UBTVQH thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)

13/07/2018
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), sáng 13/7/2018, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, UBTVQH cho ý kiến về một số vấn đề còn những ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên thảo luận

Báo cáo trước UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến lần thứ hai về dự án Luật PCTN sửa đổi. Ngay sau kỳ họp, dưới sự chỉ đạo của UBTVQH, Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (UBTP) đã phối hợp cùng Cơ quan trình dự án và các cơ quan hữu quan tích cực nghiên cứu đầy đủ ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện một bước dự thảo Luật.

Theo Chủ nhiệm UBTP, một số nội dung lớn còn có những ý kiến khác nhau gồm: Thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập (Điều 32 dự thảo Luật do Chính phủ trình – dự thảo Luật); . Đối tượng kê khai tài sản, thu nhập (Điều 37 dự thảo Luật);  Xử lý tài sản, thu nhập mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc (Điều 59 dự thảo Luật).

Liên quan đến vấn đề thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập, Chủ nhiệm UBTP Lê Thị Nga cho biết, nhiều ý kiến ĐBQH tán thành với phương án 2 của dự thảo Luật, theo đó giao cho Thanh tra Chính phủ; Thanh tra các Bộ, ngành; Thanh tra cấp tỉnh kiểm soát tài sản, thu nhập của những người thuộc diện kê khai công tác tại các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và chính quyền địa phương; các cơ quan khác và tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội chịu trách nhiệm kiểm soát tài sản, thu nhập của người thuộc diện kê khai công tác trong cơ quan, tổ chức mình.

Một số ý kiến ĐBQH tán thành với phương án 1 của dự thảo Luật, theo đó giao cho Thanh tra Chính phủ; Thanh tra các Bộ, ngành; Thanh tra cấp tỉnh kiểm soát tài sản, thu nhập của các đối tượng có nghĩa vụ kê khai. Cũng Có ý kiến đề nghị thành lập cơ quan chuyên trách thực hiện việc kiểm soát tài sản, thu nhập.

Liên quan đến quy định về đối tượng kê khai tài sản, thu nhập (Điều 37 dự thảo Luật), có nhiều ý kiến tán thành tán thành với việc mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai như quy định của dự thảo Luật. Bên cạnh đó,  một số ý kiến đề nghị thu hẹp đối tượng có nghĩa vụ kê khai, tập trung vào các vị trí có nguy cơ tham nhũng cao để phù hợp với năng lực của cơ quan kiểm soát và khả năng đầu tư nguồn lực cho việc kiểm soát tài sản, thu nhập của các đối tượng này.

Về nội dung nêu trên, UBTP cho rằng, hạn chế, vướng mắc trong kiểm soát tài sản, thu nhập thời gian qua có nguyên nhân từ những quy định chưa hợp lý của Luật Phòng, chống tham nhũng hiện hành như: Quy định mọi đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập đều áp dụng chung một biện pháp kê khai; theo dõi biến động, xác minh tài sản, thu nhập mà không phân biệt các nhóm đối tượng cần phải có mức độ kiểm soát khác nhau; quy định về căn cứ tiến hành xác minh vừa hẹp, vừa mang tính tùy nghi; chưa có quy định để xử lý tài sản, thu nhập không giải trình được hợp lý về nguồn gốc.

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, Chủ nhiệm UBTP cho biết, dự thảo Luật đã phân biệt rõ các nhóm đối tượng khác nhau để áp dụng phương thức kê khai, căn cứ xác minh tài sản, thu nhập và xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc. Các quy định này cơ bản đáp ứng yêu cầu tập trung kiểm soát tài sản, thu nhập của những người công tác tại các vị trí có nguy cơ tham nhũng cao, đồng thời bảo đảm phù hợp với năng lực của cơ quan kiểm soát và khả năng đầu tư nguồn lực cho việc kiểm soát tài sản, thu nhập. Do đó, UBTP và Cơ quan trình dự án đề nghị cho giữ quy định về mở rộng phạm vi đối tượng có nghĩa vụ kê khai như Điều 37 của dự thảo Luật do Chính phủ trình.

Về phương án xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc, báo cáo của UBTP cho biết, nhiều ý kiến ĐBQH tán thành với phương án thu thuế thu nhập cá nhân và đề nghị, sau khi có kết luận xác minh thì cần phân biệt: Tài sản, thu nhập có dấu hiệu do phạm tội mà có thì chuyển vụ việc sang cơ quan điều tra để xử lý; tài sản, thu nhập có dấu hiệu do vi phạm pháp luật mà có thì chuyển vụ việc sang cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính để xử lý; tài sản, thu nhập hợp pháp nhưng chưa nộp thuế thì chuyển vụ việc sang cơ quan quản lý thuế để xử lý theo quy định của pháp luật về thuế hiện hành.

Riêng tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc và cơ quan nhà nước cũng chưa chứng minh được do vi phạm pháp luật, do phạm tội mà có thì chuyển sang cơ quan quản lý thuế để thu thuế thu nhập cá nhân; đồng thời, sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân để bổ sung loại thu nhập này là thu nhập chịu thuế và thuế suất (Phương án thu thuế thu nhập cá nhân).

Một số ý kiến tán thành với phương án 2 của dự thảo Luật là xử phạt hành chính đối với người có nghĩa vụ kê khai không trung thực, không minh bạch trong giải trình nguồn gốc tài sản, thu nhập (phương án xử phạt hành chính)…

Tranh luận về vấn đề này, một số ý kiến cho rằng, việc lựa chọn phương án đánh thuế thì phải làm rõ vấn đề về căn cứ thu thuế, không phải cứ không rõ nguồn gốc là đánh thuế. Một số ý kiến đề xuất cần có các quy định cụ thể về giao dịch, chuyển tiền qua hệ thống ngân hàng, qua đó góp phần minh bạch hóa về nguồn gốc tài sản. Một số ý kiến bày tỏ băn khoăn về thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập, khi giao cho Thanh tra Chính phủ, Thanh tra các bộ, ngành, Thanh tra cấp tỉnh kiểm soát tài sản, thu nhập của những người thuộc diện kê khai công tác tại các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và chính quyền địa phương thực sự có hiệu quả hay không?

Về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, Dự án Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi) đã được chuẩn bị công phu và qua 2 kỳ họp Quốc hội. Tuy nhiên, về xử lý tài sản, thu nhập mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc quy định như trong dự thảo chưa thuyết phục cả về cơ sở pháp lý và thực tiễn; việc đánh thuế 45% đối với tài sản không giải trình được hợp lý về nguồn gốc cũng chưa có cơ sở thuyết phục. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, sau phiên họp thứ 25, cơ quan soạn thảo tiếp tục tiếp thu kinh nghiệm quốc tế và mời các cơ quan trong Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng và các cơ quan liên quan để tiếp tục xin ý kiến, hoàn thiện dự thảo Luật theo hướng thuyết phục.

Chiều cùng ngày, UBTVQH bế mạc Phiên họp 25. Trước đó, UBTVQH cho ý kiến về về dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với Thành phố Cần Thơ; Tổng kết kỳ họp thứ 5 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội./.

Ngọc Bích
 

Xem thêm »