“Vì một châu Á tươi đẹp”

20/09/2018
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

“Chúng tôi sẽ thực hiện các biện pháp tích cực để kiểm toán môi trường, đổi mới kỹ thuật và đẩy mạnh hợp tác nhằm đóng góp liên tục vào sự phát triển bền vững của châu Á, vì một châu Á tươi đẹp”, Chủ tịch Nhóm công tác về Kiểm toán môi trường của ASOSAI nhấn mạnh trong phiên họp toàn thể đầu tiên của Đại hội các cơ quan kiểm toán tối cao châu Á lần thứ 14 (ASOSAI 14).

Toàn cảnh Phiên họp toàn thể lần thứ nhất

Thúc đẩy kiểm toán hợp tác

Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề môi trường và vai trò của cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) trong bảo vệ môi trường, tại Đại hội ASOSAI lần thứ 8 diễn ra ở Chiang Mai, Thái Lan vào tháng 10.2000, ASOSAI đã thành lập Nhóm công tác về Kiểm toán môi trường (ASOSAI WGEA). Mục tiêu của ASOSAI WGEA là phát triển việc nghiên cứu về kiểm toán môi trường, tăng cường mối quan hệ với Nhóm công tác về Kiểm toán môi trường của Tổ chức quốc tế các cơ quan kiểm toán tối cao (INTOSAI WGEA), tham gia vào các hoạt động quốc tế về kiểm toán môi trường. Tính đến nay, ASOSAI WGEA có 32 SAI thành viên, trong đó có Kiểm toán Nhà nước Việt Nam.

Kể từ Đại hội lần thứ 13 vào tháng 2.2015 đến nay, ASOSAI WGEA đã có nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy kiểm toán môi trường ở châu Á. Bà Hu Zejun, Chủ tịch ASOSAI WGEA và Tổng Kiểm toán Nhà nước Trung Quốc, cho biết Nhóm công tác đã tổ chức 2 cuộc hội thảo về kiểm toán môi trường. Cụ thể, tháng 10.2016, 19 SAI châu Á đã thảo luận về chủ đề Kiểm toán kết quả thực hiện chính sách môi trường và Vai trò của các SAI trong việc thúc đẩy phát triển bền vững quốc gia. Tiếp đó, tại hội thảo vào tháng 1.2018 các SAI tập trung vào 2 chủ đề: Ứng dụng Công nghệ thông tin trong kiểm toán môi trường và Đặc trưng của kiểm toán môi trường.  Ngoài ra, Nhóm còn tiến hành 2 cuộc điều tra sử dụng bảng hỏi, thu thập một số tài liệu kiểm toán môi trường châu Á.
Đặc biệt, để thúc đẩy sự phát triển của kiểm toán môi trường trong khu vực, tháng 1 năm nay, ASOSAI WGEA đã quyết định thực hiện cuộc kiểm toán hợp tác về Bảo vệ môi trường nước, với sự tham gia của 10 SAI thành viên và 2 dự án nghiên cứu theo chủ đề Ứng dụng công nghệ dữ liệu lớn trong kiểm toán môi trường và Kiểm toán xóa đói giảm nghèo, cải thiện môi trường sống ở khu vực nông thôn với sự tham gia của 9 SAI thành viên. “Cả 3 dự án này đang trong quá trình thực hiện”, bà Bà Hu Zejun cho hay. Cũng theo Chủ tịch ASOSAI WGEA, nhiều SAI châu Á đã tích cực bày tỏ sẵn sàng đối với hoạt động kiểm toán môi trường hợp tác và cam kết thúc đẩy kiểm toán hợp tác.

Với tư cách là Chủ tịch của Nhóm công tác về kiểm toán môi trường của INTOSAI, ông Moermahadi Soerja Djanegara, Chủ tịch Ủy ban Kiểm toán Nhà nước Indonesia đánh giá cao việc ASOSAI WGEA lần đầu tiên thực hiện kiểm toán hợp tác về bảo vệ môi trường nước.  “Khi hợp tác cùng nhau, chúng ta sẽ kết hợp được các kỹ năng, cùng học hỏi, chia sẻ và phát triển”, ông nhấn mạnh.
 
Các đại biểu trao đổi bên lề Phiên họp toàn thể 
“Việc đào tạo là không thể dừng lại”
 
Chia sẻ kinh nghiệm về kiểm toán môi trường, ông Moermahadi Soerja Djanegara, cho rằng: “Chúng ta có sức mạnh to lớn về công nghệ nhưng chúng ta cũng cần bộ não của những kiểm toán viên có tay nghề để đưa ra quyết định cuối cùng”. Theo ông, “kiểm toán viên cần phải có công cụ và hướng dẫn cụ thể để tự tin thực hiện những cuộc kiểm toán môi trường hiệu quả và có chất lượng cao”. Vì thế, “việc đào tạo là không thể dừng lại”. Bên cạnh đó, ông Moermahadi Soerja Djanegara cũng gợi ý một số vấn đề rất quan trọng trong kiểm toán môi trường các SAI thành viên của ASOSAI, bao gồm việc quản lý tài nguyên nước, quản lý rác thải, quản lý tài nguyên rừng, phòng chống tình trạng ô nhiễm không khí và chuẩn bị hoàn thiện các mục tiêu của Chương trình phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc”.

Trao đổi với báo chí bên lề phiên họp toàn thể lần thứ nhất của Đại hội ASOSAI 14 vào hôm qua, bà Hu Zejun, Tổng Kiểm toán Nhà nước Trung Quốc nhận xét, chủ đề của ASOSAI năm nay là “Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững” là “rất hay, không chỉ có ý nghĩa đối với sự phát triển bền vững của châu Á mà còn rất quan trọng đối với việc bảo vệ môi trường sinh thái toàn cầu và sự phát triển bền vững của nhân loại”.

Bà cho biết, Chính phủ Trung Quốc rất chú trọng đến bảo vệ hệ môi trường sinh thái và cơ quan kiểm toán Trung Quốc luôn nỗ lực xây dựng một môi trường kiểm toán để thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững. “Từ năm 1998, chúng tôi đã thành lập cơ quan kiểm toán môi trường. Chúng tôi có thể chia sẻ với các bạn một số vấn đề như phương thức tổ chức môi trường kiểm toán phải thống nhất đồng bộ trong cả nước, tức là các đơn vị kiểm toán địa phương phải tiến hành đồng bộ từ phương thức tổ chức, thực hiện. Ví dụ năm ngoái, chúng tôi tổ chức đoàn kiểm toán đi kiểm tra môi trường sinh thái ở lưu vực sông Trường Giang, chúng tôi đã yêu cầu 11 đơn vị kiểm toán địa phương tham gia và kết quả đạt được khá tốt”.

Theo chia sẻ của bà Hu Zejun, cơ quan kiểm toán Trung Quốc còn ứng dụng công nghệ BIG DATA trong phương thức kiểm toán và nó rất hữu ích. “Chúng tôi đã thành lập một đội phân tích số liệu. Khi có một dự án kiểm toán, sẽ tận dụng tối đa hệ thống thông tin, kĩ thuật vệ tinh viễn thám, cộng hưởng số”. Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước Trung Quốc xây dựng một hệ thống dự án kiểm toán môi trường để thúc đẩy phổ cập kiểm toán môi trường và xây dựng đội ngũ kiểm toán viên chuyên trách về môi trường.
Hôm nay, 20.9, trong khuôn khổ Đại hội ASOSAI 14 sẽ diễn ra hội nghị chuyên đề lần thứ 7, tại đây các SAI thành viên trình bày báo cáo quốc gia và thảo luận về chủ đề “Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững”.

Hà Lan
 

Xem thêm »