Xây dựng Kiểm toán Nhà nước trở thành cơ quan kiểm toán việc quản lý và sử dụng tài chính, tài sản công có trách nhiệm, uy tín, chuyên nghiệp và hiện đại

09/07/2014
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

TS. Nguyễn Hữu Vạn, Ủy viên TW Đảng, Tổng Kiểm toán Nhà nước

TS. Nguyễn Hữu Vạn, Ủy viên TW Đảng, Tổng Kiểm toán Nhà nước


(kiemtoannn.gov.vn) - Kiểm toán Nhà nước Việt Nam (KTNN) được thành lập vào ngày 11/7/1994 trong công cuộc đổi mới đất nước và tiến trình cải cách nền hành chính quốc gia. Sự ra đời và phát triển KTNN là một tất yếu khách quan, đánh dấu một bước phát triển mới của hệ thống các công cụ kiểm tra, kiểm soát của Nhà nước ta. Hai mươi năm cho một chặng đường phát triển không phải là dài, nhưng với KTNN từ một tổ chức không có tiền thân, đến nay đã trở thành một thể chế được hiến định trong Hiến pháp thực sự là một chặng đường phát triển vẻ vang. Hai mươi năm xây dựng và phát triển, KTNN đã có những bước tiến vững chắc, khá toàn diện, thể hiện trên các mặt sau đây:

KTNN đã từng bước tạo lập môi trường pháp lý làm căn cứ cho tổ chức và hoạt động kiểm toán. Khi mới thành lập, KTNN là cơ quan thuộc Chính phủ. Luật KTNN có hiệu lực thi hành từ đầu năm 2006 đã xác định địa vị pháp lý mới của KTNN là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Cùng với Luật KTNN, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Luật phòng, chống tham nhũng...cũng đã thể chế nhiều nội dung liên quan đến trách nhiệm của KTNN. Trong phạm vi thẩm quyền, Tổng KTNN cũng đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để quản lý, điều hành hoạt động kiểm toán theo hướng công khai, minh bạch. Sau 15 năm thành lập, năm 2010, UBTVQH đã phê duyệt Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020. Đặc biệt, Hiến pháp năm 1992 sửa đổi có hiệu lực từ 01/01/2014 đã bổ sung Điều 118 để Hiến định địa vị pháp lý của KTNN và Tổng KTNN. Từ cơ quan được Luật định, KTNN đã trở thành cơ quan được Hiến định và vị thế, vai trò, trách nhiệm trong kiểm toán hoạt động quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công được nâng cao.

Tổ chức bộ máy và nguồn nhân lực KTNN đã có bước phát triển vượt bậc, không ngừng được củng cố và hoàn thiện phù hợp với vai trò, vị trí của KTNN trong từng giai đoạn phát triển. Với mô hình quản lý tập trung, tổ chức bộ máy của KTNN đến nay gồm 32 đơn vị trực thuộc, trong đó có 8 KTNN chuyên ngành và 13 KTNN khu vực. Đội ngũ và chất lượng cán bộ cũng có bước phát triển vượt bậc, đến nay có gần 2.000 người, 100% đội ngũ kiểm toán viên đều có trình độ từ đại học trở lên. KTNN đã chú trọng thực hiện đồng bộ từ khâu tuyển dụng, đặc biệt là thu hút các sinh viên xuất sắc, thủ khoa từ các trường đại học, đồng thời thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng và rèn luyện, thử thách qua điều động, luân chuyển và giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, công chức. Đội ngũ lãnh đạo, quản lý của KTNN cơ bản đảm bảo tiêu chuẩn, phát huy được năng lực. KTNN cũng đã đa dạng hóa các hình thức đào tạo, cử hàng trăm lượt công chức đi học tập, nghiên cứu, tham gia các hội thảo ở nước ngoài. Hiện nay, KTNN đang triển khai các điều kiện để thành lập Trường Đào tạo và bồi dưỡng cán bộ riêng của ngành nhằm từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức tiến tới chuyên nghiệp hóa.

Hoạt động KTNN ngày càng được mở rộng, quy mô hoạt động kiểm toán đều tăng dần hợp lý qua từng năm, đa dạng về loại hình và phương thức kiểm toán, tiến bộ về chất lượng kiểm toán và hiệu quả kiểm toán, nhất là sau khi có Luật KTNN và Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020.  Những kiến nghị của KTNN trong từng cuộc kiểm toán ngày càng đa dạng, cụ thể và có chất lượng hơn, được Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương sử dụng ngày càng nhiều trong xem xét, giám sát, phê chuẩn dự toán, quyết toán NSNN và thực hiện chính sách pháp luật; các đơn vị được kiểm toán khắc phục những yếu kém, bất cập, hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả sử dụng tài chính, tài sản công. Trong 5 năm gần đây, hầu hết ngân sách các bộ, cơ quan trung ương, các tỉnh, thành phố, các tập đoàn kinh tế nhà nước đều được kiểm toán ít nhất 2 năm một lần, các thành phố lớn được kiểm toán hàng năm. Trong hoạt động kiểm toán, KTNN đã tiến hành đồng thời 03 loại hình kiểm toán, trong đó thời gian đầu tập trung kiểm toán báo cáo tài chính và kiểm toán tuân thủ, đến nay, tỷ trọng loại hình kiểm toán hoạt động đang dần được nâng lên. Thực hiện Luật KTNN, từ năm 2006, KTNN đã tham gia thảo luận về dự toán NSNN, đây là tiền đề quan trọng để KTNN tổ chức phương thức kiểm toán trước một cách hiệu quả với điều kiện khi có đầy đủ cơ sở pháp lý. Việc cung cấp báo cáo kiểm toán, công bố công khai kết quả kiểm toán được thực hiện đúng quy định của pháp luật đã góp phần tăng cường tính minh bạch trong quản lý tài chính, tài sản công. Đồng thời, KTNN đã góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí bằng việc kiến nghị hoàn thiện nhiều cơ chế, chính sách.

Tổng hợp kết quả kiểm toán 20 năm qua, KTNN đã phát  hiện và kiến nghị xử lý tài chính 147.580 tỷ đồng, trong đó tăng thu NSNN 29.148 tỷ đồng, giảm chi NSNN 22.365 tỷ đồng. Tính riêng 5 năm gần đây, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 91.168 tỷ đồng, chiếm 62% tổng số kiến nghị xử lý tài chính trong 20 năm qua, trong đó tăng thu NSNN 14.290 tỷ đồng, giảm chi NSNN 14.527 tỷ đồng. KTNN cũng đã kiến nghị sửa đổi, hoặc huỷ bỏ hàng trăm văn bản sai quy định hoặc không còn phù hợp thực tế. Chỉ tính từ năm 2009 đến nay, KTNN đã kiến nghị sửa đổi bổ sung 206 văn bản, kiến nghị hủy bỏ 134 văn bản. Đây là những đóng góp thiết thực của KTNN với chức năng tư vấn của cơ quan kiểm tra tài chính nhà nước.

Hoạt động hợp tác quốc tế của KTNN Việt Nam ngày càng mở rộng về phạm vi và tăng cường về chiều sâu, tạo điều kiện để học tập, chia sẻ kinh nghiệm, thu hút nguồn lực nhằm tăng cường năng lực, góp phần tích cực vào quá trình hội nhập trong lĩnh vực kiểm toán. KTNN Việt Nam là thành viên tích cực, năng động và có nhiều đóng góp cho cộng đồng Tổ chức quốc tế các Cơ quan kiểm toán tối cao thế giới, khu vực Châu á và Đông Nam á; đã ký Thỏa thuận hợp tác quốc tế với 22 cơ quan Kiểm toán tối cao và nhiều tổ chức nghề nghiệp kế toán kiểm toán danh tiếng. Từ năm 2009, KTNN Việt Nam đã có sáng kiến thiết lập cơ chế đối thoại ba bên giữa 3 cơ quan KTNN Việt Nam-Lào-Campuchia.

Hoạt động của hệ thống chính trị, đoàn thể được tổ chức, quản lý tập trung thống nhất, hoạt động ngày càng hiệu quả, đóng góp quan trọng vào kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng đơn vị, xây dựng các tổ chức đoàn thể trong sạch, vững mạnh. Cùng với sự ra đời của KTNN, Đảng bộ KTNN đã được thành lập vào năm 1995. Việc củng cố, kiện toàn và phát triển tổ chức Đảng luôn được gắn liền với việc kiện toàn, phát triển tổ chức bộ máy của KTNN, đến nay, Đảng bộ KTNN là Đảng bộ cấp trên cơ sở có 32 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc với gần 1.200 đảng viên. Quá trình 20 năm xây dựng và phát triển, Đảng ủy KTNN đã lãnh đạo hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của ngành, góp phần nâng cao vai trò của KTNN.

Với những thành tích xuất sắc đã đạt được, KTNN đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng nhì, đây là phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước, ghi nhận những thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác của KTNN, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc trong suốt 20 năm xây dựng và phát triển.

Trong giai đoạn năm năm tới cũng như định hướng lâu dài, để hoàn thành chức năng, nhiệm vụ được giao, KTNN hết sức coi trọng phát triển bền vững về chất lượng với mục tiêu tổng quát là: "Nâng cao năng lực hoạt động, hiệu lực pháp lý, chất lượng và hiệu quả hoạt động của KTNN như một công cụ hữu hiệu của Nhà nước trong kiểm tra, giám sát quản lý và sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước; xây dựng KTNN có trình độ chuyên nghiệp cao, từng bước hiện đại, trở thành cơ quan kiểm tra tài chính công có trách nhiệm và uy tín, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, phù hợp với các thông lệ và chuẩn mực quốc tế”.

Để đạt được mục tiêu trên, định hướng và các giải pháp chính được KTNN xác định như sau: Một là, tập trung sửa đổi luật KTNN và đảm bảo tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật về chức năng, nhiệm vụ của KTNN theo Hiến định; Hai là, tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy KTNN theo mô hình quản lý tập trung thống nhất, đảm bảo tinh gọn, có đủ cơ cấu và lực lượng thực hiện nhiệm vụ; Ba là, nâng cao chất lượng, trình độ, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ công chức, viên chức; Bốn là, nâng cao một cách toàn diện năng lực, hiệu lực và hiệu quả kiểm toán; đẩy mạnh kiểm toán hoạt động để kiểm tra, đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; Năm là, phát triển cơ sở vật chất và khoa học - công nghệ thông tin; Sáu là, tích cực hội nhập và hợp tác quốc tế về KTNN; Bảy là, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, chủ động sáng tạo, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước gắn với việc thực hiện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

20 năm xây dựng và phát triển, vượt qua không ít khó khăn thách thức, KTNN Việt Nam đã tạo dựng được niềm tin với Đảng, Nhà nước và nhân dân. Phát huy những thành tựu đã đạt được, nhìn thẳng vào những tồn tại, yếu kém, toàn thể lãnh đạo, công chức, viên chức KTNN đồng lòng, đồng  sức xây dựng KTNN trở thành cơ quan kiểm tra tài chính, tài sản công có uy tín, có trách nhiệm với đất nước và cộng đồng quốc tế./.

Xem thêm »