thứ 28. Phiên họp dự kiến sẽ tiến hành trong 03 ngày, từ ngày 15-17/10/2018. Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh dự phiên họp.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên họp

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về nhiều nội dung quan trọng

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, tại phiên họp, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về các nội dung trình Quốc hội gồm: Đánh kết quả thực hiện kinh tế-xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2018, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2019; Xem xét kết quả giữa kỳ các kế hoạch 5 năm 2016-2020 về phát triển kinh tế-xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình đầu tư công trung hạn, chương trình tài chính quốc gia, kết quả 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

UBTVQH cho ý kiến về các báo cáo: Điều chỉnh kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ giữa các Bộ, địa phương năm 2018; Đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020; Nguồn kinh phí còn lại của ngân sách Trung ương năm 2017; Kết quả thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2019, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2019 - 2021; Đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2016 - 2020.

Đồng thời, UBTVQH sẽ cho ý kiến vào các báo cáo về: Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 6 của Quốc hội; Giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5 của Quốc hội; Kết quả tiếp công dân, tiếp nhận xử lý đơn thư của công dân và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2018.

Ngoài ra, UBTVQH sẽ cho ý kiến về việc: Trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan; Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 30/2016/QH14 về thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam và việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về việc tiếp tục thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam; Xem xét, quyết định việc thành lập một số thị trấn và việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội và cho ý kiến về công tác nhân sự.

Nhấn mạnh đây đều là nội dung quan trọng để Quốc hội xem xét đưa ra quyết định tại Kỳ họp thứ 6, đặc biệt là quyết định vấn đề phát triển kinh tế- xã hội và NSNN năm 2019, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu các thành viên UBTVQH tích cực đóng góp ý kiến, hoàn thiện các báo cáo để trình ra Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6.
 
Nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội dự kiến đạt hoặc vượt kế hoạch

Ngay sau phiên khai mạc, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, UBTVQH đã nghe và thảo luận về các báo cáo đánh giá: Tình hình kinh tế- xã hội năm 2018 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2019; Giữa kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm 2016- 2020; Giữa kỳ thực hiện Nghị quyết số 24/2016/QH13 về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016- 2020; Giữa kỳ thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016- 2020; Kết quả 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
 

Toàn cảnh phiên họp

Báo cáo đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020; tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày cho thấy nền kinh tế đã từng bước vượt qua khó khăn, thách thức, duy trì đà chuyển biến tích cực, năm 2018 hoàn thành toàn diện 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao (trong đó, 8 chỉ tiêu vượt và 4 chỉ tiêu đạt kế hoạch), góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội 5 năm (trong đó, đã có 11 chỉ tiêu ước đạt và vượt so với mục tiêu kế hoạch 5 năm).

Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát; Điều hành linh hoạt các chính sách tài khóa, tiền tệ, giữ vững ổn định tỷ giá, lãi suất, đảm bảo thanh khoản, an toàn hệ thống, tăng trưởng tín dụng hợp lý (khoảng 17%); Nợ công giảm, còn khoảng 61,4% năm 2018.

Các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo; thu NSNN năm 2018 ước đạt trên 1,35 triệu tỷ đồng, tăng 3% so với dự toán và tăng 5,5% so với năm 2017, bội chi ước đạt 3,67%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì mức cao, chất lượng tăng trưởng cải thiện. Dự báo triển vọng GDP năm 2018 có thể tăng cao hơn 6,7%. Các ngành, lĩnh vực phát triển toàn diện, tạo động lực cho tăng trưởng. Cơ cấu lại nền kinh tế có bước chuyển biến tương đối rõ nét, thực chất hơn; thực hiện 3 đột phá chiến lược đạt nhiều kết quả quan trọng, cải cách thể chế được triển khai mạnh mẽ. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm, tiếp tục phát triển, đạt được nhiều kết quả quan trọng; công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được đẩy mạnh và đi vào thực chất; cải cách thủ tục hành chính, tinh gọn bộ máy được chú trọng…

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, báo cáo đánh giá giữa kỳ của Chính phủ đã cho thấy những kết quả tích cực và là tiền đề quan trọng để thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020. Sơ bộ việc thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế, xã hội và môi trường đến nay, nhiều chỉ tiêu có khả năng đạt hoặc vượt kế hoạch.

Ủy ban Kinh tế đánh giá: Báo cáo của Chính phủ đã nêu khá đầy đủ, toàn diện những kết quả đạt được cũng như một số hạn chế, vướng mắc của nền kinh tế-xã hội trong 03 năm vừa qua. Tuy nhiên, để thấy rõ hơn những kết quả đạt được và tiếp tục duy trì những thành tựu, bảo đảm tính bền vững trong phát triển kinh tế, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ quan tâm, đánh giá kỹ hơn một số vấn đề, cụ thể:

Tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) dự báo đạt ở mức cao, vì vậy cần phân tích rõ động lực của tăng trưởng này để bảo đảm duy trì mức tăng trưởng một cách ổn định.

Lạm phát đang được kiểm soát, nhưng áp lực lạm phát cuối năm còn tiềm ẩn do một số yếu tố như thiên tai, bão lũ và những bất ổn về kinh tế của khu vực và thế giới. Ủy ban Kinh tế đề nghị đánh giá hiệu quả điều hành chính sách giá thông qua việc điều chỉnh giá dịch vụ công mà Nhà nước cung cấp, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa bên cung ứng và bên sử dụng dịch vụ.

Về thị trường tiền tệ, việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng vẫn còn những vướng mắc do công tác triển khai và sự phối hợp giữa các ngành, các cấp còn chưa quyết liệt, thiếu đồng bộ, đặc biệt là trong công tác thu giữ tài sản bảo đảm, hoạt động thi hành án dân sự, giải quyết tranh chấp tại tòa án liên quan đến xử lý nợ xấu.

Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân của hiện tượng diễn biến ngược chiều nhau về quy mô vốn bình quân và quy mô bình quân lao động của DN ngoài Nhà nước đăng ký thành lập mới; tỷ lệ DN tạm ngừng hoạt động, chờ giải thể cao, gấp 1,5 lần so với cùng kỳ; đánh giá một cách đầy đủ hơn về thực trạng của DN.

Trên cơ sở thẩm tra Báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đánh giá, những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế-xã hội năm 2018 là chủ yếu, toàn diện trên nhiều lĩnh vực khác nhau, được cộng đồng quốc ghi nhận; thể hiện sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của các thành phần kinh tế, tạo không khí tích cực trong toàn xã hội trên cơ sở phát huy các kết quả đạt được trong giai đoạn 2016-2018, giải quyết những khó khăn, vướng mắc, từ đó biến thành các cơ hội phát triển để tiếp tục hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế-xã hội đặt ra trong hai năm 2019-2020./.

M.Thúy
 

Xem thêm »